Các ý kiến tại Hội thảo Nghị định về giấy phép kinh doanh tại Nghệ An

Thứ Ba 10:35 01-08-2006

Thái Đại Phong-Giám đốc công ty Đức Phong-chuyên sx ngành nghề hàng thủ công mỹ nghệ xk
 
Thực chất mà nói môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay đang từng bước cải thiện rất lớn từ chỗ là quản lý môi trường kinh doanh rất chặt chẽ, nay đã nới rộng và phạm trù mở rộng rất là lớn, hiện nay môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp đã đóng góp tích cực và từ chỗ đó phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên trong quá tình vận hành gặp rất là nhiều vấn đề mà nếu kể ra thì không hết. Đặc trưng thì tại doanh nghiệp tôi có một vấn đề thế này. Hiện nay doanh nghiệp tôi hoạt động trong lĩnh vực sản xuất mỹ nghệ xuất khẩu lực lượng sản xuất tại các làng nghề, các nông dân, bà con tại địa phương. Công tác hướng dẫn, đào tạo nghề là một vấn đề cấp bách, mà chính phủ đã có những động thái để mà hỗ trợ cho lực lượng này. tất nhiên trong nhiều năm chúng tôi đi dạy nghề, thì sẽ động chạm đến một số vấn đề. Ví dụ như vừa rồi chúng tôi đi đào tạo nghề cho một số địa phương, sở lao động có ý kiến nếu không có giấy phép dạy nghề thì chúng tôi sẽ không được dạy nghề, mặc dù chúng tôi đã đăng ký giấy phép kinh doanh trong đó có giấy phép kinh doanh sản xuất kinh doanh và đào tạo sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, và có đăng ký mục đào tạo nghề và đội ngũ giáo viên của chúng tôi cũng được đào tạo có chứng chỉ để đào tạo nghề. Khi chúng tôi lên hỏi sở lao động là làm thế nào để bảo đảm được tính pháp lý, thì họ trả lời là đưa cho chúng tôi một cuốn sách “những điều cần biết về công tác dạy nghề” và một cái fax là các anh thành lập và có quyết định của uỷ ban nhân dân thành phố hoặc huyện thành theo mục như thế. Việc tôi làm là của cả tỉnh chứ không phải một thành phố, thế nên chúng tôi đi xin giấy phép của sở kế hoạch đầu tư được không, thì Sở kế hoạch và Đầu tư cho là không được, phải tuân theo hướng dẫn của Bộ lao động, là tại chỗ hướng dẫn trong cuốn sách ấy. Nhưng mà trung tâm dạy nghề thì khi chúng tôi xin cấp giấy phép, thì không thể có tên trung tâm này được mà chỉ là chi nhánh dạy nghề. Chỗ này chúng tôi rất là bất cập và rất là lúng túng. Gần một năm trời mà chúng tôi vẫn vướng mắc giữa hai bộ ngành sở kế hoạch đầu tư và sở lao động. Chỗ này tôi vẫn thấy chưa thống nhất được, đó là một trong những tình tiết mà tôi thấy rằng về thủ tục và giấy phép ở các cấp các ngành thiếu sự đồng nhất và chưa có sự nhất quán nên ảnh hưởng rất lớn. Bản chất của chúng tôi thì chúng tôi là những doanh nghiệp, chúng tôi cũng muốn làm thế nào cho đúng pháp luật, làm thế nào cho có hiệu quả mà có vấn đề minh bạch mà chỗ này thì chúng tôi rất muốn như thế nhưng mà khi đi vào những cấp những ngành chúng tôi vẫn vướng vào những việc như thế. Tôi cũng đã phát biểu ở nhiều cuộc họp của tỉnh là chức năng của chúng tôi như thế, nên hằng năm cũng nên phân cho chúng tôi một ít ngân sách để chúng tôi đào tạo nghề cho bà con để chủ động trong sản xuất kinh doanh, bởi vì đây là lực lượng sản xuất kinh doanh của công ty chúng tôi nhưng mà được các ngành các cấp đã thông anh chưa có trung tâm nên chưa cấp ngân sách cho các anh được, mà chỉ cấp ngân sách cho các trung tâm dạy nghề của nhà nước quản lý chứ còn các trung tâm hay doanh nghiệp như chúng tôi thì không được cấp. Vậy thì đến khi chúng tôi xin giấy phép thì ngược lại vấp phải những điều mà chúng tôi đã trình bày ở trên. Chỗ này thì chúng tôi muốn kiến nghị để cho ban soạn thảo để nên làm như thế nào, như chúng tôi tham gia hội thảo về chương trình làm nghị định để quản lý kinh tế và chúng tôi là những doanh nghiệp chúng tôi chỉ mong mỏi rằng làm thế nào để quản lý nhất quán từ trên xuống dưới, không chồng chéo không vướng mắc và không ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Tất cả những vấn đề khó khăn rất là nhiều cho nên theo tôi chỗ này những vấn đề ban soạn thảo kiến nghị doanh nghiệp chúng tôi thì về phía doanh nghiệp chúng tôi là một trong những ý kiến rất là nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, nhưng chúng tôi thấy rằng đây là một việc hết sức cần thiết, và chúng tôi cũng muốn rằng nên có những hội đồng có thể quản lý chuyên ngành.
Tập đoàn lasco-Thuỷ Điển tại VN-Đại biểu cho CT CP Việt Sản:
            Thứ nhất là về quan điểm giấy phép kinh doanh cũ của mình. Vấn đề đầu tiên tôi xin nói về sự chồng chéo trong hội đồng quốc gia về giấy phép. Một doanh nghiệp bây giờ làm công tác đào tạo, thực hiện đào tạo tin học thì lên sở kế hoạch đầu tư đăng ký, sở đầu tư cho phép đào tạo tin học, nhưng vì đào tạo tin học là đào tạo nghề nên phải cầm cái giấy phép sang sở lao động thương binh xã hội, sở lao động thương binh xã hội sẽ cấp giấy đào tạo nghề, sau đó Sở GD-ĐT lại cho rằng phải có sự quyết định của Sở giáo dục và đào tạo, thế là bắt đầu tiếp tục cầm hai giấy phép đó sang sở GD-ĐT, sở GD-ĐT mới cấp cho 1 giấy phép đào tạo, như vậy về hệ thống luật để được một vấn đề là doanh nghiệp ra đào tạo tin học thì chúng ta phải qua tới 3 cơ quan, đây là về luật, còn bây giờ tôi xin nói về lệ. Lệ thì sang đến sở kế hoạch và đầu tư, sở lao động thương binh xã hội, sở GD-ĐT, mỗi chuyên viên viết vào một giấy phép chúng ta có cái lệ. Và nếu chúng ta không đưa lệ cho họ thì giấy phép của chúng ta cứ nằm ở đó. Như vậy đây là vấn đề bức xúc và chồng chéo trong quy định đăng ký giấy phép kinh doanh, vậy nên cân nhắc lại, xem xét lại. Vấn đề thứ hai là, ở trong giấy phép kinh doanh thì chúng ta có ngành nghề giấy phép kinh doanh, doanh nghiệp chúng ta chỉ đăng ký được hoạt động kinh doanh hoặc chức năng của doanh nghiệp là kinh doanh, không phải kinh doanh ngành nghề. Chúng ta bán các mặt hàng, sản xuất các mặt hàng, chứ đâu phải là kinh doanh ngành nghề. Như vậy thì cụm từ ngành nghề đăng ký trong giấy phép kinh doanh không hợp lý. Tôi cho rằng phải thay bằng hoạt động kinh doanh hoặc chức năng kinh doanh của doanh nghiệp, chứ bây giờ doanh nghiệp đăng ký là thương mại, thương mại là ngành nghề nhưng trong thương mại đó có bán cá, bán nước mắm, người bán cá, bán nước mắm đâu có được gọi là ngành nghề. Nên xem lại cụm từ này, nó không phù hợp.
 
            Tất cả các giấy tờ của các bộ máy quản lý nhà nước nó chỉ là bước kĩ thuật mà đôi khi chỉ cần một giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Còn  việc của chủ tịch tỉnh là do thủ tướng quy định nên năm loại giấy này cho năm bên cơ quan chức năng thì bước kỹ thuật ấy tỉnh phải tổ chức, khi đã cho doanh nghiệp quyền làm điểm a, b này thì cần phải thông báo cho cơ quan chức năng của cơ quan mình và tổ chức một lần kiểm tra trước khi cấp giấy phép thì doanh nghiệp sẽ đỡ cực khổ, phải làm sao cho doanh nghiệp tạo điều kiện. Còn một vấn đề nữa là làm vận tải, đây ngành kinh doanh có điều kiện, xăng dầu, phòng cháy các thứ nhiều rồi cho nên với đối tượng lái xe, thường lái xe học hết cấp 2 hoặc cấp 3. Ví dụ phải quản lý một khối lượng giấy tờ nhiều quá mà cảnh sát giao thông thì đứng bất kỳ chỗ nào để kiểm tra nào là đăng ký ô tô, bảo hiểm, giấy phép lái xe, nếu phải khẩu phải transit, hộ chiếu v.v…rất nhiều thứ. Một vấn đề nữa về hộ chiếu, chúng tôi làm về vấn đề thương mại chúng tôi đại diện cho ngành xăng dầu VN tái xuất xăng dầu sang Lào cho hai nhà nước. Thì có cái cấp hộ chiếu, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta vào AFTA, ASEAN, nhưng mà có việc đang làm  hàng chục năm nay  vẫn phải ra Hà Nội mà Cục xuất nhập cảnh ngoài kia không thể quản lý hết người trong này nên chỉ là có tờ giấy, nhưng tất cả đều được tập trung ra Hà Nội. Bởi vì như thế lại kéo theo hệ quả cách là tắc đường và khách sạn đắt là vì thế. Tất cả đều ra HN, trong lúc ấy, nếu việc đó giao cho phòng xuất nhập cảnh công an Nghệ An thì chắc quản lý chặt chẽ hơn, nếu phải làm quản lý như thế thì mới đúng. Ở đây có một điều sâu xa nữa là tôi có một đề nghị nếu chúng ta có một hội đồng tư vấn cho Chính phủ thì nên làm ngay, và chúng ta bỏ ngay cơ chế chủ quản của các bộ và các địa phương với DN . Cái nữa là tôi thấy có những địa phương mỗi nơi thực hiện mỗi kiểu, mỗi cách. Còn về việc giữ xe, giữ tài sản khi vi phạm, mà nói cho đến cùng là tài sản của dân là tài sản của đất nước và là phương tiện để kinh doanh, làm ra tiền để đóng góp thuế, thế mà xe lại bị giam, giam xong rồi thì để giữa trời giữa đất, đến lúc chủ doanh nghiệp hết phạt đưa về thì bị hỏng hóc và là vật vô tri vô giác, đó là phương tiện, vậy thì cá nhân của chủ xe nào đó nếu mà nó vi phạm thì phạt nặng thậm chí là cắt nghề, nhưng phương tiện thì phải được giải phóng chứ. Thứ ba:  Đi đến đâu là phí là thuế, cầu đường thì nói rằng ít nhất là 70 km, nhưng có khi 70 km cả hai đầu đường đều có cầu đều phải thu. Tức là bây giờ sinh ra cái cầu nào là thu rồi chưa nói cái không chính thức tức là về huyện thì có đường huyện về xã thì có đường xã, về xóm thì có đường xóm. Chi phí lớn quá và khó cho các doanh nghiệp.  
* Đại diện doanh nghiệp tại Nghệ An
 
Thứ nhất là nói đến những lĩnh vực mà qui định các doanh nghiệp phải giảm tối thiểu, giảm hết sức, không nên mở rộng, càng giảm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu theo dây chuyền. Điều 5, các lĩnh vực kinh doanh cần phải quản lý để có thể thấy quy định thế này là quá rộng. Ở đây có 3 điểm: điểm a, điểm b, điểm c, có lẽ chúng ta có thể thấy rõ vấn đề lớn nhất. Về điểm a, đó là các hoạt động có tác động thực tiễn đến an ninh công cộng, biện pháp kinh tế vĩ mô và bảo vệ môi trường sinh thái, tôi thấy việc này trừu tượng quá. Bởi vì có lẽ nhiều lĩnh vực sẽ ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng và biện pháp kinh tế vĩ mô, vậy thì có thể nói thế này các bộ quản lý lương có thể ghi vào đây, có thể đẻ ra nhiều thứ quá, có thể lấy từ gì nó phải cô đọng, cụ thể hơn, chứ để thế này các bộ có thể hỏi về quy định, lấy cớ để quy định doanh nghiệp. Vấn đề thứ hai, là hình thức của giấy phép, chúng tôi đề nghị trong giấy phép nên mặt trước, mặt sau phải quy định những điều gì doanh nghiệp cần phải có để làm. Thứ hai là hình thức của hoạt động kinh doanh sẽ rất rộng tức là sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới mọi hình thức như là đăng ký chấp thuận đồng ý phê duyệt và các đối tác thì chúng tôi thấy nếu quy định như thế này thì có thể các bộ, các cơ quan nhà nước có thể họ sẽ ẩn, họ có thể đẻ ra các cơ quan quản lý, nhưng không quản lý được.
*Đại diện doanh nghiệp tại Nghệ An
Thứ nhất là văn bản hướng dẫn Luật, Nghị định và các chỉ thị là thiếu chặt chẽ. Một văn bản nhưng áp dụng thì mỗi người một khác. Cùng một văn bản ấy, nhưng Cục thuế Vinh là áp dụng khác, Cục thuế Đô Lương áp dụng khác, mà văn bản hướng dẫn cán bộ thi hành cái nhiệm vụ đó thì mỗi người mỗi khác không ai giống ai. Ví dụ , trước đây quy định mỗi xe ô tô phải có một môn bài, thế thì một đơn vị có 3 ô tô thì liên chi cục thuế quy định phải có 3 môn bài, trong đó có một doanh nghiệp, tổng công ty 90-91, có 850.000 một môn bài một năm, thế thì một năm doanh nghiệp người ta nhập 3 ô tô thì mất hơn 2 triệu một năm thuế. Trong lúc đó hướng dẫn của Bộ tài chính về thuế, thu thuế môn bài thì đó là điều hoàn toàn không chặt chẽ. Văn bản thì quy định như vậy nhưng khi áp dụng, thì cán bộ hiểu thế nào cũng được. Theo tôi, điều khoản thi hành Nghị định này là quá chặt, thời hạn 90 ngày kể từ ngày Nghị định có hiệu lực các bộ, các cơ quan hoặc uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc TƯ phải báo cáo hội đồng danh mục giấy phép này. Hoặc là trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày nhận báo cáo … Tôi nghĩ rằng trong thời gian chúng ta đợi mọi nghị định, giấy phép con này chưa ra đời được thì giấy phép con khác đã xuất hiện, cần xem lại thời hạn.  Điều 1 phạm vi quá rộng cho nên cần phải cụ thể hơn, cần phải cụ thể, chi tiết hơn. Thứ hai là ở điều khoản thứ hai này cần phải ngắn gọn hơn, thời gian phải ngắn hơn.
 
*Nguyễn Văn Hiểu - Giám đốc Cty trách nhiệm hữu hạn
Xin có một vài ý kiến.
Thứ nhất là góp ý cho Nghị định về quản lý hệ thống giấy phép kinh doanh, cần thiết phải có hội đồng vừa là soạn thảo, vừa là giám sát, thực thi Nghị định này.
Thứ hai là đề nghị trong soạn thảo là phải có một khung chung để cho doanh nghiệp bắt đầu, điều đó rất cần thiết. Bởi vì nếu không có khung để doanh nghiệp bắt đầu thì doanh nghiệp vẫn cứ phải vất vả bởi cơ quan công quyền. Mà cụ thể là phải bỏ được giấy phép con.
Thứ ba, hội đồng bên trên để mà giám sát, để tiêu chuẩn hoá doanh nghiệp là cần thiết.
Cụ thể như đơn vị chúng tôi, bây giờ cứ bắt cấp cho giấy phép kinh doanh cho đơn vị hoạt động. Khi hoạt động rồi thì chúng tôi không làm sai luật là được. Ví dụ như chúng tôi là công ty tư vấn xây dựng và dịch vụ, theo chúng tôi hiểu cái từ dịch vụ ở đây thì có quyền làm tất cả các dịch vụ . Ví dụ như trong cơ quan chúng tôi đã thành lập được trung tâm chữa bệnh cho người nghèo và chúng tôi có thể hoạt động được khi Sở Kế hoạch và Đầu tư cho phép. Tôi không cần phải đến lại Sở Y tế để xin và giám sát. Tôi nghĩ không cần phải đến Sở Y tế để xin mà chỉ đến Sở KH và ĐT người ta đã cấp rồi vì Sở KH và Đầu tư cũng đã quản lí, đã đưa bằng cấp các bác sĩ đến, lương y đến và các dược sĩ đến. Giải quyết như thế sẽ có cái khung, thì chúng tôi cũng đang bỡ ngỡ ở chỗ cái khung này không biết có sai hay không. Do đó là đề nghị trong quá trình soạn thảo thì nên có cái khung để cho các doanh nghiệp hoạt động cho tốt hơn.
 
*Lê Dũng
Tôi xin có ý kiến về cái nghị định này. Ở trong cái nghị định này của ban soạn thảo đang tiến hành soạo thảo, nhìn chung cái tiêu chí về quản lí kinh doanh của cả nước. Báo cáo về TƯ, báo cáo về ban soạn thảo về tình hình hoạt động giấy phép ở dưới. Về hội đồng thì tôi có ý kiến là – lập một cái hội đồng này để quản lí hệ thống giấy phép thì khó quá. Ban soạn thảo là ban quản lí hệ thống giấy phép, hội đồng quốc gia như hội đồng an ninh quốc gia có giấy phép thì nó còn dễ - nhưng hội đồng để mà kinh doanh, tôi có cảm giác là nó hơi to- có thể cồng kềnh về măt quản lí nhà nước.
Cái thứ hai là cái nghị định này mang tính chất là điều chỉnh các hoạt động ở các cấp sở báo cáo tổng hợp. Còn chi tiết về măt quản lí thì nó chưa cụ thể. Hoặc thời gian về điều chỉnh hành vi báo cáo quá dài. Bởi vì kinh doanh bây giờ thì phải cấp tốc, còn đăng kí được hay không được thì thời gian phải hợp lí cho các đơn vị đăng kí.
Thứ ba là về giấy phép thì có ý kiến cho rằng một số các đơn vị có giấy phép con nhưng mà đây tôi đề cập đến các loại giấy phép – có rất nhiều loại giấy phép – có những loại giấy phép không được kinh doanh – tôi chỉ đề cập đến loại kinh doanh. Tôi lấy ví dụ là doanh nghiệp mà có đăng kí pháp nhân được cấp rồi nhưng có khi hội đồng quản trị của doanh nhiệp đó thành lập ra một chi nhánh hoặc là một đơn vị để mà tổ chức quản lí kinh doanh lên Sở KHĐT để cấp, vậy là thêm một giấy phép nữa. Như vậy là một doanh nghiệp lại có hai giấy phép, ba giấy phép như vậy có hợp lý không? Bởi vì khi đội quản trị của DN này quyết định thành lập một đơn vị thứ hai thì trong giấy phép kinh doanh của DN chính thức thì Sở KHĐT  cũng đã đăng kí rõ ràng ngành nghề kinh doanh và chức năng trong đấy đăng kí rồi, doanh nghiệp thành lập nên bộ phận nữa thì cùng chung ngành nghề đó, chỉ tách ra thành nhiều mảng để tăng qui mô, cơ cấu của tổ chức lên thì lại phải qua Sở KHĐT cấp lần nữa, rồi sở KHĐT lại quyết định thành lập rồi cấp giấy phép kinh doanh trong Xí nghiệp kia, như vậy là không hợp lý.
Thứ ba là bây giờ các hoạt động của các giấy phép kinh doanh ở một số bộ thì gần như là địa phương, là vẫn kinh doanh nhưng mà không có giấy phép, hoạt động rất là nhiều nhưng kinh doanh không có giấy phép. Vậy nghị định này có điều chỉnh được tình hình hoạt động của những trường hợp này không?
 
*Anh Hải
Tôi thấy Nghị định này rất cần thiết để ban hành nhưng với một nội dung không phải như thế này vì nội dung đọc rất chung - luật đã chung rồi bây giờ ban hành nghị định anh lại làm chung chung, thông tư lại không rõ ràng thì lấy cái gì để hiểu? Cái này cần phải rõ ràng, chi tiết hơn và tôi xin tham gia một số ý kiến cụ thể như sau:
Thứ nhất là trong Nghị định thì thực tế như hiện nay là có một số cơ quan ban ngành đã ban hành quá nhiều giấy phép, giấy phép quản lí tràn lan. Nghị định này mục đích để quản lí được giấy phép kinh doanh, quản lí thế nào đó để quá trình ban hành nó chặt chẽ hơn. Tức là nó không phải lạm quyền. Bây giờ ở chúng tôi có nhiều cái ban hành cũng khá lạm quyền, nhưng cũng không biết làm thế nào cả vì “cha nói con phải nghe”. Về cái thẩm quyền ban hành giấy phép kinh doanh,  không biết là ai ban hành thế nào, ban hành ra sao? Cần phải nghiên cứu lại vấn đề này.
Còn về nội dung Nghị định này tôi xin có ý kiến như sau.
Thứ nhất là quy định giấy phép kinh doanh chỉ có thể được áp dụng để quản lí hoạt động kinh doanh thôi, cái cụm “chỉ có thể” nên bỏ vì nó không cần thiết. Cần bổ sung lĩnh vực đào tạo giáo dục dạy nghề cần có giấy phép. Ví dụ đăng kí ngành nghề là đăng kí kinh doanh ngành nghề giáo dục đào tạo nghề nhưng mà khi đi vào hoạt động thì lại được sự đồng ý của sở lao động và thương binh xã hội mới được giáo dục đào tạo nghề. Thêm nữa là khoản 2 của cái điều này - giấy phép kinh doanh chỉ có áp dụng khi không có tác động của công cụ quản lí khác...Tôi thấy cái này không cần thiết, nên bỏ khoản này.
Tôi xin góp ý về Chương 2, hội đồng quốc gia về giấy phép kinh doanh. Thì hội đồng theo tôi là có cả phương án cứng và phương án mở. Ví dụ, tôi thấy là hội đồng chấm luận án tiến sỹ chẳng hạn, thì phải mời một số chuyên gia đầu ngành về cái lĩnh vực liên quan đến nó thì người ta mới có chuyên môn chuyên sâu. Còn những thành viên hội đồng là cứng, cứng đối với những người nào thì các anh nên xem xét qui định lại cái cứng. Và thành viên mở là có trình độ năng lực và chuyên ngành về cái lĩnh vực. Bây giờ mà đưa chung chung thế này không thể nói hội đồng đó hoạt động có hiệu quả, hiệu lực được. Một vấn đề nữa là, thẩm quyền, nhiệm vụ của hội đồng là giám sát nghị định đã ban hành và thực hiện các qui định giấy phép kinh doanh. Tôi không biết là có mâu thuẫn với luật ban hành văn bản vi phạm pháp luật hay không. Tôi thấy nó mâu thuẫn giữa ban hành các quy phạm, bởi vì nếu quy định thế này thì tôi nghĩ các Bộ ngành sẽ có ý kiến. Một vấn đề khác là tôi thấy Nghị định quá nâng cao vai trò của phòng thương mại công nghiệpViệt Nam vì chuyện đề xuất giám sát, kiến nghị không phải chỉ có phòng thương mại và công nghiệp VN mà phòng thương mại công nghiệp VN là đại diện là quản lý nhà nước một mảng đấy thôi còn các Sở ban ngành người ta hàng ngày hàng giờ người ta liên quan đến mảng đấy, ví dụ Bộ xây dựng hoặc Sở xây dựng hoặc Sở tài nguyên môi trường liên quan đến từng mảng nên hiểu được bây giờ nên ban hành hay nên loại bỏ Giấy phép đó, chính những người đó là người quản lý và đồng thời kết hợp với các cộng đồng doanh nghiệp sẽ xem xét Giấy phép đó.  Cần  giải thích thêm về giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
 
*Đại diện doanh nghiệp tại Nghệ An
Theo tôi, việc hội đồng quốc gia cũng có thể tiến hành được, nhưng chỉ nên một vài Bộ làm thôi trừ những việc cấp giấy phép của ở kế hoạch đầu tư và nên có cả Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tham gia Hội đồng này. Về Hội đồng quốc gia Dự thảo quy định để thời gian là 180 ngày, 90 ngày, họăc 1 năm, tôi nghĩ là nên rút xuống nửa so với dự án, chẳng hạn 90 ngày thì rút xuống 45 ngày để thể hiện hội đồng quốc gia hết sức tích cực, từ 180 ngày còn 90 ngày, từ 1 năm còn nửa năm. Nên có một quy định trong Nghị định này là ghi rõ Uỷ ban nhân dân tỉnh hoặc một số Bộ ngành không được ra giấy phép con thì liệt kê những dạng nào không được, chứ để chung chung rất khó thực hiện, hội đồng nhân dân xã cũng có thể ra được những giấy phép con bắt các doanh nghiệp phải đóng góp, thế thì nên phải có điều khoản cấm những đơn vị nào, hoặc cơ quan nào cấp nào thì không được ra giấy phép con.  
*Đại diện doanh nghiệp ở Nghệ An
Thứ nhất là về Điều 1, Chương 1: những quy định chung về phạm vi điều chỉnh, về khoản 2 thì có quy định rằng Nghị định này không áp dụng đối với các trường hợp sau đây: khoản a: Giấy phép thành lập doanh nghiệp hoặc tổ chức kinh tế , tôi thấy trùng lặp, giấy thành lập doanh nghiệp và giấy phép kinh doanh, thì tôi cho rằng hai loại này tuy cách gọi khác nhau nhưng bản chất là một.
 Vấn đề thứ 2, điều 6 quy định các nguyên tắc quy định về giấy phép kinh doanh, thì khoản 1 có quy định: Giấy phép kinh doanh chỉ có hiệu lực khi được quy định ở Luật, Pháp lệnh hoặc Nghị định. Tôi cho rằng, quy định như vậy là chúng ta hạn chế quyền dân chủ. Mà chúng ta nên thay bằng quan điểm về kinh doanh của chúng ta là gì, kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm, chứ không phải kinh doanh cái gì mà pháp luật quy định. Vậy nên thay bằng, giấy phép kinh doanh chỉ có hiệu lực thi hành khi nội dung của giấy phép đó không phụ thuộc vào sự cấm đoán của pháp luật. Về điều 10, chương 2, hội đồng quốc gia về giấy phép kinh doanh. Về Điều 10, quyền và nghĩa vụ hội đồng thì tôi xin nêu khoản 2, quyền và nhiệm vụ của hội đồng, giúp Thủ tướng Chính phủ thẩm định sự cần thiết v.v…Đoạn này nên thay câu bằng câu thế này: “dự đoán trước được những sự việc phát sinh của giấy phép”, tức là phải dự đoán trước đấy chúng ta là giấy phép này, như thế phải có những sự việc tiếp theo phát sinh theo đó là gì, thì mới dự đoán để tham vấn, sửa đổi chứ không phải dự đoán trước nhưng gọi là của quy định về giấy phép đó, tôi cho rằng chỗ này không rõ ràng. Vấn đề thứ tư ở đây, điều 11, số lượng, tiêu chuẩn và nhiệm kỳ của thành viên hội đồng. Phòng thương mại và công nghiệp VN tổ chức đại diện cho doanh nghiệp nhưng bên cạnh đó, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp không phải chỉ có mỗi phòng thương mại và công nghiệp VN. Do vậy chúng ta không đặt nặng cái vấn đề phòng phải đại diện phòng thương mại công nghiệp VN vào đây nữa bởi vì hiệp hội doanh nghiệp công thương cũng đại diện cho doanh nghiệp VN, hiệp hội doanh nghiệp trẻ cũng địa diện cho doanh nghiệp VN thì chúng ta không nên cân nhắc trong 3 tổ chức này tổ chức nào nặng hơn, mà chúng ta nên thay đổi bằng tổ chức khác đi, các tổ chức kinh tế khác, hay các tổ chức phi chính phủ, hay là các tổ chức nào khác mà thành viên của ban soạn thảo thấy phù hợp. Nên để Phòng thương mại và Công nghiệp VN bình đẳng như các tổ chức đại diện doanh nghiệp khác. Thêm một vấn đề nữa là ở đây chỗ điều 18, tham vấn với các bên có liên quan. Khoản 4, điều 20, là trình dự thảo lấy ý kiến hội đồng. Khoản 2, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo, hội đồng có ý kiến bình luận bằng văn bản. Hiện tại các Sở kế hoạch đầu tư đã xây dựng giấy phép kinh doanh trong vòng một tuần rồi. Mà nếu như thành viên của chúng ta mà trong vòng 15 ngày thì hơi lâu. Chúng ta nên đưa sớm hơn nữa. Bởi vì một hội đồng chỉ làm việc này thôi, thì phải làm việc khẩn trương và làm hiệu quả, chứ chúng ta không đi lại các con đường cũ của các Nghị định trước, và theo tôi nên đưa xuống còn 7 ngày. Khoản 2, Điều 21: hàng năm, hội đồng đánh giá một số hoặc tất cả quy định về giấy phép kinh doanh. Hàng năm tức là mấy năm, hàng năm là 1 năm, 2 năm, hay 3 năm hay là trong năm có chu kỳ .Tôi đề nghị không dùng từ quá chung như thế này, mà cụ thể định kỳ trong một năm đó, ngày bao nhiêu, tháng bao nhiêu, hay là vào thời điểm nào chúng ta tổ chức họp và đánh giá. Chứ hàng năm là cái gì? Tôi đề nghị thay từ này bằng thời điểm cụ thể. Định kỳ một kỳ một, cuối kỳ hay sáu tháng, hay là 3 kỳ, 4 kỳ v.v…nhưng phải có thời điểm cụ thể. Và Nghị định phải thường xuyên phù hợp với công ước quốc tế, các văn bản quy định pháp luật phát hành ra. Như vậy là đề nghị có một thời điểm cụ thể và càng nhanh càng tốt, càng hiệu quả càng tốt. Nếu như mà hàng năm, doanh nghiệp chờ lâu mà hội đồng làm hàng năm không biết là bao nhiêu năm đây. Tôi có một ý kiến này nữa, Ở điều 4, chương 4. Khoản 1, giấy phép kinh doanh là sự chấp thuận bằng văn bản của  cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới mọi hình thức, đăng ký, chấp thuận, đồng ý xây dựng, giấy chứng nhận đủ điều kiện và các hình thức khác, mà cá nhân tổ chức phải tiến hành phải có để tiến hành một hoặc một số hoạt động kinh doanh nhất định. Tôi có kiến nghị rằng nên bỏ một, hoặc một số. Bởi vì một hoạt động kinh doanh nhất định cũng là hoạt động kinh doanh, mà một số hoạt động kinh doanh nhất định cũng là hoạt động kinh doanh,  nên đoạn này chúng ta chỉ thay bằng  phải có để tiến hành hoạt động kinh doanh,chứ không được một hoặc một số hoạt động kinh doanh nhất định. Đã là một số hoạt động thì không thể nhất định được.
 
 
 
 
 

Các văn bản liên quan