Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Tôi không bảo thủ

Thứ Sáu 13:52 26-05-2006
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: ''Tôi không bảo thủ...''

28/07/2005 (GMT+7) (VietNamNet)

Văn Tiến


- Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc thẳng thắn nói như vậy trước ý kiến nhận xét Luật đầu tư (chung) là ''một bước tiến, hai bước lùi''.
Nhiều đại biểu đã cùng nhau ''mổ xẻ'' những vấn đề còn tranh cãi trong dự thảo Luật đầu tư (chung), lần đầu được trình ra Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 27/7.

''Một số anh em nói hơi quá!''

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng Cao Sỹ Kiêm phản ánh, thời gian gần đây, ý kiến của một số nhà nghiên cứu, đưa lên mặt báo có ''ấn tượng xấu'' với dự thảo Luật đầu tư (chung). Ông dẫn lời một chuyên gia Viện nghiên cứu quản lý Trung ương (cơ quan thuộc Bộ KH&ĐT) cho rằng dự luật này là ''một bước tiến, hai bước lùi'', ''đẻ'' ra nhiều loại giấy phép con, làm sống lại cơ chế xin cho...
''Một số anh em nói hơi quá!'', Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc không bằng lòng. Theo ông, hiện nay có 2 ''luồng'' quan điểm: Một là tư tưởng thoáng, muốn ''mở toang cửa'' ra. Nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp rồi, muốn làm gì thì làm. Hai là ''mở'' trên cơ sở kế thừa những luật về đầu tư hiện hành. Đây là quan điểm của Ban soạn thảo dự án Luật do Bộ KH&ĐT chủ trì.

Ông cho biết, theo Luật đầu tư (chung), tới đây, dự án dưới 5 tỷ đồng thì nhà đầu tư chỉ đến đăng ký, dự án từ 5 tỷ đến 300 tỷ thì đăng ký để được cấp chứng nhận đầu tư sau... 7 ngày. Dự án từ 300 tỷ đồng trở lên mới phải thẩm định dự án.
''Mở toang cửa, doanh nghiệp nước ngoài vào chúng ta có kiểm soát được không?'', Bộ trưởng Phúc tìm sự chia sẻ. Ông dẫn chứng Thái Lan, nhà đầu tư có dự án thì mới được cấp phép đầu tư. ''Tôi không bảo thủ, rất muốn mở ra, nhưng mở đến mức độ nào? Mở như anh em đề nghị thì thiệt thòi cho doanh nghiệp trong nước'', Bộ trưởng Phúc thẳng thắn. Để rộng đường dư luận, ông cho biết Bộ sẽ họp báo về dự án luật này.

Lại chuyện: Hai giấy thành một giấy

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách Đặng Văn Thanh băn khoăn: ''Trên giấy chứng nhận đầu tư có cần thiết ghi ưu đãi đầu tư không?''. Bởi vì trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp có thể bổ sung ngành nghề, thay đổi địa bàn... ''Mỗi lần thay đổi là phải xin lại giấy... Mà thủ tục hành chính nặng nề!'', ông lo lắng.

Thành viên Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách Hoàng Thanh Phú đồng tình: ''Nhà đầu tư quan tâm đến thủ tục hành chính hơn là ưu đãi đầu tư. Theo tôi, không ghi ưu đãi trong giấy phép đầu tư mà để doanh nghiệp tự kê khai với cơ quan thuế''.
''Có cần quá nhiều giấy phép không? Xin phép đầu tư một giấy, thành lập doanh nghiệp một giấy...'', ông Hoàng Thanh Phú tiếp tục ''mổ xẻ'' vấn đề. Ông hiến kế, nên gộp hai giấy thành một giấy. Điều này dễ dàng thực hiện được vì hai loại giấy này do cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý, không sợ như chuyện ''sổ đỏ, giấy hồng'' của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng.

Trước nhiều vẫn đề chưa ngã ngũ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An khuyên rằng ''phải nghe nhiều tai''. Nhưng ông nhấn mạnh 2 yêu cầu cốt lõi đối với dự Luật: ''Thứ nhất, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào, không đạt như thế là không được! Thứ hai, không thu hút đầu tư bằng bất cứ giá nào mà phải đảm bảo ổn định về kinh tế, xã hội. Muốn thế quản lý phải vươn lên! Làm sao tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nhưng quản lý không hở!''.




Các văn bản liên quan