Bỏ hay không bỏ lãi suất cơ bản?

Thứ Sáu 09:52 05-03-2010

Bỏ hay không bỏ lãi suất cơ bản?

(Theo Pháp luật TPHCM )

Pháp Luật TP.HCM ngày 2-3 có bài “Lãi suất cơ bản: Khó thực hiện”, phản ánh việc cho vay của các ngân hàng hiện nay nếu chiếu theo các quy định của Bộ luật Dân sự là vi phạm.

Xung quanh vấn đề này, các chuyên gia, nhà làm chính sách, ngân hàng góp thêm ý kiến.

DƯƠNG THU HƯƠNG, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng:

Lãi suất cơ bản: Vô tác dụng

Về lãi suất cơ bản, theo tôi có một số chuyện cần bàn. Thứ nhất, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành các văn bản pháp luật về cho vay vốn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn theo lãi suất thoả thuận hiện nay là thực hiện theo Nghị quyết Quốc hội số 23/2008 và thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại Văn bản số 627. Như vậy, việc NHNN ban hành các văn bản về cho vay theo lãi suất thoả thuận như nêu trên là có cơ sở chứ không phải NHNN tự ý ban hành.

Tuy nhiên, tôi nghĩ dùng lãi suất cơ bản để điều hành như hiện nay là không phù hợp, không phản ánh đủ quan hệ vay mượn. Theo tôi biết, Luật NHNN năm 1997 có định nghĩa “Lãi suất cơ bản là lãi suất do NHNN công bố làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh”. Nhưng định nghĩa này có vấn đề mập mờ. Mập mờ ở chỗ “là lãi suất do NHNN công bố”. Vậy NHNN căn cứ vào cơ sở nào để xây dựng và công bố lãi suất cơ bản? Vì nó không được dùng để giải quyết mối quan hệ vay mượn thực của NHNN với các tổ chức tín dụng nên nó không phản ánh được mối quan hệ giữa cung cầu về vốn trên thị trường tiền tệ; không phản ánh được vai trò phát đi tín hiệu của chính sách tiền tệ. Khi lãi suất cơ bản không phản ánh được mối quan hệ này thì NHNN sử dụng lãi suất cơ bản để làm gì? Lãi suất cơ bản trở nên vô nghĩa trong tư cách công cụ của chính sách tiền tệ và càng không thể dùng lãi suất cơ bản để “làm cơ sở tính toán giới hạn lãi suất nhằm chống cho vay nặng lãi”.

 

Phó Giáo sư TRẦN HOÀNG NGÂN, thành viên Hội đồng Tư vấn tiền tệ quốc gia:

Có thêm trần lãi suất huy động

Theo tôi, NHNN nên tính lãi suất cơ bản theo lãi suất liên ngân hàng để điều hành. Còn về lãi suất nên bỏ trần lãi suất huy động, hướng tới lãi suất thoả thuận. Khi có lãi suất thoả thuận, nếu NHNN sợ các ngân hàng chạy đua nâng lãi suất đầu vào thì có thêm một trần về lãi suất huy động tiền gửi.

Tiến sĩ LÊ THẨM DƯƠNG, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM:

Vẫn giữ lãi suất cơ bản nhưng chỉ để tham khảo

Không bỏ quy định về lãi suất trong Bộ luật Dân sự sớm là có cái lý của nó. Vì thực tế hoạt động cho vay có lãi suất ngân hàng và lãi suất tín dụng đen. Bỏ quy định lãi vay không được vượt quá 150% so lãi suất cơ bản thì lấy gì trị nạn cho vay ăn lời bên ngoài.

Đặc thù xã hội và kinh tế là vậy nhưng lãi suất cơ bản chúng ta đang áp dụng hiện nay lại méo mó, không phản ánh quy luật cung cầu thị trường. Méo mó ở chỗ cơ quan quản lý ấn định lãi suất cơ bản như một thông điệp về hành chính để buộc các ngân hàng phải căn cứ theo.

Giải bài toán này, theo tôi là vẫn giữ lãi suất cơ bản nhưng chỉ để các ngân hàng tham khảo khi đưa ra lãi suất kinh doanh. Cách vận hành lãi suất cơ bản tham khảo, không bắt buộc này là theo thông lệ quốc tế. Khi đó lãi suất kinh doanh của ngân hàng tăng hay giảm so lãi suất cơ bản là bình thường vì tuỳ theo chiến lược, nguồn vốn, hiệu quả kinh doanh... mà từng ngân hàng đưa ra mức lãi riêng.

BÙI NHƠN thực hiện

 

Các văn bản liên quan