Bỏ bấm lỗ giấy phép lái xe vì… không văn minh!

Chủ Nhật 22:06 18-03-2007
VietNamNet) - Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải - GTVT) vừa có cuộc trao đổi về đề án điều chỉnh tốc độ xe cơ giới trên đường quốc lộ. Ông Quyền cũng cho biết, sắp tới sẽ bỏ bấm lỗ Giấy phép lái xe (GPLX) với lý do việc làm này... không văn minh cho lắm!

Tăng tốc độ: "Cởi" tâm lý ức chế cho lái xe!

Ông Nguyễn Văn Quyền: Bỏ bấm lỗ GPLX vì không văn minh lắm! - ảnh: TV

- Thưa ông, từ ngày 15/3/2007, các loại ô tô được tăng tốc trên đường quốc lộ. Theo đánh giá của ông, sự điều chỉnh của Bộ GTVT về phân nhóm tốc độ và tăng tốc độ với xe tải và xe khách thêm 20km/giờ đã hợp lý và sát với thực tế?

 

- Quá trình xây dựng Đề án Điều chỉnh tốc độ xe cơ giới lưu thông trên đường bộ, Cục Đường bộ Việt Nam đã lấy ý kiến tham gia của các ngành có liên quan, các Sở GTVT ở các tỉnh, tổ chức các cuộc họp lấy ý kiến với các cơ quan, nhất là Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.

Chúng tôi đã trao đổi ý kiến và tiếp thu những đóng góp. Từ khi công bố quyết định (tháng 2/2007) đến nay, các ý kiến nhận xét về sự điều chỉnh lần này như thế là sát với thực tế, đáp ứng yêu cầu hoạt động, lưu thông vận tải cũng như vận tải an toàn trên đường.

- Tại sao trong đề án này không tăng tốc độ cho xe máy, phải chăng TNGT liên quan đến xe máy quá nhiều, xe máy vi phạm tốc độ dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) quá nhiều?

- Khi chuẩn bị đề án, chúng tôi xác định mục tiêu là điều chỉnh để đảm bảo hiệu quả trong hoạt động vận tải và đồng thời không làm ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn giao thông. Với xe mô tô lưu thông trên đường, theo quy định cũ, nếu đi ngoài đường đô thị cho phép tốc độ tối đa là 60km/h.

Theo nghiên cứu của chúng tôi cũng như ý kiến thu thập thì với tốc độ của xe mô tô như vậy là hợp lý, không có gì bức xúc cả, không thấy ai có kiến nghị phải tăng tốc độ cho loại phương tiện này.

Ngoài ra, cũng có nguyên nhân từ vấn đề đảm bảo an toàn giao thông. Theo số liệu thống kê, xe mô tô, xe máy gây ra trên 70% số vụ và số người chết về TNGT. Trong lần điều chỉnh này, chúng tôi đã không điều chỉnh tăng đối với mô tô, xe máy. Chỉ điều chỉnh tăng tốc độ đối với xe ô tô vì có nhiều ý kiến phản ánh là quá thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả của hoạt động vận tải.

- Tăng tốc độ lưu thông trên đường quốc lộ là một tất yếu từ thực tiễn?

- Khi nghiên cứu đề án điều chỉnh tốc độ xe cơ giới đường bộ, chúng tôi thấy rằng trước kia khi chúng ta xây dựng tốc độ tối đa cho phép, tốc độ đối với xe ô tô như xe khách, xe tải, xe container là thấp. Đó là trên văn bản quy định như vậy, nhưng chúng tôi khảo sát trên thực tế cũng như thông qua hội nghị lấy ý kiến thì đều có chung một nhận định là trên thực tế, đa số lái xe vi phạm về tốc độ.

Vi phạm này thể hiện ở tình huống khi mà có cảnh sát giao thông (CSGT), lái xe sợ vi phạm tốc độ hoặc sai số giữa công tơ mét trên xe và máy đo tốc độ của công an nên người ta phải chạy chậm. Nhưng khi không có CSGT mà có xe ngược chiều báo hiệu thì họ chạy nhanh để bù lại tốc độ đã mất. Chính vì tốc độ không điều hoà nên gây nguy hiểm cho xã hội. Ngoài ra, cứ phải căng mắt trên đường xem có CSGT hay không nên tâm lý của lái xe bị phân tán, gây nguy hiểm.

Vì thế, nên đã phải có điều chỉnh tốc độ cho hợp lý để đảm bảo an toàn giao thông và nâng cao hoạt động vận tải, tiêu thụ nhiên liệu ở mức thấp nhất. Tôi nghĩ tốc độ thay đổi sẽ đảm bảo được an toàn, không có sự ức chế từ lái xe.

Bấm lỗ GPLX: Không "văn minh"?

Tăng tốc độ, tâm lý lái xe sẽ thoải mái- ảnh: TV

-

Cục Đường bộ Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào để hạn chế TNGT khi cho phép tăng tốc độ lưu thông trên đường đối với xe tải và xe khách?

- Ngoài biện pháp hành chính, chúng tôi cũng đề nghị Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kêu gọi các doanh nghiệp (DN) vận tải tăng cường giáo dục, nhắc nhở anh em lái xe. Nhà nước đã điều chỉnh tốc độ một cách hợp lý, các DN bố trí chạy xe phù hợp, thực hiện tốt quy định của Nhà nước.

Còn việc điều chỉnh Nghị định 152, hiện nay cũng đã họp và đưa ra dự thảo điều chỉnh và các cấp, ngành đang tham gia ý kiến lần cuối trước khi trình Thủ tướng ký quyết định. Còn xử phạt bằng tiền, chúng tôi cũng đề nghị tăng lên so với trước.

- Được biết trong dự thảo lần này cũng bỏ bấm lỗ bằng lái, phải chăng biện pháp bấm lỗ bằng lái không còn sát với thực tiễn và không đủ sức răn đe?

- Sau một thời gian thực hiện Nghị quyết 13 của Chính phủ về việc đánh dấu số lần vi phạm trên giấy phép lái xe, có nhiều ý kiến đặt ra vấn đề việc bấm lỗ GPLX không được văn minh cho lắm! Hơn nữa, một số đối tượng bị xử lý thường tìm cách ’’lách’’ sự quản lý của cơ quan nhà nước như báo mất, báo hỏng...

Có kiến nghị thay hình thức bấm lỗ bằng hình thức tăng mức tiền phạt đối với các hành vi ít nguy hiểm hơn và giữ GPLX có thời hạn đối với các hành vi gây nguy hiểm. CSGT sẽ thực hiện việc thu hồi và giữ GPLX có thời hạn 1 tháng, 2 tháng và 3 tháng. Khi hết thời hạn, người bị giữ GPLX phải sát hạch lại Luật giao thông mới được trả lại GPLX.

- Tiến trình của dự thảo đến thời điểm này như thế nào rồi? Bao giờ có hiệu lực trong thực tế?

- Dự thảo này đã được nghiên cứu và sửa đổi trong một thời gian khá dài rồi. Cũng đã lấy ý kiến của các địa phương, Sở GTVT, các đơn vị liên quan. Dự thảo này Bộ GTVT sẽ lấy ý kiến của Bộ, ngành liên quan, sau đó sẽ tập hợp ý kiến và trình Chính phủ. Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ GTVT sớm hoàn thiện Dự thảo này.

- Một vấn đề quan trọng khác là quản lý bằng lái, sắp tới Cục Đường bộ có những biện pháp nào?

- Nói chung, tất cả các biện pháp quản lý đều phải trên cơ sở các văn bản vi phạm pháp luật hiện hành. Phải căn cứ trên Luật giao thông, quy trình, tiêu chuẩn của Bộ GTVT ban hành. Cục Đường bộ đang tiếp tục thực hiện một số biện pháp quản lý. Về phía các cơ sở đào tạo, chúng tôi đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo lái xe nâng cao năng lực đào tạo; đầu tư cơ sở, phương tiện mới; chuẩn hoá đội ngũ giáo viên; các Sở GTVT, GTCC tăng cường chế độ kiểm tra quá trình, nội dung đào tạo. Cục Đường bộ sẽ tiếp tục duy trì chế độ thanh tra, kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch.

- Xin cám ơn ông!

  • Thế Lê Vinh (thực hiện)  

Các văn bản liên quan