Bình luận Dự án USAID/STAR+ Project và cùng Liên Hợp Xuất khẩu Thực phẩm và Nông sản Hoa kỳ về Dự thảo 14 Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm

Thứ Năm 16:21 07-04-2011

Theo yêu cầu của VCCI, Dự án USAID/STAR+ Project phối hợp cùng Liên Hợp Xuất khẩu Thực phẩm và Nông sản Hoa kỳ (FAEA) xin trân trọng gửi Bản Bình luận sau đây đối với Dự thảo 14 Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn Thực phẩm.

FAEA đánh giá cao nỗ lực của VFA và Ban soạn thảo trong việc xây dựng dự thảo Nghị định. Dự thảo hiện tại phản ảnh một số khái niệm và nguyên tắc quan trọng của chính sách an toàn thực phẩm hiện đại, và Nghị định này sẽ đóng góp một phần quan trọng cho sự an toàn và phúc lợi xã hội của người dân Việt Nam.

USAID/STAR và FAEA trước đây đã cung cấp bình luận bằng văn bản đối với các dự thảo của Luật An toàn thực phẩm khi Luật này được xây dựng trong năm 2009 và 2010. Bài bình luận này là những bình luận đầu tiên của chúng tôi đối với dự thảo Nghị định.

Bình luận 1: Điều 3-9: Công bố hợp quy bắt buộc trước khi lưu thông sản phẩm thực phẩm trên thị trường

Điều 12.3 của Luật An toàn thực phẩm quy định:

Thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.

Dự thảo Nghị định từ Điều 3 đến Điều 9 quy định thực thi yêu cầu này của Luật.

Chúng tôi đã từng bình luận một số lần đối với dự thảo Luật an toàn thực phẩm về quy định này bởi vì mục đích của việc đăng ký tất cả các loại thực  phẩm chế biến sẵn là không rõ ràng. Một yêu cầu tương tự đã tồn tại trong quy định hiện hành ở Việt Nam và các nhà nhập khẩu thấy rằng nó là một cản trở lớn đối với thương mại. Cụ thể, thực phẩm nhập khẩu (cũng như thực phẩm sản xuất trong nước) phải có Giấy Chứng nhận đăng ký Chất lượng thực phẩm được VFA của Bộ Y tế cấp.  

Giấy tờ cần cung cấp để lấy được Giấy chứng nhận đăng ký chất lượng thực phẩm mà gây rắc rối trên thực tế là Giấy chứng nhận phân tích liệt kê các thành phần quan trọng bao gồm thử nghiệm vật lý (mùi vị, màu sắc, mùi, vị); thử nghiệm hóa học (kim loại nặng, chất phụ gia, nồng độ hợp chất lưu huỳnh, phẩm màu, chất bảo quản, chất chống oxi hóa, v.v.); thử nghiệm sinh học (một số loại vi khuẩn nhất định, số lượng vi khuẩn, v.v.). Việc này gây chi phí tốn kém cho nhà sản xuất thực phẩm(và nhà nhập khẩu thực phẩm) để có thể lấy được Giấy chứng nhận này. Hầu hết các nhà sản xuất thực phẩm Hoa kỳ không thiện chí cung cấp những thông tin này vì họ thấy yêu cầu này vi phạm bí mật về công thức sản phẩm thực phẩm của họ.

Trong trường hợp lô hàng hỗn hợp gồm nhiều loại thực phẩm, tất cả các loại thực phẩm đều phải có Giấy Chứng nhận đăng ký Chất lượng thực phẩm. Yêu cầu này đối với từng mặt hàng thực phẩm gần như khó có thể thực hiện được vì chi phí cao và tài liệu yêu cầu quá cồng kềnh.

USDA đã nhận thấy rằng một số các chuỗi siêu thị lớn đã ngừng mua một số lượng đa dạng các thực phẩm chế biến từ Hoa kỳ được vận chuyển đến Việt Nam trong các lô  hàng chứa hỗn hợp các loại sản phẩm. Những siêu thị này thấy rằng việc tuân thủ theo những yêu cầu này đối với một lô hàng chứa nhiều loại sản phẩm quá đắt đỏ và tốn kém. Kết quả là người tiêu dùng Việt Nam không có nhiều lựa chọn đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến với một giá cả hợp lý.

Hệ thống đăng ký trước này không phải là phương pháp tiếp cận dựa trên rủi ro ở một chừng mực nào đó bởi vì hệ thống này không phân biệt các loại sản phẩm dựa trên rủi ro tiềm tàng của những bệnh gây ra bởi từng loại sản phẩm thực phẩm.

Chúng tôi khuyến nghị rằng hệ thống đăng ký trước đối với công bố hợp quy cho thực phẩm chế biến chỉ nên giới hạn ở những sản phẩm được xác định là có khả năng rủi ro gây bệnh cao dựa trên đánh giá khoa học về rủi ro.

Bình luận 2: Điều 6.2: Công bố hợp quy đối với thực phẩm nhập khẩu – Nghị định nên phản ánh nguyên tắc của Điều 38.3 của Luật An toàn thực phẩm về việc sử dụng tiêu chuẩn quốc tế.

Điều 6.2 của Dự thảo Nghị định về Công bố hợp quy có liệt kê một số tài liệu yêu cầu đối với đơn xin Giấy xác nhận công bố hợp quy từ một Bộ quản lý. Danh sách liệt kê trong Điều 6.2 này nên phản ánh sự tham chiếu quan trọng tới những tiêu chuẩn và hướng dẫn quốc tế cần phải được áp dụng đối với thực phẩm hay nguyên liệu khi Việt Nam chưa có những quy chuẩn kỹ thuật phù hợp để áp dụng. Nếu sự hướng dẫn này không được nói đến trong quy định thì các nhân viên của Bộ có thể không nhận biết được đầy đủ những yêu cầu rõ ràng đã được đề cập trong Điều 38.3 của Luật An toàn thực phẩm.[1]  Thêm nữa, Điều 38.3 của Luật phản ánh nghĩa vụ của Việt Nam theo Phụ lục C của Hiệp định SPS của WTO trong đó yêu cầu phải xem xét các tiêu chuẩn quốc tế phù hợp khi Việt Nam chưa có tiêu chuẩn nội địa tương ứng.[2]

Bình luận 3:  Điều 9: Định nghĩa về ‘hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến” nên bao gồm cụm từ ‘bao gồm’ trước sự tham chiếu đến “HACCP, GMP and ISO 9001”

Chúng tôi khuyến nghị ban soạn thảo đưa ra giai đoạn dài hơn cho thời hạn của Giấy xác nhận công bố hợp quy cấp cho những nhà sản xuất được chứng nhận sử dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Ngoài ra, chúng tôi cũng khuyến khích sự dụng cụm từ ‘bao gồm’ trước để nhấn mạnh rằng các hệ thống như “HACCP, GMP and ISO 9001” chỉ là các ví dụ minh họa của hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.  Nhiều ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm sử dụng các hệ thống quản lý an toàn thực phẩm tiên tiến, nhưng không hoàn toàn giống HACCP hoặc GMP.  Thống nhất với nguyên tắc ‘tương đương’ trong SPS, những hệ thống tương tự có thể thay thế này nên được thừa nhận như những hệ thống cung cấp cùng một mức độ bảo vệ an toàn thực phẩm.

Bình luận 4: Điều 10.4: Trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong chức năng quản lý GMO

Điều 10.4 đưa ra một tập hợp khá rộng các chức năng quản lý an toàn về GMO của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Những trách nhiệm này dường như rộng hơn phạm vi quản lý của Bộ được quy định trong Luật An toàn thực phẩm. Trong khí một số chức năng quản lý này có thể được quy định trong Nghị định về đa dạng sinh học - Nghị định thiết lập một tập hợp toàn diện các quy định quản lý về GMO, chúng tôi không nghĩ quy định như tại Điều 10.4 trong dự thảo Nghị định này phù hợp với Luật an toàn Thực phẩm.  

Bình luận 5:  Điều 11:  Ghi nhãn đối với sản phẩm GMO

Điều 11.1 quy định thực phẩm chứa thành phần GMO phải có nhãn ‘thể hiện các thông tin liên quan đến sinh vật biến đổi gen trên nhãn hàng hóa.” Yêu cầu về ‘các thông tin liên quan đến sinh vật biến đổi gen” rộng hơn yêu cầu cụ thể của Điều 44.1(d) của Luật an toàn thực phẩm. Điều 44.1(d) quy định:

Đối với một số thực phẩm biến đổi gen phải ghi cụm từ ‘thực phẩm biến đổi gen.’

Chúng tôi nghĩ rằng dự thảo Nghị định không thể đưa ra các quy định bổ sung như ‘các thông tin có liên quan đến sinh vật biến đổi gen”, vượt ra ngoài yêu cầu đơn giản của Luật là phải ghi cụm tự “thực phẩm biến đổi gen” trên nhãn.

Điều 44(1)(d) của Luật an toàn thực phẩm quy định một số (không phải tất cả) thực phẩm biến đổi gen phải ghi cụm từ “thực phẩm biến đổi gen” ở trên nhãn và Điều 44.3 của Luật an toàn thực phẩm quy định Chính phủ ‘quy định cụ thể về thực phẩm biến đổi gen phải ghi nhãn’. Tuy nhiên, Điều 11 của dự thảo Nghị định không xác định loại sản phẩm nào, ví dụ như ngô hay đậu tương sẽ phải tuân thủ quy định ghi nhãn về sinh vật biến đổi gen.

Bình luận 6: Điều 15: Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm tại nước xuất khẩu

Điều 15.1 quy định “trước khi xuất khẩu thực phẩm vào Việt Nam, các tổ chức, cá nhân phải đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định.” Yêu cầu ‘theo quy định’ là không rõ ràng. Điều khoản này nên đưa ra cụ thể quy định nào về đăng ký mà các nhà nhập khẩu phải tuân thủ.

Điều 15.2 trao quyền cho cơ quan quản lý an toàn thực phẩm của Việt Nam …thực hiện kiểm tra hệ thống an toàn thực phẩm của nước xuất khẩu và cơ sở sản xuất thực phẩm. Điều này nên được xem xét lại để quy định như sau: “trong trường hợp cần thiết, dựa trên đánh giá rủi ro về an toàn thực phẩm, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam xây dựng một kế hoạch kiểm tra…….”. Việc kiểm tra hệ thống an toàn thực phẩm nước ngoài và cơ sở sản xuất rất đắt đỏ và phức tạp cho cả Chính phủ Việt Nam và đối tác nước ngoài. Các hoạt động kiểm tra này chỉ nên thực hiện khi đánh giá rủi ro về an toàn thực  phẩm yêu cầu cần phải thực hiện.

 

Bình luận 7: Điều 17:  Nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Những nguyên tắc này bao gồm hướng dẫn rằng chỉ có một cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quản  lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh một loại thực phẩm nhất định để tránh chồng tréo, lặp lại. Điều này cũng quy định rằng quản lý và kiểm tra an toàn thực phẩm ‘phải đảm bảo tính khoa học, đầu đủ và khả thi’.

Chúng tôi hoan nghênh ban soạn thảo đã xây dựng một nguyên tắc quan trọng và logíc trong việc hướng dẫn các cơ quan liên quan thực thi Luật An toàn thực phẩm theo phương pháp phối hợp với nhau.   

Bình luận 8: Điều 19(đ) Quản lý an toàn thực phẩm tại Nhà hàng: Thức ăn đường phố và tại căng- tin.

Điều này thiết lập trách nhiệm của Bộ y tế trong việc quản lý và thực thi Luật an toàn thực  phẩm tại ‘các  khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống”. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam. Khi tính đến tần suất xảy ra thường xuyên những dịch bệnh do thực phẩm gây ra được phục vụ tại (1) thức ăn đường phố, và (2) tại căng tin của những nhà máy, chúng tôi khuyến nghị ban soạn thảo quy định cụ thể các loại cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm trong quy định để thẩm quyền của Bộ y tế đối với các cơ sở này thật rõ ràng. Cả những người bán thức ăn đường phố và tại căng tin đều được coi là ‘nhà hàng’ nhưng để tránh sự mập mờ không cần thiết hay tranh chấp về thẩm quyền thì chúng tôi khuyến nghị phải đề cập rõ ràng cụ thể về vấn đề này.

Bình luận 9: Điều 20 và 21:  Cơ quan quản lý nào có thẩm quyền quyết định đối với các chợ cóc?

Điều 20.2 trao thẩm quyền cho Bộ Nông nghiệp và  phát triển nông thôn theo chuỗi từ nông trại đến bàn ăn đối với phần lớn các sản phẩm thực phẩm ‘trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, và kinh doanh.”

Điều 21.4 trao thẩm quyền cho Bộ Công thương đối với an toàn thực phẩm của các ‘chợ, siêu thị, chợ đầu mối, hệ thống dự trữ và phân phối sản phẩm”. Điều 21.4 không giới hạn thẩm quyền của Bộ Công thương ở ‘các sản phẩm dưới quyền quản lý của Bộ Công thương” như được quy định tại điều 21.5. Điều này gợi ý rằng Điều 21.4 rộng hơn, bao quát tất cả các loại sản phẩm thực phẩm.

Chúng tôi khuyến nghị rằng điều 20 và 21 cần phải được làm sáng tỏ hơn để tránh khả năng chồng chéo thẩm quyền sau này. Chúng tôi cũng gợi ý rằng các điều khoản nên quy định cụ thể cơ quan quản  lý nào có thẩm quyền quyết định đối với kiểm tra thanh tra thực phẩm tại các chợ cóc và các loại chợ địa phương tạm thời khác vì những loại này vẫn còn chiếm ưu thế trong bán lẻ thực phẩm tại Việt Nam.

Bình luận 10: Điều 23.2: Kiểm soát lô hàng thực phẩm nhập khẩu hỗn hợp

Điều 23.2 "kiểm soát lô hàng nhập khẩu hỗn hợp” và Điều 23.3 “cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất/kinh doanh đủ điều kiện”

Cả hai điều 23.2 và 23.3 đưa ra hai lựa chọn trong chú thích. Lựa chọn 1 là nếu có nhiều hơn một loại thực phẩm được nhập khẩu hay sản xuất thì Bộ quản lý mặt hàng chiếm số lượng lớn trong lô sẽ thực hiện kiểm tra. Lựa chọn 2 là nếu có nhiều hơn một loại thực phẩm thì thực phẩm thuộc Bộ nào thì Bộ đó kiểm tra.

Chúng tôi khuyến nghị sử dụng lựa chọn thứ nhất, có nghĩa là Bộ nào quản lý mặt hàng chiếm ưu thế thì Bộ đó kiểm tra và cấp giấy chứng nhận theo các quy định tại điều 23.2 và 23.3. Lựa chọn này phù hợp với nguyên tắc được đưa ra trong Điều 17 khuyến khích quản lý cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ bởi một cơ quan quản lý nahf nước và cơ quan quản lý chịu trách nhiệm về sản phẩm chiếm ưu thế là cơ quan có trách nhiệm quản lý.[3]

 



[1] Điều 38.3 quy định: “Trong trường hợp Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm nhập khẩu thì áp dụng theo thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”

 

[2] Xem Phụ lục C của Hiệp định SPS “Nếu một thành viên của nước nhập khẩu có hệ thống chấp thuận việc sử dụng chất phụ gia thực phẩm hoặc định ra dung sai cho tạp chất trong thực phẩm, đồ uống hoặc thức ăn cho động vật mà hệ thống đó cấm hoặc hạn chế xâm nhập thị trường nọi địa của các sản phẩm do thiếu sự chấp thuận, thì Thành viên Nhập khẩu sẽ xem xét việc sử dụng một tiêu chuẩn quốc tế liên quan làm cơ sở xâm nhập thị trường cho đến khi có quyết định cuối cùng.” 

[3] Xem Điều 17.2  “Một đối tượng sản phẩm thực phẩm, cơ sở sản xuất kinh doanh chỉ chiiuj sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.”

Điều 17.4.  “Các nhóm thực phẩm, sản  phẩm thực phẩm có chứa nhiều thành phần mà các thành phần đó thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ khác nhau thì trách nhiệm quản lý thuộc về Bộ quản lý thành phần chính, hoặc thành phần quyết định đặc tính đặc trưng, tên gọi của sản phẩm.”

Các văn bản liên quan