Bình luận của Viện Nhà nước Pháp luật Việt Nam

Thứ Hai 10:14 12-09-2011

Sau khi nghiên cứu Luật Bảo vệ Môi trường và các văn bản hướng dẫn, Viện Nhà nước và Pháp luật có một số ý kiến như sau :

Một là, về tiêu chí rà soát chúng tôi đồng ý với các tiêu chí mà nhóm nghiên cứu đưa ra là rà soát về tính minh bạch, tính thống nhất, tính hợp lý và tính khả thi. Tuy nhiên, cần nghiên cứu bổ sung thêm tính hoàn thiện của pháp luật bảo vệ môi trường và tính cương lĩnh của Luật (Luật phải được xây dựng trên chiến lược nào, khả năng dự đoán, dự báo của Luật đến đâu?) để góp phần vào quá trình sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường trong những năm tới được tốt hơn.

Hai là, về cách thức rà soát văn bản chúng ta cũng cần phải làm rõ là rà soát theo hướng nào, rà soát các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các Luật liên quan theo các tiêu chí đã đặt ra hay xem xét các quy định của Luật Bảo vệ môi trường trong mối quan hệ với các Luật liên quan theo các tiêu chí đã định ra, hay là theo cả hai cách thức này. Chúng tôi cho rằng để đảm bảo việc ra soát được bao quát, hiệu quả chúng ta cần áp dụng cả hai cách thức này trong rà soát pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ba là, về các văn bản được rà soát. Chúng tôi thấy ngoài Luật Bảo vệ Môi trường, nhóm nghiên cứu còn rà soát Luật Thương mại 2005, Luật Doanh nghiệp, Luật Hải quan 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2006 và các văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng để bảo vệ môi trường được hiệu quả bên cạnh hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường cần hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan, đặc biệt là các văn bản pháp luật môi trường chuyên ngành, như pháp luật về tài nguyên nước, khoáng sản, bảo vệ và phát triển rừng (các quy định này có sự gắn bó và có quan hệ biện chứng không tách rời nhau trong quá trình bảo vệ môi trường). Mặt khác, thực tiễn cho thấy có nhiều quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường hiện hành với một số quy định của các luật này vẫn còn những cách hiểu thiếu thống nhất. Do vậy cần rà soát thêm các văn bản pháp luật khác liên quan như Luật Đất Đai, Luật Đa dạng sinh học, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Khoáng sản, Bộ luật Hàng hải Việt Nam,…

Trong vấn đề này, chúng tôi cho rằng Báo cáo rà soát cần phải chỉ ra mục đích, mục tiêu cụ thể của việc rà soát, từ mục đích này cũng là cơ sở để lựa chọn các văn bản pháp luật được rà soát. Còn nếu rà soát để hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường phụ vụ mục đích sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật thì cần phải rà soát tổng thể Luật Bảo vệ Môi trường, các văn bản hướng dẫn cũng như pháp luật liên quan.

Bốn là, về nội dung rà soát. Báo đã rà soát nhiều vấn đề như quy chuẩn kỹ thuật môi trường, bảo vệ môi trường trong hoạt động xuất nhập khẩu, về đánh giá tác động môi trường thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước, về bảo vệ môi trường trong hoạt động quản lý chất thải, về xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Về cơ bản chúng tôi đồng ý với những nội dung mà nhóm đưa ra rà soát. Tuy nhiên, để Báo cáo hoàn thiện hơn cần phải rà soát thêm một số nội dung như: một là, rà soát các vấn đề mang tính nguyên tắc như nguyên tắc phát triển bền vững, nguyên tắc coi trọng phòng ngừa trong hoạt động bảo vệ môi trường, nguyên tắc xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường, sự thể hiện của các nguyên tắc này trong Luật Bảo vệ Môi trương và các văn bản pháp luật liên quan; hai là, liên quan đến vấn đề này chúng tôi cho rằng cần bổ sung nguyên tắc quyền được sống trong môi trường trong lành vào Luật Bảo vệ Môi trường, bởi lý luận, thực tiễn và các văn bản pháp lý quốc tế về môi trường cũng đã thừa nhận nguyên tắc này, nhưng chúng ta lại chưa ghi nhận nguyên tắc này trong Luật Bảo vệ Môi trường; ba là, một vấn đề rất quan trọng có ảnh hưởng xã hội lớn như trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường. Mặc dù nhà nước đã ban hành Nghị định 113/2010/NĐ-CP ngày 3 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ để xác định thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường…nhưng thực tiễn và pháp lý cho thấy vẫn còn nhiều khói khăn, vứng mắc trong quá trình thực hiện. Do vậy nhóm nghiên cứu nên đưa vấn đề này thành một nội dung để rà soát.

Bên cạnh đó vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề, bảo vệ môi trường biển liên quan đến hoạt động hàng hải, khai thác tài nguyên trên biển… đều là những vấn đề rất quan trọng cần được ra soát để hoàn thiện pháp luật. Ví dụ: về môi trường làng nghề, thực tiễn những năm vừa qua cho thấy hoạt động của các làng nghề thiếu quy hoạch, thiếu các giải pháp về bảo vệ môi trường đã dẫn tới nhiều làng nghề bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống của người dân. Do vậy cần phải ra soát các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường làng nghề để nghiên cứu góp phần vào quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về bảo vệ môi trường.

Năm là, cần nghiên cứu rà soát và chỉ ra hướng hoàn thiện các quy định pháp luật về thành phần tham gia và cách thức hoạt động của Hội đồng thẩm định cũng như Tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đặc biệt là quy định về lựa chọn các thành viên Hội đồng thẩm định, trách nhiệm của các thành viên Hội đồng thẩm định cũng như các Tổ chức thẩm định trong hoạt động này. Bởi các tổ chức này có vai trò quan trọng trong hoạt động phòng ngừa ô nhiễm môi trường, nhưng thực tiễn hoạt động này diễn ra lại không được như kỳ vọng. Do vậy, việc rà soát các quy định này sẽ giúp chúng ta xác định được các quy định pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn và đưa ra được các quy định phù hợp hơn.

Sáu là, về quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Có thể nói quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường đóng là cơ sở rất quan trọng trong hoạt động bảo vệ môi trường(có thể nói là xương sống của hoạt động bảo vệ môi trường). Tuy nhiên, về vấn đề này trong Luật Bảo vệ Môi trường với Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất cần phải được rà soát làm rõ. Bởi trước khi Luật TCQCKT được ban hành, thì các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) bị bắt buộc áp dụng khi chính thức công bố. Nhưng sau khi Luật này có hiệu lực, chỉ có Quy chuẩn Việt Nam (QCVN) mới bị bắt buộc áp dụng, còn các TCVN chỉ là khuyến khích tự nguyện áp dụng. Do vậy mặc dù Báo cáo rà soát cũng đã bàn đến vấn đề này, nhưng chúng tôi cho rằng cần có sự rà soát cụ thể hơn để đưa ra cách hiểu thống nhất về quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường đánh giá tác động của các quy định trong Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đến việc thực hiện các tiêu chuẩn về môi trường ở nước ta hiện nay...

Nhìn chung về cơ bản chúng tôi đồng ý với Báo cáo Rà soát Luật Bảo vệ Môi trường của nhóm nghiên cứu. Tuy nhiên, để báo cáo hoàn thiện hơn chúng tôi cho rằng nhóm nghiên cứu nên xem xét, cần nhắc đến một vài góp ý nhỏ trên.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp của Viện Nhà nước và Pháp luật về việc: Hoàn thiện Báo cáo rà soát Luật Bảo vệ môi trường. Kính gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các cơ quan hữu quan nghiên cứu, sử dụng.

Các văn bản liên quan