Bao giờ chơi theo luật chung trên sân chơi chung?
Bao giờ chơi theo luật chung trên sân chơi chung?
Theo cách hiện nay, để có thể nhập được vào Luật Doanh nghiệp (thống nhất), DNNN chỉ có con đường duy nhất là chuyển thành công ty cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn. Hãy xem có nhất thiết như vậy và có hay không sự trục trặc về khái niệm và cách hiểu...
Huy Nam
Chuyên viên kinh tế và chứng khoán TPHCM
Đăng tại Thời báo Kinh tế Sài gòn, số ra ngày 25/8/2005
Lâu nay có thể ta đã hiểu (nhầm) rằng ngoài bốn loại hình doanh nghiệp quy ước - trách nhiệm hữu hạn (TNHH), cổ phần (CP), hợp danh (HD) và đơn danh (ta quen gọi là tư nhân/DNTN) - còn có thực thể nữa là công ty nhà nước (?) Thật ra thì không có loại thứ năm này. Tại sao vậy? Vì theo thông lệ, đã là công ty thì doanh nghiệp sẽ hoạt động theo luật công ty hay luật doanh nghiệp và bị điều chỉnh bởi bốn dạng cơ bản kia. Cũng vậy, dù ta có gọi là công ty cổ phần nhà nước thì đó cũng chỉ là công ty CP có cổ đông nhà nước. Vì thế, khi nghe nước ngoài họ gọi state-owned company thì ta nên hiểu đây là công ty TNHH hay CP có nhà nước góp vốn, hoặc nếu nhà nước sở hữu 100% thì cũng đã được tổ chức và hoạt động theo luật công ty chung. Kỹ hơn, nhiều nước không cho doanh nghiệp một chủ thuộc quyền được trách nhiệm hữu hạn. Điều này là để tăng trách nhiệm hành xử của bộ máy công quyền và bảo vệ quyền uy nhà nước. Vậy cách họ làm thế nào?
Nếu Luật DNNN ở ta kiêm luôn việc chế định pháp lý riêng cho DNNN thì ở các nước, luật về DNNN nói chung chỉ quy định về sở hữu nhà nước, tức có tính nội bộ. Muốn hoạt động phải tổ chức và chơi bình đẳng theo luật doanh nghiệp, thường là luật công ty. Ở New Zealand, do luật công ty buộc loại hình TNHH có ít nhất hai thành viên nên DNNN muốn hoạt động theo pháp lý TNHH phải cần đến hai bộ trưởng đứng tên. Xin lưu ý đứng tên (chức danh) chứ không phải chủ quản. Điều có tính nguyên tắc là hễ đã kinh doanh thì DNNN bắt buộc phải đi cùng xuồng, chơi cùng sân như các chủ thể sở hữu khác. Trường hợp đặc biệt, tùy theo nhiệm vụ kinh tế - chính trị - xã hội, nhà nước sẽ dọn riêng các tổ chức công cụ, có thể là loại sự nghiệp có thu (dạng statutory body) hay các thực thể kinh tế công (economic entity) nhưng rất hạn chế. Ở Phần Lan, mỗi tổ chức kinh tế nhà nước như vậy được hình thành bằng một luật riêng. Ngoài đặc điểm quy mô và sự chọn lọc, nói chung lượng DNNN của họ rất ít, việc thêm bớt DNNN hay doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50% đều phải được quốc hội thông qua.
Nhưng nếu nhà nước có dọn sân riêng thực sự cho DNNN (ngành nghề chủ lực hay đặc biệt, ví dụ casino ở Phần Lan) thì cũng là chuyện bình thường. Ở ta, sự thể có khác. Với sự hiện diện đại trà về lượng, phủ đều ngành nghề hoạt động trên cao dưới thấp, các DNNN được xem đang chơi theo luật riêng trên sân chung! Vậy là khó tránh các xử sự phân biệt và kém minh bạch. Nhà nước có lẽ đã thấy điều này và rất muốn giải quyết từ khi có Luật Doanh nghiệp 1999 với loại công ty TNHH một thành viên. Tiếc là tiến trình diễn ra quá chậm. Lý do? Ngoài việc trù trừ chờ sắp xếp còn có lỗi do luật. Trong bốn loại hình doanh nghiệp được chế định theo Luật Doanh nghiệp, ta đã gọi (không chuẩn) loại thứ tư là doanh nghiệp tư nhân. Do gọi quá cụ thể, luật đã gắn chết loại doanh nghiệp này với các cá nhân bằng xương bằng thịt và mặc nhiên loại trừ các đối tượng khác. Cách gọi đúng là doanh nghiệp một chủ và phạm vi điều chỉnh sẽ khác. Là vì, DNTN chỉ là một đối tượng của loại hình doanh nghiệp một chủ (sole proprietorship). Gọi khái quát hơn thì đây là loại đơn danh, cũng là để phân biệt với loại hợp danh. Chủ của doanh nghiệp đơn danh có thể là cá nhân, tổ chức hay pháp nhân, trong đó có chủ thể nhà nước (DNNN).
Việc đổi cách gọi từ tư nhân thành đơn danh, ngoài việc mở rộng đối tượng áp dụng, còn có khả năng hóa giải một số tình tiết luật chưa hợp lý. Chẳng hạn, tại sao trong cùng một môi trường kinh doanh mà doanh nghiệp một chủ tư nhân thì chịu trách nhiệm vô hạn còn doanh nghiệp một chủ nhà nước lại chỉ là hữu hạn? Tại sao công ty (hay tổ chức) mở doanh nghiệp thì được ưu ái chỉ trách nhiệm hữu hạn mà không là doanh nghiệp đơn danh? Trong nhiều trường hợp, tại sao không quy định tổ chức phải là thành viên hợp danh, hay phải hành xử như loại đơn danh, và chịu trách nhiệm vô hạn?
Đến đây có thể vẫn còn câu hỏi liệu DNNN có nên tiếp tục tồn tại dưới dạng đơn danh hay không? Câu trả lời là nên và cần thiết. Điều này hợp cả lý lẫn lẽ, lại có tác dụng thúc đẩy: Nếu chậm cải cách thì phải tồn tại đơn danh! Tuy nhiên, như trên đã nói, trường hợp đặc biệt (lĩnh vực cần độc quyền hay công ích) Nhà nước có thể tổ chức DNNN đơn danh theo Luật Tổ chức chính phủ hoặc luật riêng (điều lệ đặc thù) như cách làm của Phần Lan hay Hàn Quốc. Và một khi công pháp không còn vị thân thì Luật Doanh nghiệp có thể ghi hẳn vào điều khoản thi hành: Sau x năm từ ngày luật có hiệu lực, các DNNN chưa chuyển thành công ty và không thuộc loại đặc biệt sẽ được điều chỉnh theo quy định về doanh nghiệp đơn danh tại luật này. Tính thống nhất của luật nhờ vậy được xác định ngay từ dự thảo chứ không đợi đến tháng 7-2010!
Theo cách hiện nay, để có thể nhập được vào Luật Doanh nghiệp (thống nhất), DNNN chỉ có con đường duy nhất là chuyển thành công ty cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn. Hãy xem có nhất thiết như vậy và có hay không sự trục trặc về khái niệm và cách hiểu...
Huy Nam
Chuyên viên kinh tế và chứng khoán TPHCM
Đăng tại Thời báo Kinh tế Sài gòn, số ra ngày 25/8/2005
Lâu nay có thể ta đã hiểu (nhầm) rằng ngoài bốn loại hình doanh nghiệp quy ước - trách nhiệm hữu hạn (TNHH), cổ phần (CP), hợp danh (HD) và đơn danh (ta quen gọi là tư nhân/DNTN) - còn có thực thể nữa là công ty nhà nước (?) Thật ra thì không có loại thứ năm này. Tại sao vậy? Vì theo thông lệ, đã là công ty thì doanh nghiệp sẽ hoạt động theo luật công ty hay luật doanh nghiệp và bị điều chỉnh bởi bốn dạng cơ bản kia. Cũng vậy, dù ta có gọi là công ty cổ phần nhà nước thì đó cũng chỉ là công ty CP có cổ đông nhà nước. Vì thế, khi nghe nước ngoài họ gọi state-owned company thì ta nên hiểu đây là công ty TNHH hay CP có nhà nước góp vốn, hoặc nếu nhà nước sở hữu 100% thì cũng đã được tổ chức và hoạt động theo luật công ty chung. Kỹ hơn, nhiều nước không cho doanh nghiệp một chủ thuộc quyền được trách nhiệm hữu hạn. Điều này là để tăng trách nhiệm hành xử của bộ máy công quyền và bảo vệ quyền uy nhà nước. Vậy cách họ làm thế nào?
Nếu Luật DNNN ở ta kiêm luôn việc chế định pháp lý riêng cho DNNN thì ở các nước, luật về DNNN nói chung chỉ quy định về sở hữu nhà nước, tức có tính nội bộ. Muốn hoạt động phải tổ chức và chơi bình đẳng theo luật doanh nghiệp, thường là luật công ty. Ở New Zealand, do luật công ty buộc loại hình TNHH có ít nhất hai thành viên nên DNNN muốn hoạt động theo pháp lý TNHH phải cần đến hai bộ trưởng đứng tên. Xin lưu ý đứng tên (chức danh) chứ không phải chủ quản. Điều có tính nguyên tắc là hễ đã kinh doanh thì DNNN bắt buộc phải đi cùng xuồng, chơi cùng sân như các chủ thể sở hữu khác. Trường hợp đặc biệt, tùy theo nhiệm vụ kinh tế - chính trị - xã hội, nhà nước sẽ dọn riêng các tổ chức công cụ, có thể là loại sự nghiệp có thu (dạng statutory body) hay các thực thể kinh tế công (economic entity) nhưng rất hạn chế. Ở Phần Lan, mỗi tổ chức kinh tế nhà nước như vậy được hình thành bằng một luật riêng. Ngoài đặc điểm quy mô và sự chọn lọc, nói chung lượng DNNN của họ rất ít, việc thêm bớt DNNN hay doanh nghiệp có vốn nhà nước trên 50% đều phải được quốc hội thông qua.
Nhưng nếu nhà nước có dọn sân riêng thực sự cho DNNN (ngành nghề chủ lực hay đặc biệt, ví dụ casino ở Phần Lan) thì cũng là chuyện bình thường. Ở ta, sự thể có khác. Với sự hiện diện đại trà về lượng, phủ đều ngành nghề hoạt động trên cao dưới thấp, các DNNN được xem đang chơi theo luật riêng trên sân chung! Vậy là khó tránh các xử sự phân biệt và kém minh bạch. Nhà nước có lẽ đã thấy điều này và rất muốn giải quyết từ khi có Luật Doanh nghiệp 1999 với loại công ty TNHH một thành viên. Tiếc là tiến trình diễn ra quá chậm. Lý do? Ngoài việc trù trừ chờ sắp xếp còn có lỗi do luật. Trong bốn loại hình doanh nghiệp được chế định theo Luật Doanh nghiệp, ta đã gọi (không chuẩn) loại thứ tư là doanh nghiệp tư nhân. Do gọi quá cụ thể, luật đã gắn chết loại doanh nghiệp này với các cá nhân bằng xương bằng thịt và mặc nhiên loại trừ các đối tượng khác. Cách gọi đúng là doanh nghiệp một chủ và phạm vi điều chỉnh sẽ khác. Là vì, DNTN chỉ là một đối tượng của loại hình doanh nghiệp một chủ (sole proprietorship). Gọi khái quát hơn thì đây là loại đơn danh, cũng là để phân biệt với loại hợp danh. Chủ của doanh nghiệp đơn danh có thể là cá nhân, tổ chức hay pháp nhân, trong đó có chủ thể nhà nước (DNNN).
Việc đổi cách gọi từ tư nhân thành đơn danh, ngoài việc mở rộng đối tượng áp dụng, còn có khả năng hóa giải một số tình tiết luật chưa hợp lý. Chẳng hạn, tại sao trong cùng một môi trường kinh doanh mà doanh nghiệp một chủ tư nhân thì chịu trách nhiệm vô hạn còn doanh nghiệp một chủ nhà nước lại chỉ là hữu hạn? Tại sao công ty (hay tổ chức) mở doanh nghiệp thì được ưu ái chỉ trách nhiệm hữu hạn mà không là doanh nghiệp đơn danh? Trong nhiều trường hợp, tại sao không quy định tổ chức phải là thành viên hợp danh, hay phải hành xử như loại đơn danh, và chịu trách nhiệm vô hạn?
Đến đây có thể vẫn còn câu hỏi liệu DNNN có nên tiếp tục tồn tại dưới dạng đơn danh hay không? Câu trả lời là nên và cần thiết. Điều này hợp cả lý lẫn lẽ, lại có tác dụng thúc đẩy: Nếu chậm cải cách thì phải tồn tại đơn danh! Tuy nhiên, như trên đã nói, trường hợp đặc biệt (lĩnh vực cần độc quyền hay công ích) Nhà nước có thể tổ chức DNNN đơn danh theo Luật Tổ chức chính phủ hoặc luật riêng (điều lệ đặc thù) như cách làm của Phần Lan hay Hàn Quốc. Và một khi công pháp không còn vị thân thì Luật Doanh nghiệp có thể ghi hẳn vào điều khoản thi hành: Sau x năm từ ngày luật có hiệu lực, các DNNN chưa chuyển thành công ty và không thuộc loại đặc biệt sẽ được điều chỉnh theo quy định về doanh nghiệp đơn danh tại luật này. Tính thống nhất của luật nhờ vậy được xác định ngay từ dự thảo chứ không đợi đến tháng 7-2010!