Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo Nghị định về giao dịch bảo đảm

Thứ Năm 14:58 05-10-2006

BÁO CÁO
TỔNG HỢP Ý KIẾN GÓP Ý DỰ THẢO
NGHỊ ĐỊNH VỀ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM  
 
          Thực hiện Chỉ thị số 29/2005/CT-TTg ngày 13/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật dân sự 2005, Bộ Tư pháp được giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định về các giao dịch bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Ngày 25 tháng 4 năm 2006, Bộ Tư pháp đã có công văn số 1125/TP-ĐKGDBĐ gửi Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, các Sở Tư pháp, các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước trong cả nước và  một số cơ quan, tổ chức có liên quan về việc đề nghị tham gia góp ý kiến dự thảo Nghị định về giao dịch bảo đảm (dự thảo 7).
Tính đến nay đã có 97 đơn vị gửi văn bản góp ý dự thảo Nghị định, bao gồm: 20 Bộ, ngành ở trung ương; 40 Sở Tư pháp; 29 Chi nhánh Ngân hàng nhà nước; 08 Tổ chức tín dụng, công ty Luật. Nhìn chung, các ý kiến đều nhất trí với nội dung chủ yếu của dự thảo Nghị định về giao dịch bảo đảm và khẳng định sự cần thiết phải nhanh chóng ban hành Nghị định này nhằm góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp phát triển theo hướng ngày càng lành mạnh, minh bạch và an toàn, thúc đẩy thị trường tín dụng phát triển.
Trên cơ sở ý kiến góp ý bằng văn bản của các cơ quan, tổ chức nêu trên, Bộ Tư pháp xin báo cáo tổng hợp nội dung các ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định như sau:
I. VỀ NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG  
1.     Sự cần thiết ban hành Nghị định
Hầu hết các ý kiến đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Nghị định về giao dịch bảo đảm. Nghị định được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý thúc đẩy giao dịch dân sự phát triển theo hướng minh bạch và an toàn.
2.     Về hình thức văn bản
- Ngân hàng Hàng Hải có ý kiến cho rằng dự thảo cần bổ sung những viện dẫn về áp dụng Bộ luật dân sự đối với những quy định mà Nghị định không nhắc lại để bảo đảm sự phù hợp giữa hình thức văn bản (hướng dẫn hoàn chỉnh) và quan điểm xây dựng (chỉ hướng dẫn 1 số điểm và không nhắc lại những quy định của Bộ luật dân sự), có như vậy mới bảo đảm cho việc theo dõi, nghiên cứu, áp dụng.
- Ngân hàng Nhà nước đề nghị sửa tên gọi Nghị định là “Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự”.
- Có ý kiến cho rằng cần áp dụng thể thức văn bản theo đúng hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 55/2005/TTLT-BNV-VPCP ngày 6/5/2005 của Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản.
3.     Đối tượng điều chỉnh
Bộ Y tế và một Sở Tư pháp đề nghị bổ sung một điều quy định về đối tượng điều chỉnh của Nghị định về giao dịch bảo đảm, để việc thực hiện các quy định của Nghị định này được thống nhất và cụ thể.
4.     Về phạm vi điều chỉnh
- Có 20 Sở Tư pháp, 10 Bộ, ngành, 4 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đồng ý với phạm vi điều chỉnh quy định như trong dự thảo.
- Có một số ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh như:
+ Bảo lưu quyền sở hữu: 3 Sở Tư pháp; 1 Bộ, ngành; 3 chi nhánh ngân hàng Nhà nước; 1 tổ chức tín dụng.
+ Cầm giữ tài sản: 1 Sở Tư pháp; 1 Bộ, ngành; 3 chi nhánh ngân hàng Nhà nước; 1 tổ chức tín dụng.
+ Phạt vi phạm: 1 Sở Tư pháp; 1 Bộ, ngành; 3 chi nhánh ngân hàng Nhà nước; 1 tổ chức tín dụng.
- Sở Tư pháp tỉnh Bình Định lại có ý kiến là các thỏa thuận khác có tính chất bảo đảm thực hiện nghĩa vụ như thỏa thuận bán có bảo lưu quyền sở hữu, cầm giữ, phạt vi phạm… nên để Thông tư của Bộ Tư pháp hướng dẫn.
- Ngân hàng ACB cho rằng dự thảo cần khẳng định rõ hơn nữa nguyên tắc tôn trọng quyền tự do thoả thuận trong từng quy định cụ thể, nếu những thoả thuận đó không vi phạm pháp luật (VD: thoả thuận về biện pháp bảo đảm ngoài những biện pháp luật định; nội dung hợp đồng, phương thức xử lý tài sản, thứ tự thu hồi nợ; giao dịch bảo đảm có điều kiện v.v…).
5.     Về nguyên tắc áp dụng pháp luật
Nhiều ý kiến thống nhất với quy định trong Dự thảo Nghị định: Ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành đối với một số loại tài sản. Trường hợp pháp luật chuyên ngành không có quy định thì áp dụng Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành (11 Sở Tư pháp; 6 Bộ, ngành; 1 tổ chức tín dụng)
Một số ý kiến cho rằng để phát huy có hiệu quả những điểm tiến bộ của Bộ luật dân sự về biện pháp bảo đảm thì nên áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật dân sự và Nghị định này đối với mọi biện pháp bảo đảm, không phụ thuộc vào loại tài sản hay tư cách chủ thể của các bên tham gia giao dịch bảo đảm. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật được quy định tại khoản 3 Điều 80 Luật  ban hành văn bản quy phạm pháp luật (8 Sở Tư pháp; 2 Bộ, ngành; 8 Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước) .
Ngân hàng ACB thì cho rằng phải xác định rõ hơn nữa nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có quy định xung đột giữa các văn bản.
          Riêng vấn đề bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất thì một số ý kiến cho rằng đây là vấn đề đặc thù nên cần phải sửa đổi Luật Đất đai cho phù hợp với Bộ luật dân sự hoặc trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Có ý kiến cho rằng đất đai là vấn đề đặc thù, vì vậy trong Nghị định này không nên quy định. Ý kiến khác lại cho rằng đối với những hợp đồng bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất trước đây thì cần có quy định cụ thể về việc áp dụng biện pháp bảo đảm tương ứng.
6.     Về bảo vệ quyền của bên nhận bảo đảm bằng tài sản
Một số ý kiến cho rằng không nên quy định về việc bảo vệ bên nhận bảo đảm ngay tình, vì vấn đề này đã được quy định về nguyên tắc trong Bộ luật dân sự, do đó nếu có phát sinh vấn đề gì thì áp dụng những quy định của Bộ luật dân sự để giải quyết (3 Sở Tư pháp; 2 Bộ, ngành).
Nhiều ý kiến thì cho rằng cần thiết phải quy định cụ thể về vấn đề này vì quy định tại Bộ luật dân sự chỉ mang tính nguyên tắc. Để thuận tiện cho việc áp dụng, tránh gây nhầm lẫn thì Dự thảo Nghị định cần làm rõ hơn các trường hợp cụ thể và nội dung “ngay tình” (20 Sở Tư pháp; 7 Bộ, ngành; 7 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; 1 tổ chức tín dụng)
7.     Về hiệu lực của giao dịch bảo đảm
7.1. Một số ý kiến cho rằng dự thảo Nghị định cần hướng dẫn cụ thể về thời điểm giao dịch bảo đảm có hiệu lực thi hành đối với các bên, vì Bộ luật dân sự còn có những quy định chưa rõ ràng.
- Đối với cầm cố tài sản có hai loại ý kiến:
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng nên quy định thời điểm chuyển giao tài sản vừa là thời điểm hợp đồng cầm cố có hiệu lực giữa các bên, vừa là thời điểm hợp đồng cầm cố có giá trị pháp lý với bên thứ ba (10 Sở Tư pháp; 6 Bộ, ngành; 3 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; 1 tổ chức tín dụng).
Loại ý kiến thứ hai cho rằng thời điểm ký kết là thời điểm hợp đồng cầm cố có hiệu lực thi hành giữa các bên. Thời điểm chuyển giao tài sản là thời điểm hợp đồng cầm cố có hiệu lực đối với người thứ ba (3 Sở Tư pháp; 2 Bộ, ngành; 1 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước).
- Hợp đồng thế chấp nhà ở có hai loại ý kiến:
Ý kiến thứ nhất cho rằng hợp đồng thế chấp nhà ở có hiệu lực thi hành từ thời điểm công chứng (4 Sở Tư pháp; 4 Bộ, ngành; 3 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; 1 tổ chức tín dụng).
Ý kiến thứ hai cho rằng hợp đồng thế chấp nhà ở có hiệu lực thi hành từ thời điểm ký kết (1 Bộ, ngành).
- Về hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp ký kết hợp đồng vượt quá phạm vi đại diện của người đại diện theo pháp luật: một số chi nhánh Ngân hàng Nhà nước đề nghị bổ sung quy định, có hướng dẫn rõ ràng cụ thể trong Nghị định về hiệu lực của hợp đồng bảo đảm trong trường hợp này vì hiện nay pháp luật chưa có quy định rõ ràng, điều đó có thể dẫn đến những rủi ro lớn cho bên  nhận bảo đảm (4 chi nhánh Ngân hàng Nhà nước).
Một số ý kiến khác:
Dự thảo cần đưa ra quy định đối với trường hợp pháp luật chưa có quy định cụ thể, đồng thời quy định về hiệu lực của giao dịch bảo đảm trong trường hợp thay đổi biện pháp bảo đảm hoặc ký kết lại giao dịch (Viện Khoa học kiểm sát Tòa án nhân dân tối cao).
Vấn đề hợp đồng thế chấp nhà ở cần được quy định tại văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở chứ không  phải quy định tại Nghị định này (Ủy ban Dân số; Bộ Thương mại).
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì cho rằng đối với bảo đảm bằng tài sản thì nguyên tắc chung là: ký kết hợp đồng làm phát sinh hiệu lực giữa các bên; đăng ký hoặc chuyển giao thì có hiệu lực với người thứ 3.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Sóc Trăng và Cà Mau thì cho rằng giao dịch bảo đảm có hiệu lực từ thời điểm đăng ký tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm.  
7.2. Một loại ý kiến khác cho rằng vấn đề này được áp dụng theo quy định về hợp đồng dân sự tại Bộ luật dân sự, bởi giao dịch bảo đảm cũng là một loại hợp đồng. Do đó, dự thảo Nghị định không cần hướng dẫn về vấn đề này.
8.     Về tài sản bảo đảm
Có ý kiến cho rằng dự thảo cần quy định chi tiết hơn nữa những vấn đề liên quan đến bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo từng loại tài sản, ví dụ: động sản, bất động sản, các loại giấy tờ có giá, hàng hoá trong kho, v.v…. Những vấn đề cần được làm rõ hoặc quy định chi tiết bao gồm: những biện pháp bảo đảm nào có thể được áp dụng đối với từng loại tài sản, thời điểm giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba, xử lý tài sản bảo đảm, v.v…
Nhiều ý kiến cho rằng cần tiếp tục làm rõ hơn các khái niệm hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh, tài sản hình thành trong tương lai.
Nhiều ý kiến cho rằng cần sửa lại khoản 1 Điều 5 về một tài sản bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ dân sự theo như quy định tại Bộ luật dân sự hoặc quy định lại như sau “giá trị của tài sản bảo đảm có thể lớn hơn hoặc bằng tổng giá trị của các nghĩa vụ được bảo đảm” (4 Sở Tư pháp; 2 Bộ, ngành; 6 Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; 1 tổ chức tín dụng).
Ngoài ra còn một số ý kiến cụ thể như sau:
Cần bổ sung quy định: mỗi lần dùng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự phải lập thành văn bản và đăng ký giao dịch bảo đảm (Ngân hàng phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu long).
 Khoản 1 Điều 5: sửa lại như sau “Nếu một tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì bên bảo đảm phải có trách nhiệm báo cho các bên nhận bảo đảm biết về các giao dịch bảo đảm của tài sản trước khi phát sinh giao dịch tiếp theo” (Sở Tư pháp Yên Bái).
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Hà Giang cho rằng trong trường hợp một tài sản bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì bên bảo đảm phải thông báo cho bên nhận bảo đảm sau biết về việc tài sản bảo đảm đang được dùng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ khác
Ngân hàng Hàng Hải thì cho rằng quy định như khoản 1 Điều 5 thì đúng với Bộ luật dân sự nhưng không đúng với Luật Nhà ở.
Quy định tại khoản 2 Điều 5 là chưa đúng mà trường hợp đã cầm cố thì vẫn phải thông báo chứ không đương nhiên được coi là đã thông báo do chuyển giao (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng ACB).
9.     Về xử lý tài sản bảo đảm
Những ý kiến khác nhau tập trung chủ yếu vào việc bên nhận bảo đảm có quyền chủ động đến mức độ nào trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Có ý kiến cho rằng cần tạo điều kiện cho bên nhận bảo đảm có thể thuận lợi, chủ động trong việc xử lý tài sản bảo đảm mà không bị bên bảo đảm gây khó khăn do bất hợp tác. Tuy nhiên, có ý kiến khác cho rằng bên nhận bảo đảm không thể tự tiện cưỡng chế tài sản bảo đảm đang do bên bảo đảm chiếm giữ. Trường hợp bên bảo đảm không giao tài sản bảo đảm để xử lý thì bên nhận bảo đảm chỉ có thể kiện ra Toà. Về phía chuyên gia quốc tế lại cho rằng cần quy định quyền của bên nhận bảo đảm được lấy tài sản bảo đảm đang do bên bảo đảm chiếm giữ để xử lý. Tuy nhiên, nếu không thực hiện được quyền đó do bị bên bảo đảm cản trở thì bên nhận bảo đảm được Toà án, cảnh sát can thiệp, bảo vệ thông qua những thủ tục nhanh chóng, đơn giản.
Về phương thức, trình tự, thủ tục xử lý tài sản bảo đảm, nhiều ý kiến cho rằng cần để cao nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm theo thoả thuận. Trường hợp không thoả thuận được thì xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật cũng cần đưa  ra những thủ tục cụ thể, phù hợp với tính chất của từng loại tài sản để thuận tiện cho việc áp dụng, bảo vệ tốt quyền, lợi ích của các bên có liên quan, chứ không phải trong mọi trường hợp đều phải bán đấu giá (ví dụ như loại tài sản có thị trường chuyên biệt thì phải được bán trên thị trường đó).
Nhiều ý kiến cho rằng quy định về việc hỗ trợ xử lý tài sản bảo đảm như dự thảo còn chưa cụ thể (khung hỗ trợ, các trường hợp được hỗ trợ, các biện pháp hỗ trợ, xử lý tài sản bảo đảm có nguy cơ bị hư hỏng, trách nhiệm của các cơ quan liên quan) (5 Sở Tư pháp; 4 Bộ, ngành; 5 Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước).
          Một số ý kiến cho rằng việc quy định về hỗ trợ xử lý tài sản bảo đảm như dự thảo không khả thi và hầu như không triển khai được trên thực tế (Ngân hàng Nhà nước; Bộ Thương mại; 5 Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước)
Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng cho rằng cần làm rõ thời điểm xử lý tài sản bảo đảm tại Điều 70 để không nhầm lẫn với quy định tại Nghị định 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 về bán đấu giá tài sản liên quan đến thời gian tổ chức bán đấu giá với thời điểm xử lý tài sản.
Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng đề nghị dự thảo cần dự liệu tình huống xử lý tài sản trong trường hợp gặp rủi ro khách quan như thiên tai, dịch bệnh, tai nạn.
Viện Khoa học Kiểm sát – Tòa án nhân dân tối cao cho rằng về nguyên tắc, nếu bên nhận bảo đảm đã không có quyền tự xử lý tài sản bảo đảm đang do bên bảo đảm chiếm hữu thì cũng không có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước hỗ trợ để xử lý tài sản do vậy bên nhận bảo đảm chỉ có thể khởi kiện yêu cầu Toà án hoặc Trọng tài giải quyết.
II. VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ
Nhiều ý kiến đề nghị chỉnh sửa một số lỗi về câu, chữ, thêm, bớt một số từ cho câu rõ nghĩa hơn, chỉnh sửa sự không thống nhất giữa tên Điều và nội dung của Điều … sau đây là một số nội dung cụ thể:
1.     Về giải thích từ ngữ (Điều 3)
Có ý kiến cho rằng bổ sung khái niệm cần giải thích:
- “Bên nhận bảo đảm ngay tình”(2 Bộ, ngành; 7 Chi nhánh ngân hàng Nhà nước; 1 tổ chức tín dụng”;
-“Tài sản hình thành trong tương lai”(4 Sở Tư pháp; Ngân hàng ACB);
- “Giá trị pháp lý đối với người thứ ba” (2 Bộ, ngành);
- “Tài sản được phép giao dịch” quy định tại Điều 4 cần được giải thích, đưa vào Điều 3 “giải thích từ ngữ” (2 Sở Tư pháp; 1 Bộ, ngành; 2 Chi nhánh ngân hàng Nhà nước);
Khoản 3, 4 Điều 3: cần diễn đạt rõ hơn, nhất là từ tổ chức tín dụng trong quan hệ tín chấp (2 Chi nhánh ngân hàng Nhà nước);
Đề nghị quy định về “giấy tờ có giá” như quy định tại Điều 321 Bộ luật dân sự ” (3 Sở Tư pháp).
2.     Về tài sản bảo đảm
Điều 4 dự thảo Nghị định cần mở rộng quy định để bao quát cả giá trị quyền sử dụng đất, tài sản thuộc quyền sử dụng của doanh nghiệp Nhà nước, tài sản hình thành trong tương lai (Ngân hàng ACB).
Bổ sung thêm mục 4 vào Điều 4: “Giá trị của tài sản bảo đảm do thỏa thuận của bên nhận bảo đảm và bên bảo đảm trong từng giao dịch mà không cần phải xét đến tài sản bảo đảm đó dùng để thực hiện bao nhiêu nghĩa vụ”. Lý do: Trong nhiều trường hợp rất khó xác định hoặc không thể xác định được giá trị thực của tài sản bảo đảm trong điều kiện cho phép; hoặc tài sản bảo đảm xác định được giá trị nhưng nếu phải xử lý ngay thì có thể không còn hoặc còn rất ít giá trị (Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái, Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên).
Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long đề nghị quy định thêm về giao dịch bảo đảm trong trường hợp bên bảo đảm là tổ quản lý, thanh lý tài sản.
3.     Về giao dịch bảo đảm trong trường hợp bên bảo đảm là doanh nghiệp được tổ chức lại (Điều 8)
*Tại khoản 2 Bộ Y tế cho rằng cần quy định rõ trách nhiệm liên đới của các bên; còn chi nhánh ngân hàng Nhà nước tỉnh Phú Yên thì cho rằng quy định “bên nhận bảo đảm có quyền thực hiện nghĩa vụ trước khi chia, tách” là khó thực hiện, vì tài sản bảo đảm cho khỏan vay dài hạn thì nghĩa vụ không thể thực hiện được.
*Tại khoản 3 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cho rằng nên quy định theo hướng trước, trong hoặc sau khi Doanh nghiệp chuyển đổi, nếu bên bảo đảm vi phạm nghĩa vụ thì bên nhận bảo đảm có quyền xử lý tài sản để thu hồi nợ.
*Tại khoản 4 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Công thương Việt Nam đề nghị làm rõ các trường  hợp:
- Trường hợp doanh nghiệp tổ chức lại có cam kết bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp trước đó hoặc đồng ý ký kết lại giao dịch bảo đảm thì thời điểm giao dịch bảo đảm có giá trị pháp lý đối với người thứ 3 được giữ nguyên;
- Trường hợp không thoả thuận được việc ký kết lại giao dịch thì cần có quy định hợp đồng cũ đương nhiên có hiệu lực.
Đối với trường hợp bảo lãnh quy định tại khoản 5 cũng quy định tương tự.
*Tại khoản 5:
Có ý kiến cho rằng quy định như vậy phức tạp, việc quan trọng là sự thỏa thuận giữa bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh (Ngân hàng Nhà nước tỉnh Phú Yên)
Có ý kiến cho rằng quy định cần quy định theo tỷ lệ vốn được chia, vốn bị chia, tách và được tách (Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam)
*Tại khoản 6: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Công thương Việt Nam cho rằng cần quy định thời gian (số ngày) cụ thể để thông báo.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh Phú Yên cho rằng cần quy định biện pháp chế tài cụ thể trong trường hợp các bên không thực hiện đúng các quy định.
4.     Về giao dịch bảo đảm trong trường hợp bên bảo đảm là doanh nghiệp bị phá sản hoặc cá nhân chết (Điều 9, Điều 10)
Một số ý kiến cho rằng hai Điều này không cần thiết vì vậy nên bỏ, vấn đề này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định (Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông và VCCI)
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng tại khoản 2 và 3 Điều 9 nên chỉnh sửa lại vì khoản 2 Điều 39 Luật Phá sản được viện dẫn quy định về bảo lãnh bằng tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự 1995, vì vậy cần chỉnh sửa lại cho phù hợp với bảo lãnh đối nhân theo quy định của Bộ luật dân sự 2005.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Ngoại thương cho rằng cần bổ sung trường hợp bên bảo đảm chết mà không có người thừa kế hoặc người thừa kế không thực hiện nghĩa vụ thay thì bên nhận bảo đảm có quyền  chủ động xử lý tài sản; bổ sung trường hợp bên bảo đảm là cá nhân bị tuyên bố mất tích.
5.     Đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 14)
Sở Tư pháp Hà Tĩnh đề nghị khoản 1 Điều 14 bổ sung đối tượng “Nhà ở” vào các trường hợp tài sản bảo đảm phải đăng ký giao dịch bảo đảm để phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự đối với các giao dịch loại này.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị sửa “hợp đồng thuê khoán, thuê mua tài chính” thành “hợp đồng cho thuê tài chính” tại điểm d khoản 2 Điều 14.
Cần cân nhắc quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 14 vì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này (Bộ Thương mại, VCCI).
6.     Đối với trường hợp tài sản bị tịch thu (Điều 16)
Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần cân nhắc yêu cầu “phải đăng ký” đồng thời quy định trách nhiệm của người giữ tài sản cầm cố đối với bên bảo đảm để bảo vệ chủ sở hữu tài sản.
Ngân hàng Hàng Hải thì đề nghị không đăng ký vẫn được bảo vệ hoặc chỉ áp dụng đối với trường hợp phải đăng ký.
Một số ý kiến cho rằng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16 “tài sản bảo đảm là tài sản hình thành từ vốn vay” thì là tài sản hình thành toàn bộ hay một phần từ vốn vay? (Bộ Giáo dục và đào tạo; Bộ Quốc phòng; Bộ Nội vụ; Bộ Văn hóa Thông tin).
VID Public Bank thì cho rằng Điều này nên quy định mở rộng đối với mọi tài sản bảo đảm nói chung chứ không giới hạn ở tài sản hình thành từ vốn vay
          Bộ Tài chính cho rằng nên sửa lại Điều này cho phù hợp với khoản 5 Điều 61 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và khoản 2 Điều 41 Bộ Luật Hình sự.
7.     Quyền của bên nhận bảo đảm trong một số trường hợp bảo đảm bằng tài sản mua trả chậm, trả dần có bảo lưu quyền sở hữu; thế chấp bằng kho hàng hoặc trong cửa hàng hoặc hàng hóa đang trên đường vận chuyển hoặc lưu kho trong quá trình vận chuyển (Điều 17,18,19)
Ngân hàng Ngoại thương cho rằng hiện nay chưa có quy định phải đăng ký bảo lưu Quyền sở hữu nên quy định như Điều 17 của dự thảo là chưa phù hợp.
Nhiều ý kiến cho rằng Điều 18, 19 nên bỏ vì quy định như vậy khó thực hiện, có nhiều rủi ro, bất trắc, không khả thi. (2 Bộ, ngành; 2 Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước)
8.     Quyền của bên nhận bảo đảm trong trường hợp nhận bảo đảm bằng tài sản thuê (Điều 20)
Nhiều ý kiến cho rằng quy định tại Điều này cần được nghiên cứu lại vì giao dịch bảo đảm không được phép nhận bảo đảm bằng tài sản thuê, vi phạm quy định pháp luật hiện hành về cho thuê tài chính; (ii) trường hợp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất thuê là vi phạm pháp luật đất đai; (iii) vi phạm pháp luật về thuê khoán. (2 Bộ, ngành; VCCI; 2 Chi nhánh ngân hàng Nhà nước)
9.     Trách nhiệm của bên nhận cầm cố trong trường hợp tài sản cầm cố bị mất mát, hư hỏng, giảm sút hoặc mất giá trị (Điều 26)
Một số ý kiến cho rằng tại Điều 26 cần quy định rõ bên nào sẽ thanh toán chi phí áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn nguy cơ hư hỏng, giảm sút hoặc mất giá trị tài sản cầm cố (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Ngoại Thương, Bộ Tài chính).
10.             Tại mục 2 chương III về thế chấp tài sản
Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái đề nghị bổ sung quyền và nghĩa vụ của các bên trong thế chấp tài sản vào dự thảo Nghị định. Nghị định được xây dựng trên nguyên tắc hướng dẫn những điểm chưa rõ tại Bộ luật dân sự và không nhắc lại những điểm Bộ luật dân sự đã hướng dẫn do vậy quyền và nghĩa vụ của các bên thế chấp đã được quy định tại Bộ luật dân sự do vậy dự thảo Nghị định không nhắc lại nữa.
Ngân hàng Nhà nước đề nghị bổ sung quy định cụ thể về thế chấp và giữ giấy tờ về tài sản như quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 85 và khoản 1 Điều 350 Bộ luật dân sự; bổ sung một điều về thế chấp quyền sử dụng đất, thế chấp nhà ở theo quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở; bổ sung cụ thể một số quy định về tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai như: nguyên tắc ký kết hợp đồng thế chấp trước khi hình thành tài sản; hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay; vấn đề bổ sung ký kết hợp đồng thế chấp sau khi hình thành tài sản; quyền của bên nhận thế chấp trong việc giám sát quá trình hình thành tài sản; trách nhiệm và nghĩa vụ của bên thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An cho rằng dự thảo cần quy định về nội dung hợp đồng bảo đảm để bảo đảm tính thống nhất trong quá trình áp dụng Bộ luật dân sự.
11.             Giao lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên thế chấp (Điều 32)
Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông và Ngân hàng Nhà nước tỉnh Vĩnh Long đề nghị bỏ Điều này vì quy định như dự thảo chưa khả thi nên các chủ thể không thực hiện được như quy định.
Một số ý kiến cho rằng tại Điều này cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn để bảo đảm quyền lợi cho các bên nhận bảo đảm, cụ thể là cần làm rõ việc thế chấp quyền sử dụng đất để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ thì bên thế chấp giao lại giấy tờ cho ai; hoặc quy định theo hướng cho phép các tổ chức tín dụng thỏa thuận về việc đơn vị nào giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không quy định phải giao lại giấy chứng nhận cho bên thế chấp để bên thế chấp tự thế chấp tại tổ chức tín dụng khác (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Quốc Phòng, Sở Tư pháp Thái Bình).
12.             Mục 3 chương II về đặt cọc
Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần bổ sung quy định tài sản đặt cọc phải thuộc quyền sở hữu của bên đặt cọc; quy định cụ thể về các loại tài sản đặt cọc.
Sở Tư pháp Bình Thuận đề nghị bổ sung vào Khoản 4 Điều 39 như sau: “Trả lại tài sản đặt cọc và tài sản hoặc khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc…”
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Phú Yên cho rằng mục đặt cọc cần viết lại, quy định như trong dự thảo ko phù hợp với điều kiện tài sản đặt cọc là tiền, vàng, ngoại tệ.  
13.             Mục 4 chương II về ký cược
Ngân hàng Nhà nước đề nghị bổ sung trường hợp dùng tài sản ký cược để thanh toán tiền thuê tài sản tại Điều 41; cần thống nhất quy định về “giao tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 42, khoản 1 Điều 43 và khoản 1 Điều 37.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Phú Yên cho rằng tại khoản 4 Điều 43 bổ sung  vào cuối khoản như sau: “…, trừ bớt giá trị tài sản đã cược nếu bên ký cược làm mất mát, hư hỏng một phần tài sản sử dụng
14.             Mục 5 chương II về ký quỹ
Ngân hàng Nhà nước đề nghị bổ sung các quy định sau:
+ Bên có nghĩa vụ và bên có quyền thoả thuận bằng văn bản về việc gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá khác vào tài khoản ký quỹ tại một ngân hàng thương mại để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ
+ Bên ký quỹ (bên có nghĩa vụ) và ngân hàng nhận ký quỹ phải thoả thuận bằng văn bản và hợp đồng ký quỹ, trong đó có các nội dung cơ bản sau: tên, địa chỉ của bên ký quỹ và ngân hàng nhận ký quỹ; tên, địa chỉ của bên có quyền được thanh toán, bồi thường thiệt hại; các trường hợp thanh toán tiền ký quỹ cho bên có quyền; thủ tục ngân hàng thanh toán tiền ký quỹ cho bên có quyền; trách nhiệm của bên ký quỹ và ngân hàng nhận ký quỹ; nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho bên ký quỹ trong trường hợp ngân hàng nhận ký quỹ thanh toán tiền ký quỹ không đúng…
Ngân hàng Hàng hải cho rằng dự thảo Nghị định còn chưa có quy định đối với trường hợp Ngân hàng nhận ký quỹ chính là bên có quyền (thường được vận dụng quy định về cầm cố tiền, giấy tờ có giá).
Ngân hàng Công thương Việt Nam đề nghị nên bổ sung việc ký quỹ tại các tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác.
15.             Mục 6 chương II về bảo lãnh
Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần phân biệt rõ “thời điểm” và “thời hạn” bảo lãnh.
Một số ý kiến cho rằng tại khoản 1 Điều 52 nên bỏ đoạn “… kể cả trong trường hợp chưa đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo lãnh” do quy định này không phù hợp với khoản 1 Điều 366 Bộ luật dân sự (Sở Tư pháp Hòa Bình, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); khoản 2 cần quy định là thời điểm bên bảo lãnh nhận được thông báo (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam)
Quy định về quyền của bên bảo lãnh tại khoản 1, 2 Điều 54, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng khó hiểu, chưa rõ ràng, không có ý nghĩa trong thực tế.
Có ý kiến cho rằng làm rõ nghĩa vụ thông báo của bên nhận bảo lãnh cho bên bảo lãnh quy định tại Điều 57 có phải  là điều kiện phải có để thực hiện trả nợ thay hay không?
16.             Mục 7 chương II về tín chấp
Ngân hàng Nhà nước tỉnh Cao Bằng cho rằng phần tín chấp chủ yếu quy định về vấn đề tín chấp của ngân hàng chính sách xã hội, nên dự thảo quy định còn thiếu, chưa đồng bộ và đầy đủ về vấn đề tín chấp cho các giao dịch dân sự khác hoặc sửa tiêu đề thành “tín chấp trong trường hợp đối tượng chính sách vay vốn các tổ chức tín dụng
Một số ý kiến cho rằng quy định “khoản tiền nhỏ” tại khoản 1, 2 Điều 60 là không phù hợp với Điều 372 Bộ luật dân sự (4 Sở Tư pháp)
Ngân hàng Nhà nước tỉnh Cao Bằng cho rằng khoản 3 Điều 60 quy định về chuẩn nghèo nên bỏ vì quy định này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định.
Sở Tư pháp tỉnh Long An cho rằng nên bỏ khoản 2 Điều 62 vì quy định như dự thảo người xác nhận có thể vận dụng theo chủ quan của mình; căn cứ nào để xác định có khả năng hay không có khả năng sử dụng vốn.
Một số ý kiến cho rằng theo quy định mới nên sửa cụm từ “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ” thành “tổ chức tín dụng ” (1 Bộ, ngành; 2 chi nhánh ngân hàng Nhà nước)
17.             Về xử lý tài sản bảo đảm
*Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng dự thảo nên bổ sung quy định về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản thế chấp của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại khu chế xuất, khu công nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng cần bổ sung nguyên tắc “xử lý tài sản bảo đảm theo thoả thuận” tại Điều 67.
Một số ý kiến cho rằng cần quy định rõ phải “có lỗi” của bên nhận bảo đảm thì mới phải bồi thường thiệt hại tại khoản 2 Điều 67 Nghị định (2 chi nhánh ngân hàng Nhà nước).
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam cho rằng cần quy định rõ tên cơ quan có trách nhiệm xử lý tài sản bảo đảm (khoản 3 Điều 67).
*Có ý kiến cho rằng tại khoản 1 Điều 68 nên sửa thành: “…thì các nghĩa vụ khác được bảo đảm bằng tài sản xử lý tuy chưa đến hạn…” (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam); một số ý kiến khác thì cho rằng nên quy định mềm dẻo hơn chứ không nên quy định mọi nghĩa vụ chưa đến hạn “đều được coi là đến hạn” (Bộ Tài chính; Bộ Giáo dục và Đào tạo).
* Có ý kiến cho rằng cần bổ sung chế tài để bảo đảm tốt việc xử lý tài sản bảo đảm (Sở Tư pháp tỉnh Long An)
Một số ý kiến cho rằng cần quy định đoạn 2 khoản 2 Điều 69 cho phù hợp với khoản 3 Điều 130 Luật Đất đai (1 bộ, ngành; 1 Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước; 1 Sở Tư pháp)
*Một số ý kiến cho rằng dự thảo cần làm rõ thời điểm xử lý tài sản để tránh nhầm lẫn với  quy định tại Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản liên quan đến thời gian tổ chức bán đấu giá với thời điểm xử lý tài sản (Sở Tư pháp tỉnh Sóc Trăng).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng cần bổ sung quy định về thời điểm đăng ký xử lý tài sản thế chấp, cầm cố.
Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái đề nghị bổ sung quy định về trường hợp tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà trong thời hạn đăng ký bị hư hỏng hoặc mất toàn bộ giá trị do thiên tai, lũ lụt.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tây Ninh cho rằng việc đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm chỉ nên áp dụng đối với các tài sản có đăng ký giao dịch bảo đảm, chứ không phải tất cả các loại tài sản bảo đảm.
*Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang cho rằng quy định thông báo việc xử lý tài sản bảo đảm tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm gây khó khăn trong việc xử lý tài sản bảo đảm. Những địa phương không có cơ quan này thì văn bản thông báo được đăng ký tại cơ quan nào? Hiện tại 64 tỉnh, thành phố đều có cơ quan đăng ký bất động sản là các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Còn cơ quan đăng ký động sản là các Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản thuộc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm Bộ Tư pháp, hiện tại có 3 Trung tâm tại 3 thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng. 3 Trung tâm này nhận đơn đăng ký trong cả nước với nhiều phương thức nhận đơn rất tiện lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng như nhận đơn trực tiếp, qua bưu điện, qua Fax.     
Một số ý kiến cho rằng cần nâng mức khởi điểm xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản từ 15 ngày lên 30 ngày, bảo đảm quyền chỗ ở và ổn định chỗ ở cho bên có tài sản tham gia xác lập giao dịch bảo đảm (2 Sở Tư pháp).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng tài sản bảo đảm là giấy tờ có giá không bắt buộc phải đăng ký vì ít có tranh chấp. 
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Bình cho rằng cần quy định thời gian hợp lý tối đa cơ quan đăng ký phải hoàn thành việc đăng ký xử lý tài sản bảo đảm.
Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long đề nghị bổ sung quy định bên bảo đảm không được huỷ hoại tài sản dưới mọi hình thức tại Điều 72.
* Bộ Tài chính đề nghị sửa khoản 1 Điều 76 cho phù hợp với Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản như sau: “Tài sản bảo đảm được bán đấu giá theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản, trừ trường hợp pháp luật về giao dịch bảo đảm có quy định khác”.
* Một số ý kiến cho rằng quy định tại khoản 2 Điều 78 là không có cơ sở pháp lý để thực hiện do hiện nay Ngân hàng Nhà nước không quy định lãi suất nợ quá hạn mà chỉ quy định mức tối đa (150% lãi suất trong hạn) và không có mức lãi suất cơ sở (lãi suất trong hạn) để tính lãi suất quá hạn (do đây không phải là hợp đồng tín dụng), vì vậy dự thảo Nghị định nên quy định cụ thể phần lãi suất này cho phù hợp với quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh ngân hàng Nhà nước tỉnh Tây Ninh).
* Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long cho rằng cần quy định thứ tự thanh toán theo thứ tự đăng ký giao dịch bảo đảm.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tây Ninh đề nghị tại khoản 4 Điều 80 không nhất thiết quy định “phải bổ sung tài sản bảo đảm” mà có thể quy định thanh toán bằng tiền hoặc các biện pháp khác để thực hiện xong nghĩa vụ.
* Về xác định thứ tự ưu tiên thanh toán giữa các bên nhận bảo đảm trong trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản hình thành từ vốn vay có một số ý kiến khác nhau:
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì cho rằng quy định thời hạn 5 ngày tại Điều 83 là không hợp lý, nhiều khả năng gây rủi ro. Do vậy, ưu tiên cao nhất là khi giao dịch bảo đảm đã đăng ký; trường hợp nhiều tổ chức cho vay hợp vốn thì thứ tự ưu tiên sẽ xác định theo thời điểm đăng ký.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Nam cho rằng nên bỏ đoạn “nếu giao dịch bảo đảm bằng tài sản đó đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền chậm nhất là năm ngày, kể từ thời điểm xác lập giao dịch bảo đảm”.
18.             Về hiệu lực thi hành
Sở Tư pháp tỉnh Tiền Giang cho rằng cần quy định rõ những văn bản nào trái với Nghị định này sẽ bị bãi bỏ.
Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị cho rằng quy định thay thế cụm từ “bảo lãnh” trong các quy định về bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng, quyền sử dụng rừng là không hợp lý. Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng vẫn còn quy định về bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng.
Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Lâm Đồng cho rằng quy định tại khoản 4 Điều 87 nếu thay thế  từ “ bảo lãnh” bằng từ “thế chấp”  thì sẽ trùng lặp, có 2 từ “thế chấp”. Vì vậy đề nghị bỏ từ “bảo lãnh” hoặc thay thế bằng cụm từ “thế chấp tài sản của người thứ 3”.
Trên đây là Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo Nghị định về giao dịch bảo đảm.

Các văn bản liên quan