BÁO CÁO BỔ SUNG TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KINH TẾ – XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2006 VÀ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI, DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2007

Thứ Ba 12:54 20-03-2007

Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Thưa các đồng chí lão thành cách mạng, các vị khách,
Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khoá XI, Chính phủ đã trình Quốc hội Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2006 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2007 dựa trên tình hình thực hiện 9 tháng đầu năm và dự báo quý IV năm 2006. Trong 3 tháng cuối năm 2006, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành phấn đấu với tinh thần quyết tâm cao, kết quả quý IV năm 2006 hầu hết các hoạt động kinh tế, xã hội tiếp tục có những chuyên biến tích cực, đạt được những kết quả cao hơn so những quý đầu năm, góp phần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2006.

Tại kỳ họp này, Chính phủ đã gửi tới các vị đại biểu Quốc hội các báo cáo bổ sung về tình hình năm 2006 và việc triển khai thực hiện kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2007. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, tôi xin trình bày làm rõ thêm một số kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2006 và những việc Chính phủ đã và đang làm để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội vê kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2007.
 
I- ĐÁNH GIÁ BỔ SUNG TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2006.
Đến hết năm 2006, trong 16 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch năm 2006 có 9 chỉ tiêu thay đổi so với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước, gồm:

- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8,17% (số đã báo cáo là 8,1-8,2%).
- Chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,6% (số đã báo cáo là 7,2 - 7,5%).
- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 22,8% (số đã báo cáo là 18,7%).
- Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 272,877 nghìn tỷ đồng (số đã báo cáo là 269,61 nghìn tỷ đồng); tổng chi ngân sách nhà nước đạt 321,377 nghìn tỷ đồng (số đã báo cáo Quốc hội là 318,11 nghìn tỷ đồng); bội chi ngân sách nhà nước bằng 4,98% GDP.
- Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt 393,5 nghìn tỷ đồng (số đã báo cáo Quốc hội là 390,5 nghìn tỷ đồng), bằng 40,4% GDP (số đã báo cáo là 40%).
- Tạo việc làm mới cho 1,65 triệu người (số đã báo cáo là 1,6 triệu người), trong đó xuất khẩu lao động 78,9 nghìn người (số đã báo cáo là 75 nghìn người).
- Giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) xuống còn 18,1% (số đã báo cáo là 19%).
- Hoàn thành phổ cập trung học cơ sở ở 32/64 tỉnh, thành phố (số đã báo cáo là 35/64 tỉnh, thành phố).
- Cung cấp nước sạch cho 66% dân số nông thôn (số đã báo cáo là 64,6%), kế hoạch là 67%.
Về tổng thể, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mức Quốc hội đề ra và cao hơn mức dự báo đã trình Quốc hội tháng 10 năm 2006. Sau đây, tôi xin trình bày thêm về kết quả đạt được trên một số lĩnh vực:

Một là, nền kinh tế nước ta trong những tháng cuối năm và trong cả năm 2006 tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, cơ cấu kinh tế đã có bước chuyến dịch tích cực.

Tốc độ tăng trưởng GDP quý IV đạt cao hơn các quý đầu năm (8,96%) nên cả năm 2006 đạt 8,17%. Tỷ trọng của ngành nông, lâm, thuỷ sản trong GDP đã giảm từ 20,9% năm 2005 xuống còn 20,4% năm 2006; tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng từ 41% năm 2005 lên 41,52% năm 2006; dịch vụ giữ ở mức 38,08%.

Xuất khẩu hàng hoá tăng cả về số lượng, mặt hàng và mở rộng thị trường. Tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2006 đạt trên 39,8 tỷ USD, tăng 22,8% so với năm 2005, cao hơn số báo cáo Quốc hội là 18,7%. Có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 2 mặt hàng so với năm 2005 (là cà phê và cao su), trong đó có 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt 3 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu đạt 44,89 tỷ USD, tăng 21,4% so với năm 2005. Nhập siêu 5,09 tỷ USD, bằng 12,16% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong những tháng cuối năm 2006, tuy thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xẩy ra, đặc biệt là cơn bão số 6 và số 9 đã gây thiệt hại lớn ở các tỉnh Trung bộ và Nam bộ, nhưng nhờ có sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành và sự chia sẻ, giúp đỡ của toàn xã hội, sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân đã ổn định trở lại trong thời gian ngắn. Giá trị sản lượng toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,4%, đời sống nông thôn, nông dân từng bước được cải thiện rõ rệt. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17% so với năm trước (cao hơn so với kế hoạch đề ra là 15,5%). Giá trị tăng thêm của ngành dịch vụ cả năm 2006 tăng 8,29%, cao hơn kế hoạch đề ra. Thị trường trong nước ổn định, phát triển đa dạng. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2006 tăng 20,9% so với năm 2005. Các hoạt động du lịch, vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đều đạt kết quả khá. Khách du lịch nội địa tăng nhanh, khách quốc tế năm 2006 đạt khoảng 3,6 triệu lượt người, tăng 3,4% so với năm 2005.

Hai là, hệ thống thể chế kinh tế thị trường tiếp tục được hoàn thiện tạo môi trường thuận lợi để huy động nguồn lực cho phát triển.

Vốn đầu tư toàn xã hội năm 2006 đạt 393,5 nghìn tỷ đồng, bằng 40,4% GDP; trong đó vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước đạt 86,4 nghìn tỷ đồng, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đạt 26,3 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước đạt 61,6 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư của dân cư và doanh nghiệp tư nhân đạt 132,6 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 65,6 nghìn tỷ đồng; các nguồn vốn khác đạt 21 nghìn tỷ đồng. Bố trí vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước của các địa phương đã tập trung hơn, trong đó đã dành gần 12% tổng số vốn trong cân đối để thanh toán nợ xây dựng cơ bản các năm trước.

Vốn ODA được ký kết với các nhà tài trợ đạt tổng giá trị 2.666 triệu USD, trong đó vốn vay đạt 2.412 triệu USD và vốn viện trợ không hoàn lại đạt 254 triệu USD. Giải ngân nguồn vốn ODA đạt 1.780 triệu USD, bằng 101% kế hoạch, cao hơn mức giải ngân của năm 2005. Tại Hội nghị các nhà tài trợ đầu tháng 12 năm 2006, các tổ chức quốc tế và Chính phủ các nước đã cam kết tài trợ cho Việt Nam năm 2007 với mức 4.445 triệu USD (tăng 700 triệu USD so với năm 2006), là mức cao nhất từ trước đến nay. Đây là một kết quả quan trọng, tạo điều kiện để triển khai các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn và quan trọng của đất nước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức cao nhất từ trước đến nay cả về số vốn đăng ký và số vốn thực hiện. Tổng số vốn cấp phép mới và tăng thêm đạt 10,47 tỷ USD, tăng 49,1% so với năm 2005. Quy mô các dự án mới có mức vốn bình quân đạt 9,4 triệu USD/dự án, cao hơn so với năm 2005 (4,6 triệu USD/dự án) và năm 2004 (3 triệu USD/dự án). Vốn thực hiện ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm 2005.

Chính phủ đã phát hành 10.666 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho các công trình giao thông, thủy lợi trọng điểm. Tính chung 4 năm qua (2003 -2006), tổng số vốn trái phiếu Chính phủ đã phát hành (bao gồm cả trái phiếu bằng ngoại tệ) là 30.980 tỷ đồng.

Các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ... đã tạo điều kiện thu hút một lượng vốn lớn từ nhân dân dành cho đầu tư phát triển. Năm 2006, có khoảng 46.000 doanh nghiệp mới được thành lập với tổng số vốn đăng ký khoảng 148 nghìn tỷ đồng.

Ba là, tình hình tài chính, tiền tệ, giá cả tiếp tục ổn định, giữ vững được các cân đối vĩ mô.

Tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2006 ([1]) đạt 272.877 tỷ đồng, vượt 11,0% (26.977 tỷ đồng) so dự toán đầu năm và tăng 3.267 tỷ đồng so báo cáo tại kỳ họp trước của Quốc hội. Tỷ lệ động viên ngân sách ([2]) so với GDP đạt 23,1%. Kết quả thực hiện thu NSNN năm 2006 cơ bản sát với đánh giá đã báo cáo Quốc hợi phản ảnh khả năng đánh giá, dự báo tài chính - ngân sách khá hơn so với trước đây.

Tổng chi NSNN năm 2006 ([3]) đạt 321.377 tỷ đồng, vượt 9,2% (26.977 tỷ đồng) so với dự toán đầu năm, tăng 20,9% so với thực hiện năm 2005 và tăng 1% (3.267 tỷ đồng, tương ứng sổ tăng thu NSNN) so với số báo cáo Quốc hội lần trước; riêng chi đầu tư phát triển tăng 5,5% (4.504 tỷ đồng) so dự toán, tăng 369 tỷ đồng so với báo cáo trước, chiếm 29% tổng chi cân đối NSNN ([4]). Số vượt chi ngân sách so với dự toán chủ yếu tập trung tăng đầu tư cho các công trình phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, tăng mức hỗ trợ cho các vùng khó khăn, cho một số nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh, giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh....

Các công cụ chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành linh hoạt nhằm giảm áp lực tăng tổng phương tiện thanh toán, ổn định lãi suất, tỷ giá, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời kiềm chế lạm phát ở mức thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Quản lý ngoại hối theo hướng chủ động, linh hoạt đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Dự trữ ngoại tệ tăng (đạt 12,3 tuần nhập khẩu. Tính đến hết tháng 02 năm 2007 đạt 15 tuần nhập khẩu), nguồn thu về ngoại tệ tăng và cán cân thanh toán quốc tế tiếp tục có thặng dư. Dư nợ vay của Chính phủ và dư nợ vay nước ngoài của quốc gia tiếp tục được kiểm soát trong giới hạn an toàn cho phép.

Thị trường tài chính và dịch vụ tài chính tiếp tục phát triển tương đối toàn diện dần trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển của toàn xã hội trong thời gian tới. Hoạt động của thị trường chứng khoán sôi động và có bước phát triển vượt bậc so với năm trước. Đến hết năm 2006, đã có 193 công ty niêm yết và đăng ký giao dịch tại các trung tâm giao dịch chứng khoán, tăng 4,7 lần so với năm 2005; tổng giá trị vốn hoá thị trường cổ phiếu đạt 221.156 tỷ đồng (tương đương 22,7% GDP); có khoảng mười vạn tài khoản giao dịch trên thị trường, tăng hơn 3 lần so với năm 2005 và trên 30 lần so với khi mới mở thị trường. Tuy nhiên quy mô thị trường còn nhỏ và tiềm ẩn rủi ro cao. Chính phủ đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng lực dự báo, tăng cường quản lý, bảo đảm cho thị trường tiếp tục phát triển nhanh, lành mạnh và bền vững.

Tiếp tục đổi mới công tác quản lý giá, chuyển mạnh theo hướng giảm can thiệp của nhà nước để giá cả vận động trên cơ sở kinh tế thị trường, nhà nước chỉ can thiệp, điều tiết vĩ mô đối với một số mặt hàng thiết yếu để duy trì ổn định thị trường, kiểm soát chỉ số tăng giá ở mức hợp lý. Năm 2006, mặc dù giá xăng dầu biến động mạnh, giá điện, than đã được điều chỉnh sát hơn với thị trường song giá cả thị trường hàng hóa tương đối ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng năm 2006 tăng 6,6%, thấp hơn so với năm trước (năm 2005 chỉ số giá tăng 8,4%) trong đó nhóm hàng lương thực tăng cao nhất là 14,1%, chủ yếu do giá gạo của thị trường thế giới tăng cao kéo giá trong nước tăng lên.

Bốn là, hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực.

Hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế được đánh dấu bằng một loạt các sự kiện quan trọng. Sau quá trình 11 năm kiên trì đàm phán, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ ngày 07 tháng 11 năm 2006. Với sự nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân, chúng ta đã tổ chức thành công Hội nghị APEC lần thứ 14 tại Hà Nội, được bạn bè cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng được nhiều nước đồng thuận giới thiệu làm thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc.

Những kết quả của hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra nhiều thuận lợi và cơ hội mới cho việc phát triển kinh tế đất nước, mở rộng thị trường cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, đảm bảo vai trò bình đẳng trong cạnh tranh, nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Năm là, đẩy mạnh các hoạt động khoa học công nghệ, triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng trong giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

Bên cạnh việc triển khai thực hiện Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Chuyển giao công nghệ..., Chính phủ đã tích cực nghiên cứu xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử, Pháp lệnh Công nghệ cao, các Nghị định về Quy chế tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Xây dựng mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các chính sách phát triển các ngành công nghệ cao... Một số kết quả nghiên cứu khoa học đã được ứng dụng có kết quả trong sản xuất và đời sống, nhất là trong sản xuất nông nghiệp.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu công nghệ cao tại thành phố Hồ Chí Minh, đã cấp thêm giấy phép đầu tư, trong đó có Dự án của Tập đoàn Intel (Hoa Kỳ) đầu tư dự án nhà máy sản xuất bộ vi xử lý với tổng vốn đầu tư trên 1 tỷ USD. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc và xúc tiến thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Công tác đổi mới trong giáo dục và đào tạo được quan tâm nhằm hướng tới nâng cao chất lượng dạy và học một cách thực chất. Phong trào nói không với tiêu cực, chống bệnh thành tích được sự hưởng ứng mạnh mẽ trong ngành giáo dục và toàn xã hội đã có tác động bước đầu đến việc chấn chỉnh, khắc phục tiêu cực trong dạy, học và thi cử giúp phản ánh chất lượng giáo dục sát thực hơn.

Công tác y tế và việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân tiếp tục có chuyển biến tốt. Tiếp tục thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo. Tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh, ngăn ngừa, khoanh vùng ổ dịch, không để lây lan các dịch bệnh nguy hiểm, truyền nhiễm, nhất là các bệnh dịch cúm gà, cúm A H5N1 ở người, sốt xuất huyết, tiêu chảy... Việc thực hiện chính sách xã hội hoá huy động các nguồn lực vào lĩnh vực y tế đã thu được những kết quả nhất định. Nhiều cơ sở y tế tư nhân đã được thành lập đáp ứng thêm nhu cầu khám chữa bệnh và góp phần giảm tải ở các bệnh viện công.

Sáu là, gắn việc phát triển kinh tế với giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội.

Bên cạnh việc tập trung các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp để xoá đói giảm nghèo, tập trung nguồn lực phát triển kinh tế vùng, miền khó khăn và đặc biệt khó khăn. Tiếp tục thực hiện Chương trình 135, mở rộng thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi với vùng khó khăn, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất với đồng bào dân tộc khó khăn... Năm 2006, đã tạo việc làm mới cho 1,65 triệu lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ở thành thị xuống còn 5,15%. Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần xoá đói giảm nghèo một cách tích cực và hiệu quả hơn, tỷ lệ số hộ nghèo năm 2006 (theo chuẩn mới) giảm còn 18,1%.

Thiệt hại do thiên tai năm 2006 là rất lớn (ước khoảng 18,6 nghìn tỷ đồng). Các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể xã hội đã kịp thời huy động nhiều nguồn lực để khắc phục hậu quả và sớm ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân. Công tác cứu trợ xã hội đã được đẩy mạnh hơn, các hoạt động từ thiện đã trở thành phong trào rộng rãi trong cộng đồng dân cư, là nét đẹp trong xã hội ta.

Bảy là, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Việc thực hiện cơ chế một cửa và thí điểm cơ chế "một cửa liên thông" đang được các cơ quan hành chính các cấp triển khai, bước đầu đạt được kết quả tốt, là cơ sở tốt cho công tác cải cách hành chính trong các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, quản lý hộ tịch, lý lịch tư pháp, công chứng, đấu giá tài sản...

Các Bộ, ngành, địa phương đã quán triệt và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10/2006/CT-TTg ngày 23 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phấn đấu giảm văn bản, giấy tờ, thủ tục hành chính trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Nhờ vậy, việc giải quyết công việc, thủ tục hành chính trong nhiều Bộ, ngành, địa phương được kịp thời và nhanh gọn hơn trước.

Ban Chỉ đạo của Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã được kiện toàn và đi vào hoạt động, đã tập trung xử lý các vụ việc tham nhũng lớn trong việc quản lý đất đai, tài sản và đầu tư xây dựng cơ bản... Chính phủ đã ban hành các Nghị định cần thiết tạo cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành và mọi người dân tham gia vào công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Các địa phương đã ban hành chương trình hành động và thành lập các Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí đã thu được những kết quả bước đầu trong việc quản lý tài sản công, chi tiêu ngân sách nhà nước, quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản...

Các Bộ, ngành, địa phương đã tiến hành nhiều đợt thanh tra, kiểm tra các cơ quan, đơn vị trực thuộc; các cơ quan báo chí cũng đã tích cực tham gia các hoạt động nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tham nhũng, lãng phí trong quản lý, chi tiêu ngân sách và sử dụng tài sản công.
 
II. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI VỀ KẾ HOẠCH VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2007
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XI đã thông qua các Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2007.

Căn cứ các Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành các Quyết định giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp; đồng thời, đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai kế hoạch. Trên cơ sở đó Chính phủ ban hành Nghị quyết số 03/2007/NQ-CP ngày 19 tháng 01 năm 2007 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007.

Dưới đây tôi xin báo cáo một số kết quả chủ yếu trong việc triển khai kế hoạch và tình hình những tháng đầu năm 2007 như sau:

1. Về giao dự toán ngân sách nhà nước

Tính đến trung tuần tháng 02 năm 2007, 100% đơn vị đầu mối kế hoạch ở Trung ương đã thực hiện phân bổ, dự toán thu, chi cho các đơn vị trực thuộc. Đến ngày 10 tháng 01 năm 2007 tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã thông qua nhiệm vụ kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2007.

Các địa phương đã quyết định tăng tổng số thu cân đối NSNN trên địa bàn thêm 1,2% (3.385 tỷ đồng) so dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; tổng số chi cân đối ngân sách địa phương tăng 5,5% (8.228 tỷ đồng) so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; 58/64 địa phương quyết định dự toán chi tăng so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao; 6/64 địa phương quyết định dự toán bằng mức Thủ tướng Chính phủ giao.

2. Về giao kế hoạch đầu tư phát triển

Việc giao kế hoạch năm 2007 được thực hiện nghiêm túc, khẩn trương hơn các năm trước, bố trí vốn tập trung hơn, khắc phục dần tình trạng phân tán, dàn trải của các năm trước. Vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước được bố trí tập trung cho các công trình trọng điểm, các công trình hoàn thành trong năm và các dự án chuyển tiếp. Mức vốn bình quân của 1 dự án cả ở Trung ương và địa phượng đều cao hơn năm trước.

Nhiều Bộ, ngành và địa phương đã kiên quyết đình hoãn những công trình không đủ điều kiện và những công trình chưa thực sự cấp thiết để dành vốn thanh toán các khoản tạm ứng và nợ xây dựng cơ bản các năm trước. Tổng số vốn đã bố trí để thanh toán các khoản ứng trước và nợ xây dựng cơ bản là 6120,5 tỷ đồng, trong đó ở các Bộ, ngành Trung ương là 1.420,5 tỷ đồng, các địa phương là 4.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 12% tổng vốn đầu tư trong cân đối của ngân sách địa phương.
Hầu hết các dự án được bố trí trong kế hoạch năm 2007 đều đảm bảo các thủ tục đầu tư và xây dựng. Số dự án chưa đủ thủ tục nhưng vẫn được tiếp tục bố trí vốn là 202 dự án với tổng số vốn là 2.112 tỷ đồng, trong đó các cơ quan Trung ương 143 dự án (l.876 tỷ đồng), các địa phương 59 dự án (236 tỷ đồng).

Việc bố trí vốn cho các dự án vượt quá thời gian quy định (4 năm đối với nhóm B và 2 năm đối với nhóm C) vẫn chưa được khắc phục triệt để. Đến nay còn 40 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và một số Bộ, ngành vẫn có các dự án nhóm B, C kéo dài thời gian đầu tư so với quy định.

Đến hết tháng 02 năm 2007, các địa phương còn khoảng 14.500 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa phân bổ đến từng dự án; một số địa phương chưa chấp hành nghiêm các quy định về phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản.

3. Một số tình hình kinh tế - xã hội trong 2 tháng đầu năm 2007

Tình hình kinh tế - xã hội hai tháng đầu năm tiếp tục ổn định và phát triển, duy trì được đà tăng trưởng của những tháng cuối năm 2006.

Giá trị sản xuất công nghiệp 2 tháng ước đạt 89 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến giữa tháng hai, cả nước đã gieo cấy được 2,7 triệu ha lúa Đông Xuân, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ 2 tháng đầu năm đạt trên 112 nghìn tỷ đồng, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu hàng hoá và đi lại của nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán được bảo đảm, không có các biến động lớn về giá cả.

Dịch vụ bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,76 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2006. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ năm trước như: dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, hàng điện tử, vi tính và linh kiện, cà phê, thủy sản, thủ công mỹ nghệ... Kim ngạch nhập khẩu đạt 7,83 tỷ USD, tăng 45,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, máy tính linh kiện tăng 46%, vải (cho may mặc xuất khẩu) tăng 49%, máy móc thiết bị phụ tùng tăng 80,5%. Nhập siêu trên 1 tỷ USD, bằng 15,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Vốn đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước ước đạt 13.170 tỷ đồng bằng 13,2% kế hoạch, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2006.

Trong 2 tháng đầu năm đã ký kết 2 hiệp định tài trợ ODA với tổng số vốn 159 triệu USD, giải ngân đạt 135 triệu USD, trong đó vốn vay là 105 triệu USD, viện trợ không hoàn lại 30 triệu USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 2 tháng đầu năm ước đạt 1.911 triệu USD, tăng 45% và vốn thực hiện ước đạt 690 triệu USD, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2006.

Tổng số thu ngân sách ước đạt 39.745 tỷ đồng, bằng 14,1% dự toán. Tổng chi NSNN ước đạt 51.530 tỷ đồng, bằng 14,4% dự toán, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2006. Bội chi ước đạt 11.785 tỷ đồng, bằng 20,8% dự toán năm được bù đắp bằng vay trong nước (9.605 tỷ đồng) và vay ngoài nước (2.180 tỷ đồng).

Chỉ số giá tiêu dùng trong 2 tháng đầu năm tăng thấp hơn cùng kỳ các năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 02 năm 2007 tăng 3,24% so với tháng 12 năm 2006 (cùng kỳ năm 2006 tăng 3,3%, năm 2005 tăng 3,6%); trong đó: nhà ở và vật liệu xây dựng tăng cao nhất là 5%, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,62% (lương thực tăng 4,61%, thực phẩm tăng 4,73%), đồ uống và thuốc lá tăng 4,21%. Giá vàng tăng 0,93%, giá đôla Mỹ giảm 0,33%.

Các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, du lịch tiếp tục phát triển; các cấp, các ngành đã tổ chức tốt các hoạt động cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Đinh Hợi vui tươi, lành mạnh, an toàn.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình 2 tháng đầu năm cũng cho thấy một số vấn đề tồn tại, khó khăn cần được quan tâm xử lý.

Ngành nông nghiệp đang đứng trước nguy cơ hạn hán nghiêm trọng, từ đầu năm đến này, hầu hết các khu vực đều có tổng lượng mưa thấp hơn bình quân nhiều năm. Dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá tiếp tục lan rộng ở đồng bằng sông Cửu Long. Dịch cúm gia cầm đã được khống chế đến đầu năm 2007, nhưng vừa qua đã bùng phát trở lại ở một số địa phương. Dịch lở mồm long móng gia súc tiếp tục lây lan ở nhiều địa phương nhưng chưa có biện pháp khắc phục triệt để.

Tình hình trật tự an toàn giao thông tiếp tục xấu đi. Số vụ tai nạn giao thông và số người chết có giảm trong tháng 1 nhưng lại tăng trở lại trong tháng 2 với mức độ rất nghiêm trọng. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Hợi (từ ngày 16 tháng 02 năm 2007 đến ngày 21 tháng 02 năm 2007) cả nước đã xảy ra 570 vụ tai nạn giao thông làm chết 375 người, bị thương 643 người. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chấn chỉnh, giao nhiệm vụ cho các ngành có liên quan và các địa phương tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông; nghiêm khắc phê bình các địa phương để xảy ra nhiều tai nạn giao thông.
 
III. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2007
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 03/2007/NQ-CP ngày 19 tháng 01 năm 2007 với 7 nhóm và 143 giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2007, trong đó tập trung vào 3 nhiệm vụ trọng tâm là phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 8,5%, đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Những nhiệm vụ và giải pháp đó đang được các ngành, các cấp tích cực triển khai thực hiện.

Sau đây, tôi xin nhấn mạnh thêm một số trọng tâm công tác của Chính phủ trong thời gian tới.

Một là: Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật; ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thi hành và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2007 của Quốc hội.

Rà soát để sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách về phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường khoa học công nghệ; sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước và đưa các doanh nghiệp đã cổ phần hóa niêm yết công khai, minh bạch tại thị trường chứng khoán; phát triển các cơ sở đào tạo nghề, các cơ sở cung ứng dịch vụ lao động;...

Đổi mới cơ chế điều hành giá cả phù hợp với cơ chế thị trường. Từ năm 2007, thực hiện cơ chế giá thị trường đối với các mặt hàng: xi măng, sắt thép, phân bón, giấy, than (trừ giá than cung cấp cho phát điện); không bù lỗ giá xăng, phấn đấu đến cuối năm 2007 hoặc đầu năm 2008 không bù lỗ giá dầu; tiếp tục triển khai thực hiện lộ trình điều chỉnh giá bán điện; trước mắt là tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 276/2006/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá điện.

Hai là: Triển khai kế hoạch đầu tư phát triển năm 2007 và các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, thu hút vốn và tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư

Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm chỉnh các Nghị quyết của Quốc hội về giao kế hoạch đầu tư phát triển năm 2007, kịp thời chấn chỉnh và khắc phục những tồn tại, thiếu sót vừa được phát hiện. Các địa phương phải phân bổ hết số vốn còn lại trước ngày 31 tháng 3 năm 2007.

Đối với các dự án đầu tư không đủ thủ tục hoặc quá thời hạn quy định, các Bộ, ngành, địa phương phải điều chuyển xong trước ngày 31 tháng 3 năm 2007 cho các dự án có khả năng hoàn thành trong năm.

Đối với các địa phương phân bổ vốn đầu tư trong cân đối thấp hơn mức vốn đã được giao, thì phải điều chỉnh theo đúng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; trường hợp địa phương giao vốn đầu tư trong cân đối cao hơn mức vốn đã được giao, phải chủ động có biện pháp huy động thêm vốn và tăng nguồn thu ngân sách của địa phương; tuyệt đối không để phát sinh tình trạng mất cân đối về nguồn vốn, gây bị động và tăng thêm nợ xây dựng cơ bản.

Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra đầu tư xây dựng cơ bản trọng tất cả các khâu: chuẩn bị dự án, đấu thầu, thi công, nghiệm thu, quyết toán công trình.

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển kinh tế biển, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là các dự án công trình hạ tầng quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng đến việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển hợp tác kinh tế quốc tế, như các đường cao tốc đường bộ, đường sắt Bắc - Nam, các hành lang và vành đai kinh tế, các cảng biển, sân bay lớn, hệ thống tàu điện ngầm tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh,...

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tạo môi trường thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Chủ động giải quyết các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình, dự án ODA, công khai hoá thông tin về ODA tới các Bộ, ngành và địa phương.

Ba là: Những giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2007

Tăng cường quản lý, dự báo, giám sát, kiểm soát hoạt động của thị trường chứng khoán, bảo đảm cho thị trường chứng khoán phát triển nhanh lành mạnh và bền vững, thực sự là kênh huy động vốn quan trọng cho đầu tư phát triển nền kinh tế quốc dân. Khẩn trương ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán và các biện pháp quản lý, giám sát thị trường, nghiên cứu ban hành chính sách thuế đối với thu nhập từ chứng khoán.

Thực hiện tốt chính sách động viên NSNN, khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh, tăng tích luỹ, tăng nguồn thu ngân sách; khuyến khích địa phương phấn đấu tăng thu, tăng nguồn ngân sách phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; tiếp tục triển khai lộ trình cải cách hệ thống thuế, nhất là các quy định về phí và lệ phí, thu thuế và hoàn thuế trên cả ba mặt: chính sách thuế, hiện đại hoá quản lý hành chính thuế và dịch vụ tư vấn thuế.

Tăng cường công tác quản lý và chống thất thu ngân sách, xử lý dứt điểm nợ đọng thuế; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân; có các biện pháp chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm. Chấn chỉnh công tác hoàn thuế, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về thu NSNN.

Nâng cao hiệu quả và sử dụng tiết kiệm NSNN; đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước phải chủ động sắp xếp, sử dụng dự toán NSNN năm 2007 bảo đảm hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Tạo chuyển biến trong thực hiện chủ trương xã hội hoá, huy động nguồn lực cho phát triển. Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý tài sản công; khẩn trương xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Quản lý tài sản công; kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư, mua sắm và sử dụng tài sản công đi đôi với tăng cường phân cấp quản lý tài sản, gắn quyền hạn với trách nhiệm, gắn kết quả với chi phí.

Bốn là: Chủ động thực hiện các cam kết quốc tế

Để thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá X về một số chủ trương chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việc chủ động thực hiện các cam kết quốc tế sẽ giúp chúng ta tranh thủ tốt các cơ hội và hạn chế được các tác động bất lợi trong hội nhập kinh tế; đồng thời, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên thế giới.

Để thực hiện Nghị quyết của Trung ương và Chương trình hành động của Chính phủ, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch hành động của mình; tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ và nhân dân về các nội dung cam kết; có kế hoạch khai thác các cơ hội thuận lợi cũng như khắc phục các khó khăn trong quá trình thực hiện các cam kết mở cửa thị trường. Trước mắt, cần thực hiện việc tổng rà soát và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh cải cách hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, xuất nhập khẩu, phân phối - dịch vụ,... đồng thời, nghiên cứu chủ động áp dụng các hình thức hỗ trợ cần thiết phù hợp với quy định trong WTO đối với người nghèo, vùng nghèo, đối với những bộ phận xã hội ít được hưởng lợi hoặc bị thiệt thòi trong quá trình hội nhập, đặc biệt quan tâm tới nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Chính phủ chủ trương tăng cường chất lượng của Cơ quan Đại diện bên cạnh WTO để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của một nước thành viên, tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán quốc tế để bảo vệ lợi ích quốc gia. Các Bộ đã được phân công, cần khẩn trương xây dựng các văn bản pháp luật trong các lĩnh vực: cạnh tranh, chống bán phá giá, chống trợ cấp, xuất xứ hàng hoá, các tiêu chuẩn môi trường, sức khoẻ và kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, hệ thống kiểm dịch đối với hàng hoá xuất - nhập khẩu,...

Mở rộng quy mô, đa dạng hóa hình thức và nâng cao chất lượng hoạt động của các hiệp hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp nhằm tranh thủ tối đa các lợi ích do giao lưu quốc tế đưa lại.

Năm là: Giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc về môi trường

Hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi chúng ta phải quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác bảo vệ môi trường. Chính phủ đang xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý tổng lượng tài nguyên thiên nhiên và môi trường; quy hoạch tổng hợp tài nguyên nguồn nước, quản lý, khai thác bền vững các lưu vực sông, vùng mỏ, vùng kinh tế trọng điểm; quản lý, khoanh nuôi, tái tạo rừng và trồng rừng mới.

Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá về môi trường, kiểm soát và xử lý tốt các loại chất thải phát sinh, xử lý triệt để những cơ sở đang gây ô nhiễm nghiêm trọng, triển khai thực hiện chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước.

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển các dịch vụ về tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải, khuyến khích các loại hình sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường. Tăng cường kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu, tăng cường lực lượng kiểm lâm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.

Sáu là: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn và nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy nhà nước

Hoàn thiện tổ chức hoạt động của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X; thực hiện Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, giảm đầu mối, giảm cấp phó, bỏ cấp trung gian; tập trung cao vào việc xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách, quy hoạch và kế hoạch, điều hành, giám sát, thanh kiểm tra, tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội.

Tiếp tục thực hiện phân cấp mạnh cho các Bộ và chính quyền địa phương, gắn liền với xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn trong các lĩnh vực. Quy định rõ phạm vi và nội dung quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội của cơ quan hành chính các cấp; nâng cao năng lực chỉ đạo thực hiện.

Trong năm 2007 tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến rõ về cải cách thủ tục hành chính, phục vụ thuận tiện hơn cho nhân dân và doanh nghiệp trong các hoạt động kinh doanh, xây dựng, nhà đất, hộ khẩu, hộ tịch, thuế, hải quan...

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về khiếu nại, tố cáo phù hợp với thực tiễn Việt Nam và những cam kết quốc tế; đổi mới mạnh mẽ cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính, nghiên cứu thành lập hệ thống cơ quan tài phán hành chính trực thuộc Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan hành chính nhà nước trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung chỉ đạo, giải quyết những vụ khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, nhất là các vụ việc khiếu tố liên quan đến việc thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị.

Bảy là: Thực hiện kiên quyết và đồng bộ các biện pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí

Triển khai thực hiện đồng bộ Nghị quyết Trung ương 3, các Luật và Nghị quyết, Chương trình hành động của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kiện toàn tổ chức và triển khai hoạt động có hiệu quả Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng ở các Bộ, ngành; đẩy mạnh hoạt động của các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tại cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý sử dụng đất đai, tài sản công, chi tiêu ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản; trong quản lý tài chính và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; trong huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân và công tác cán bộ.

Tập trung chỉ đạo điều tra làm rõ và xử lý kịp thời những vụ việc tham nhũng đã được phát hiện, nhất là những vụ tham nhũng lớn, đang được xã hội quan tâm. Tạo mọi điều kiện để các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể và mọi người dân tham gia tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng.

Kính thưa các vị đại biếu Quốc hội,

Nhiệm vụ năm 2007 rất nặng nề nhưng với những gì đạt được trong những tháng qua đã khẳng định quyết tâm cao của cả nước thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 2007. Chính phủ rất mong được các vị đại biểu Quốc hội và toàn thể nhân dân đóng góp, ủng hộ và giám sát chặt chẽ mọi mặt hoạt động nhằm giúp Chính phủ hoàn thành tốt nhiệm vụ đã được Quốc hội giao cho.

Xin cảm ơn.


[1] Bao gồm thu cân đối ngân sách và thu chuyển nguồn từ năm 2005.

[2] Chỉ tính số thu cân đối NSNN.

[3] Bao gồm số chi chuyển nguồn sang năm 2007 để thực hiện cải cách tiền lương, đảm bảo cân đối ngăn sách năm 2007 và các nhiệm vụ theo chế độ quy định.

[4] Không bao gồm số chuyển nguồn sang năm 2007.

Các văn bản liên quan