Bản tổng hợp ý kiến góp ý của VCCI về Dự thảo Nghị định về quản lý vay, trả nợ nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ

Thứ Tư 15:38 08-06-2011

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

------------------------------

Số:   1275  /PTM-PC

V/v: góp ý Dự thảo Nghị định

về quản lý vay, trả nợ nước ngoài

không có bảo lãnh Chính phủ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

----------------------------------

Hà Nội, ngày 08 tháng 06 năm 2011

 

Kính gửi: NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM

 

Phúc đáp Công văn số 3645/NHNN-QLNH của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc đề nghị góp ý đối với Dự thảo Nghị định về quản lý vay, trả nợ nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:

  1. Về giải thích từ ngữ (Điều 2 Dự thảo Nghị định)

-         Khoản 1 Điều 2 Dự thảo Nghị định quy định: “Vay nước ngoài là việc Người cư trú nhận khoản tín dụng từ Người không cư trú thông qua việc ký kết và thực hiện các Thỏa thuận vay nước ngoài như hợp đồng vay, hợp đồng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc phát hành công cụ nợ của Người cư trú”. Khoản này quy định về hình thức vay nước ngoài trong đó bao gồm việc tổ chức tín dụng ký hợp đồng nhận ủy thác cho vay. Sẽ có hai trường hợp xảy ra: (1) Tổ chức tín dụng chịu rủi ro liên quan đến khoản cho vay lại và (2) Tổ chức tín dụng không chịu rủi ro liên quan đến khoản cho vay lại (nhận ủy thác cho vay theo đúng chỉ định của nước ngoài về đối tượng cho vay và các điều kiện vay cụ thể). Trong trường hợp này, thực chất tổ chức tín dụng Việt Nam chỉ làm ngân hàng đại lý cho tổ chức nước ngoài, do đó đề nghị Dự thảo Nghị định quy định rõ các khoản vay từ nguồn này có tính vào hạn mức vay nước ngoài của tổ chức tín dụng trong nước hay không? Hơn nữa, Điều 3 Luật Quản lý nợ công quy định: “Công cụ nợ là tín phiếu, hối phiếu, trái phiếu, công trái và công cụ khác làm phát sinh nghĩa vụ trả nợ”. Như vậy, trường hợp tổ chức tín dụng phát hành tín phiếu, trái phiếu – là giấy tờ có giá theo Điều 8 Quyết định số 07/2008/QĐ-NHNN ngày 24/03/2008 và người mua là người không cư trú (Điều 3 Quyết định số 07/2008/QĐ-NHNN) có được coi là hoạt động vay nước ngoài hay không? Đề nghị Dự thảo Nghị định quy định rõ vấn đề này;

-         Khoản 3, khoản 4 Điều 2 Dự thảo Nghị định quy định: “Khoản vay nước ngoài ngắn hạn là khoản vay nước ngoài có thời hạn vay dưới một (01) năm”, “Khoản vay nước ngoài trung, dài hạn là khoản vay nước ngoài có thời hạn vay từ một (01) năm trở lên”. Đề nghị Dự thảo Nghị định quy định tương tự như khoản 2 Điều 2 Quy chế Quản lý vay và trả nợ nước ngoài, ban hành kèm theo Nghị định 134/2005/NĐ-CP ngày 01/11/2005 (sau đây gọi tắt là Nghị định 134) là: các khoản vay ngắn hạn có thời hạn vay đến một (01) năm, trung và dài hạn có thời hạn vay trên một (01) năm, điều này cũng thống nhất với cách phân loại thời hạn của các khoản vay vốn trong nước và thời hạn mở L/C theo các quy định hiện hành. Mặc khác, đề nghị Dự thảo Nghị định quy định cụ thể thời hạn của khoản vay trung hạn nước ngoài tách bạch với khoản vay nước ngoài dài hạn nhằm giúp các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuận tiện trong quá trình thực hiện phân loại nợ và quản lý theo dõi nợ vay nước ngoài.

  1. Về Nguyên tắc quản lý (Điều 4 Dự thảo Nghị định)

-         Khoản 4 Điều 4 Dự thảo Nghị định quy định: “Các khoản vay nước ngoài ngắn hạn của Bên đi vay tự vay tự trả không phải đăng ký tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. Trong khi đó tại khoản 3 Điều 21 Nghị định số 160/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 lại quy định, các khoản vay nước ngoài của người cư trú là tổ chức kinh tế, tổ chức tín dụng phải được ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận đăng ký, không phân biệt là khoản vay ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn. Như vậy, giữa hai quy định này không có sự thống nhất, đề nghị Dự thảo Nghị định xem xét điều chỉnh. Đề nghị Dự thảo Nghị định sửa đổi cụm từ “điều kiện vay ngắn hạn nước ngoài ngắn hạn” thành “điều kiện vay nước ngoài ngắn hạn”;

-         Khoản 5 Điều 4 Dự thảo Nghị định quy định: “Các khoản vay nước ngoài trung, dài hạn của Bên đi vay tự vay, tự trả thực hiện đăng ký theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác nhận đăng ký khoản vay trung dài hạn nước ngòai của Bên đi vay trong phạm vi hạn mức vay nước ngoài tự vay, tự trả được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm thực hiện”. Quy định này liệu có hợp lý không khi việc tự vay, tự trả nợ của doanh nghiệp không phải là nợ công, không được Chính phủ bảo lãnh, nên hạn mức này chỉ có tính chất tương đối để điều hành chính sách kinh tế vĩ mô. Nếu bắt buộc việc đi vay phải nằm trong hạn mức thì sẽ không bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp, nhất là những trường hợp chỉ vay số tiền nhỏ. Hơn nữa, bản chất của việc quản lý này chỉ là đăng ký chứ không phải là cấp phép vay nợ. Như vậy, việc được hay không được đăng ký do vượt hạn mức quốc gia chỉ là thứ tự thời gian chứ không phụ thuộc vào bản chất đặc điểm của giao dịch.

  1. Về Xây dựng hạn mức vay nước ngoài tự vay, tự trả (Điều 7 Dự thảo Nghị định)

Điều 7 Dự thảo Nghị định quy định: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định hạn mức ký vay nước ngoài tự vay, tự trả trong năm kế hoạch nhằm đảm bảo thực hiện hạn mức vay nước ngoài tự vay, tự trả được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”. Đề nghị Dự thảo Nghị định quy định rõ các tiêu chí để xác định hạn mức ký vay mới của doanh nghiệp, thời hạn hoàn thành việc xây dựng các hạn mức vay nước ngòai và công bố công khai các hạn mức này để các tổ chức có nhu cầu vay vốn theo dõi và thực hiện. Trường hợp sau khi quyết định hạn mức mà một số doanh nghiệp không dùng hết hạn mức, một số có nhu cầu ký vay vượt hạn mức thì có thể thực hiện điều chỉnh hạn mức này không?

  1. Một số góp ý khác

-         Khoản 2 Điều 5 Dự thảo Nghị định quy định: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài của quốc gia trên cơ sở đáp ứng các chỉ tiêu an toàn về nợ nước ngoài của quốc gia và phù hợp với khuôn khổ Chương trình quản lý nợ trung hạn”. Đề nghị Dự thảo Nghị định quy định cụ thể thời điểm các cơ quan chức năng xây dựng tổng hạn mức vay thương mại nước ngoài, thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hạn mức;

-         Khoản 1 Điều 6 Dự thảo Nghị định quy định: “Chậm nhất là ngày 31/12 hàng năm, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài báo cáo nhu cầu vay trung, dài hạn nước ngoài tự vay, tự trả trong năm kế hoạch tiếp theo bao gồm nhu cầu ký vay mới và dự báo kế hoạch rút vốn, trả nợ trong năm kế hoạch tiếp theo gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”. Trường hợp, nếu phát sinh nhu cầu đột xuất vay không có trong kế hoạch, Bên đi vay có được vay không khi việc báo cáo kế hoạch vay vốn đã thực hiện từ năm trước? Đề nghị Dự thảo Nghị định quy định cơ chế quản lý dự báo mức vay ròng trên cơ sở đánh giá khả năng phát sinh vay đột xuất để bảo đảm quyền lợi cho các Bên đi vay;

-         Về Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Điều 10 Dự thảo Nghị định): Đề nghị Dự thảo Nghị định quy định bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong việc xây dựng điều kiện vay nước ngoài tự vay, tự trả ngắn hạn, trung, dài hạn trong từng thời kỳ để phù hợp với điểm d khoản 1 Điều 14 Dự thảo Nghị định (Đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về điều kiện vay nước ngoài tự vay, tự trả ngắn hạn, trung dài hạn trong từng thời kỳ);

-         Về Trách nhiệm phối hợp với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước, khoản 2 Điều 13 Dự thảo Nghị định quy định “Thực hiện quản lý việc vay vốn và sử dụng vốn vay nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước theo thẩm quyền”. Đề nghị Dự thảo Nghị định quy định cụ thể phạm vi quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với việc vay vốn và sử dụng vốn vay nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước;

-         Về Điều kiện vay nước ngoài (Điều 14 Dự thảo Nghị định): Đề nghị Dự thảo Nghị định sửa khoản 1 thành “1. Bên đi vay nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện cơ bản sau:” để bảo đảm sự logic bố cục của Điều; Đề nghị sửa cụm từ “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” thành “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” tại điểm a khoản 1 để phù hợpvới quy định tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/04/2010 của Chính phủ về Đăng ký doanh nghiệp;

-         Về Đồng tiền vay nước ngoài: Điều 15 Dự thảo Nghị định quy định “Đồng tiền vay nước ngoài là ngoại tệ và đồng Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc vay nước ngoài bằng đồng Việt Nam”. Đề nghị Dự thảo Nghị định quy định rõ trường hợp nào được vay nợ nước ngoài bằng ngoại tệ, trường hợp nhận nợ bằng ngoại tệ quy đổi đồng Việt Nam và cách thức quy đổi, trả nợ như thế nào? Đề nghị Dự thảo Nghị định xem xét quy định cụ thể đối với loại ngoại tệ cho vay, có cần phải có khả năng chuyển đổi hay không, vì đối với các loại ngoại tệ ít có khả năng chuyển đổi thì việc trả nợ khi đến hạn sẽ gặp nhiều khó khăn;

-         Về Bảo đảm khoản vay nước ngoài: khoản 4 Điều 16 Dự thảo Nghị định quy định: “Bên đi vay có thể sử dụng các tài sản hình thành từ vốn vay hoặc các tài sản khác phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam để làm tài sản đảm bảo cho khoản vay nước ngòai”. Đề nghị Dự thảo Nghị định quy định cụ thể hơn tài sản đảm bảo đối với khoản vay nước ngoài trong trường hợp tài sản bảo đảm là tài sản khác;

-         Về Đăng ký khoản vay nước ngoài trung, dài hạn: Điều 17 Dự thảo Nghị định quy định “1. Bên đi vay phải thực hiện đăng ký khoản vay nước ngoài trung, dài hạn với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trước khi thực hiện khoản vay nước ngoài; 2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định chi tiết về quy trình, thủ tục xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài và các trường hợp thay đổi, thu hồi hoặc chấm dứt hiệu lực xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài của Bên đi vay”. Các quy định này chưa quy định trường hợp có nhiều Bên đi vay cùng đề nghị vay nước ngoài tại một thời điểm nhưng hạn mức vay tại thời điểm đó không đủ để chấp thuận xác nhận cho tất cả các khoản vay trên, khi đó, việc xác nhận đăng ký cho các khoản vay được áp dụng theo phương án nào trong các phương án sau: Chứng nhận cho một số doanh nghiệp được vay, không chứng nhận cho các doanh nghiệp còn lại?; Chứng nhận cho tất cả các doanh nghiệp được vay nhưng số tiền vay bị giảm xuống theo tỷ lệ hạn mức còn lại? hoặc có trường hợp khác? Đề nghị Dự thảo Nghị định đưa ra các tiêu chí, điều kiện rõ ràng để được chấp thuận vay nước ngoài, điều này sẽ tạo tính minh bạch trong quá trình xét duyệt hồ sơ. Ngoài ra, đề nghị Dự thảo Nghị định thời hạn để thực hiện xem xét, xác nhận đăng ký khoản vay nước ngòai cụ thể là thời hạn xem xét tại Ngân hàng Nhà nước và thời hạn cho ý kiến của các cơ quan có liên quan để thuận lợi khi thực hiện;

-         Về Cơ sở để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài của Bên đi vay (Điều 18 Dự thảo Nghị định): Đề nghị Dự thảo Nghị định cân nhắc quy định thêm nguyên tắc ưu tiên khi đăng ký khoản vay nước ngoài trong trường hợp có nhiều Bên đi vay nước ngoài cùng đáp ứng tất cả các điều kiện để vay nước ngoài nhưng tổng số các khoản vay vượt hạn mức đăng ký vay nước ngoài trong năm. Đề nghị Dự thảo Nghị định bổ sung thêm điều kiện: “Đáp ứng theo Điều 14 Nghị định này”.

Khoản 4 Điều 18 Dự thảo quy định “Ý kiến của các cơ quan có liên quan đối với khoản vay nước ngòai của Bên đi vay trong trường hợp cần thiết” là một trong những cơ sở để Ngân hàng Nhà nước xem xét, xác nhận đăng ký khoản vay nước ngoài của Bên đi vay. Tuy nhiên Dự thảo Nghị định không quy định cụ thể về việc này. Việc quy định cụ thể điều kiện, cách thức, trình tự, thời hạn đưa ra ý kiến sẽ tránh việc tùy tiện, kéo dài thời gian. Đề nghị Dự thảo Nghị định xem xét;

-         Về Mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài: Khoản 1 Điều 20 Dự thảo Nghị định quy định: “Trường hợp cần thiết, Bên đi vay được mở và sử dụng tài khoản ngoại tệ ở nước ngòai để thực hiện khoản vay nước ngoài khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép”. Đề nghị Dự thảo Nghị định trường hợp cần thiết là những trường hợp nào?

-         Đề nghị Dự thảo Nghị định bổ sung khoản 3 Điều 22 như sau: “Đề nghị mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài để tiếp nhận vốn vay, thực hiện cam kết theo Thỏa thuận vay với Bên vay nước ngoài theo Điều 20 Nghị định này”;

-         Đề nghị Dự thảo Nghị định quy định rõ Nghị định này thay thế những nội dung cụ thể nào của Nghị định 134/2005/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý vay, trả nợ nước ngoài để thuận lợi cho quá trình áp dụng. Đề nghị Dự thảo Nghị định bổ sung cụm từ “bảo lãnh” vào câu “Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký, và thay thế nội dung về quản lý nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh”.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối Dự thảo Nghị định về quản lý vay, trả nợ nước ngoài không có bảo lãnh Chính phủ. Rất mong cơ quan soạn thảo lưu ý xem xét, cân nhắc để hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 

 

Nơi nhận:

-         Như trên;

-         Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp

-         Lưu VT, PC

 

T/L. CHỦ TỊCH

TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ

 

 

 

 

TRẦN HỮU HUỲNH

 

 

Các văn bản liên quan