Bản tổng hợp ý kiến của VCCI về Dự thảo Luật thuế môi trường

Thứ Ba 09:37 05-01-2010

PHÒNG THƯƠNG MẠI

VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

-----------------------------

Số: 3784 /PTM-PC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

----------------------------------

Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2009

Kính gửi: BỘ TÀI CHÍNH

(V/v: góp ý Dự thảo Luật thuế môi trường)

Bộ Tài chính đã gửi Công văn số 15907/BTC-CST về việc xin ý kiến đóng góp về dự án Luật thuế môi trường tới Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). VCCI đã gửi Phiếu khảo sát về những quy định trong Dự thảo Luật thuế môi trường tới hơn 300 doanh nghiệp trong cả nước. Các doanh nghiệp được lựa chọn gồm những doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu những sản phẩm là đối tượng chịu thuế môi trường, những doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm là đối tượng chịu thuế môi trường, các hiệp hội và các chuyên gia. Trên cơ sở các ý kiến phản hồi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có những ý kiến góp ý như sau:

1.      Về sự cần thiết ban hành Luật thuế môi trường

Theo Báo cáo Hiện trạng Môi trường quốc gia năm 2005 môi trường Việt Nam đang suy thoái nghiêm trọng. Tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất … ngày càng gia tăng và trở nên báo động, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Các nguồn gây ô nhiễm môi trường xuất phát chủ yếu từ các nguồn nước thải, các chất thải rắn, khí thải của các khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất các loại hóa chất, phân hóa học, chế biến thủy sản … Để quản lý về môi trường, Nhà nước đã tiến hành nhiều biện pháp, trong đó có các biện pháp về tài chính (ban hành các loại phí bảo vệ môi trường, lồng ghép trong các chính sách thuế như thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ đặc biệt …). Tuy nhiên, các biện pháp tài chính hiện nay thông qua các chính sách về thuế, phí vẫn chưa có hiệu quả, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (thời gian gần đây hàng loạt các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường đã bị phát hiện và xử lý). Điều này do, các loại phí bảo vệ môi trường hiện nay mới chỉ dừng lại ở mục tiêu huy động đóng góp của một phần của những đối tượng xả thải mà không tự mình xử lý chất thải, các chính sách thuế hiện hành mục tiêu bảo vệ môi trường chưa phải là mục tiêu chính; chính sách thuế và phí hiện hành còn chưa điều chỉnh được tới các hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng các sản phẩm có tác động xấu đến môi trường. Phần lớn các doanh nghiệp được hỏi ý kiến đều cho rằng việc ban hành Luật thuế môi trường là cần thiết;

2.      Về phương pháp xây dựng thuế môi trường

Thuế môi trường có thể được xây dựng theo hai cách:

Thứ nhất, thuế đánh trực tiếp vào các hoạt động tạo ra chất phát thải gây ô nhiễm môi trường (khí thải, nước thải, chất thải rắn);

Thứ hai, thuế đánh gián tiếp vào các sản phẩm mà việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng chúng sẽ gây ra những tác hại đối với môi trường.

Cách đánh thuế môi trường thứ nhất nêu trên gặp phải khó khăn rất lớn, đó là việc quản lý, xác định mức độ ô nhiễm của từng hoạt động tạo ra chất phát thải để xác định căn cứ tính thuế và thu thuế rất khó thực hiện ở Việt Nam trong điều kiện hiện nay. Cách đánh thuế thứ hai phần nào khắc phục được khó khăn trên khi đánh vào sản phẩm gây ô nhiễm ngay từ khâu sản xuất, nhập khẩu, từ đó, có thể quản lý được việc kinh doanh, sử dụng các sản phẩm này, tạo ý thức về gìn giữ môi trường cho các đối tượng trong xã hội khi sản xuất, nhập khẩu, phân phối và sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm này, đồng thời huy động được nguồn thu góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường.

Việc đề xuất xây dựng Luật thuế Bảo vệ môi trường theo cách thứ hai như trong Dự thảo là hợp lý trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam.

3.      Về đối tượng chịu thuế

Về nguyên tắc, các sản phẩm nào mà việc sản xuất, khai thác, nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng chúng có gây tác hại đến môi trường đều thuộc diện chịu thuế môi trường. Tuy nhiên, không phải trong bất cứ điều kiện nào, nguyên tắc trên cũng có thể thực hiện được. Việc xác định đối tượng chịu thuế môi trường phụ thuộc nhiều vào khả năng quản lý, kiểm soát, đánh giá và thực thi chính sách về chuyên môn kỹ thuật, về hành chính, kinh tế và tài chính. Phần lớn các doanh nghiệp được hỏi, đồng tình với quy định của Dự thảo Luật khi chỉ lựa chọn một số hạn chế loại sản phẩm có sản lượng lớn, tác động chung trên diện rộng, tác động xấu đến môi trường rõ rệt khi sử dụng và có thể quản lý thu thuế được, đồng ý với các sản phẩm đưa vào diện chịu thuế trong Dự thảo Luật.

Tuy nhiên, Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam lại cho rằng, việc cho thuốc lá nằm trong danh mục đối tượng chịu thuế môi trường là không phù hợp, bởi vì các lý do sau:

-         Thuốc lá thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất khá cao là 65%. Trên thế giới các nước đều quản lý và chi phối việc ảnh hưởng của tác hại thuốc lá thông qua Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và không đưa thuốc lá vào diện chịu thuế môi trường;

-         Công nghiệp sản xuất thuốc lá chưa phải là lĩnh vực, ngành hàng gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Thực tế cho thấy các chỉ tiêu phát thải của ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá đều nằm trong giới hạn tiêu chuẩn cho phép xét trên bình diện từng quốc gia. Mặt khác, hiện tại các doanh nghiệp sản xuất thuốc lá Việt Nam đang đóng góp vào ngân sách nhà nước các khoản phí môi trường như: phí về nước thải, phí về bụi, … nếu áp dụng tính thêm thuế môi trường đối với sản phẩm thuốc lá thì bị đánh trùng thuế và phí;

-         Nếu đánh thuế môi trường đối với sản phẩm thuốc lá thì sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp thuốc lá trong sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến người lao động trong các đơn vị sản xuất của Tổng công ty thuốc lá và nông dân vùng trồng nguyên liệu, …

Về hai nhóm sản phẩm đang có nhiều ý kiến khác nhau:

-        Nhóm sản phẩm là thuốc bảo vệ thực vật: các chất hóa học được dùng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu và các loại hóa chất khác (chất kích thích tăng trưởng, chất bảo quản) đều có gây tác hại đến môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí và gây tác hại cho sức khỏe của con người. Hơn nữa, các loại thuốc này không chỉ gây độc hại trong quá trình sử dụng mà cón có thể gây độc hại ngay trong quá trình sản xuất, cất trữ. Chính vì vậy, cần phải đưa thêm các sản phẩm này vào diện chịu thuế. Quy định như thế sẽ đảm bảo quản lý và điều tiết được tất cả các loại chất hóa học độc hại đối với môi trường này và tác dụng bảo vệ môi trường của thuế sẽ được rõ rệt hơn, thể hiện ở chỗ khuyến khích sử dụng các công nghệ sản xuất sạch, an toàn, hạn chế sử dụng các sản phẩm độc hại trong sản xuất nông nghiệp. Việc đánh thuế môi trường vào các sản phẩm này sẽ làm cho gánh nặng đối với người nông dân sẽ tăng lên, Nhà nước có thể xử lý vấn đề này bằng những sự hỗ trợ hợp lý cho người nông dân trong quá trình sản xuất;

-        Nhóm sản phẩm năng lượng thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân: đây là loại sản phẩm có thể được sản xuất ra từ các sản phẩm đã chịu thuế môi trường (nhiệt điện, khí thiên nhiên) hoặc được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái sinh (sức gió, mặt trời, thủy điện, khí sinh học). Theo các chuyên gia được hỏi ý kiến, hiện tại sẽ không đánh thuế vào loại sản phẩm này, bởi vì: thứ nhất, các tác hại về môi trường của quá trình sản xuất loại sản phẩm này không lớn (điện từ các nguồn năng lượng tái sinh); thứ hai, sản phẩm đầu vào để sản xuất sản phẩm này đã chịu thuế môi trường (nhiệt điện, điện từ khí thiên nhiên); thứ ba, hiện nay ở Việt Nam áp dụng bảng giá điện tăng lũy tiến theo sản lượng tiêu thụ, do vậy đã có tác dụng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, có hiệu quả. Chính vì thế, không nên đánh thuế vào điện năng mà tiếp tục quản lý, xây dựng mức giá điện hợp lý có tính mức lũy tiến theo sản lượng tiêu thụ sẽ có tác dụng sử dụng hợp lý điện, hạn chế ô nhiễm môi trường; số thu phụ trội trên giá điện này cần được sử dụng một phần vào mục tiêu bảo vệ môi trường; đồng thời tăng cường công tác quản lý sản xuất, sử dụng điện và các vấn đề kỹ thuật trong xử lý chất thải do việc sản xuất, sử dụng điện gây ra.

4.      Về đối tượng không chịu thuế

Đối tượng không chịu thuế trong Dự thảo Luật là hợp lý, tuy nhiên cần thiết kế Điều luật này như sau:

Đối tượng không chịu thuế môi trường là các sản phẩm:

1.      Không thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 Luật này

2.      Là các sản phẩm thuộc đối tượng chịu thuế môi trường quy định tại Điều 2 Luật này trong các trường hợp sau:

-         Hàng hóa vận chuyển quá cảnh qua cửa khẩu biên giới Việt Nam, hàng hóa chuyển khẩu theo quy định của Chính phủ;

-         Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu không phải nộp thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu trong thời hạn quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Bỏ “sản phẩm thân thiện với môi trường” vì sản phẩm này không nằm trong trường hợp “không thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 của Luật này”.

5.      Về căn cứ tính thuế và Biểu khung thuế môi trường

Phần lớn doanh nghiệp trong đợt khảo sát này đều đồng ý với phương án áp dụng mức thuế suất tuyệt đối đối với thuế môi trường, nguyên tắc xây dựng biểu khung thuế môi trường  và nguyên tắc xác định mức thuế tuyệt đối cho từng sản phẩm ở từng thời kỳ khác nhau như trong Dự thảo Luật. Tuy nhiên, để tạo tâm lí ổn định cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư, đề nghị Dự thảo đưa ra nguyên tắc về việc xác định mức thuế cho từng thời kì (khi nào thì áp dụng mức thuế tối đa, tối thiểu hay mức trung bình trong biểu khung thuế đó).

Một số doanh nghiệp có ý kiến, đối với thuốc lá thuế suất nên dựa trên cơ sở hàm lượng Nicotin và Tar vì đó là yếu tố gây tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người.

Một số doanh nghiệp, chuyên gia lưu ý đến mức thuế suất đối với các sản phẩm như: xăng, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn vì đây là các mặt hàng thiết yếu và việc đánh thuế cao đối với các sản phẩm này có thể ảnh hưởng đến giá thành của các mặt hàng tiêu dùng khác và người chịu thiệt hại là những người tiêu dùng.

6.      Các vấn đề khác

Luật thuế Bảo vệ môi trường là một sắc thuế mới, có mối quan hệ với các sắc thuế khác như: Thuế Nhập khẩu, Thuế Tài nguyên, Thuế Tiêu thụ đặc biệt và các khoản Phí hiện hành liên quan đến bảo vệ môi trường. Do vậy, trong quá trình ban hành Luật thuế môi trường nói riêng, hoàn thiện hệ thống thuế nói chung, cần nghiên cứu tạo ra sự đồng bộ, thống nhất giữa các sắc thuế, khoản phí, tránh sự trùng lặp, chống chéo. Cụ thể:

-        Hiện tại, thuế tiêu thụ đặc biệt đã có các quy định đánh thuế đối với các sản phẩm là thuốc lá và các chế phẩm từ cây thuốc lá, xăng và các chế phẩm pha chế xăng cả ở khâu sản xuất trong nước và khâu nhập khẩu. Một mục tiêu quan trọng của thuế tiêu thụ đặc biệt khi đánh vào các sản phẩm này là hạn chế việc sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường và gây tác hại cho sức khỏe con người. Như vậy, xét trên góc độ đó, việc đánh thuế môi trường vào các sản phẩm này sẽ có sự trùng lặp với thuế tiêu thụ đặc biệt. Do đó, cần cân nhắc và tách bạch cụ thể các mục tiêu của từng sắc thuế khi cùng đánh vào các sản phẩm này.

-        Các khoản phí nhằm mục đích bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam là nhiều nhưng hiệu quả của chúng khi xem xét với mục tiêu đặt ra là chưa cao như đánh giá của Bộ Tài chính. Trong nhiều khoản phí hiện hành, có những khoản phí mà đối tượng điều chỉnh của nó sẽ được quy định trong Luật thuế môi trường, khi đó, các khoản phí này sẽ được bãi bỏ và thay vào đó là việc điều tiết của Luật thuế môi trường. Các khoản phí mà đối tượng điều chỉnh của chúng không được điều chỉnh bằng Luật thuế môi trường sẽ giữ nguyên. Do vậy, cách trình bày trong Dự thảo Tờ trình Chính phủ là hợp lý và nội dung trình bày này cần được thể hiện rõ hơn trong Điều 10 của Dự thảo Luật.

Về quản lý nguồn thu từ thuế môi trường, cần có quy định cụ thể hơn về tỷ lệ điều tiết nguồn thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, cơ chế quản lý và sử dụng nguồn thu ở các cấp. Mục đích chính của nguồn thu từ thuế môi trường là ưu tiên sử dụng cho mục tiêu bảo vệ môi trường, do đó có thể coi đây là một loại thuế chuyên dùng nên các quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu này phải rất cụ thể, rõ ràng.

Vì đây là Luật thuế mới nên cần đưa ra lộ trình áp dụng và đánh giá tác động của văn bản này một cách kĩ càng để đạt được mục tiêu đề ra.

Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Luật thuế môi trường. Rất mong cơ quan soạn thảo lưu ý xem xét, cân nhắc để hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

 

 

Nơi nhận:

-          Như trên;

-          Lưu VT.

 

 

 

T/L. CHỦ TỊCH

TRƯỞNG BAN PHÁP CHẾ

 

(đã ký)

 

 

 

TRẦN HỮU HUỲNH

 

 

 

 

 

Các văn bản liên quan