Bản tổng hợp lấy ý kiến dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Du lịch của VCCI Khánh Hoà

Thứ Ba 14:27 07-11-2006


 Ý KIẾN GÓP Ý VÀO DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DU LỊCH
 
Nhận xét chung :

Để thuận tiện cho việc áp dụng thực hiện sau này, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Du lịch cần nghiên cứu hướng dẫn thi hành tương thích và thống nhất với các nội dung được quy định trong Luật Đầu tư, Luật Thuế xuất nhập khẩu về đối tượng và hình thức được ưu đãi đầu tư, Luật xây dựng về các hình thức quy hoạch và Luật Thống kê về báo cáo thống kê lưu trú du lịch.

Về nội dung, dự thảo Nghị định phần hướng dẫn về lữ hành chưa cụ thể và chi tiết như các phần khác.
                 
Góp ý chi tiết : 
  
Chương I .       QUI ĐỊNH CHUNG 
  
Điều 2. Chính sách phát triển du lịch
Cần nghiên cứu bổ sung việc hỗ trợ ngành du lịch được áp dụng giá dịch vụ (điện, nước, …) như các ngành sản xuất kinh doanh khác; đó cũng là nội dung ưu đãi về tài chính để phát triển du lịch.

Khoản 4. Về nghiên cứu, đầu tư, xây dựng sản phẩm du lịch mới

Đề nghị giải thích rõ hơn về “sản phẩm du lịch như mới như du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa” va quy định rõ điều kiện để công nhận các sản phẩm du lịch trên. Trong Điều 4 - Giải thích từ ngữ của Luật Du lịch chỉ nêu khái niệm về du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, không có phần giải thích về du lịch mạo hiểm. Trong Chương III dự thảo nghị định chỉ có các điều quy định về điều kiện để được công nhận khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch và đô thị du lịch. Thực tế hiện nay, có các khu du lịch tự tạo với diện tích đất khoảng vài ngàn m2 trồng một số loại cây, tạo vài mương nước,…  cũng có thể ghi bảng là khu du lịch sinh thái; so với khu du lịch cả cụm biển đảo hoặc khu du lịch thác rừng … thì các quy định về quản lý, về đầu tư phát triển sẽ như thế nào. 

Khoản 5. Về hiện đại hóa hoạt động du lịch 

 Điểm a, bỏ bớt cụm từ bị trùng lắp “cao cấp, hiện đại của các hãng sản xuất uy tín trên thế giới”. Về nội dung ưu đãi thuế nhập khẩu, cần đối chiếu với những quy định của các luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật Thuế xuất nhập khẩu để thống nhất áp dụng.

Điểm b, về “Cho vay tín dụng với lãi suất ưu đãi để xây dựng mới khách sạn và làng du lịch hàng từ 4 sao đến 5 sao ...”  có thể thực hiện được không vì căn cứ vào cở sở nào để cho vay ưu đãi khi ngân hàng cũng là doanh nghiệp kinh doanh, Nghị định của Chính phủ không thể làm căn cứ để ngân hàng cho vay. Vì vậy đề nghị hướng dẫn cụ thể hơn cách áp dụng, ưu đãi bằng nguồn vốn nào (như ở điểm a, khoản 6, điều này ghi rõ “Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn từ ngân sách”). Hoặc không thể thực hiện được thì không nên quy định trong Nghị định.

Đề nghị giải thích “làng du lịch hàng từ 4 sao đến 5 sao” và “làng du lịch từ 2 sao trở lên ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn” và quy định cụ thể điều kiện để được công nhận các làng du lịch trên.
 
Chương II.     TÀI NGUYÊN DU LỊCH, QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH
 
Điều 4, 5, 6, 7.
            Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, công tác quy hoạch xây dựng cũng như quy hoạch phát triển ngành vẫn thống nhất áp dụng hai loại quy hoạch là: quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết. Trong Luật Du lịch có đưa ra khái niệm mới về công tác quy hoạch phát triển du lịch bao gồm: quy hoạch tổng thể phát triển du lịch và quy hoạch cụ thể phát triển du lịch. Vì vậy cần bổ sung hướng dẫn cụ thể cả hai loại quy hoạch này về nhiệm vụ quy hoạch, căn cứ lập quy hoạch, thời hạn lập, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch …

Điều 6, khoản 3, đề nghị bổ sung vào khoản này như sau “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức công bố và cung cấp thông tin về quy hoạch phát triển du lịch thuộc thẩm quyền phê duyệt của ủy ban nhân dân cấp tỉnh và đồng thời thực hiện chính sách phát triển du lịch địa phương trong việc cải cách các thủ tục hành chính như lập dự án đầu tư, thẩm định dự án, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đền bù giải tỏa theo khuôn khổ pháp luật” 
            
Chương III. KHU DU LỊCH, ĐIỂM DU LỊCH, TUYẾN DU LỊCH &ĐÔ THỊ DU LỊCH
 
Điều 9 (khoản 2,điểm a), Điều 10 (khoản 1, điểm a) và Điều 13 (khoản 1) :

Cần điều chỉnh lại căn cứ thực hiện là “khoản 2 Điều 3” như trong Điều 8 vì nội dung của Điều 3 là điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch và nội dung của điều 4 là thời hạn lập, điều chỉnh quy hoạch phát triển du lịch; vì vậy căn cứ vào “khoản 2, Điều 4” là không phù hợp.
Ngoài ra, trong Điều 9 cần nghiên cứu bổ sung như quy định của khu du lịch quốc gia đối với trường hợp khu du lịch địa phương có diện tích nhỏ hơn hai trăm héc-ta nhưng có điều kiện thuận tiện để xây dựng là khu du lịch địa phương.
 
Chương IV. KINH DOANH DU LỊCH
 
Mục 1. Kinh doanh lữ hành
 
Đề nghị xem xét lại để có cách hướng dẫn cụ thể và chính xác hơn, vì như dự thảo sẽ có nhiều bất cập khi áp dụng thực hiện. Cụ thể như sau: 

Điều 15. Kinh doanh lữ hành 

Điều 44 và 46 Luật Du lịch đã quy định rất rõ về điều kiện kinh doanh lữ hành, vì vậy Nghị định chỉ cần hướng dẫn thêm về người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế.

Điều 16. Hồ sơ và thủ tục cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế 

Đề nghị bỏ khoản 2 (Thủ tục cấp giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế) vì trong Luật Du lịch đã quy định rõ.

Điều 19. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế 

Cần xem xét bổ sung, hướng dẫn đầy đủ và chi tiết như quy định của Điều 50 Luật Du lịch.
Đề nghị bổ sung thêm Điều về Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa (quy định tại Điều 45 Luật Du lịch)

Điều 22. Mức ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành quốc tế 

 Đề nghị nghiên cứu lại điều này, mức ký quỹ của doanh nghiệp lữ hành quốc tế như trong dự thảo nghị định là số tiền lớn. Hiện nay, cả nước có khoảng vài ngàn doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này. Nếu phải ký quỹ theo mức quy định như trong dự thảo thì tổng số tiền ký quỹ lớn, tạo nguồn vốn cho ngân hàng; trong khi doanh nghiệp thiếu vốn phải vay ngân hàng ngoài các điều kiện về thủ tục vay (phương án kinh doanh, tài sản đảm bảo ..) với lãi suất tiền vay lớn hơn lãi suất tiền gửi của số tiền ký quỹ. 

 Đề nghị quy định tiền ký quỹ đối với doanh nghiệp kinh doanh đón khách du lịch vào Việt Nam là 150 triệu đồng; đối với doanh nghiệp kinh doanh đưa khách ra nước ngoài, doanh nghiệp đón khách du lịch vào Việt Nam và đưa khách du lịch ra nước ngoài là 250 triệu đồng. Hoặc đề nghị nghiên cứu quy định cho các doanh nghiệp này ký quỹ bằng tài sản.

Điều 24. Doanh nghiệp liên doanh lữ hành quốc tế 

Đề nghị thống nhất tên điều như Điều 51, Luật Du lịch “Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có vốn đầu tư nước ngoài”
 
Mục 2. Kinh doanh vận chuyển khách du lịch
 
Điều 25. Các loại phương tiện vận chuyển khách du lịch

Quy định trong điều này sẽ hạn chế sự lựa chọn của khách du lịch đối với các phương tiện vận chuyển khác, ví dụ trong lại phương tiện giao thông đường bộ thiếu mô-tô, xe đạp, … và thực tế các loại phương tiện vận chuyển khách du lịch hiện nay rất phong phú.

Điều 26. Điều kiện đối với phương tiện vận chuyển khách du lịch 

Khoản 1, điểm a điều kiện đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Hiện nay phương tiện vận chuyển chỉ có “giấy chứng nhận đăng ký phương tiện, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và chất thải” không có“giấy chứng nhận về bảo vệ môi trường” đề nghị xem xét lại có thể bỏ phần giấy chứng nhận này tạo thuận tiện cho doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch. 

Điểm b, “Có niên hạn sử dụng tối đa bằng 80% niên hạn sử dụng … giao thông cơ giới đường bộ” không phù hợp vì theo quy định hiện hành đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thời gian khoảng 3 năm – niên hạn sử dụng khoảng 70%, phương tiện này không đủ điều kiện vận chuyển khách du lịch?   
       
Khoản 2, điểm b đề nghị “Đối với các phương tiện từ 20 chỗ trở lên phải có mái che, rèm chống nắng, …” (phương tiện giao thông cơ giới đường thủy)
 
Mục 3. Kinh doanh lưu trú du lịch
 
Điều 32. Điều kiện chung kinh doanh lưu trú du lịch 

Khoản 1. Đề nghị nghiên cứu lại khoản này vì thực tế tại địa phương khách sạn được phê duyệt xây dựng trước với quy mô lớn, khách sạn hạng 3-4 sao xây dựng trong thời gian dài; sau đó tại khu vực liền kề lại được duyệt xây dựng trường học, thời gian xây dựng trường học nhanh hiện nay trường học đã hoạt động, trường hợp này khi khách sạn xây dựng xong sẽ không đạt điều kiện về kinh doanh lưu trú du lịch?

Mặt khác, liền kề các khu vực quốc phòng, an ninh các khách sạn đã hiện hữu thì sẽ xử lý trường hợp này như thế nào. Hoặc hiện nay, trong khu vực nhiều nước đang có xu hướng tổ chức khu du lịch kết hợp với chữa bệnh, nghỉ dưỡng nghĩa là có bệnh viện, có khách sạn trong cùng khu du lịch – quy định như khoản này có phù hợp?

Điều 33, khoản 10 & Điều 34, khoản 7 

Đề nghị xem xét đối chiếu với Luật Doanh nghiệp vì theo Luật này doanh nghiệp tư nhân, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh không cần điều kiện như dự thảo (ngoại trừ đối với bệnh viện thì phải có bác sĩ).

Mặt khác, hiện nay nước ta số lượng được đào tạo tại các trường chuyên nghiệp về du lịch có đáp ứng được nhu cầu.
 
Mục 4. Kinh doanh dịch vụ du lịch trong khu du lịch, điểm du lịch, đô thị du lịch
 
Điều 43, đề nghị điều chỉnh căn cứ áp dụng theo chương IV của Nghị định (không phải theo chương II)

Điều 44, đề nghị nghiên cứu khoản 2, điểm b để phù hợp với những quy định của dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động du lịch.

Điều 45 đến 52, Về phần chi nhánh, văn phòng đại diện doanh nghiệp du lịch nước ngoài tại Việt Nam đề nghị tham khảo thêm nội dung các quy định tại Nghị định 72/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chi tiết Luật Thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, để có hướng dẫn cụ thể và thống nhất .
 
Chương V.     HƯỚNG DẪN DU LỊCH
 
Điều 53, khoản 1, điểm c, đề nghị hướng dẫn thêm về đối tượng, tiêu chuẩn tham gia, đơn vị tổ chức và hội đồng thi của kỳ thi nghiệp vụ hướng dẫn du lịch.
 
Chương VI.   XÚC TIẾN DU LỊCH
 
Điều 65, khoản 2, điểm c, đề nghị bổ sung “báo cáo kết quả sau khi kết thúc chương trình khảo sát điểm đến với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ở trung ương và địa phương nơi có điểm đến”.

Điều 66, đề nghị nghiên cứu hướng dẫn thêm để hỗ trợ các địa phương có điều kiện tham gia quảng bá hoạt động du lịch.

Điều 71, đề nghị nghiên cứu hướng dẫn thêm để hỗ trợ các địa phương được mở phòng đại diện ở nước ngoài.
           
  Ý KIẾN GÓP Ý VÀO DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH
VỀ XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH
 
Chương I .     QUI ĐỊNH CHUNG
 
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Khoản 1, nên bỏ cụm từ “hình thức xử phạt, mức phạt, …khắc phục hậu quả” vì nếu liệt kê cụ thể như dự thảo Nghị định là không đầy đủ.

Khoản 2, thay cụm từ “nhưng không phải là tội phạm” bằng cụm từ “nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”

Khoản 3,  rõ nghĩa hơn như: “Các hành vi vi phạm …”bổ sung thêm từ “Các” trước các điểm a, b, c, …, n để làm 

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Khoản 2, thay cụm từ “tại Việt Nam” bằng “Trên lãnh thổ Việt Nam” để thống nhất với các văn bản pháp quy khác.

Điều 6. Hình thức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả

Đề nghị tên tiêu đề của điều này bỏ chữ “các” trước cụm từ “biện pháp khắc phục hậu quả” vì “Hình thức xử phạt” không có chữ “Các” và hình thức xử phạt cũng gồm nhiều hình thức xử phạt khác nhau và cũng để phù hợp với tên tiêu đề ở các khoản, điều, mục khác trong Nghị định.

Khoản 1, điểm a: Cảnh cáo. Đề nghị bổ sung cụ thể về hình thức cảnh cáo (Điều 13 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính) như sau : “Cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản.

Khoản 3, điểm b, c đề nghị xem xét và gộp hai điểm này thành một vì “Buộc thực hiện những biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường …” và “Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe và gây ô nhiễm môi trường du lịch” là hai nội dung giống nhau.
 
Chương II.     HÀNH VI VI PHẠM HÀNH CHÍNH VÀ HÌNH THỨC XỬ PHẠT TRONG HOẠT ĐỘNG DU LỊCH
 
Trong chương này, về mức phạt tiền ở tất cả các điều, các khung phạt khác nhau, mức phạt khác nhau do những hành vi vi phạm khác nhau nên đề nghị chỉnh sửa như sau : “Từ A đồng đến B đồng; từ trên B đồng đến C đồng và từ trên C đồng đến D đồng…” tránh trường hợp mức phạt bằng nhau ở hai khung khác nhau, hành vi vi phạm khác nhau (mức tối đa ở hành vi vi phạm này bằng mức tối thiểu ở hành vi vi phạm khác).
 
Mục 1. Hành vi vi phạm quy định chung về kinh doanh du lịch
 
Điều 7. Vi phạm các quy định về thông báo hoạt động, kinh doanh du lịch 

Khoản 2 & 4, đề nghị nghiên cứu lại vì hiện nay khi cơ quan “cấp giấy chứng nhận thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc cấp giấy chứng nhận về thay đổi loại hình doanh nghiệp, thay đổi tên doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý lữ hành” đã gởi bản sao cho các cơ quan nhà nước quản lý ngành, không nên quy định cho các đơn vị phải “thông báo bằng văn bản cho cơ quan nhà nước về du lịch cấp tỉnh trong thời hạn 15 ngày” 

Khoản 6, đề nghị xem lại vì khi doanh nghiệp, cơ sở lưu trú du lịch, chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý lữ hành đã chấm dứt hoạt động thì đối tượng bị xử phạt không còn tồn tại nữa, sẽ không có đối tượng nộp phạt.

Điều 8. Vi phạm những vi định chung về hoạt động, kinh doanh du lịch 

Khoản 1, điểm a, đề nghị bổ sung hành vi “báo cáo thiếu trung thực” cũng bị xử phạt vi phạm hành chính.

Khoản 4, điểm b, đề nghị chỉnh sửa lại thành “Sử dụng biểu tượng của doanh nghiệp khác đã được pháp luật bảo hộ khi chưa có sử thỏa thuận bằng văn bản của doanh nghiệp đó” vì nếu chưa được bảo hộ có thể xảy ra tranh chấp về biểu tượng.
 
Mục 2. Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh lữ hành, hướng dẫn du lịch, kinh doanh vận chuyển khách du lịch 
  
Điều 9. Vi phạm quy định về kinh doanh lữ hành

Khoản 1, điểm c, đề nghị xem xét lại vì việc mất giấy phép kinh doanh có thể do khách quan, do vậy không nên quy định “Mất giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế” bị xử phạt vi phạm hành chính. Nên quy định xử phạt khi khi doanh nghiệp bị mất giấy phép nhưng không xin cấp lại trong một khoảng thời gian hợp lý.

Khoản 3, điểm b đề nghị chỉnh sửa thành “Không phổ biến, hướng dẫn khách du lịch tuân thủ pháp luật, các quy định của nhà nước Việt Nam về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, nội quy, quy chế nơi đến du lịch, bản sắc văn hóa dân tộc, thuần phong mỹ tục Việt Nam”.

Điểm này trùng với điểm a, khoản 1, điều 11(Vi phạm quy định về hướng dẫn du lịch); đề nghị quy định rõ trách nhiệm phổ biến cho khách du lịch thuộc về ai, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hay hướng dẫn viên du lịch. Trường hợp khách đi theo đoàn của cơ quan, người đại diện cơ quan đến doanh nghiệp kinh doanh lữ hành ký hợp đồng, doanh nghiệp không thể trực tiếp phổ biến cho từng khách du lịch, hướng dẫn viên sẽ thực hiện việc này; vì vậy khi không thực hiện phổ biến theo nội dung của điểm này ai sẽ là đối tượng vi phạm (doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hay hướng dẫn viên du lịch).

Khoản 4, điểm a, đề nghị quy định cụ thể hơn về điểm này; vì trường hợp không mua bảo hiểm cho một khách du lịch, một số lượng khách du lịch, một số lượng khách trong một đoàn khách hoặc nhiều đoàn khách nên quy định mức phạt khác nhau. “Phạt từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng” cho trường hợp không mua bảo hiểm cho số lượng khách nhiều sẽ không thúc đẩy được việc doanh nghiệp phải bắt buộc mua bảo hiểm cho khách; trường hợp phạt tối thiểu 5 triệu đồng đối với không mua bảo hiểm cho một hoặc vài người khách thì đo là số tiền lớn. 

Điều 10. Vi phạm quy định về kinh doanh đại lý lữ hành

Khoản 1, điểm d, đề nghị bỏ cụm từ  “sao chép” trong câu  “Tự ý sửa chữa, sao chép chương trình du lịch của bên giao đại lý” vì việc sao chép (copy) chương trình du lịch để cung cấp cho khách hàng hoặc nộp cho cơ quan có liên quan (có thể) là nhiệm vụ của bên nhận đại lý, đó không phải là hành vi vi phạm hành chính, ngoại trừ trường hợp bên giao đại lý có quy định riêng về việc này.

Theo Điều 53, Luật Du lịch; “Kinh doanh đại lý lữ hành là việc tổ chức, cá nhân nhận bán chương trình du lịch của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cho khách du lịch để hưởng hoa hồng” vì vậy việc “sao chép chương trình du lịch của bên giao đại lý” là việc đương nhiên.  
 
Điều 11. Vi phạm quy định về hướng dẫn du lịch 

Khoản 1, điểm a, như đề nghị tại điểm b, khoản 3, điều 9.

Điểm b, đề nghị bổ sung thêm cụm từ “và các quyền lợi hợp pháp của khách du lịch” ở cuối câu cho phù hợp với quy định tại điểm b khoản 2  điều 76 Luật Du lịch. 

Khoản 3, điểm a, đề nghị chỉnh sửa thành “Sử dụng hướng dẫn viên nội địa hướng dẫn khách du lịch là người nước ngoài”  bỏ từ “thẻ “ trong cụm từ “thẻ hướng dẫn viên nội địa” vì thẻ hướng dẫn viên không thể hướng dẫn khách du lịch được mà phải là người hướng dẫn. 

Khoản 4, điểm a, đề nghị chỉnh sửa thành “Hướng dẫn khách du lịch mà không có thẻ hướng dẫn viên du lịch” bỏ cụm từ “theo hợp đồng” để có thể điều chỉnh được mọi hành vi hướng dẫn khách du lịch mà không có thẻ. 

Khoản 6. đề nghị chỉnh sửa lại vì đã có hai khoản 6 :“Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng …” và “Hình thức xử phạt bổ sung”. 

 Khoản 6. điểm đ, đề nghị bổ sung cụm từ “hướng dẫn viên du lịch là”, điểm này thành “Trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam nếu hưỡng dẫn viên du lịch là người nước ngoài vi phạm các quy định tại Điều này”

Điều 12. Vi phạm quy định về kinh doanh vận chuyển khách du lịch 

Khoản 2, điểm đ, đề nghị nghiên cứu như ở điểm a, khoản 4, điều 9.
 
Mục 3. Hành vi vi phạm quy định về kinh doanh lưu trú du lịch
 
Điều 13. Vi phạm quy định về kinh doanh lưu trú du lịch
            Khoản 1, điểm b, đề nghị nghiên cứu lại như điểm c, khoản 1, điều 9.
 
Mục 5. Hành vi vi phạm về tài nguyên du lịch, quy hoạch phát triển du lịch, bảo vệ môi trường du lịch và đối với khách du lịch
 
Điều 18. Vi phạm của khách du lịch 

Đề nghị nghiên cứu lại điều này, thống nhất với việc quy định khách du lịch vi phạm các quy định trong hoạt động du lịch phải bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng không khả thi. (Phần góp ý Chương III. Thẩm quyền, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính)

Điều 22. Vi phạm quy định về quản lý, …và đô thị du lịch 

Khoản 1, điểm a & b có nội dung giống nhau, đề nghị nghiên cứu và quy định lại cho phù hợp. 

Điểm c, đề nghị bổ sung hành vi “đeo bám khách xin tiền khách du lịch” vì hiện nay việc chèo kéo, đeo bám, xin tiền khách du lịch là tình trạng nhức nhối ở các điểm du lịch ở các địa phương nên cần có quy định xử phạt để chấm dứt tình trạng này.
 
Chương III.   THẨM QUYỀN, THỦ TỤC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH 
  
Quy định tại chương này chi có thể áp dụng được đối với đối tượng bị xử phạt là các doanh nghiệp kinh doanh trong lãnh vực du lịch.

Chương này không khả thi đối với khách du lịch, khách du lịch lữ hành, khách du lịch là người nước ngoài, khách đến rồi đi theo chương trình thì thực hiện việc bị xử phạt như thế nào (theo Điều 31 dự thảo Nghị định thì cá nhân bị xử phạt phải chấp hành quyết định xử phạt trong 10 ngày và phải nộp tiền tại kho bạc nhà nước được ghi trong quyết định xử phạt và nhận biên lai ghi tiền phạt). Các cá nhân bị xử phạt theo điểm c, khoản 1, điều 22 hoặc … cũng không thể thực hiện được.

Đề nghị nên quy định cho doanh nghiệp kinh doanh du lịch, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, … căn cứ theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính (phải có quyết định xử phạt) thu của khách du lịch, … và thực hiện việc nộp phạt hoặc nghiên cứu lại cho phù hợp và khả thi.
           
 
                                                                                    VCCI KHÁNH HÒA

Các văn bản liên quan