Các ý kiến góp ý Dự thảo NĐ hướng dẫn thi hành Luật Du lịch tại Hội thảo TP Hồ Chí Minh

Thứ Ba 14:34 07-11-2006

1/ Luật sư Phan Thông Anh:

-                     Việc bồi dưỡng nâng cao trình độ của hướng dẫn viên du lịch là quan trọng nhưng chúng ta quy định như thế nào cho hợp lý. Giấy chứng nhận bồi dưỡng định kỳ có giá trị 1 năm, như vậy trong bộ hồ sơ đổi thẻ hướng dẫn viên du lịch có giấy chứng nhận này cần phải quy định hàng năm hướng dẫn viên phải đảm bảo là đủ, chứ giấy chứng nhận có giá trị thông thường chỉ áp dụng cho các giấy chứng nhận quy đổi, chẳng hạn chứng chỉ ngoại ngữ là 2 năm, chứng chỉ tin học là 6 tháng.

-                     Về nội dung quy định về nội dung cơ sở dữ liệu luật, nên bổ sung thêm về nội dung liên quan đến địa chỉ, điện thoại cần thiết, cũng là nguồn dữ liệu của địa phương mà nếu không quy định thì các địa phương sẽ không lưu ý đưa vào.

-                     Đối với Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính: các quy định cơ bản là nằm trong khung quy định cơ bản của Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính, đề nghị những quy định đã được quy định trong Pháp lệnh thì nên giữ nguyên, không nên liệt kê vì nếu liệt kê thiếu thì sẽ khó áp dụng sau này.

-                     Điều 8, Khoản 1 điểm b: công bố là công bố cho ai? Cho cơ quan nhà nước hay cho khách du lịch? Phương tiện công bố thì sử dụng phương tiện nào? Cần có quy định rõ để áp dụng cụ thể, không gây tranh cãi.

-                     Khoản 1 điểm c: “các biện pháp …. an toàn tính mạng khách du lịch” là một khái niệm rất rộng, có thể hiểu là cả một bệnh viện cũng không đủ đáp ứng. Đề nghị xem lại, quy định cụ thể để tránh tranh cãi khi áp dụng.

-                     Khoản 3 điểm b: “tự ý thay đổi hợp đồng mà không được sự đồng ý của khách du lịch”: thông thường các doanh nghiệp lữ hành ít khi ký hợp đồng cung cấp tour du lịch trực tiếp cho khách du lịch mà thông qua hãng đại diện, do vậy nếu chỉ quy định dừng lại ở yếu tố khách du lịch mà không quy định là có sự đồng ý của hãng thì sẽ là rủi ro cho các doanh nghiệp lữ hành. Có trường hợp các doanh nghiệp du lịch thống nhất với hãng đại diện để đưa khách vào, thay đổi chương trình nhưng không kịp thông báo cho khách, rủi ro là cho các doanh nghiệp du lịch.

-                     Điều 9, Khoản 3 điểm c: hướng dẫn viên du lịch không ký hợp đồng lao động.

-                     Điều 11, Khoản 2 điểm a: “không có hợp đồng bằng văn bản đối với doanh nghiệp có chức năng kinh doanh lữ hành”, nên xem xét lại hoạt động du lịch có là hoạt động thời vụ hay không để xác định cơ sở pháp lý về việc ký hợp đồng lao động hay là ký một loại hợp đồng nào. Nếu thống nhất đó là hợp đồng lao động thì Điều 11, Khoản 2 phải được sửa lại cho phù hợp, không thể trong một nghị định có hai điều luật quy định khác nhau. “Hợp đồng bằng văn bản” hoàn toàn khác với “hợp đồng lao động bằng văn bản”. Nếu xem hoạt động thực hiện du lịch là một hoạt động thời vụ thì doanh nghiệp lữ hành có thể ký hợp đồng thời vụ với hướng dẫn viên, nhưng nếu không coi đó là hoạt động thời vụ thì luật không cho phép doanh nghiệp lữ hành ký hợp đồng thời vụ với hướng dẫn viên mà phải ký hợp đồng thường xuyên và ký hợp đồng đến lần thứ ba là phải ký hợp đồng không xác định thời hạn. TP. Hồ Chí Minh hiện nay có khoảng hơn 1.000 hướng dẫn viên, có khoảng hơn 200 doanh nghiệp lữ hành, vậy bình quân 4 hướng dẫn viên/ 1 doanh nghiệp lữ hành thì không thể đủ đáp ứng cho hoạt động kinh doanh lữ hành của doanh nghiệp, nảy sinh vấn đề sẽ có một lực lượng hướng dẫn viên cơ hữu và lực lượng hướng dẫn viên cộng tác thường xuyên, vậy quy định điều chỉnh thế nào đối với lực lượng cộng tác này, vấn đề đặt ra dĩ nhiên lực lượng cơ hữu là phải ký hợp đồng, còn lực lượng cộng tác kia thì ký hợp đồng thế nào là vấn đề cần xem xét, thống nhất về vấn đề pháp lý, đó là vấn đề tranh chấp giữa người sử dụng lao động là doanh nghiệp kinh doanh lữ hành và người lao động là hướng dẫn viên du lịch sẽ có mâu thuẫn với nhau.

-                     Khoản 4 điểm b: có trường hợp tour 30/4 – 1/5 SG-NT-ĐL của công ty A, bán tour lẻ, có 2 người đồng ý mua, 46 người kia không đồng ý mua. Nếu đồng ý mua tất cả thì doanh nghiệp sẽ bán hẳn vào giá tour, phải quy định cụ thể, nếu quy định dạng mở thì sẽ không tránh khỏi tranh cãi và khó xử.

-                     Điều 11: “tôn trọng phong tục địa phương nơi đến” là điều hết sức khó khăn, chưa có định nghĩa pháp lý nào chuẩn quy định về phong tục tập quán, sẽ có sự định nghĩa tùy tiện về phong tục tập quán của địa phương, do vấn đề nhạy cảm về văn hóa khác nhau từng vùng, đề nghị hoán đổi hoặc có quy định khác để tránh áp đặt cho người hướng dẫn viên, dẫn đến khó áp dụng theo đúng quy định pháp luật.

-                     Khoản 3 điểm b: “phân biệt đối xử khách du lịch”: đề nghị giữ nguyên như quy định trước đây.

-                     Điều 6, Khoản 1 điểm e: đề nghị quy định thêm “có phản ứng của khách hàng” để mang tính khách quan và thực tế.

-                     Khách sạn phát hiện được khách ngủ trong cơ sở lưu trú đang sử dụng ma túy, báo công an xử lý theo quy định pháp luật. Có thể có kết luận rằng cơ sở lưu trú đã để xảy ra tệ nạn xã hội, vẫn bị phạt theo quy định của pháp luật. Hoặc trường hợp hai du khách gây gổ với nhau trong khách sạn, theo nguyên tắc, công an địa phương sẽ phạt hai du khách này nhưng cơ sở lưu trú này vẫn bị coi là để xảy ra mất trật tự an ninh. Đề nghị bỏ quy định này vì trong Nghị định 150 đã quy định rất rõ, các hành vi khác có thể dẫn chiếu đến Nghị định có liên quan. Nghị định 150, Điều 14 ban hành ngày 12/12/2005 hành vi vi phạm đối với quy định về quản lý một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện an ninh có trật tự, trong đó Khoản 3 điểm d: “dùng cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự để tổ chức mại dâm, ma túy, cờ bạc hoặc các hoạt động trái pháp luật khác” là hành vi cố ý của chủ cơ sở.

-                     Khoản d: “tạo điều kiện cho người khác lợi dụng cơ sở để thực hiện các hành vi nêu trên”. Như vậy, vấn đề đã được quy định tại Nghị định 150 và do cơ quan công an xử phạt. Do vậy, nếu có quy định về nội dung này tại Dự thảo Nghị định thì nên xem lại là quy định thế nào, những hành vi nào thì sẽ bị xử phạt: nếu cố tình tổ chức chưa ở mức độ hình sự thì xử phạt hành chính hoặc đã ở mức độ hình sự. Quy đinh “tạo điều kiện” dễ tạo cho cơ quan công an có thể khép nhiều hành vi và hoạt động của chủ cơ sở, nếu quy định như trên để xảy ra tình trạng như 02 trường hợp như trên thì e rằng quá khắt khe đối với các cơ sở lưu trú.

Đề nghị bỏ quy định này vì quá khắt khe với doanh nghiệp kinh doanh làm cơ sở lưu trú, mặt khác, các quy định pháp luật về chống tệ nạn xã hội đã có quy định cụ thể.

-                     Điều 24: xử phạt đối với hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh … của doanh nghiệp du lịch nước ngoài hoạt động tại Việt Nam hoạt động trái pháp luật. Có 02 nhóm cần làm rõ. Một là hoạt động du lịch, bao gồm các hành vi quảng bá và hành vi kinh doanh, nếu văn phòng đại diện có hoạt động kinh doanh thì đó là trái luật, chi nhánh kinh doanh thì không trái luật, cần xem xét lại quy định này về câu chữ.

-                     Vấn đề: thanh tra du lịch sẽ “xử phạt” hay “xử lý” là chưa rõ ràng trong khi luật pháp chúng ta quy định một hành vi của một chủ thể sai hay đúng chỉ có một cơ quan duy nhất có thẩm quyền kết luận là Tòa án. Đối với hoạt động lữ hành của doanh nghiệp lữ hành Việt Nam và đối tác có xảy ra vấn đề, nếu chờ tòa án xử thì sự việc rất khó khăn, sự việc có thể do thanh tra du lịch giải quyết, nhưng nếu thanh tra du lịch sai thì doanh nghiệp lữ hành có quyền kiện thanh tra du lịch sai. Vấn đề đặt ra là sự việc chỉ được xem xét là đúng hay sai không phải là do cơ quan hành chính mà chỉ do cơ quan tư pháp kết luận. Nếu Nghị định được ban hành thì tất cả các doanh nghiệp lữ hành đều phải chấp hành quy định của Nghị định, nhưng sau đó lại có quyền tiếp tục yêu cầu xem xét lại quyết định của thanh tra du lịch.
 
2/ Phó Giám đốc Công ty Du lịch Việt Nam tại TP.HCM:

-                     Đây là Nghị định điều chỉnh nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động của các công ty du lịch, được soạn thảo công phu.

-                     Nên có thêm quy định về bảo vê môi trường để đảm bảo sự phát triển du lịch một cách bền vững.

-                     Về chi nhánh, văn phòng: cần làm rõ những quy định về chức năng, nhiệm vụ được làm gì và không được làm gì, đặt ra các chế tài rõ ràng để áp dụng quy định được cụ thể.

-                     Điều 46, Điều 47: đề nghị sửa đổi cụm từ “sửa đổi, bổ sung giấy phép thành lập” thành “cấp lại giấy phép hoạt động”. Tương tự ở Điều 48: khi đã thành lập rồi, lại thành lập nữa thì không ổn, mà phải là “cấp lại”.

-                     Về hướng dẫn viên du lịch: Nghị định đã có quan tâm đề cao hướng dẫn viên nội địa hơn hướng dẫn viên quốc tế là hợp lý vì lý do làm hướng dẫn viên nội địa khó hơn làm hướng dẫn viên quốc tế, hướng dẫn viên quốc tế thì nói với khách những điều tối thiểu, hướng dẫn viên nội địa thì đi sâu vào nội dung, thể hiện hiểu biết và kiến thức, bản lĩnh và chuyên môn của hướng dẫn viên, hiểu biết sâu rộng về chính sách, chế độ, văn hóa, phong tục tập quán Việt Nam. Quy định “có bằng trung cấp chuyên ngành lữ hành, hướng dẫn du lịch, tốt nghiệp trung cấp chuyên ngành khác thì cần có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch” cho thấy sự khác biệt về mức độ của loại 1A thì thấp hơn, 2A thì cao hơn nhưng vẫn nên quy định cụ thể hơn. Đối với quy định “hướng dẫn viên quốc tế có bằng cử nhân hệ cao đẳng hoặc đại học chuyên ngành lữ hành, hướng dẫn du lịch” thì thực tế nhân sự này được sử dụng rất ít. Thực tế doanh nghiệp rất khó sử dụng các nhân sự tốt nghiệp theo tiêu chuẩn trên vì đây là lực lượng đã được học rất nhiều về lý luận. Doanh nghiệp thường tuyển những nhân viên có thể thao tác công việc ngay, có thể đáp ứng nhu cầu công việc ngay. Những nhân sự này có thể được tuyển dụng và đáp ứng những công việc như ở Sở Du lịch, Cục Du lịch, là những cán bộ quản lý, còn nếu tuyển dụng vào doanh nghiệp thì còn phải xem xét dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Như vậy, tóm lại nên ủng hộ quan điểm xây dựng chuẩn để đánh giá năng lực của hướng dẫn viên du lịch nhưng cũng phải phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở, cơ quan về kiến thức, chuyên môn, ngoại ngữ.

-                     Đối với hướng dẫn viên quốc tế, quy định “có giấy chứng nhận đã qua kỳ thi” hoặc “có giấy chứng nhận đã qua các lớp”, có trường hợp được đặc cách thì quy định thế nào? Đề nghị sửa thành “đã có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn” để quy định rõ ràng hơn.

-                     Thực tế có nhiều thợ lành nghề, rất nhiều người giỏi các thứ tiếng không thông dụng bằng tiếng Anh là tiếng Ả Rập, Tây Ban Nha, Tiệp, Nga, Hoa, Thái Lan,… nhưng không học và tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng chuyên ngành du lịch thì có quy định gì để thu nhận đội ngũ này công tác trong ngành và đơn vị sử dụng những hướng dẫn viên dạng người lành nghề này phải có trách nhiệm “cởi trói” cho những lao động này vì những hướng dẫn viên thuộc dạng này rất vững và đáp ứng được yêu cầu công việc nhưng lại không có thẻ hướng dẫn viên.

-                     Điều 54: quy định về trình độ ngoại ngữ, quy định những hướng dẫn viên quốc tế phải có trình độ về ngoại ngữ giỏi để công tác trong lĩnh vực du lịch. Đây là quy định đúng đắn, tuy nhiên để làm được việc tại các cơ sở, cơ quan trong lĩnh vực du lịch thì có lẽ sẽ phải có thêm một số quy định khác nữa để có thể đáp ứng yêu cầu công việc trong lĩnh vực du lịch. Nên quy định thêm để trả lời một số trường hợp đã đáp ứng những tiêu chuẩn theo quy định đặt ra nhưng không được tuyển dụng (do thiếu các kỹ năng khác), tuy nhiên cũng phải nghiên cứu các tiêu chuẩn quy định thêm sẽ là những quy định đòi hỏi về kỹ năng gì của người hướng dẫn viên.

-                     Điều 55: phân hạng hướng dẫn viên cấp 1 và cấp 2. Cấp 2 (cao hơn): 9 năm công tác liên tục, không vi phạm đạo đức và đã là hướng dẫn viên cấp 1. Phải qua hoạt động thực tiễn. Nếu chỉ quy định dựa vào năm tháng công tác như đã quy định thì chưa đủ, có những người đã công tác hơn khoảng thời gian như quy định nhưng thực tế phân hạng hướng dẫn viên vẫn không thể lên được cấp 2. Đề nghị trong nội dung bồi dưỡng có quy định về việc thi cử tương tự như thi công chức, chuyên viên chính để đặt ra tiêu chí cụ thể cho việc phân hạng hướng dẫn viên, đáp ứng được tiêu chuẩn đề ra của đơn vị đó. Đó là nội dung về tài, nên có thêm quy định về đạo đức của hướng dẫn viên du lịch (được thể hiện cụ thể là người hướng dẫn viên du lịch đã chăm lo khách, phục vụ du khách thế nào...).

-                     Điều 56: Giấy chứng nhận đã qua khóa bồi dưỡng kiến thức định kỳ, nên sửa đổi thành Giấy chứng nhận đã đạt yêu cầu để thể hiện sự đạt chuẩn, đủ điều kiện đặt ra đối với các hướng dẫn viên. Về quản lý hướng dẫn viên, thực tế là các doanh nghiệp lữ hành không thể quản lý các hướng dẫn viên mà các hướng dẫn viên này thường hoạt động tự do là đa phần. Đây cũng được coi là dấu hiệu phát triển mà Nhà nước cần phải có một tổ chức hoặc hiệp hội để quản lý được số lượng và chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên để hoạt động của hướng dẫn viên được có tổ chức và bài bản hơn, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với hoạt động này.

-                     Về vận chuyển và lưu trú: Đề nghị nên có một bộ phận quản lý về vận chuyển và lưu trú. Chúng ta đã có Cục Lữ hành, Cục Xúc tiến, Cục Khách sạn nhưng lại thiếu phần quan trọng là quản lý vận chuyển. Xe ô tô, tàu bè vận chuyển hành khách là rất quan trọng và nhiều chủng loại cả đối với vận chuyển hành khách bằng đường bộ, đường thủy,... Nếu chỉ quy định như nội dung trong Dự thảo thôi thì chưa đầy đủ và sẽ tạo sự sơ hở trong quản lý. nên có những quy định cả đối với việc quản lý này hoặc có phương hướng nâng cấp cao hơn. Chẳng hạn quy định: xe phải có điều hòa không khí, chiếu sáng, âm thanh, phương tiện đựng rác, bình chữa cháy, phương tiện thông tin liên lạc, tủ thuốc cấp cứu,... là các tiêu chuẩn rất hữu ích. Nhưng đối với các xe ô tô xuyên Việt thì không hoặc bị thiếu, cũng phải có những quy định để cởi trói cho họ. Quy định xe có hình thức đẹp, hài hòa nhưng thực tế nhiều du khách không có nhu cầu về hình thức, nên quy định này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Đề nghị quy định là hài hòa, hợp với yêu cầu của từng loại hình du lịch, đảm bảo an toàn, vệ sinh và một số chi tiết hợp lý để quy định cho xe du lịch. Thực tế, xe du lịch được trang bị là xe đã qua sử dụng ít nhất là đã 3 năm hoặc có thể là đã 6 - 7 năm nhưng về tiện ích sử dụng cũng không có gì cản trở trong khi xe mới thì về chất lượng xe có thể không đáp ứng được như xe cũ của nước ngoài.

-                     Xe to, trang bị đầy đủ nhưng có một quy định đề nghị được xem xét lại là tốc độ, thực tế xe du lịch chạy trên các tuyến rất nhiều nhưng nối đuôi nhau chạy với tốc độ rất chậm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của doanh nghiệp lữ hành do phạt hợp đồng vì quá thởi gian. Đề nghị có quy định hợp lý hơn trong bối cảnh đường xá, xe cộ được trang bị tốt hơn trước nhưng thời gian di chuyển thì lâu hơn.

-                     Điều 30: Đỗ tại chỗ "thuận lợi", đề nghị thay đổi thành đỗ tại chỗ theo quy định. Nếu chỉ quy định chung chung là chỗ thuận lợi cho đón khách, trả khách nhưng không theo quy định thì dễ bị bắt xe.

-                     Cũng cần lưu ý có tệ nạn giấy phép con đối với các loại hình xe chạy hợp đồng tuy đã có giấy phép hoạt động rồi nhưng vẫn phải có hợp đồng, có thể coi là một loại giấy phép con.

-                     Đối với việc xếp hạng phương tiện vận chuyển khách du lịch, đề nghị đưa ra tiêu chuẩn để áp dụng vào từng loại xe một cách hợp lý, tuy nhiên đây sẽ là một quy định khó áp dụng.

-                     Đối với việc bồi dưỡng cho hướng dẫn viên du lịch, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch hoặc các ngành liên quan sẽ hoạch định kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng cho hướng dẫn viên quốc tế. Quy định này có là khả thi đối với đội ngũ hướng dẫn viên như hiện nay? trong khi việc tái bồi dưỡng, đào tạo chỉ trong một doanh nghiệp nhỏ đã là rất khó thực hiện.
 
3/ Sở Du lịch Đồng Nai:

-    Điều 15: Người điều hành hoạt động kinh doanh lữ hành phải có thời gian hoạt động ít nhất 4 năm đối với doanh nghiệp lữ hành quốc tế hoặc 3 năm đối với doanh nghiệp lữ hành nội địa. Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ loại giấy tờ nào được đòi hỏi thể hiện được quá trình công tác là 4 năm hoặc 3 năm đối với một người. Đối với hướng dẫn viên du lịch thì quá trình này có thể được thể hiện rõ, nhưng đối với người làm công tác quản lý hoạt động lữ hành thì giấy tờ nào có thể chứng minh được người đó hoạt động quản lý trong lĩnh vực lữ hành là 4 năm hay 3 năm vì đây được coi là điều kiện quan trọng để kinh doanh. Doanh nghiệp có thể đăng ký kinh doanh nhưng có đủ điều kiện để kinh doanh hay không lại là do công tác hậu kiểm của cơ quan nhà nước kiểm tra; nếu doanh nghiệp qua khâu hậu kiểm mà không đủ điều kiện thì được quy định một thời gian để bổ sung, nhưng nếu vẫn không bổ sung thêm được thì phải chịu áp dụng chế tài theo quy định. Nếu quy định như vậy đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển thì có thể áp dụng hợp lý, nhưng đối với người quản lý điều hành kinh doanh lữ hành thì sẽ khó áp dụng. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm.

-    Đối với phương tiện vận chuyển khách du lịch: theo Điều 27 và Điều 59 Luật Du lịch: cấp biển hiệu cho phương tiện vận chuyển khách du lịch là Bộ Giao thông vận tải, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại việc phân cấp này cho địa phương do việc vận chuyển khách du lịch chủ yếu là đường bộ và đường thủy.

-    Đối với vấn đề về lưu trú:

-    Điều 31 Khoản 7: đề nghị bỏ cụm từ "do người trong gia đình phục vụ" đối với loại hình nhà ở dạng home-stay, như vậy nếu không phải là do người trong gia đình phục vụ thì có được kinh doanh hay không? Trong khi nếu là trên 15 phòng thì được coi là khách sạn, nhà ở dạng này thường là dưới 15 phòng, với số lượng khoảng 10 phòng trở lên thì đã phải thuê người phục vụ.

-    Điều 38: đề nghị quy định tên cụ thể của loại hình nhà ở quy định tại Điều 31 trên do loại hình này cũng phải đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực du lịch và có quy mô như một nhà nghỉ, có thể là "nhà ở du lịch" hay "nhà trọ du lịch". Dự thảo cũng quy định rõ buồng ngủ có diện tích bao nhiêu, trang thiết bị như thế nào, chủ nhà phải qua lớp tập huấn, chủ nhà có chứng nhận về lưu trú du lịch đảm bảo các điều kiện về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường cho thấy quy mô được quy định như một nhà nghỉ.

-    Đề nghị bỏ Khoản 4 của Điều 38 vì Điều 32 về điều kiện chung cho kinh doanh cho lưu trú du lịch đã quy định rồi và không nên lặp lại.

-    Về chế độ báo cáo thống kê: đối với loại hình kinh doanh lữ hành, quy định tại Điều 19 thì chế độ báo cáo thống kê là quý và năm cho cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh. Nhưng tại Điều 42 về thực hiện báo cáo thống kê của cơ sở kinh doanh lữ hành cho cơ quan quản lý cấp tỉnh lại là 6 tháng và năm. Như vậy, quy định không được thống nhất trong khi cơ quan cấp tỉnh báo cáo về trung ương thì theo định kỳ là tháng, quý, năm. Đề nghị Ban soạn thảo thống nhất về quy định này.

-    Đối với quy định về hướng dẫn viên du lịch:

-    Điều 57: Thủ tục cấp, đổi và cấp lại thẻ hướng dẫn viên du lịch

-    Khoản 2: Người đề nghị cấp, đổi và cấp lại thẻ nộp hồ sơ tại một trong các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cấp tỉnh trong toàn quốc. Như vậy sẽ xảy ra tình trạng một hướng dẫn viên có thể nộp hồ sơ tại nhiều tỉnh thành để được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch.

-    Đối với điều kiện để được cấp thẻ hướng dẫn viên, các giấy tờ khác có quy định thời hạn chẳng hạn đối với khám sức khỏe là không quá 3 tháng, hình ảnh cũng được chụp không quá 3 tháng nhưng đối với các giấy tờ khác còn lại thì không quy định về thời hạn. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại.

-    Đối với hộ khẩu thường trú cũng không quy định thời hạn xác nhận, xảy ra tình trạng hướng dẫn viên hoạt động tại một địa phương nhưng hộ khẩu thường trú lại ở tại một địa phương khác, trong khi cơ quan quản lý du lịch tại địa phương lại được giao thẩm quyền quản lý hướng dẫn viên ở tại địa bàn đó. Đề nghị xem lại quy định này để cơ quan quản lý du lịch có thể quản lý được hướng dẫn viên du lịch theo quy định của pháp luật.
 
 

Các văn bản liên quan