7 kiến nghị của công đoàn về dự án Luật BHXH

Thứ Năm 23:32 15-06-2006

Tổng LĐLĐVN cho rằng, cần thống nhất nguyên tắc: Những quyền lợi mà người lao động đang được hưởng theo quy định hiện hành, được xã hội chấp thuận thì không nên cắt bớt. Luật Bảo hiểm xã hội phải tiến bộ hơn, có lợi hơn cho người lao động. Dưới đây là 7 kiến nghị của Công đoàn.

1- Về chế độ về hưu trước tuổi: Luật BHXH cần quy định như hiện hành là: "Người lao động có đủ 30 năm tham gia BHXH, nếu nam đủ 55 tuổi trở lên, nữ đủ 50 tuổi trở lên, có nguyện vọng về hưu thì được hưởng lương hưu mà không bị trừ 1% cho mỗi năm về hưu trước tuổi".

2- Cách tính mức bình quân tiền lương, tiền công của người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định để làm căn cứ hưởng BHXH:  Đề nghị chia làm 2 giai đoạn: Trước ngày Luật BHXH có hiệu lực, tính bình quân 5 năm cuối; sau ngày luật có hiệu lực tính bình quân 10 năm cuối.

3- Điều kiện hưởng BHXH 1 lần: Dự thảo quy định "... có ít nhất 5 năm không tiếp tục đóng BHXH và có nguyện vọng nhận trợ cấp 1 lần...". Đề nghị quy định lại điều kiện hưởng như sau: "... có đủ 12 tháng không tiếp tục đóng BHXH và có nguyện vọng nhận trợ cấp 1 lần".

4- Trường hợp tạm dừng đóng BHXH: Đề nghị luật cần quy định trong thời gian tạm dừng đóng BHXH, người lao động vẫn được hưởng các quyền lợi về ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khoẻ và làm các thủ tục để hưởng các chế độ hưu trí, tử tuất, TNLĐ và bệnh nghề nghiệp nếu đủ điều kiện.

5- Về chế độ nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khoẻ: Dự thảo quy định chỉ những người "sau" khi hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, TNLĐ và bệnh nghề nghiệp mà sức khoẻ vẫn còn yếu thì mới được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ (NDSPHSK). Đề nghị mở rộng đối tượng áp dụng NDSPHSK nên bao gồm cả những người lao động "sức khoẻ yếu". Ngoài ra,  người lao động phải được hưởng một khoản trợ cấp bằng trợ cấp ốm đau.

6- Vai trò CĐ trong thực hiện Luật BHXH: Đề nghị bổ sung thêm quy định cho tổ chức CĐ có 2 quyền sau: Được yêu cầu người sử dụng LĐ và tổ chức BHXH cung cấp thông tin về việc đóng BHXH cho người lao động; được kiện ra toà đối với những hành vi trốn đóng BHXH cho người lao động.

7- Về thời điểm thực hiện Luật BHXH: Dự thảo quy định thời điểm thực hiện BHXH bắt buộc từ  ngày 1.1.2007; BHXH tự nguyện từ 1.1.2008 và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ 1.1.2009. TLĐ thấy rằng: BHTN là chế độ chưa thực hiện bao giờ, nên chưa có kinh nghiệm và liên quan đến việc sửa BLLĐ về chế độ trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc (Điều 17 và Điều 42). Nếu lại thực hiện BHTN sớm thì lợi ích của BHTN chưa thấy nhưng trước mắt, người lao động sẽ bị mất chế độ trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc. Do vậy, nên lùi việc thực hiện BHTN đến sau năm 2010.

Các văn bản liên quan