19/11: Quốc hội “bấm nút” thông qua Luật GDĐT

Thứ Bảy 15:33 20-05-2006
19/11: Quốc hội "bấm nút" thông qua Luật GDĐT!

Chỉ có 02 ý kiến thảo luận khi Uỷ viên Ủy ban trường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm UB Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Hồ Đức Việt đọc báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật giao dịch điện tử. Điều này thể hiện sự nhất trí cao trước Dựa án Luật được thông qua vào cuối kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI.

E-TradeNews- Loại trừ áp dụng với các trường hợp đòi hỏi mức độ "chắc chắn" cao
Theo ông Hồ Đức Việt, tên gọi Luật Giao dịch điện tử đã được "nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành vì vừa ngắn gọn, phù hợp với tên Luật đã ghi trong Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; vừa phù hợp với tên luật cùng lĩnh vực của nhiều nước trên thế giới". Ông Việt khẳng định thêm: "Về thực chất thì "giao dịch điện tử là giao dịch được thực hiện bằng phương tiện điện tử" như khoản 6 Điều 4 đã giải thích".

Về phạm vi điều chỉnh, ông Hồ Đức Việt cho biết, nhiều ý kiến tán thành với các quy định về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử và chứng thực chữ ký điện tử, giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước, giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, an ninh, an toàn và bảo mật trong giao dịch điện tử... như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.

Theo đó, Luật Giao điện tử dự kiến được thông qua lần này không chỉ quy định về hình thức của giao dịch điện tử, mà còn quy định nhiều nội dung quan trọng nhằm thừa nhận giá trị pháp lý của giao dịch điện tử, đồng thời rất cần thiết phải quy định về giao dịch điện tử của các cơ quan nhà nước.

Ông Hồ Đức Việt cũng cho biết, "Dự thảo Luật nhất trí bổ sung cụm từ "kinh doanh" vào trước cụm từ "thương mại" tại khoản 1 của Điều 1 để bao quát đầy đủ các lĩnh vực kinh tế ở nước ta và phù hợp với cách thể hiện trong phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự".

Những trường hợp loại trừ

Một vấn đề được nhiều người dân quan tâm khi Luật Giao dịch điện tử được thông qua, đó là trường hợp giao dịch nào được loại trừ, không áp dụng Luật này? Dự thảo đã quy định: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà và các bất động sản khác; văn bản về thừa kế, kết hôn, ly hôn, khai sinh, khai tử; hối phiếu và các giấy từ có giá trị khác là những trường hợp điển hình, đòi hỏi mức độ "chắc chắn" cao mà một số đạo luật nước ta có quy định phải thể hiện bằng văn bản, có chữ ký bằng tay của các bên, có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép. Vì thế, những trường hợp giao dịch đó cần được loại trừ khỏi phạm vi áp dụng của Luật Giao dịch điện tử.

Về nguyên tắc chung tiến hành giao dịch điện tử quy định trong Điều 5 của Dự thảo - báo cáo của ông Hồ Đức Việt cho biết - "được bổ sung, chỉnh lý" vì "nội dung của 2 điều luật quy định về nguyên tắc tiến hành giao dịch điện tử nói chung (Điều 5) và nguyên tắc tiến hành giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước nói riêng (điều 39 cũ) có sự mâu thuẫn". Được biết, một số nguyên tắc tiến hành giao dịch dự thảo Luật quy định là: Tự nguyện lựa chọn sử dụng phương tiện điện tử để thực hiện giao dịch, Tự thảo thuận về lựa chọn loại công nghệ để thực hiện giao dịch điện tử, Không một loại công nghệ cao nào được coi là duy nhất trong giao dịch điện tử...

Dự thảo - và sau này là Luật Giao dịch điện tử chính thức - sẽ "không quy định các hình thức xử phạt". Ông Hồ Đức Việt nói: "Có ý kiến đề nghị bổ sung các hình thức xử phạt vào Điều 9. Về vấn đề này xin được báo cáo như sau: Luật Giao dịch điện tử của một số nước quy định việc xử lý khi có vi phạm pháp luật trong giao dịch điện tử. Nhưng theo thông lệ nước ta thì quy định về xử phạt, giải quyết các tranh chấp cụ thể lại do các văn bản pháp luật khác điều chỉnh."

"Cơ quan nhà nước đủ điều kiện, bắt buộc phải giao dịch điện tử!"

"Chúng tôi mong QH và Ban soạn thảo xem xét hai ý kiến: về việc thừa nhận chữ ký điện tử và chứng thư điện tử của nước ngoài và nguyên tắc tiến hành giao dịch của cơ quan nhà nước...", Đại biểu Đỗ Trung Tá, Bộ trưởng Bộ BC-VT, phát biểu tại phiên họp chiều nay của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XI. Đây là một trong hai ý kiến trong phiên làm việc chiều nay (27/10).

Đại biểu Quốc hội muốn được ''demo'' về giao dịch điện tử

Góp ý cho dự thảo Luật giao dịch điện tử trước Quốc hội chiều 27/10, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Ngô Anh Dũng (ĐB Quảng Ninh) có ý kiến:

Tôi hình dung giao dịch điện tử là vấn đề mới, rất hiện đại của cuộc sống hiện đại. Bản thân việc rất ít đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu chứng tỏ đây được coi là vấn đề mới mẻ. Tôi đề nghị Ban soạn thảo trình bày (demo) bằng máy tính cho đại biểu Quốc hội biết chữ ký điện tử, một phiên giao dịch điện tử chi tiết như thế nào, để đại biểu yên tâm "bấm nút" thông qua Luật này vào ngày 19/11 tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ghi nhận và tiếp thu ý kiến này.

"Thứ nhất, về thừa nhận chữ ký điện tử và chứng thư điện tử của nước ngoài. Khoản 1, điều 27 tại trang 9 và trang 10 dự thảo Luật GDDT có quy định: Nhà nước công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài nếu chữ kỹ điện tử hoặc chứng thư điện tử đó có độ tin cậy tương đương với độ tin cậy của chữ ký điện tử và chứng thư điện tử theo quy định của Luật này. Việc xác định mức độ tin cậy của chữ kỹ điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài phải căn cứ vào các tiêu chuẩn quốc tế đã được thừa nhận, hiệp định song phương, đa phương và các yếu tố liên quan khác.

Quy định như khoản 1, điều 27 chúng tôi cho rằng có khả năng chưa đủ chặt chẽ, khó triển khai cho cơ quan quản lý nhà nước trong thực tế. Việt Nam chỉ nên công nhận chữ ký điện tử và chứng thư điện tử của các tổ chức chứng thực điện tử thuộc các nước có hiệp định với VN, có sự thừa nhận lẫn nhau của các tổ chức chứng thực điện tử.

Đây là vấn đề rất mới, vì vậy chúng tôi mong Quốc hội xem xét chỉ nên giữ lại quy định tại khoản 2, điều 57 là đủ, tức là trong điều này chỉ quy định một điểm là Chính phủ quy định cụ thể về thừa nhận chữ ký điện tử và chứng thư điện tử nước ngoài. Việc quy định này không hạn chế việc thực hiện giao dịch điện tử và chỉ giúp cơ quan quản lý nhà nước có điều kiện quản lý thật tốt những quan hệ giao dịch với nước ngoài.

Thứ hai là về nguyên tắc tiến hành giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước. Khoản 3 và 5 điều 40 tại trang 13, dự thảo Luật Giao dịch điện tử quy định: Cơ quan nhà nước trong phạm vi, quyền hạn của mình có quyền chủ động thực hiện từng phần hoặc toàn bộ các giao dịch với nội bộ cơ quan hoặc với các cơ quan khác của Nhà nước bằng phương tiện điện tử (khoản 3).

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và tình hình cụ thể của mình, cơ quan nhà nước xác định một lộ trình hợp lý sử dụng phương tiện điện tử trong các loại hình giao dịch như quy định trong Điều 39 của Luật này (khoản 5).

Quy định như trên thật ra là mới dừng ở mức khuyến khích các cơ quan nhà nước tiến hành từng phần hoặc toàn bộ các giao dịch điện tử. Theo chúng tôi, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước cần có quyết tâm cao hơn nữa, thể hiện ở chỗ bắt buộc các cơ quan nhà nước có đủ điều kiện kinh tế, kỹ thuật và nguồn lực phải tiến hành giao dịch điện tử.

Với mong muốn đưa CNTT nhanh chóng phục vụ cho việc cải cách hành chính, và tạo điều kiện cho những giải pháp phòng chống tham nhũng, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí... Chúng tôi đề nghị Quốc hội xem xét cân nhắc sửa đổi khoản 3 và 5 điều 40 này thành khoản 3 mới của điều 40 như sau: cơ quan nhà nước đủ điều kiện kinh tế, kỹ thuật và nguồn lực có trách nhiệm thực hiện từng phần hoặc toàn bộ các giao dịch nội bộ cơ quan, giao dịch với các cơ quan khác của nhà nước và giao dịch với cơ quan, tổ chức cá nhân bằng phương tiện điện tử.

Đại biểu Đỗ Trung Tá cũng cho biết thêm dưới góc độ là cơ quan chuyên trách về vấn đề này: "Khoản 2 điều 8 Dự thảo Luật có quy định: "Bộ BC, VT chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động giao dịch điện tử". Ý thức được trách nhiệm của mình, Bộ BC-VT đã xây dựng Nghị định về chữ ký số và chứng thực điện tử kèm theo dự thảo Luật giáo dịch điện tử lần này để xin ý kiến của các Đại biểu QH trước khi Bộ chúng tôi chính thức trình Chính phủ ban hành ngay sau khi Luật có hiệu lực"

Kết thúc phần thảo luận của mình, Đại biểu Đỗ Trung Tá khẳng định: "Chúng tôi tán thành thông qua Luật Giao dịch điện tử!", đồng thời cho biết: Trong CT công tác 2005 - 2006, Bộ BC-VT đã có kế hoạch bàn bạc, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Thương mại, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước... để xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết về hoạt động giao dịch điện tử trong các cơ quan nhà nước, thương mại điện tử, giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính và ngân hàng.

E-TradeNews (Tổng hợp) ngày 28/10/2005

Các văn bản liên quan