Đại diện Ban Soạn thảo – ông Vũ Văn Ninh phát biểu

Thứ Hai 15:14 28-03-2011

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Kính thưa Đoàn Chủ tịch.

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội.

Tôi xin được phép phát biểu ngắn gọn.

Qua ý kiến của đại biểu tại Hội trường hôm nay thể hiện sự nhất trí tương đối cao. Tôi thấy nhiều nội dung giải thích thêm để cho rõ, vẫn nhất trí với dự thảo luật và ý kiến giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi xin báo cáo thêm một số vấn đề.

Thứ nhất, ý kiến của đồng chí đại biểu Trần Du Lịch về loại hình doanh nghiệp và công ty trách nhiệm hữu hạn hợp danh có cho doanh nghiệp, tổ chức tham gia không, việc này cũng là vấn đề tranh luận rất nhiều. Khi Chính phủ trình luật này, đúng ý kiến trùng với ý kiến của đồng chí Trần Du Lịch nhưng tôi không bảo vệ được vì rất nhiều ý kiến khác phản bác ý kiến này. Chính tờ trình của Chính phủ đề nghị như vậy, đề nghị tổ chức và doanh nghiệp không được tham gia thành lập công ty kiểm toán, trên thực tế đã có trường hợp như vậy rồi, đó là trường hợp của Vinashin cũng đã tham gia thành lập công ty kiểm toán. Chúng tôi đề nghị việc đó và bây giờ đặt ra như thế này thì tôi không biết giải thích như thế nào vì tôi không bảo vệ nổi ý kiến này.

Ý kiến thứ hai là chuyển sang hợp danh. Ý kiến này khi nghiên cứu kiểm toán của các nước thì đúng là hầu hết hiện nay người ta đều chuyển sang hợp danh và người ta đang xu hướng chuyển đổi rất nhiều sang hợp danh. Ví dụ ở Singapore, Anh đã chuyển rồi nhưng các nước tương đối tiên tiến người ta cũng chuyển sang, nhưng cũng rất khó vì của mình quy định này chưa được rõ cho nên phải chấp nhận ý kiến này. Tôi xin báo cáo lại mấy vấn đề như vậy.

Ý thứ hai về kiểm toán viên và kiểm toán viên hành nghề, chúng tôi xin tiếp thu để lần sau viết cho rõ và để hiểu. Chúng tôi xin giải thích rất ngắn gọn là trong số kiểm toán viên và kiểm toán viên hành nghề thì đó là hai cấp bậc. Một là kiểm toán viên thì đại trà hơn, mức độ thấp hơn, kiểm toán viên hành nghề nó yêu cầu đòi hỏi cao hơn, có hai ý cao hơn, tức là trong số kiểm toán viên nếu anh đạt được tiêu chuẩn kiểm toán viên hành nghề thì anh được hai quyền, quyền thứ nhất là thành lập doanh nghiệp kiểm toán, quyền thứ hai là anh được phép ký vào báo cáo kiểm toán. Không phải tất cả kiểm toán viên được ký vào báo cáo kiểm toán mà chỉ có kiểm toán viên hành nghề, kể cả trong nước và ngoài nước mới được ký vào báo cáo kiểm toán, vì yêu cầu nó cao hơn, ý là chỗ đó.

Cho nên nó có hai loại giấy phép như anh Trừng nói cũng đúng. Hiện nay chúng ta có khoảng gần 7.000 nhân viên làm việc trong gần 200 công ty kiểm toán. Nhưng chỉ có 6.700 đến 7.000 là kiểm toán viên, trong số đó chỉ có khoảng 10% là kiểm toán viên hành nghề, và các nước đều quy định như vậy. Chính vì thế cho nên nó dẫn đến các loại giấy phép và trước đây chúng tôi cũng có đề nghị là Bộ tài chính làm việc cấp cả 3 loại này vào làm một. Ví dụ chứng chỉ vẫn là hai nhưng giấy phép khi hoạt động, thực ra khi anh cấp cho người ta để người ta được thành lập và hoạt động thì coi như đăng ký kinh doanh ngay. Giống như bảo hiểm hiện nay cũng cho phép việc đó, giống như chứng khoán cũng cho phép việc đó. Nhưng có nhiều ý kiến đề nghị là tách ra để đăng ký với Sở kế hoạch và đầu tư.

Nhưng ở đây tôi cũng báo cáo thêm với các đại biểu một ý. Trong luật ở Khoản c, Khoản d Điều 11 trang 4 dự thảo mới giao cho Bộ tài chính cấp, đình chỉ, thu hồi thì quá trình này chính là quá trình anh cấp ra thì anh phải theo dõi nó hoạt động thế nào. Nhưng khi đưa sang Sở kế hoạch và đầu tư thì các vị biết cả rồi, hiện nay người ta chỉ cấp thôi, người ta không theo dõi nó hoạt động thế nào cả, còn nó có hoạt động hay không hoạt động cũng không biết. Chính vì vậy điều kiện để giám sát doanh nghiệp này cũng rất khó. Mặc dù anh được cấp chứng chỉ rồi, anh có ra đời và xin đăng ký hay không là hai việc nó tách rời nhau, cho nên quản lý rất khó. Xin báo cáo với đại biểu như vậy.

Về kiểm tra, giám sát hội tại sao lại là Bộ tài chính. Hiện nay ta chưa có luật thành lập hội, nhưng có nghị định về việc tổ chức hội của Chính phủ. Trong nghị định đấy giao cho Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý Nhà nước chung cho phép thành lập hay không thành lập và đủ điều kiện hay không đủ điều kiện thành lập ra hội đấy, nhưng vẫn giao cho các Bộ chuyên ngành giám sát về chuyên môn đối với hội đấy. Nếu có chúng tôi sẽ viết lại cho chuẩn hơn.

Về số lượng 5 hay 7, báo cáo đại biểu, hiện nay số lượng kiểm toán và kiểm toán viên hành nghề của chúng ta không phải là nhiều, cho nên số lượng trước đây là 3, bây giờ đề nghị nâng lên 5, nâng lên 7 được thực ra cũng tốt. Nhưng mình nâng cao quá thì số hiện hành cũng phải đuổi theo một bước nữa thì anh mới đạt được tiêu chuẩn đấy. Luật lần này cũng mở rộng hơn để cho điều kiện được tham gia thi kiểm toán viên rộng hơn trước, cho nên hy vọng sắp tới đây chúng ta đào tạo tốt, tổ chức tốt thì lực lượng này sẽ tăng dần lên, rồi từng bước chúng ta sẽ hoàn thiện tiếp. Nâng lên 7 ngay lập tức thì tôi cũng sợ cao quá, yêu cầu thì tốt, như thế là rất tốt.

Còn một số khái niệm tôi cũng nhất trí sẽ soát xét lại để bớt đi giải thích từ ngữ có những chuyện không phù hợp. Riêng về chuẩn mực kế toán, kiểm toán hiện nay đã được quy định trong Luật kế toán. Cho nên đã có quy định rồi, chắc là chỉ cần nhắc lại khái niệm đấy thôi, không cần phải quá đi vào chi tiết. Chúng tôi xin báo cáo một số nội dung quy định như vậy. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan