Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch – TP Hồ Chí Minh
Kính thưa Đoàn Chủ tịch,
Kính thưa Quốc hội,
Tôi xin tham gia một số ý.
Trước hết, có thể ý kiến của tôi có khác một vài đại biểu đã phát biểu, có lẽ là ý kiến khác nhau để Đoàn Chủ tịch, Ban soạn thảo có thể tham khảo dễ hơn.
Tôi nhất trí rất cao với Tờ trình của Chính phủ về mục tiêu là chúng ta phải có Luật kiểm toán độc lập sau 19 năm hoạt động. Mục đích luật này tạo khung pháp lý cao nhất để chúng ta phát triển lĩnh vực kiểm toán. Sau 19 năm chúng ta có 1.800 kiểm toán viên và chúng ta có hiệp hội gọi là Hiệp hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam quản lý khoảng1.300 người. Dĩ nhiên so với nước Anh có 126.000 kiểm toán viên hoạt động thế giới, so với Hiệp hội kiểm toán Anh thì chúng ta còn rất nhỏ. Trong tương lai dự kiến năm 2020 chúng ta có thể có hơn 7.000 kiểm toán viên. Với yêu cầu phát triển của nước ta, đặc biệt là yêu cầu sẽ phát triển rất nhiều công ty đại chúng, công ty công cộng, những doanh nghiệp mà yêu cầu phải có kiểm toán độc lập thành ra tôi nghĩ luật này rất cần thiết.
Tuy nhiên, cái khó của luật này là tạo khung pháp lý mang tính bền vững nhưng phải quan điểm rất rõ nghề kiểm toán là một nghề rất đặc biệt, nó dựa trên tính trung thực, chất lượng, tâm con người. Do đó luật tạo một khuôn khổ phát triển ở chất lượng chứ không chỉ có số lượng. Chính vì vậy có ý kiến cho rằng tên luật là Luật về kiểm toán, tôi nghĩ rằng kiểm toán độc lập là đúng. Độc lập ở đây hiểu theo nghĩa không phải là tính độc lập của một kiểm toán viên. Hiện nay trên thế giới có 3 hệ thống kiểm toán:
Một là kiểm toán nội bộ, tức là bản thân doanh nghiệp phải làm, tự anh làm.
Hai là loại kiểm toán Nhà nước, trách nhiệm quản lý Nhà nước phải làm.
Còn kiểm toán độc lập ở đây tức là lúc xã hội nhìn vào doanh nghiệp đó, doanh nghiệp đó có kiểm toán nội bộ rồi, nhưng cổ đông yêu cầu phải có người độc lập làm chuyện đó, độc lập hiểu theo nghĩa đó tôi rằng từ đó là rất đúng. Tiếng Anh có 3 từ để chỉ kiểm toán, kiểm toán độc lập trong chuyên môn ta gọi là kiểm toán bên ngoài, đúng theo thông lệ quốc tế phải dùng từ này, không có từ nào khác.
Tôi xin tập trung 2 ý có ý kiến khác nhau liên quan đến chức năng quản lý nhà nước ở Điều 10 và có hay không vai trò Hiệp hội kiểm toán ở Điều 11. Tôi cho rằng nghề kiểm toán là một dịch vụ đặc biệt và kinh doanh có điều kiện khác hoàn toàn các ngành nghề khác, nó gần gũi với các nghành nghề luật sư, thiết kế, tư vấn, tức là những nghề nghiệp gắn với trách nhiệm con người, không phải là trách nhiệm về vốn liếng v.v... Chính vì vậy vấn đề đạo đức nghề nghiệp cực kỳ quan trọng mà quản lý đạo đức nghề nghiệp chưa ai chứng minh được rằng quản lý nhà nước trực tiếp tốt hơn để cho tổ chức nghề nghiệp quản lý.
Hiện nay ta chưa có Luật hội, tôi đề nghị phải chế định rõ vai trò của Hiệp hội hành nghề kiểm toán Việt Nam trong luật này và chúng ta quy định những nội dung, giao Chính phủ ban hành nghị định về tổ chức, mô hình phải đi gần gũi với tổ chức các đoàn luật sư. Theo kinh nghiệm thế giới, nghề này Bộ Tài chính quản lý nhà nước nhưng quản lý thông qua các hiệp hội, chính họ mới bảo đảm được chế tài và kiểm tra đạo đức. Tôi không có thời gian nhiều, tôi có nghiên cứu một số công ty kiểm toán nước ngoài về vấn đề này tôi xin kiến nghị như vậy. Do đó Điều 10 và Điều 11 nên tính toán lại để làm sao Bộ Tài chính làm phần nào về quản lý nhà nước còn vai trò của Hiệp hội kiểm toán. Nhân đây tôi cũng kiến nghị điều kiện hành nghề kiểm toán phải là thành viên của Hiệp hội chứ không phải giống như luật sư, không thể nào một người bình thường nhận làm kiểm toán. Đây là quyền bắt buộc về hành nghề này, hành nghề đặc biệt.
Liên quan đến Điều 20 doanh nghiệp kiểm toán, doanh nghiệp kiểm toán là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện giống như chứng khoán và một số lĩnh vực khác. Do đó bắt buộc phải có điều kiện được cấp phép mới đăng ký kinh doanh. Doanh nghiệp kiểm toán là loại hình dựa trên uy tín của con người chứ không dựa trên vốn. Do đó đây là loại doanh nghiệp đối nhân chứ không đối vốn. Tôi nghĩ rằng không nên tổ chức loại công ty TNHH, rất tiếc rằng luật sư của ta lại cho tổ chức công ty TNHH, tôi nghĩ cần xem lại, hiện nay chưa có vấn đề nhưng lâu dài sẽ có vấn đề. Chính vì vậy các hãng kế toán lớn nước ngoài người ta gọi là hãng kế toán, không bao giờ người ta gọi là công ty kế toán vì nó đối nhân chứ không đối vốn. Ở các nước đều như vậy, còn ở đây chúng ta nêu một số nước tôi cho là không quan trọng. Hiện nay thế giới có 2 hệ thống, chúng ta nên theo cái nào, điều kiện Việt Nam ta hướng cho tương lai thế nào chúng ta phải tính toán. Chính vì vậy tôi đề nghị không nên quy định kiểu công ty TNHH mà là công ty hợp danh và làm kiểm toán phải đứng cạnh tổ chức giống như luật sư chứ không phải ai muốn làm kiểu gì thì làm. Chính vì vậy tôi đề nghị nếu trên quan điểm như vậy thì tôi nghĩ rằng phải chỉnh sửa lại ở Điều 10 và 11 về vai trò hiệp hội kiểm toán và theo Điều 20 liên quan đến tổ chức các doanh nghiệp kiểm toán Để nâng cao trách nhiệm và tính chất đối nhân của hoạt động này thì chúng ta mới bảo đảm được việc phát triển ngành nghề này. Tôi xin nói lại rằng nhu cầu trong tương lai rất lớn, hiện nay chúng ta quy định điều kiện 3 năm để làm kiểm toán, điều kiện ở Việt Nam rất thấp. Thưa Quốc hội tôi làm việc ở một Công ty kiểm toán gọi là Big four nghĩa là 4 loại lớn, người ta tuyển một kiểm toán viên có thể ký vào kiểm toán độc lập, người ta nói kinh nghiệm là họ tuyển vào 300 cử nhân có bằng đại học, sau 12 năm trật vật thì cứ 300 người mới được 1 người thì có quyền ký như vậy, chất lượng cao như vậy. Thành ra điều kiện này là chúng ta phải tính toán cả, luật này phải tính toán cả, vấn đề tạo điều kiện, vấn đề đào tạo thế nào, quản lý thế nào thì chúng ta mới có đội ngũ đáp ứng nhu cầu trong tương lai và chúng ta cũng cần 7 ngàn, 10 ngàn, vài chục ngàn bởi vì sắp tới này chúng ta nên nhìn với một tương lai xa một chút, không nên nhìn một vài việc gần đây để chúng ta gói gẹm. Tôi xin cám ơn.