Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trung Nhân – TP Cần Thơ

Thứ Hai 10:48 22-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu dự thảo Luật Kiểm toán độc lập và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế, tôi xin đóng góp một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, tôi cơ bản thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban kinh tế của Quốc hội và sự cần thiết ban hành cũng như các ý kiến liên quan đến Tờ trình của Chính phủ.

Thứ hai, tôi thống nhất với ý kiến của đại biểu Cao Sỹ Kiêm, không nên gọi tên luật là Luật Kiểm toán độc lập, không nên để hai từ "độc lập" phía sau, vì hoạt động kiểm toán nói chung cả kiểm toán Nhà nước, kiểm toán dịch vụ, kiểm toán nội bộ đòi hỏi tính độc lập của người thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Nếu để như vậy thì dễ bị hiểu lầm kiểm toán dịch vụ độc lập, còn kiểm toán Nhà nước hay kiểm toán nội bộ không độc lập. Tôi đề nghị đổi tên khác, có thể là Luật kiểm toán hoặc kinh doanh kiểm toán, dịch vụ kiểm toán. Nếu đồng ý sửa là dịch vụ kiểm toán thì tôi đề nghị trong Luật kiểm toán nó bao hàm cả hoạt động liên quan đến lĩnh vực kiểm toán Nhà nước hiện nay mà nó chia ra thành kiểm toán hoạt động Nhà nước, kiểm toán hoạt động sản xuất kinh doanh và kiểm toán một số hoạt động đặc thù khác. Vì thực sự hiện nay trên thực tế nó có hoạt động kiểm toán như đối với ngành công nghiệp có kiểm toán, năng lượng chẳng hạn thì người ta có điều chỉnh bằng luật này không? Cho nên, tôi nghĩ rằng nên chia ra là kiểm toán hoạt động của Nhà nước, của sản xuất kinh doanh và kiểm toán đặc thù, trong đó phát sinh một số đặc thù khác nữa, đương nhiên thì chuyện này cũng khó cho Ban Soạn thảo. Bởi vì thực sự đây là lần đầu, nhưng khi năng lực kiểm toán Nhà nước đã hình thành và đã có hiệu lực rồi, tôi xin có đề xuất vậy thôi.

Ý kiến thứ ba, là về quản lý Nhà nước trong hoạt động kiểm toán, tôi cũng thống nhất với ý kiến của đại biểu Loan vừa phát biểu là giao cho Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý về mặt chuyên môn đối với hoạt động kiểm toán, như Bộ Tài chính sẽ đưa ra các quy định liên quan đến công tác đào tạo, cấp chứng chỉ cũng như các quy định liên quan đến những tiêu chí thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán. Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ quan đầu tư sẽ chịu trách nhiệm về cấp phép hoạt động kiểm toán như theo Luật doanh nghiệp. Vì thực sự ra các doanh nghiệp kiểm toán còn hoạt động lĩnh vực khác nữa, nếu chúng ta chỉ vì có hoạt động lĩnh vực kiểm toán mà chúng ta giao cho Bộ Tài chính cấp phép thì nó sẽ không phù hợp với luật hiện hành.

Ý kiến tiếp theo liên quan đến kiểm toán viên Nghị định 13 - 1992, tôi có ý kiến khác hơn, song trong dự thảo cũng như trong thẩm tra tôi đề nghị kiểm toán viên chia làm hai loại: kiểm toán viên trong nước và kiểm toán viên quốc tế, nó cũng giống như bên hướng dẫn viên du lịch gì đó cũng có hướng dẫn viên trong nước và hướng dẫn viên quốc tế. Hai loại kiểm toán viên này phải có những tiêu chí là ở trong nước thì đương nhiên phải biết tiếng Việt, nhưng người nước ngoài nếu mà muốn trở thành một kiểm toán viên trong nước Việt Nam thì người đó phải biết tiếng Việt Nam. Còn những người nào mà là người Việt Nam hay người nước ngoài mà muốn đạt tiêu chuẩn kiểm toán viên quốc tế thì người đó ngoài tiêu chuẩn của kiểm toán viên ra, thì còn phải biết ngoại ngữ ở bằng thị trường nào đó nhất định. Ví dụ kiểm toán viên đó ở thị trường Trung Quốc thì người đó phải có biết tiếng Hoa chẳng hạn, rồi một số thị trường của Pháp phải biết tiếng Pháp, một số thị trường Nga thì biết tiếng Nga v.v... như vậy đăc thù đối với kiểm toán viên quốc tế thì chúng ta cũng có qui định thêm như vậy để phân biệt rõ ràng giữa người hoạt động đối với vừa trong nước và vừa quốc tế. Có như vậy chúng ta sẽ đào tao ra được những đội ngũ kiểm toán viên mà với xu hướng mở rộng hợp tác quốc tế của chúng ta thì chúng ta có thể cung cấp các dịch vụ cao cấp trong ngành tài chính mà nhất là lĩnh vực kiểm toán quốc tế.

Tôi đề nghị liên quan đến kiểm toán viên là trong doanh nghiệp cũng vậy, hiện nay chúng ta phân biệt rõ ràng là có kiểm toán viên Nhà nước và kiểm toán viên độc lập, rồi kiểm toán viên là nội bộ. Tôi đề nghị để tận dụng nguồn chuyên viên kiểm toán hiện nay tại các doanh nghiệp bên ngoài cũng như kiểm toán viên trong cơ quan Nhà nước, thì chúng tôi nghĩ nên cho phép các đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán, giống như ý kiến đại biểu Loan ở Hà Nội là có thể tham gia vào kiểm toán cơ quan Nhà nước và ngược lại các cơ quan kiểm toán Nhà nước được tham gia đấu thầu các kiểm toán của doanh nghiệp nước ngoài hay các doanh nghiệp bên ngoài, qua đó chúng ta sẽ tận dụng được để nâng cao trình độ của các kiểm toán viên. Từ đó chúng ta có thể đẩy mạnh sự phát triển của ngành kiểm toán.

Trong báo cáo cũng nói rằng hiện nay đội ngũ kiểm toán của chúng ta cũng còn rất yếu và thiếu mà không thấy điều, khoản nào quy định liên quan tới việc đào tạo đội ngũ kiểm toán viên trong thời gian sắp tới. Tôi cũng thống nhất với ý kiến của đại biểu Tâm quy định tại Điều 34 về trách nhiệm của kiểm toán viên cũng như doanh nhgiệp kiểm toán khi đến kiểm toán doanh nghiệp nào đó thì ngòai việc thực hiện quy định theo Điều 34 thì cần quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Khi kiểm toán viên kiểm tra không đúng hay có sai sót gì đó mà gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì phải cùng chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp đó. Tôi xin có một số ý kiến như vậy. Xin hết. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan