Góp ý của Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan – TP Hà Nội
Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.
Kính thưa Quốc hội.
Về Luật Kiểm toán độc lập, tôi xin có một số đóng góp ý kiến như sau.
Vấn đề thứ nhất, là về sự cần thiết phải ban hành luật. Tôi cho rằng vào thời điểm này chúng ta rất cần thiết phải ban hành luật này, bởi vì khi mà chúng ta đã ra nhập WTO và những đòi hỏi cần phải minh bạch thì tôi nghĩ rằng kiểm toán là một phần rất thiết yếu để chúng ta minh bạch hóa các hoạt động kinh doanh.
Vấn đề thứ hai, về phạm vi điều chỉnh. Tôi thấy trong dự thảo có đưa tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán. Ví dụ như hiệp hội kiểm toán đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật theo tôi là không hợp lý. Tôi đề nghị là tổ chức nghề nghiệp thì cũng như các hiệp hội nghề nghiệp khác, cho nên không nên đưa vào điều chỉnh trong luật này mà để ở luật khác, ví dụ như về sau này có thể ta ban hành luật về hội, hiệp hội thì ta đưa hiệp hội kiểm toán vào điều chỉnh ở đây.
Vấn đề thứ ba, là vấn đề tổ chức thi, cấp, thu hồi, quản lý chứng chỉ kiểm toán viên. Tại Điểm c, Khoản 2, Điều 10 không nên giao cho tổ chức nghề nghiệp mà nên để Bộ Tài chính quy định về thi, cấp, thu hồi và quản lý chứng chỉ kiểm toán viên thì phù hợp hơn.
Vấn đề thứ tư, là về thẩm quyền cấp, đình chỉ, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán chi nhánh văn phòng đại diện. Theo tôi nghĩ chúng ta cần thiết phải coi các doanh nghiệp kiểm toán cũng là một doanh nghiệp bình thường hoạt động có điều kiện. Cho nên, nếu chúng ta để Bộ Công thương cấp giấy phép thì tôi nghĩ rằng nó cũng không phù hợp. Bởi vì nếu như thế thì bộ máy sẽ cồng kềnh thêm ra, trong khi đó Luật doanh nghiệp cũng đã quy định rất rõ, cho nên tôi đề nghị về vấn đề cấp và đình chỉ thu hồi giấy phép thành lập nên để cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thông qua Sở kế hoạch và đầu tư vẫn cấp giấy phép hoạt động cho các doanh nghiệp và Bộ Tài chính kiểm soát các hoạt động, quy định các hoạt động và coi đây là những hoạt động có điều kiện thì những điều kiện như thế nào thì đủ điều kiện nên là Bộ Tài chính đưa ra ban hành và kiểm soát hành nghề. Như vậy thì nó sẽ đảm bảo phù hợp hơn theo Luật doanh nghiệp cũng như tránh cồng kềnh và đảm bảo tránh trùng lắp về chức năng.
Vấn đề thứ năm, là tại Điểm c, Khoản 4, Điều 20 có quy định không cho các doanh nghiệp kinh tế tư nhân góp vốn để thành lập các doanh nghiệp kiểm toán, tôi cho rằng như thế nó không phù hợp. Bởi vì khi chúng ta đã coi doanh nghiệp kiểm toán là một doanh nghiệp bình thường thì các tổ chức cũng phải được cho phép tham gia góp vốn và hoạt động bình thường. Cho nên, tôi đề nghị xem lại điểm này.
Vấn đề thứ sáu, là tiêu chuẩn, điều kiện của Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của doanh nghiệp kiểm toán, trách nhiệm hữu hạn, tại Điều 22 quy định: Tổng giám đốc doanh nghiệp kiểm toán của công ty trách phải góp vốn tối thiểu 10% vốn điều lệ. Tôi cho quy định như vậy không hợp lý bởi vì Tổng giám đốc hay giám đốc người ta có thể tuyển, nhiều khi tổng giám đốc, giám đốc họ không có kinh tế, nhưng họ có tài năng về chuyên môn cũng như về năng lực quản lý thì họ vẫn được quyền tham gia vào điều hành công ty, doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp. Tôi đề nghị không nên để điểm này vào quy định về tiêu chuẩn và điều kiện của giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Điều 46, Khoản 2 phạm vi hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán. Theo tôi nên cho phép các doanh nghiệp này có các dịch vụ khác như tư vấn kinh tế, tư vấn tài chính, thuế, dịch vụ, kế toán là hợp lý, bởi vì họ là một doanh nghiệp thì họ vừa là dịch vụ kiểm toán nhưng cũng có thể là các dịch vụ khác. Khi họ đã là doanh nghiệp thì nên để cho họ hoạt động như Luật doanh nghiệp. Còn vấn đề kiểm toán thì ta quy định chi tiết, những điều kiện như thế nào để họ được hoạt động kiểm toán. Nếu họ không đủ điều kiện hoạt động kiểm toán thì họ bị đình chỉ phần kiểm toán, còn các dịch vụ khác họ vẫn được quyền hoạt động.
Khoản 4, Điều 53 quy định một trong 2 chữ ký của kiểm toán viên hành nghề trên báo cáo kiểm toán của tổ chức kiểm toán nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phải là người Việt Nam, như vậy cũng không phù hợp vì khi chúng ta đã hội nhập rồi thì họ là nước ngoài, nhưng hoạt động tại Việt Nam, tuân thủ theo luật của Việt Nam thì người nước ngoài cũng phải đủ tất cả các điều kiện, do đó chữ ký của người nước ngoài cũng phải được coi là hợp pháp. Nếu chúng ta quy định một trong 2 chữ ký phải là của người Việt Nam cũng không phù hợp. Tôi đề nghị quy định lại điểm này.
Khoản2, Điều 65 quy định về kiểm soát nội bộ. Tôi cho rằng điều này không cần thiết, bởi vì vấn đề kiểm soát nội bộ là hoạt động của một doanh nghiệp đã được quy định tại Luật doanh nghiệp, cho nên nếu đã không cần thiết thì không nên đưa vào quy định trong luật này.
Về kiểm toán bắt buộc. Tôi đề nghị xem xét kiểm toán bắt buộc cho tất cả các dự án nhóm A và nhóm B. Tôi cho rằng vấn đề kiểm toán bắt buộc đối với các khoản hoặc các dự án sử dụng ngân sách của Nhà nước thì không chỉ có nhóm A và nhóm B, mà tôi nghĩ tất cả các khoản sử dụng ngân sách của Nhà nước cần phải được kiểm toán bắt buộc trong tương lai. Có thể hiện tại chúng ta chưa đủ nhân lực, chưa đủ khả năng thì có thể chưa thực hiện được bây giờ, nhưng tiến tới tất cả các khoản sử dụng ngân sách Nhà nước cần phải được kiểm toán theo định kỳ.
Vấn đề tiếp theo, tôi đề xuất thêm một mục là đấu thầu kiểm toán và sử dụng kiểm toán độc lập cho những dự án sử dụng ngân sách Nhà nước và những công ty, tập đoàn kinh tế Nhà nước. Chúng ta coi kiểm toán độc lập là một doanh nghiệp và hoạt động theo pháp luật, vậy không nên phân biệt kiểm toán Nhà nước hay kiểm toán độc lập tư nhân, đã hoạt động theo pháp luật thì phải tuân thủ theo pháp luật. Do vậy, tôi đề nghị đưa vào luật quy định thêm về việc sử dụng các công ty kiểm toán độc lập cho các công ty, các loại hình dự án, doanh nghiệp Nhà nước và các ngân sách Nhà nước thông qua hình thức đấu thầu kiểm toán. Vì tôi thấy ở nước ngoài người ta cũng sử dụng các doanh nghiệp kiểm toán Nhà nước cho các dự án quốc gia mà rất hiệu quả.
Vấn đề cuối cùng đó là các trường hợp doanh nghiệp kiểm toán không được thực hiện kiểm toán tại Điều 35, Khoản 1, không có tên trong thông báo danh sách doanh nghiệp kiểm toán đủ điều kiện hành nghề của Bộ Tài chính. Quy định như vậy tôi cho không hợp lý, bởi vì nếu như thế có nghĩa sau khi đã có giấy phép thành lập hoạt động rồi họ vẫn chưa được hoạt động, họ vẫn phải đợi Bộ Tài chính đưa họ vào danh sách này, quy định như thế nào đủ điều kiện là chưa biết., cho nên tôi đề nghị xem lại điểm này. Tôi xin hết ý kiến.