Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Tâm – Tây Ninh
Kính thưa Đoàn Chủ tịch,
Kính thưa Quốc hội,
Trước hết, tôi biểu thị sự tán thành cao với việc cần thiết phải ban hành Luật Kiểm toán độc lập do ý nghĩa của hoạt động này đối với việc bảo đảm tính công khai., minh bạch trong hoạt động của các doanh nghiệp trong bối cảnh chúng ta đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Đối với các nhà đầu tư thông tin kiểm toán là cơ sở quan trọng để đưa ra quyết định đầu tư. Còn đối với tổng thể nền kinh tế thì thông tin kiểm toán giúp cho việc tổng hợp, đánh giá chính xác thực lực hoạt động của các doanh nghiệp, là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế để Nhà nước có những quyết sách đúng, khắc phục được tình trạng lợi giả, lỗ thật hoặc lợi thật, lỗ giả gây nhiễu loạn trên thị trường đầu tư và làm sai lệch chính sách điều hành vĩ mô.Với ý nghĩa đó, tôi xin có một số ý kiến đóng góp vào dự thảo luật như sau:
Một, các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán, để có một kiểm toán có chất lượng đòi hỏi trình độ năng lực và đạo đức nghề nghiệp của các cá nhân và doanh nghiệp thực hiện việc kiểm toán. Trong dự thảo luật đã có nhiều quy định đối với điều kiện về trình độ năng lực của kiểm toán viên của doanh nghiệp nhưng theo tôi các quy định về đạo đức nghề nghiệp chưa được cụ thể và chưa có những cơ chế ràng buộc trách nhiệm, đảm bảo tuân thủ đạo đức nghề nghiệp. Tại Điều 13 và Điều 15 quy định về tiêu chuẩn điều kiện của kiểm toán viên và kiểm toán viên hành nghề yêu cầu phải có đạo đức nghề nghiệp trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật nhưng chưa có quy định cụ thể ai sẽ là người có trách nhiệm xác nhận về tiêu chuẩn này, nếu xác nhận không chính xác gây hậu quả có phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý hay không? Tôi đề nghị cần có quy định cụ thể về vấn đề này trong luật.
Trong dự thảo luật cũng có quy định xử lý vi phạm đối với các cá nhân và tổ chức vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập các hình thức như cảnh cáo, phạt tiền, truất phép hoạt động hoặc xử lý hình sự. Tôi đề nghị bổ sung thêm hình thức xử lý bồi thường thiệt hại về tài chính nếu báo cáo kiểm toán không chính xác, dù do cố tình hay vô ý để nâng cao trách nhiệm của bên lập báo cáo kiểm toán. Thực tế trong thời gian qua trên thị trường chứng khoán cũng như trong hoạt động các doanh nghiệp nhà nước đã cho thấy có trường hợp doanh nghiệp đang gặp khó khăn, đứng trên bờ vực phá sản nhưng báo cáo kiểm toán vẫn đẹp và hậu quả của nó gây ra những thiệt hại rất lớn cho các nhà đầu tư cũng như cho Nhà nước. Những thiệt hại như vậy nếu chỉ phạt vi phạm hành chính thì mức bồi hoàn cho nhà đầu tư cũng như cho nền kinh tế là không đáng kể. Hơn nữa bên cạnh việc tăng trách nhiệm bồi thường vật chất cũng cần tăng cường trong các giao dịch kinh tế thay cho trách nhiệm hình sự trừ các hành vi cố tình lừa đảo. Hiện nay chúng ta thấy trong pháp luật hình sự cũng đang đi theo hướng tăng trách nhiệm vật chất, bồi thường vật chất và giảm trách nhiệm hình sự, do đó chúng tôi đề nghị đi theo hướng tiếp cận bằng biện pháp kinh tế.
Ngoài ra trong dự thảo luật cũng cần bổ sung trách nhiệm thanh tra của các cơ quan quản lý nhà nước tại Điều 10 để tạo điều kiện tốt hơn về pháp lý và thẩm quyền xử lý vi phạm trong các cơ quan nhà nước như Luật thanh tra (sửa đổi) đã quy định. Đồng thời tăng cường hoạt động hậu kiểm, tránh buông lỏng quản lý, khi đó các doanh nghiệp sau khi đã được cấp phép, đáp ứng đủ các điều kiện nhưng khi hoạt động thì không đủ các điều kiện và năng lực hoạt động vẫn cung cấp dịch vụ ra thị trường từ đó gây ra những hậu quả đáng tiếc cho nhà đầu tư cũng như cho toàn xã hội.
Thứ hai, về việc phân loại các báo cáo kiểm toán, phạm vi của các báo cáo kiểm toán tài chính và phạm vi cung cấp dịch vụ kiểm toán. Theo tôi dự thảo luật chưa có sự phân loại thống nhất trên cùng một tiêu chí đối với các loại kiểm toán trong các Điều 4, Điều 46 và Điều 52, dẫn đến khó hiểu và khó xác định trách nhiệm pháp lý trong việc lập báo cáo kiểm toán. Do vậy, tôi đề nghị thống nhất lại tiêu chí phân loại là dựa vào mục đích và giá trị pháp lý của các báo cáo kiểm toán, theo đó trong luật cần xác định rõ các báo cáo kiểm toán nào là bắt buộc, các đối tượng bị điều chỉnh phải thực hiện và phải công bố công khai kết quả đến với những đối tượng cụ thể nào, các báo cáo kiểm toán nào chỉ phục vụ cho việc điều hành nội bộ đối với bên được kiểm toán. Điều này liên quan đến trách nhiệm pháp lý của các bên cung cấp dịch vụ kiểm toán và đối với xã hội cũng như đối với nhà đầu tư, như tôi đã phân tích ở trên, chứ không chỉ đơn thuần là trách nhiệm hợp đồng của các bên thực hiện hoạt động kiểm toán với nhau.
Tại Khoản 8, Điều 4 giải thích từ ngữ xác định, kiểm toán báo cáo tài chính là việc kiểm tra và xác nhận hoặc đưa ra ý kiến về tính trung thực và hợp lý của các số liệu, tài liệu kế toán và báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán. Tôi cho rằng quy định như vậy là chưa đủ, cần phải bổ sung thêm yêu cầu kiểm tra và xác nhận về tính hợp pháp của tài liệu, số liệu kế toán và báo cáo tài chính, như vậy mới đảm bảo được nguyên tắc tuân thủ pháp luật của hoạt động kiểm toán và góp phần nâng cao giá trị của các báo cáo kiểm toán, báo cáo tài chính.
Về quan điểm cho phép các doanh nghiệp kiểm toán được cung cấp dịch vụ ngoài dịch vụ kiểm toán quy định tại Điều 46, tôi đồng ý với lý giải của Tờ trình là cho phép để thực hiện và khai thác tốt các nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán đang còn thiếu ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên để đảm bảo tính độc lập của hoạt động kiểm toán, tôi đề nghị luật quy định chặt chẽ hơn theo hướng không cho phép kiểm toán viên và doanh nghiệp kiểm toán được đồng thời cung cấp dịch vụ tư vấn, nghiệp vụ về tài chính, thuế, kế toán, đồng thời với việc cung cấp dịch vụ kiểm toán cho cùng một đối tượng trong thời hạn ít nhất 3 năm, để tránh tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi" trong hoạt động kiểm toán.
Ba, là về đối tượng kiểm toán, Điều 43 quy định: đơn vị phải được kiểm toán là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và công ty đại chúng, như vậy còn các doanh nghiệp không có vốn đầu tư nước ngoài và không là công ty đại chúng sẽ không thuộc diện bắt buộc kiểm toán. Tôi cho rằng quy định như vậy là chưa thỏa đáng, bởi có sự phân biệt đối xử giữa các loại hình doanh nghiệp, không đảm bảo tính công bằng trong thực hiện trách nhiệm đối với xã hội của các doanh nghiệp và không nâng cao được chất lượng kiểm soát thông tin kinh tế vĩ mô nói chung. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc lại vấn đề này. Ngoài ra khi mở rộng đối tượng bắt buộc kiểm toán thì cũng cần tính toán, đánh giá, tạo điều kiện để phát triển các doanh nghiệp kiểm toán vừa đáp ứng được nhu cầu của hoạt động kiểm toán, đồng thời đảm bảo được chất lượng kiểm toán, tránh tình trạng cung dịch vụ không đủ cho cầu bắt buộc do đó xảy ra những bất cập.
Kính thưa Quốc hội.
Trên đây là một số ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật Kiểm toán độc lập. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.