Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá – Trà Vinh

Thứ Hai 10:46 22-11-2010

Kính thưa Quốc hội!

Qua Tờ trình Dự thảo Luật kiểm toán độc lập tôi xin tham gia phát biểu một số ý kiến mà tôi quan tâm.

Thứ nhất, về quản lý Nhà nước đối với kiểm toán độc lập và tổ chức nghề nghiệp kiểm toán. Tôi nhất trí như dự thảo luật là nên giao cho Bộ Tài chính là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động kiểm toán độc lập. Loại hình kiểm toán độc lập là một loại hình kinh doanh có điều kiện nhưng cũng còn rất mới mẻ, nên cần phải được quản lý chặt chẽ hơn. Đối với Việt Nam chúng ta vấn đề về cơ sở vật chất, về nhân lực nói chung và về thủ tục pháp lý cũng còn đang trong quá trình hoàn thiện cho nên vẫn phải tiếp tục đầu tư. Vì vậy, trong giai đoạn này tôi nhất trí giao cho Bộ Tài chính quy định việc tổ chức thi, cấp, đổi bằng cũng như quản lý chứng chỉ kiểm toán viên phù hợp với nghề nghiệp, năng lực và chuyên môn mà chưa nên giao cho hội tổ chức nghề nghiệp như hồi nãy tôi đồng ý với ý kiến của đại biểu Cao Sĩ Kiêm tức là hội nghề nghiệp hiện nay thì về nhân lực, về điều kiện, khả năng thì cũng còn rất hạn chế chưa đủ khả năng để đảm đương.

Về hoạt động kiểm toán, thông tin chính thống cũng như thông tin minh bạch về các hoạt động của doanh nghiệp nhằm giúp cho công chúng cũng như các nhà đầu tư được yên tâm trong quá trình đầu tư. Vì vậy, cần phải được quản lý và giám sát chặt chẽ và thống nhất ở một nơi là Bộ Tài chính cho nó phù hợp hơn với trình độ, với nghề nghiệp và chuyên môn về việc cho phép thành lập cũng như hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán.

Về quy định liên quan đến kiểm toán độc lập, kiểm toán viên hành nghề. Kiểm toán viên hành nghề thì phải có trình độ, có đạo đức nghề nghiệp, trung thực, công tâm, kiên quyết, liêm khiết và tuân thủ pháp luật thì đó là điều bắt buộc. Nhưng làm sao để chúng ta góp phần minh bạch cho doanh nghiệp việc công bố thông tin nó phải là chính thống, doanh nghiệp được kiểm toán phải được coi như hàng hóa có dán nhãn mác cũng như dán tem, tức là để công nhận hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp đem lại lòng tin cho các nhà đầu tư.

Việc quy định các kiểm toán viên hành nghề chỉ được hành nghề trong các doanh nghiệp là cần thiết nhằm bảo đảm chất lượng, dịch vụ, tạo điều kiện để các cơ quan quản lý Nhà nước giám sát chất lượng chặt chẽ hơn nên kiểm toán viên không được hành nghề với tư cách là cá nhân. Tôi cũng rất nhất trí kiểm toán viên phải hành nghề trong các doanh nghiệp không được qui định với tư cách là cá nhân.

Tôi cũng nhất trí ở Điều 66 trong dự thảo luật về tính độc lập và cần thiết phải qui định thật chặt chẽ nhằm bảo đảm tính khách quan trung thực của kiểm toán viên, hạn chế tình trạng thông đồng, móc ngoặc giữa kiểm toán viên hành nghề và các doanh nghiệp được kiểm toán.

Đối với doanh nghiệp về kiểm toán, tôi nhất trí như dự thảo luật là Báo cáo thẩm tra về việc giao, thành lập các loại hình doanh nghiệp kiểm toán ở Điều 20, cho phép thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn kiểm toán là phù hợp với qui định của Luật doanh nghiệp. Trường hợp kiểm toán viên hoặc doanh nghiệp kiểm toán vi phạm hợp đồng kiểm toán thì phải bồi thường, khắc phục hậu quả, nếu có hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình thức xử lý theo qui định của pháp luật.

Tôi cũng nhất trí Khoản 4, Điều 33 của dự thảo luật qui định: doanh nghiệp kiểm toán có nghĩa vụ phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho kiểm toán viên hành nghề của tổ chức mình, tức là khi gặp rủi ro hoặc sai phạm.

Đối với Khoản 3, Điều 22 có qui định: giám đốc hoặc tổng giám đốc doanh nghiệp kiểm toán của công ty trách nhiệm hữu hạn phải góp vốn tối thiểu là 10% là vốn điều lệ, tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng nghiên cứu lại nên áp dụng theo Luật doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp có thể thuê giám đốc hoặc tổng giám đốc với tư cách là quản lý điều hành về chuyên môn nghiệp vụ không nên đưa Khoản 3, Điều 22 vào dự thảo luật.

Về kiểm toán bắt buộc, tôi nhất trí như Báo cáo thẩm tra, ngoài những doanh nghiệp tổ chức mà pháp luật hiện hành đã qui định phải báo cáo kiểm toán tài chính hàng năm thì cần thiết phải bổ sung thêm các đối tượng bắt buộc kiểm toán bao gồm Báo cáo tài chính của doanh nghiệp Nhà nước, Báo cáo quyết toán, dự toán hoàn thành của doanh nghiệp tổ chức thực hiện các dự toán dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A. Tức là trước nhất chúng ta chỉ qui định tới mức đó, nếu khi khả năng chuyên môn hoặc nhân lực chúng ta bảo đảm thì chúng ta sẽ mở rộng hơn đối với doanh nghiệp sử dụng vốn Nhà nước trừ các dự án thuộc về bí mật quốc gia. Ví dụ như trong Báo cáo quyết toán năm 2008 đã có những hồ sơ công trình đã hoàn thành nhiều năm nhưng chưa được quyết toán do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do thất lạc, do mất hồ sơ như Báo cáo của Bộ Tài chính. Có như vậy thì mới góp phần làm lành mạnh hóa môi trường đầu tư thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát và tham nhũng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, điều hành kinh tế tài chính của Nhà nước và hoạt động của doanh nghiệp.

Cuối cùng, về các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm, tôi nhất trí như dự thảo luật nhưng tôi đề nghị dự thảo cần phải làm rõ thêm như phần trên tôi đã nói thông tin chính xác, chính thống doanh nghiệp được kiểm toán cũng như được dán nhãn mác tức là dán tem công nhận chất lượng hiệu quả hoạt động doanh nghiệp. Nếu thông tin sai sự thật có nghĩa lá dán tem giả, không những là gian dối mà còn gây ảnh hưởng đến các bên liên quan, các nhà đầu tư, gây hậu quả cho đơn vị và cá nhân . Cho nên cần phải quy định thật cụ thể và chặt chẽ hơn nữa trong dự thảo luật.

 

Tôi cũng đề nghị trong dự thảo luật cần quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước nếu thiếu kiểm tra, giám sát gây ảnh hưởng lớn cũng phải được quy định và xử lý như thế nào trong dự án luật để bảo đảm tính công khai, minh bạch và nghiêm minh. Xin hết ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan