Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập: Còn nhiều ý kiến khác biệt

Thứ Ba 10:04 12-10-2010

Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập: Còn nhiều ý kiến khác biệt

Kiểm toán có vai trò quan trọng trong việc giữ cho môi trường hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) lành mạnh, đồng thời cũng thể hiện tính minh bạch, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, quy mô thị trường kiểm toán ở Việt Nam vẫn còn nhỏ, số lượng kiểm toán viên còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng, tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội, chất lượng của đội ngũ kiểm toán viên và dịch vụ kiểm toán chưa đáp ứng nhu cầu hội nhập. Bên cạnh đó, pháp luật về kiểm toán độc lập chưa hoàn chỉnh, quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực này chưa cao do thiếu cơ sở pháp lý...

 

Vì vậy, trong phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII, ngày 23/9, đã nhất trí việc ban hành Luật Kiểm toán Độc lập là cần thiết, khách quan trong bối cảnh hiện nay, nhằm tạo ra một khung pháp lý cao nhất, tạo điều kiện cho kiểm toán phát triển.
 Không nên hạn chế kiểm toán viên nước ngoài

Ông Vũ Viết Ngoạn,
Phó chủ nhiệm
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
----------------------------------

Mục đích của Luật này là điều chỉnh cả đối tượng kiểm toán và DN kiểm toán, nhằm minh bạch hóa tài chính của DN. Luật sẽ tạo điều kiện, khuyến khích người Việt Nam hành nghề kiểm toán, nhưng cũng cần có người nước ngoài hành nghề kiểm toán ở Việt Nam vì một số hoạt động kinh tế như phát hành trái phiếu quốc tế, các dự án ODA do các tổ chức quốc tế tài trợ như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) bắt buộc phải có kiểm toán nước ngoài. Hơn nữa, năng lực của các kiểm toán viên hành nghề Việt Nam phần lớn đã đáp ứng được yêu cầu. Do đó, Luật không cần quy định một số hàng rào kỹ thuật để hạn chế người nước ngoài hành nghề ở Việt Nam như: có kinh nghiệm 36 tháng làm việc tại DN, phải biết tiếng Việt là không cần thiết. Nếu luật quy định các điều kiện như thế thì có thể tạo kẽ hở cho lách luật trong việc cấp phép.
Về vai trò của hiệp hội ngành nghề, nên quy định theo hướng hội giám sát chất lượng hoạt động. Kiểm toán viên hành nghề mang tính uy tín cá nhân rất lớn, mặc dù dự thảo Luật không cho hành nghề cá nhân, nhưng DN kiểm toán cũng chỉ có 5 kiểm toán viên, nên quy định kiểm toán viên hành nghề phải là hội viên.
Thực trạng hiện nay là các báo cáo kiểm toán có nội dung trọng yếu nhưng lại ngoại trừ nhiều thì mất hết giá trị của báo cáo kiểm toán. Thông lệ các nước có rất ít trường hợp được ngoại trừ.

 Ngăn chặn dịch vụ kiểm toán trở thành dịch vụ hàng hóa

Ông Mai Xuân Hùng,
Phó chủ nhiệm
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
----------------------------------

Quy định chuẩn mực về ngoại trừ phải có danh mục bắt buộc phải kiểm toán, để kiểm toán viên không được ngoại trừ quá nhiều. Cần làm rõ kiểm toán độc lập có phải là dịch vụ bắt buộc không? Cần có quy định ngăn chặn dịch vụ kiểm toán trở thành dịch vụ hàng hóa, không để DN kiểm toán nhưng không thực hiện báo cáo kiểm toán.
Mặt khác, không thể kiểm toán hết các DN nhỏ, quy định hiện hành chỉ bắt buộc quyết toán thuế, phạm vi quyết toán thuế rộng hơn cả báo cáo kiểm toán, hiệu quả hơn, bắt buộc DN phải chấp hành. Trong khi đó, các DN kiểm toán thì không muốn làm chặt vì sợ mất khách hàng kiểm toán.
Cần làm rõ giá trị báo cáo kiểm toán, cần có cơ quan giám sát đánh giá chất lượng báo cáo kiểm toán, dự thảo Luật chưa quy định vấn đề này. Sau sự sụp đổ của DN không thấy bóng dáng của kiểm toán. Báo cáo kiểm toán có bị phủ quyết không, nếu bị phủ quyết thì xử lý thế nào?
Dự thảo Luật quy định chưa rõ về chuẩn mực, tiêu chí kiểm toán. Cần giảm bớt thỏa thuận giữa DN kiểm toán và đối tượng kiểm toán.
 

 Nâng cao vai trò của hiệp hội nghề nghiệp

Ông Võ Hùng Tiến,
Phó chủ tịch Hiệp hội
Kiểm toán viên hành nghề
----------------------------------

Tên Luật Kiểm toán độc lập là đúng vì đã có Luật Kiểm toán Nhà nước. Luật Kiểm toán độc lập cần có quy định xử phạt riêng vì không thể áp dụng Bộ Luật dân sự vào các hành vi đặc thù trong hoạt động kiểm toán. Sự tham gia của hiệp hội rất quan trọng, là đặc thù. Kinh nghiệm các nước và thực tiễn hoạt động của hội thời gian qua ở Việt Nam đã tham gia quản lý, giám sát chất lượng kiểm toán đến từng DN, kiểm toán viên. Trong bối cảnh hội nhập, nên cho phép hội kiểm toán viên hành nghề tham gia giám sát.
Về việc thực hiện chức năng của Bộ Tài chính, sau cấp phép, các Sở Tài chính không thể quản lý, kiểm tra hết được việc thực hiện, Luật nên quy định Bộ Tài chính cấp phép thành lập và quản lý hoạt động là phù hợp.
Kiểm toán viên không thể hành nghề cá nhân được, vì hiện nay, DN kiểm toán đã khó khăn, nếu cho phép cá nhân hành nghề thì không thể kiểm soát được chất lượng hoạt động. Kiểm toán viên hành nghề phải là hội viên Hội kiểm toán viên hành nghề là cần thiết, vì thực tế có một số kiểm toán viên có chứng chỉ nhưng không hành nghề kiểm toán mà làm kế toán, tư vấn. Dự thảo Luật quy định kiểm toán viên phải thi bằng tiếng Việt là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế, một số nước như Thái Lan, Trung Quốc cũng bắt buộc phải biết nói tiếng bản ngữ, đọc được báo cáo tài chính.
Về điều kiện đối với DN kiểm toán, dự thảo Luật tăng số lượng kiểm toán viên hành nghề trong DN từ 3 lên 5 về lâu dài là cần thiết. Chủ tịch Hội đồng thành viên phải là kiểm toán viên hành nghề để hiểu được bản chất của hoạt động kiểm toán, kiểm soát được hoạt động điều hành của DN kiểm toán. Để bảo đảm khách quan, nên cân nhắc việc cho phép góp vốn vào DN kiểm toán của các tập đoàn, bởi thực tế có một số công ty lớn góp vốn vào DN kiểm toán, sau đó DN kiểm toán đó lại kiểm toán chính công ty đó.
Nên mở rộng đối tượng kiểm toán bắt buộc cả dự án nhóm A và B để Luật ổn định về lâu dài nhằm mục tiêu tiết kiệm, hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước trong đầu tư xây dựng cơ bản, trước mắt có thể các DN kiểm toán chưa đáp ứng hết, nhưng quy định này sẽ thúc đẩy DN kiểm toán phải phát triển...

 

Cần đảm bảo lợi ích chung

Ông Cao Sỹ Kiêm,
Chủ tịch Hiệp hội
Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
----------------------------------

Tên gọi của Luật là dịch vụ kiểm toán chính xác hơn kiểm toán độc lập, vì các loại kiểm toán nhà nước, kiểm toán nội bộ đều có tính độc lập, thực chất đây là hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm toán.
Bố cục của Luật cần phải có chương xử phạt với nội dung rõ ràng. Phạm vi điều chỉnh của Luật, Bộ Tài chính chỉ quản lý nhà nước, những vấn đề nghề nghiệp có thể giao cho Hội, nhưng phải bảo đảm chặt chẽ, khách quan. Tránh nhiều bộ cùng quản lý, không ai chịu trách nhiệm, nên giao cho Bộ Tài chính cấp phép một đầu mối.
Quy định các nhóm đối tượng liên quan phải bảo đảm quyền lợi, lợi ích chung của sự phát triển dịch vụ kiểm toán ở Việt Nam, ví dụ quy định phải biết tiếng Việt là cần thiết. Về báo cáo kiểm toán, nên cân nhắc lộ trình thực hiện báo cáo hợp nhất, ngoại trừ phải bảo đảm tính thống nhất, hạn chế thông đồng giữa kiểm toán viên và DN. Bộ Tài chính ban hành chuẩn mực, phải kiên quyết không cho phép ngoại trừ một số lĩnh vực. Dự án nhóm B cũng có nhiều vấn đề, cần quản lý chặt.

 

Tránh quy định kiểu "con gà - qua trứng"

Ông Nguyễn Văn Phúc,
Phó chủ nhiệm
Ủy ban kinh tế của Quốc hội
----------------------------------

Nếu báo cáo kiểm toán cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác thì rất nguy hại cho nhiều đối tượng liên quan. Cần có báo cáo về hoạt động của Hội kiểm toán viên hành nghề để phục vụ cho việc xây dựng Luật. Cần mạnh dạn thay đổi về tư duy về Hội, hỗ trợ Hội, tạo điều kiện cho hội phát triển giúp một số việc cho cơ quan quản lý nhà nước, các Sở Tài chính không thể trực tiếp làm hết được.
Quy định về điều kiện hành nghề của kiểm toán viên cần rõ ràng, tránh quy định kiểu "con gà - quả trứng", quy định điều kiện hành nghề không trái nguyên tắc tự nguyện, nếu hành nghề mới phải vào Hội.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng kiểm toán phải có sự giám sát của cơ quan quản lý, có khi không cần ký hợp đồng, không cần thỏa thuận mà chỉ định kiểm toán theo danh mục, yêu cầu của chủ đầu tư. Có thể quy định đấu thầu dịch vụ kiểm toán.
Doanh nghiệp kiểm toán vừa thực hiện dịch vụ kiểm toán vừa tư vấn thuế, kế toán, tài chính. Theo thông lệ quốc tế phải phân biệt hai chức năng kiểm toán và tư vấn, làm rõ phạm vi kiểm toán và tư vấn, kiểm toán và kế toán để bảo đảm tính độc lập của hoạt động kiểm toán. Cần có quy định xử phạt của cơ quan quản lý khác với xử phạt theo hợp đồng dân sự, ví dụ: phạt tiền, tạm đình chỉ, không cho phép lên sàn, thu hồi giấy phép…

 

Nên theo chuẩn quốc tế

Ông Trần Mai,
Công ty Luật Mai và cộng sự
----------------------------------

Cần có quy định về chế tài vì cần kiểm soát mối quan hệ giữa DN kiểm toán - kiểm toán viên - đối tượng kiểm toán - nhà đầu tư. Cần có quy định thủ tục khiếu nại, khiếu kiện giải quyết tranh chấp về báo cáo kiểm toán theo nguyên tắc tôn trọng nguyên tắc giải quyết tranh chấp của Bộ luật Dân sự, nhưng Luật này cần quy định chi tiết hơn thủ tục giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực kiểm toán.
Quy định kiểm toán viên phải biết tiếng Việt là cần thiết, nhưng không nên quy định quá khó, một số nội dung có thể sát hạch bằng tiếng Anh. Hiện nay vẫn thi bằng tiếng Anh, nếu chuyển ngay thi bằng tiếng Việt thì quá đột ngột. Dịch vụ kiểm toán chủ yếu là chuẩn mực là chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm cá nhân - không nên cho phép quy định góp vốn vào DN khác ở Việt Nam, nhưng nên bổ sung quy định cho phép DN kiểm toán góp vốn thành lập DN ở nước ngoài. Luật cần quy định rõ ai xem xét DN phát hành báo cáo kiểm toán sai chuẩn mực, ngoại trừ quá nhiều hoặc không từ chối kiểm toán hoặc ra ý kiến trái ngược nếu không thu thập đủ thông tin.
Nước ta đang hội nhập, nếu quy định khác với chuẩn mực kiểm toán thì sẽ có vấn đề, các công ty Việt Nam phải được kiểm toán theo chuẩn mực quốc tế. Quan trọng là chế tài và cơ quan phán quyết. Chế tài thuế rất mạnh, như khóa tài khoản, không được phát hành hóa đơn,… nên báo cáo quyết toán thuế hiệu quả hơn báo cáo tài chính.

Minh Khuê thực hiện

(KINH DOANH số 59, ra ngày 27/09/2010)

Các văn bản liên quan