Kiểm soát chất lượng từ bên ngoài đối với hoạt động Kiểm toán độc lập – Bài học kinh nghiệm từ Hoa Kỳ

Thứ Năm 14:04 08-04-2010
Kiểm soát chất lượng từ bên ngoài đối với hoạt động Kiểm toán độc lập - Bài học kinh nghiệm từ Hoa Kỳ
TS.Trần Thị Giang Tân

Kiểm toán độc lập là hoạt động không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường, là một nghề nghiệp đặc biệt, là một loại dịch vụ đảm bảo do kiểm toán viên cung cấp nhằm đưa ra ý kiến về các thông tin được hình thành trên cơ sở chuẩn mực nhất định. Mục đích của KTĐL là nhằm nâng cao tính đáng tin cậy của thông tin, nhờ đó các đối tượng có liên quan (nhà đầu tư, ngân hàng…) có thể đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Muốn đạt được mục đích trên, chất lượng hoạt động kiểm toán phải được kiểm soát chặt chẽ. Việc kiểm soát không chỉ được thực hiện bởi các công ty kiểm toán mà còn được tiến hành bởi hội nghề nghiệp hoặc các cơ quan chức năng có liên quan.

Trong những năm gần đây, trên thế giới nhiều tập đoàn lớn đã bị phá sản trong đó có lỗi của các công ty kiểm toán đưa đến sự mất lòng tin của công chúng vào nghề nghiệp kiểm toán. Vì vậy, đầu thế kỷ 21, các quốc gia trên thế giới đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán trong đó tăng cường kiểm soát chất lượng từ bên ngoài là một trong những biện pháp quan trọng nhất.

Tùy thuộc vào từng quốc gia mà việc kiểm soát này do các tổ chức khác nhau thực hiện: có thể là Hội nghề nghiệp, ủy ban quốc gia về kiểm toán hay cơ quan chức năng của Nhà nước. Việc kiểm soát từ bên ngoài không chỉ nhằm phục vụ cho người bên ngoài mà còn cho cả công ty kiểm toán, giúp công ty kiểm toán hoàn thiện quy trình kiểm toán, giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện kiểm toán. Một trong các quốc gia có các quy định và tổ chức kiểm soát chất lượng khá chặt chẽ là Hoa Kỳ.

Lịch sử hình thành và phát triển kiểm soát chất lượng từ bên ngoài tại Hoa Kỳ

Hoạt động kiểm toán độc lập của Hoa Kỳ đã hình thành từ thế kỷ 19 từ sự phát triển của các công ty cổ phần. Thế nhưng, mãi đến năm 1933, với sự ra đời của Luật Chứng khoán Liên bang, mới đưa ra yêu cầu bắt buộc báo cáo tài chính của các công ty cổ phần đại chúng phải được kiểm toán. Đặc biệt, vào năm 1934, Luật Giao dịch chứng khoán ra đời, trong đó có yêu cầu báo cáo tài chính phải được kiểm toán bởi công ty kiểm toán độc lập.

Từ khi ra đời đến năm 2002, nghề nghiệp kiểm toán tại Hoa Kỳ phát triển theo mô hình tự kiểm soát với đặc điểm là quá trình thiết lập chuẩn mực kiểm toán và kiểm soát chất lượng hoàn toàn do tổ chức nghề nghiệp đảm nhận. Mô hình tự kiểm soát xuất phát từ nguyên nhân là hoạt động kiểm toán độc lập Hoa Kỳ đã phát triển mạnh và rất sớm do nền kinh tế được tài trợ bởi thị trường chứng khoán. Sự phát triển mạnh của hoạt động kiểm toán từ khi chưa có các quy định của nhà nước đã đưa đến sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của tổ chức nghề nghiệp. Những vấn đề trên dẫn đến Hội nghề nghiệp là cơ quan có quyền lực trong việc xây dựng và ban hành chuẩn mực kiểm toán, cũng như giám sát chất lượng hoạt động kiểm toán. Việc kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán do Hiệp Hội kế toán viên công chứng Hoa Kỳ đảm nhận (AICPA). Việc kiểm soát chất lượng chủ yếu là kiểm tra chéo (peer review).

Đến những năm 2000, một số vụ bê bối về tài chính và kế toán đưa đến sự sụp đổ các công ty hàng đầu thế giới và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của công chúng. Từ sự thất bại của nghề nghiệp trong quản lý và giám sát hoạt động kiểm toán, Hoa Kỳ bắt đầu can thiệp vào hoạt động kiểm toán thông qua việc ban hành luật Sarbanes-Oxley.

Luật Sarbanes-Oxley (2002) được Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn vào ngày 30/7/2002 nhằm nâng cao chất lượng và tính minh bạch của báo cáo tài chính, tăng cường trách nhiệm của hội đồng quản trị, ban giám đốc và kiểm toán viên. Việc ban hành luật Sarbanes-Oxley là một thay đổi rất lớn đối với nghề nghiệp kiểm toán ở Hoa Kỳ, thể hiện sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kiểm toán và làm thay đổi mô hình tự kiểm soát sang mô hình có sự kiểm soát của Nhà nước.

Luật Sarbanes-Oxley quy định công ty kiểm toán phải báo cáo cho ủy ban kiểm toán về các chính sách kế toán quan trọng, các phương pháp kế toán do công ty áp dụng khác với “Các nguyên tắc kế toán được chấp nhận phổ biến”, những bất đồng giữa kiểm toán viên và ban giám đốc, những khác biệt về số liệu giữa đơn vị và số liệu của kiểm toán viên chưa được điều chỉnh. Ngoài ra, luật yêu cầu ủy ban kiểm toán của công ty khách hàng có trách nhiệm lựa chọn, giám sát và giải quyết các mâu thuẫn giữa kiểm toán viên với ban giám đốc. Kiểm toán viên chỉ có trách nhiệm báo cáo cho ủy ban kiểm toán, chứ không phải với ban giám đốc.

Các tổ chức liên quan đến kiểm soát hoạt động kiểm toán từ bên ngoài tại Hoa Kỳ

Ở Hoa Kỳ, việc kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán kiểm toán được thực hiện bởi 3 tổ chức khác nhau:

- Ủy ban Giám sát hoạt động kiểm toán cho các công ty đại chúng (Public Company Accounting Oversight Board – PCAOB).

- Trung tâm chương trình Kiểm tra chéo các công ty kiểm toán cho các công ty đại chúng (Centre for Public Company Audit Firm Peer Review Program – CPCAF).

- Hiệp Hội kế toán viên công chứng Hoa Kỳ (AICPA).

Chương trình kiểm soát chất lượng của Ủy ban Giám sát các công ty đại chúng (Public Company Accounting Oversight Board – PCAOB)

Chương trình này được thực hiện bởi Ủy ban Giám sát các công ty đại chúng (PCAOB). PCAOB ra đời theo yêu cầu của Luật Sarbanes-Oxley. Trước khi có ủy ban này, Ủy ban chịu trách nhiệm giám sát chất lượng hoạt động kiểm toán từ bên ngoài là POB (Ủy ban Giám sát công – Public Oversight Board). Đến năm 2002, Luật Sarbanes-Oxley quy định phải thành lập Ủy ban Giám sát hoạt động kiểm toán (PCAOB) và đây là cơ quan giám sát các công ty kiểm toán cho các công ty đại chúng, dù là công ty của Hoa Kỳ hay của nước ngoài hoạt động tại Hoa Kỳ. Do đó, POB đã giải thể vào ngày 31/12/2002 và được thay thế bởi PCAOB.

PCAOB là tổ chức phi lợi nhuận, đối tượng giám sát tập trung vào khu vực tư. Mục tiêu của tổ chức này là bảo vệ lợi ích cộng đồng thông qua cung cấp báo cáo kiểm toán một cách minh bạch, trung thực. PCAOB không phải là tổ chức chính phủ nhưng có chức năng như tổ chức chính phủ. PCAOB có 5 thành viên, trong đó Chủ tịch PCAOB phải do SEC (Ủy ban Chứng khoán) chỉ định.

Yêu cầu đăng ký

Theo Luật Sarbanes-Oxley, công ty kiểm toán kiểm toán cho các công ty đại chúng phải đăng ký với PCAOB và đồng ý rằng các cuộc kiểm toán của họ sẽ được kiểm soát đều đặn bởi PCAOB.

Theo điều 102 Luật Sarbanes-Oxley, các công ty kế toán, kiểm toán không đăng ký với PCAOB giống như các công ty kiểm toán của Hoa Kỳ. Tính đến 26/2/2008 đã có 1.837 công ty kế toán, kiểm toán đăng ký với PCAOB.

Thực hiện kiểm tra

PCAOB sẽ tiến hành kiểm tra định kỳ và bất thường đối với công ty kiểm toán đã đăng ký. Kiểm tra định kỳ thường là hàng năm đối với các công ty có phát hành báo cáo kiểm toán cho hơn 100 khách hàng và ít nhất 3 năm một lần đối với các công ty phát hành ít hơn 100 báo cáo kiểm toán.

Việc kiểm tra định kỳ nhằm đánh giá mức độ tuân thủ Luật Sarbanes-Oxley, tuân thủ các quy định của PCAOB, của ủy ban kiểm toán, tuân thủ các chuẩn mực nghề nghiệp trong quá trình thực hiện cuộc kiểm toán, phát hành báo cáo của các công ty kiểm toán.

Các báo cáo về việc kiểm tra

Theo Luật Sarbanes-Oxley, nội dung trong báo cáo kiểm tra liên quan đến các phê bình về các yếu kém trong hệ thống kiểm soát chất lượng của công ty sẽ không công bố rộng rãi đến công chúng nếu như công ty đã khắc phục các yếu kém này (và PCAOB hài lòng về việc khắc phục này) trong vòng 12 tháng kể từ ngày báo cáo. Tuy nhiên, các yếu kém này sẽ được công bố cho công chúng nếu như: (1) PCAOB không hài lòng về việc khắc phục của công ty; (2) công ty không đưa ra bằng chứng về việc khắc phục các yếu kém.

Phí hoạt động của PCAOB

Phí dùng cho hoạt động kiểm soát từ bên ngoài hoạt động kiểm toán do các công ty kiểm toán đóng góp và từ các nhà phát hành (các công ty có chứng khoán phát hành ra công chúng). Điều 109 của Luật Sarbanes-Oxley quy định các chi phí hoạt động của PCAOB (đã trừ đi phí đăng ký và phí hàng năm do các công ty kế toán và kiểm toán nộp) sẽ được thu từ các nhà phát hành. Khoản phải thu này được định nghĩa như là “phí hỗ trợ kế toán” sử dụng cho hoạt động của PCAOB. Mỗi năm một lần, PCAOB sẽ tính toán khoản phí này dựa trên kế hoạch chi tiêu được duyệt bởi SEC.

Phí được phân bổ cho các nhà phát hành dựa trên 2 nguyên tắc: quy mô của nhà phát hành và tính công bằng, hợp lý. Quy mô càng lớn, cuộc kiểm toán sẽ phức tạp hơn, do vậy phí phải nộp sẽ cao hơn. Nói cách khác, phí hỗ trợ kiểm toán dựa trên giá trị vốn hóa trung bình hàng tháng của các công ty có chứng khoán giao dịch ở thị trường chứng khoán Mỹ. Nếu các công ty không nộp các khoản phí này thì bị xem là vi phạm Luật Giao dịch chứng khoán 1934 và Hội đồng sẽ báo cáo việc này lên SEC.

Chương trình kiểm tra chéo của Trung tâm Chương trình Kiểm tra chéo các công ty đại chúng (Centre for Public Company Audit Firm Peer Review Program – CPCAF PRP)

CPCAF là một tổ chức hình thành trên cơ sở tự nguyện, thành viên là các công ty kiểm toán cung cấp dịch vụ kiểm toán cho công ty đại chúng hay quan tâm đến việc kiểm toán cho các công ty đại chúng. Mục đích của tổ chức này là tăng cường chất lượng kiểm toán cho các cuộc kiểm toán ở các công ty đại chúng.

Chương trình kiểm tra chéo của CPCAF được thiết kế nhằm kiểm tra, đánh giá các dịch vụ của công ty kế toán, kiểm toán mà các dịch vụ này không thuộc phạm vi kiểm tra của CPAOB. Chương trình này giúp các công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán đáp ứng các yêu cầu của nhà nước và của AICPA.

Các công ty được yêu cầu đăng ký với PCAOB và chịu sự giám sát của PCAOB bắt buộc phải đăng ký vào chương trình kiểm tra chéo của CPCAF và phải bị kiểm tra theo các chuẩn mực do ủy ban kiểm tra chéo của CACAF ban hành.

Các công ty không được yêu cầu đăng ký với PCAOB và không chịu sự giám sát của PCAOB có thể chọn đăng ký kiểm tra chéo theo chương trình của CPCAF hay của AICPA.

Kết quả kiểm tra chéo của tất cả các công ty đăng ký theo chương trình của CPCAF sẽ được công bố cho công chúng.

Chi phí phục vụ cho việc kiểm tra chéo từ sự đóng góp của các công ty kiểm toán đăng ký vào chương trình kiểm tra chéo. Mức phí đóng góp phụ thuộc vào quy mô của công ty kiểm toán.

Chương trình kiểm tra chéo của Hiệp Hội kế toán viên công chứng Hoa Kỳ (AICPA PRP)

Đây là việc kiểm tra chéo do Hiệp Hội kế toán viên công chứng Hoa Kỳ đảm nhận với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán và kiểm toán thông qua việc kiểm tra, giáo dục và đưa ra các biện pháp điều chỉnh.

Các cá nhân hay các công ty thực hiện các dịch vụ kế toán và kiểm toán ở Hoa Kỳ phải đăng ký vào chương trình giám sát chất lượng được công nhận.

Các cá nhân hay công ty đăng ký vào chương trình kiểm tra chéo của AICPA hoặc đăng ký vào chương trình kiểm tra chéo của Trung tâm các công ty kiểm toán cho các công ty đại chúng (CPCAF PRP) thì được xem là đã đăng ký vào chương trình giám sát chất lượng được công nhận.

Nếu đăng ký vào chương trình kiểm tra chéo của AICPA, cuộc kiểm tra sẽ thực hiện theo chuẩn mực do AICPA ban hành. Nếu đăng ký ở CPCAF PRP thì thực hiện theo các chuẩn mực do Ủy ban kiểm tra chéo của CPCAF ban hành.

Các dịch vụ phải được kiểm tra là các dịch vụ chịu sự chi phối của các chuẩn mực kiểm toán (SASs), các chuẩn mực về dịch vụ kế toán và dịch vụ soát xét (SSARS), các chuẩn mực cho dịch vụ xác nhận (SSAEs) và Chuẩn mực kiểm toán công (Government Auditing standards) được ban hành bởi GAO.

Hiện nay, Chương trình kiểm tra chéo của AICPA được phát triển và giám sát bởi AICPA và được quản lý bởi 41 tổ chức CPA cấp tiểu bang.

Yêu cầu đăng ký

Các công ty được yêu cầu đăng ký và bị kiểm tra bởi PCAOB thì không được đăng ký vào chương trình kiểm tra chéo của AICPA mà phải đăng ký vào chương trình kiểm tra chéo của CPCAF.

Trách nhiệm của công ty

- Khi đăng ký vào chương trình kiểm tra chéo của AICPA, công ty được kiểm tra có trách nhiệm:

- Thiết lập và duy trì các chính sách và thủ tục kiểm soát chất lượng phù hợp và tuân thủ các chính sách này để đảm bảo chất lượng dịch vụ mà họ cung cấp. Chuẩn mực về kiểm soát chất lượng yêu cầu mỗi công ty kế toán, kiểm toán (dù lớn hay nhỏ) đều phải có hệ thống kiểm soát chất lượng cho các dịch vụ cung cấp.

- Thực hiện các dịch vụ kế toán kiểm toán theo các chuẩn mực nghề nghiệp và phải được thực hiện bởi các kiểm toán viên chuyên nghiệp.

- Đăng ký để được kiểm tra chất lượng và sẽ có một cuộc kiểm tra chéo độc lập từ bên ngoài cho các dịch vụ mà họ cung cấp.

- Cung cấp bản giải trình cho những người thực hiện công tác kiểm tra chéo.

- Sửa chữa, điều chỉnh hệ thống khi được yêu cầu.

Thời gian thực hiện kiểm tra chéo

Cuộc kiểm tra chéo đầu tiên của công ty phải được thực hiện trong vòng 18 tháng tính từ ngày công ty đăng ký vào chương trình kiểm tra chéo hoặc ngày mà đáng lẽ công ty phải đăng ký (ngày nào sớm hơn sẽ được chọn để tính). Cuộc kiểm tra chéo tiếp theo phải được thực hiện trong vòng 3-5 năm kể từ khi hoàn thành cuộc kiểm tra chéo trước đó. Công ty được kiểm tra và công ty đi kiểm tra phải thống nhất với nhau về kỳ kiểm tra. Thông thường cuộc kiểm tra chéo phải được tiến hành trong vòng 3 đến 5 tháng từ khi kết thúc kỳ dự định được kiểm tra.

Các nguyên tắc kiểm tra chéo

Kiểm tra chéo là cuộc kiểm tra trong đó một công ty kiểm toán này được kiểm tra bởi một công ty kiểm toán khác. Do vậy, kiểm tra viên cần tuân thủ một số nguyên tắc: bảo mật, độc lập, trung thực và khách quan, thận trọng đúng mức.

Việc thực hiện và báo cáo kết quả kiểm tra chéo đòi hỏi sự phán đoán nghề nghiệp của người thực hiện, vì vậy, người kiểm tra phải:

- Là thành viên đang hoạt động của AICPA, được cấp giấy phép hành nghề, làm việc trong một công ty đã đăng ký vào chương trình kiểm tra chéo của AICPA hay CPCAF. Công ty mà người kiểm tra này làm việc phải nhận được báo cáo kiểm tra chéo đạt tiêu chuẩn trong vòng 3-5 năm trở lại.

- Có kiến thức về các chuẩn mực nghề nghiệp đang được áp dụng bao gồm các chuẩn mực về kiểm soát chất lượng và chuẩn mực về kiểm tra chéo. Kiến thức này có thể có được từ việc học trong lúc làm việc hay tham dự những khóa huấn luyện hoặc cả hai.

- Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm gần nhất trong việc thực hiện các dịch vụ kế toán, kiểm toán.

- Hiện đang hoạt động ở cấp giám sát trong lĩnh vực kế toán kiểm toán như chủ phần hùn hay trưởng phòng (manager) hay người có trách nhiệm tương tự ở công ty mà có đăng ký vào chương trình kiểm tra chéo của AICPA hay CPCAF.

- Hoàn thành khóa luận luyện về kiểm tra chéo do Hội đồng tổ chức.

Người kiểm tra chéo cho các hợp đồng ở các ngành có rủi ro cao thì ngoài kiến thức về các chuẩn mực nghề nghiệp, phải có kiến thức cụ thể và kinh nghiệm thực tế cụ thể và kinh nghiệm thực tế về ngành đó. AICPA sẽ quyết định xem liệu nhóm đi kiểm tra chéo hay người đi kiểm tra có đầy đủ kinh nghiệm để thực hiện một cuộc kiểm tra cụ thể hay không.

Những người bị hạn chế hành nghề theo quy định bởi luật pháp hay cơ quan quản lý thì không được trở thành người đi kiểm tra cheo cho đến khi hết thời gian của sự hạn chế này.

Chi phí thông thường cho việc kiểm tra chéo tùy thuộc vào quy mô, bản chất, tính phức tạp trong hoạt động của công ty được kiểm tra. Ngoài ra, các công ty kiểm toán đăng ký vào chương trình này sẽ nộp phí cho bộ phận quản lý.

Dù các công ty được kiểm tra luôn muốn giảm phí, nhưng phí không phải là tiêu chuẩn chính để chọn lựa nhóm kiểm tra chéo. Bởi lẽ, việc kiểm tra chéo không chỉ tập trung vào việc kiếm soát cơ cấu và kỹ thuật mà còn đưa ra các khuyến nghị nhằm giúp công ty được kiểm tra thấy được các tồn tại, giúp giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh.

B

ài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Tất cả các vấn đề trên cho thấy, kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán là một vấn đề phức tạp, cần có sự tham gia của nhiều tổ chức. việc kiểm soát chất lượng luôn là mối quan tâm hàng đầu không chỉ của các công ty kiểm toán mà của cả Nhà nươc, Ủy ban Chứng khoán. Tại Hoa Kỳ, các cơ quan có liên quan đến kiểm soát chất lượng, phương pháp kiểm soát, kỳ kiểm soát và phương pháp thu phí đài thọ cho việc kiểm soát chất lượng không giống nhau đối với các công ty kiểm toán cho công ty đại chúng và không phải là đại chúng.

Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán đã hình thành và phát triển mạnh trong những năm gần đây. Để ổn định thị trường chứng khoán, một trong những biện pháp không thể thiếu là thông tin cung cấp phải trung thực. Muốn vậy, dịch vụ kiểm toán phải đảm bảo chất lượng. Nói cách khác, chất lượng của dịch vụ kiểm toán là mối quan tâm của các đối tượng sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính. Muốn nâng cao chất lượng, cần tiến hành kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán. Nhận thức tầm quan trọng của kiểm soát chất lượng từ bên ngoài đối với hoạt động kiểm toán, từ năm 1998, Bộ Tài chính đã tổ chức các cuộc kiểm tra đối với công ty kiểm toán. Vào ngày 15/05/2007, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 32/2007/QĐ-BTC về Quy chế kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán. Quy chế này dù có những ưu điểm đáng kể, tuy nhiên vẫn còn những bất cập làm cho việc kiểm soát chất lượng không phát huy tác dụng đầy đủ. Vì vậy, việc nghiên cứu mô hình kiểm soát chất lượng của các quốc gia phát triển cao như Hoa Kỳ có thể giúp Việt Nam rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc hoàn thiện kiểm soát chất lượng cho hoạt động kiểm toán độc lập./.

Theo TCKT

Các văn bản liên quan