Một số giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp lý về tổ chức và hoạt động kiểm toán độc lập

Thứ Năm 14:03 08-04-2010
Một số giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp lý về tổ chức và hoạt động kiểm toán độc lập
PGS.TS Đoàn Xuân Tiên
Sau hơn 18 năm ra đời (5/1991), hoạt động kiểm toán độc lập của Việt Nam từng bước phát triển góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của nền kinh tế và khẳng định được vị trí của mình trong nền kinh tế. Cùng với tiến trình phát triển của hoạt động kiểm toán độc lập, hệ thống văn bản pháp lý cho hoạt động kiểm toán độc lập cũng đã được ban hành, từng bước sửa đổi và ngày càng hoàn thiện.

Dưới đây là 1 số giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp lý về tổ chức và hoạt động kiểm toán độc lập do tác giả đề xuất.

1. Sớm hoàn thành việc xây dựng, ban hành và công bố Luật Kiểm toán độc lập

Hoạt động kiểm toán độc lập ở Việt Nam đã ra đời và hoạt động hơn 18 năm, nhưng văn bản pháp lý cao nhất đến nay chỉ la Nghị định của Chính phủ. Do đó, trong thời gian tới, Bộ Tài chính cần sớm hoàn thành dự án Luật Kiểm toán độc lập để trình Quốc hội công bố, nhằm nâng cao hiệu lực pháp lý và hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động kiểm toán độc lập. Luật Kiểm toán độc lập cũng sẽ xác lập vai trò của tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong việc tham gia quản lý hoạt động nghề nghiệp này phù hợp với thông lệ quốc tế, hướng đến mục tiêu được quốc tế thừa nhận về dịch vụ kiểm toán Việt Nam.

Việc nghiên cứu và xây dựng Luật Kiểm toán độc lập phải dựa trên cơ sở tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm thực tế sau hơn 18 năm hoạt động kiểm toán độc lập, kế thừa những mặt tích cực, những quy định còn phù hợp và đồng bộ với nội dung các luật hiện hành, như: Luật Doanh nghiệp, Luật Kiểm toán Nhà nước… Đồng thời xem xét những nội dung các Luật liên quan đã ban hành nếu có những điểm không phù hợp với xu hướng Luật Kiểm toán độc lập thì cũng cần nghiên cứu để sửa đổi cho phù hợp. Luật Kiểm toán độc lập phải vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt vừa dự kiến được xu hướng phát triển hoạt động kiểm toán độc lập trong tương lai, phải tham khảo có chọn lọc nội dung các quy định pháp lý về kiểm toán hiện hành của các nước trên thế giới và phù hợp với tiến trình hội nhập giữa nước ta với các nước trong khu vực và thế giới, phù hợp với định hướng XHCN.

2. Ban hành văn bản pháp luật chuyển giao mạnh việc quản lý hành nghề kế toán, kiểm toán từ cơ quan Nhà nước sang các tổ chức nghề nghiệp.

Trong quá trình nghiên cứu xây dựng dự án Luật Kiểm toán độc lập cũng cần nghiên cứu, xem xét vấn đề về vai trò của Hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong quản lý hoạt động nghề nghiệp đối với kiểm toán viên và các Doanh nghiệp kiểm toán. Về vấn đề này, trước mắt Chính phủ và Bộ Tài chính cần tiếp tục ban hành văn bản pháp luật để chuyển giao tiếp và mạnh hơn nữa công việc quản lý hành nghề kế toán, kiểm toán từ cơ quan Nhà nước sang các tổ chức nghề nghiệp. Các tổ chức nghề nghiệp (Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – VAA, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam – VACPA) cần duy trì và phát triển mạnh mẽ hơn, phải thực sự là tổ chức độc lập và tự quản, mang tính nghề nghiệp cao, phải có uy tín để thu hút Hội viên đẳng cấp nghề nghiệp cao hướng đến mục tiêu ngang tầm khu vực và quốc tế.

3. Hoàn thiện một bước nữa hệ thống chuẩn mực kiểm toán, chuẩn mực kế toán. Hệ thống chuẩn mực kế toán, chuẩn mực kiểm toán đã ban hành cơ bản đủ và phù hợp (riêng hệ thống chuẩn mực kế toán công chưa có), tuy nhiên do yêu cầu thực tế phát sinh nên cần tiếp tục hoàn thiện để tạo dựng đầy đủ, hoàn chỉnh và phù hợp hơn nội dung các quy định, hướng dẫn nguyên tắc, chuẩn mực, quy trình, thủ tục, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kế toán, kiểm toán cũng như các quy định về đạo đức nghề nghiệp, kiểm soát và quản lý chất lượng kiểm toán tốt hơn. Về việc này Bộ Tài chính chủ trì phối hợp cùng Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) tiếp tục rà soát, cập nhật và hoàn thiện nội dung của 26 Chuẩn mực kế toán và 39 Chuẩn mực kiểm toán đã ban hành; hoàn chỉnh, bổ sung những điểm còn chưa phù hợp hoặc chưa thống nhất do các Chuẩn mực được ban hành trong các giai đoạn khác nhau và những điểm chưa phù hợp do những thay đổi bổ sung của Chuẩn mực kế toán và chuẩn mực kiểm toán quốc tế trong thời gian qua. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, soạn thảo, ban hành mới các Chuẩn mực kế toán Việt Nam cần thiết cho nền kinh tế, như: các Chuẩn mực kế toán liên quan đến ghi nhận, đánh giá, trình bày và thuyết minh về các công cụ tài chính (IFRS 7, IAS 32, IAS 39); về giảm giá tài sản; về nông nghiệp; về thông tin phản ánh sự ảnh hưởng của thay đổi giá cả; về Báo cáo tài chính trong nền kinh tế siêu lạm phát; về phúc lợi của người lao động; đặc biệt là xây dựng và ban hành hệ thống hệ thống chuẩn mực kế toán công áp dụng ở Việt Nam… Trong đó phải chú ý đến những đặc thù của Việt Nam, như: nền kinh tế thị trường còn đang trong quá trình chuyển đổi, khu vực doanh nghiệp Nhà nước còn chiếm vị trí chủ đạo trong nền kinh tế, mối quan hệ giữa Chuẩn mực kế toán với Luật thuế và cơ chế tài chính, cơ chế quản lý tài chính các đơn vị, cơ quan hành chính, sự nghiệp, quản lý ngân sách Nhà nước còn mang nhiều nét đặc thù…

(Bộ Tài chính đã chuyển giao và hiện nay Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) đã, đang nghiên cứu, cập nhật và soạn thảo các Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam phù hợp với Chuẩn mực kiểm toán quốc tế để trình Bộ Tài chính ban hành vào cuối năm 2009 và 2010... - BBT)

4. Hoàn thiện các văn bản quy định về tổ chức và hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán độc lập. Chất lượng hoạt động kiểm toán đang là vấn đề được xã hội và khách hàng kiểm toán rất quan tâm, đó là niềm tin của xã hội, của khách hàng đối với các doanh nghiệp kiểm toán. Vì vậy, kiểm soát chất lượng kiểm toán là một hoạt động rất quan trọng và không bỏ qua của mỗi tổ chức, doanh nghiệp kiểm toán, cũng như đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức Hội nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Để tăng cường và đảm bảo chất lượng hoạt động kiểm toán nói chung và báo cáo kiểm toán nói riêng, một mặt các công ty kiểm toán phải xây dựng và thực hiện nghiêm, đúng các quy định, quy trình kiểm soát chất lượng kiểm toán và phải đảm bảo rằng các dịch vụ mà họ cung cấp đều có chất lượng cao và được giám sát đầy đủ. Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính…), các Hiệp hội kế toán, kiểm toán cũng phải tiến hành công việc kiểm tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán của các công ty. Căn cứ thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán chính là các văn bản hướng dẫn về hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Để đáp ứng yêu cầu trên, công ty kiểm toán phải tự đề ra và triển khai quy trình kiểm soát chất lượng toàn diện để có thể đảm bảo với chính công ty cũng như với xã hội rằng các chuẩn mực cao nhất của nghề nghiệp luôn được tuân thủ và coi đây như là một “Chuẩn mực của công ty”. Ngoài Chuẩn mực kiểm toán số 220 – “Kiểm soát chất lượng hoạt động kiểm toán”, Liên đoàn kế toán quốc tế (IFAC) đã công bố Chuẩn mực quốc tế về “Kiểm soát chất lượng đối với công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán và soát xét thông tin tài chính quá khứ, các dịch vụ đảm bảo và dịch vụ liên quan khác” – ISQC số 01. Trong thời gian tới Bộ Tài chính cùng các tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cần sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành chuẩn mực về kiểm soát chất lượng cho toàn bộ hoạt động của công ty kiểm toán trên cơ sở chuẩn mực ISQC số 01 đã được IFAC công bố. Đồng thời cũng cần nghiên cứu xây dựng và ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn về quản lý nhà nước, quản lý của Hội nghề nghiệp về kiểm soát chất lượng các dịch vụ của công ty kiểm toán độc lập.

5. Hoàn thiện chế độ kế toán cho các lĩnh vực đặc thù làm cơ sở cụ thể và phù hợp, thuận lợi hơn cho công tác kiểm toán các doanh nghiệp, đơn vị đặc thù.

Căn cứ Luật Kế toán, các Văn bản hướng dẫn Luật, các Chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán doanh nghiệp mới ban hành cần phải tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện chế độ kế toán cho từng lĩnh vực đặc thù, đặc biệt là lĩnh vực Ngân hàng và Bảo hiểm, Kinh doanh chứng khoán, các công ty tài chính… là các ngành kinh tế quan trọng và phức tạp. Từng quốc gia phải có hệ thống văn bản pháp luật riêng, đặc biệt là hệ thống thực hiện thống nhất, dễ kiểm soát, điều chỉnh, thúc đẩy hoạt động kinh doanh bảo hiểm, ngân hàng, kinh doanh chứng khoán… phát triển làm cơ sở cho kiểm toán báo cáo tài chính và giúp nhà nước quản lý toàn diện cũng như kiểm tra, giám sát thường xuyên mọi hoạt động của các lĩnh vực kinh tế đặc thù này.

Trên đây là một số ý kiến về giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp lý liên quan đến tổ chức và hoạt động kiểm toán độc lập, tạo điều kiện tốt hơn về cơ sở và hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm toán độc lập, các công ty kiểm toán độc lập Việt Nam phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các công ty kiểm toán đối với khách hàng và xã hội về sản phẩm dịch vụ cung cấp.

(Theo TC KTNN)

Các văn bản liên quan