Luật kiểm toán – yêu cầu tất yếu trong hội nhập, phát triển

Thứ Năm 13:42 08-04-2010

Luật Kiểm toán-Yêu cầu tất yếu trong hội nhập, phát triển

VietNamNet, Thứ Năm, 18/03/2010

Trải qua hơn 18 năm hình thành và phát triển, Kiểm toán độc lập tại Việt Nam đã từng bước đạt được những thành quả đáng khích lệ. Số lượng và quy mô của các doanh nghiệp kiểm toán tăng lên đáng kể, đồng thời năng lực chuyên môn và chất lượng dịch vụ cũng dần được nâng cao, sánh ngang tầm quốc tế.

Song song với sự trưởng thành và lớn mạnh của các doanh nghiệp kiểm toán và đội ngũ kiểm toán viên, hành lang pháp lý cũng dần được củng cố và phát triển. Đến nay, Nghị định 105/2004/NĐ-CP ngày 30/3/2004 (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 133/2005/NĐ-CP ngày 31/10/2005 và Nghị định 30/2009/NĐ-CP ngày 30/3/2009) đang là văn bản pháp luật cao nhất về kiểm toán độc lập.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của TS Nguyễn Thành Trung, Tổng Giám đốc của Mazars Việt Nam, Phó chủ tịch của ủy ban hội viên ACCA Việt Nam, xung quanh việc xây dựng Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập.

Với xu thế phát triển nhanh rộng của dịch vụ kiểm toán độc lập ở nước ta hiện nay, Nghị định bộc lộ một số hạn chế cần sửa đổi, bổ sung và phát triển thành luật để đáp ứng được yêu cầu. Dự thảo Luật kiểm toán độc lập ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu tất yếu này trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa.

Hiện nay, Dự thảo Luật kiểm toán độc lập đang trở thành tâm điểm chú ý, thu hút sự quan tâm của nhiều Bộ ngành, các Hội nghề nghiệp, các Công ty kiểm toán và đông đảo các kiểm toán viên. Trong thời gian qua, nhiều hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật đã được Bộ Tài chính và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) tổ chức. Bản dự thảo cũng đã được gửi tới tất cả các công ty kiểm toán và hiện đang được công khai xin ý kiến rộng rãi.

Luật Kiểm toán độc lập được xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm từ thực tế hơn 18 năm hoạt động kiểm toán, kế thừa những văn bản pháp luật hiện hành. Mặt khác, là một lĩnh vực còn non trẻ và đi sau, kiểm toán độc lập tại Việt Nam có cơ hội học hỏi, tiếp thu các quy định pháp lý về kiểm toán hiện hành của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Nhờ đó, Dự thảo luật kiểm toán độc lập đã bao quát đầy đủ và toàn diện các khía cạnh cơ bản của hoạt động kiểm toán độc lập, đáp ứng được các bước chuyển đổi về nghề nghiệp kiểm toán trong thời kỳ đổi mới, đảm bảo cho kiểm toán Việt Nam hội nhập với kiểm toán khu vực và quốc tế.

Dự thảo Luật Kiểm toán độc lập quy định rõ nguyên tắc, điều kiện, phạm vi, hình thức hành nghề kiểm toán độc lập; tiêu chuẩn, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của kiểm toán viên hành nghề và trợ lý kiểm toán, doanh nghiệp kiểm toán và khách hàng, đơn vị được kiểm toán; hoạt động kiểm toán độc lập; tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán và quản lý hoạt động kiểm toán độc lập. Đồng thời, Luật cũng quy định về nguyên tắc hoạt động, điều kiện và yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp, năng lực đối với kiểm toán viên; quy định và hướng dẫn về các yêu cầu, thủ tục kiểm toán và xử lý mối quan hệ phát sinh trong hoạt động kiểm toán mà kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán phải tuân thủ khi tiến hành hoạt động kiểm toán; là cơ sở để kiểm tra, đánh giá chất lượng kiểm toán viên và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên.

Trên tinh thần kế thừa và phát huy, học hỏi và tiếp thu, Dự thảo Luật đã có những quy định tiến bộ so với Nghị định 105/2004/NĐ-CP ngày 30/3/2004.

Thứ nhất, Dự thảo Luật quy định các nội dung chặt chẽ hơn về điều kiện của kiểm toán viên hành nghề, điều kiện thành lập và hoạt động của doanh nghiệp kiểm toán. Quy định này góp phần chứng minh và khẳng định trình độ và năng lực của các kiểm toán viên được cấp phép hành nghề, các công ty kiểm toán được cấp phép thành lập; đồng thời hạn chế hiện tượng thành lập ồ ạt các công ty kiểm toán kém chất lượng và những trường hợp như kiểm toán viên đã đăng ký hành nghề kiểm toán nhưng trên thực tế không hành nghề, không ký báo cáo kiểm toán… Từ đó, chất lượng dịch vụ kiểm toán độc lập nói chung chắc chắn sẽ được nâng cao.

Thứ hai, Dự thảo Luật còn đưa ra những quy định chi tiết về Quy trình kiểm toán, Báo cáo kiểm toán, Hồ sơ kiểm toán, về kiểm toán Báo cáo tài chính của các đơn vị có lợi ích công chúng, các hành vi vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập, hình thức thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và bồi thường thiệt hại… Những nội dung này là hết sức cần thiết, nhằm định hướng và điều chỉnh các hành vi của doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán viên trong suốt quá trình hoạt động. Đó cũng là tiêu chí, điều kiện để cơ quan quản lý nhà nước giám sát chất lượng đối với ngành nghề này. Việc ban hành khuôn khổ pháp lý cao, chặt chẽ, sẽ tạo điều kiện cho công tác giám sát chất lượng, phòng ngừa những thiệt hại cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Thứ ba, Dự thảo đặc biệt chú trọng đến việc tăng cường quản lý nhà nước về kiểm toán. Theo đó, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính Phủ thực hiện quản lý nhà nước về kiểm toán độc lập, sẽ trực tiếp xây dựng các văn bản pháp luật về kiểm toán độc lập; cấp phép thành lập doanh nghiệp, cấp thu hồi chứng chỉ kiểm toán viên, quy định chuẩn mực kiểm toán; thực hiện kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chất lượng, thực hiện đăng ký hành nghề; tổng kết đánh giá tình hình hoạt động, quản lý hợp tác quốc tế, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Hơn nữa, Luật cũng đề cập đến việc chuyển giao một số chức năng, quản lý cho Hội nghề nghiệp về kế toán - kiểm toán. Đây là hướng đi phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời là một giải pháp tăng cường tính độc lập và khách quan của hoạt động kiểm toán độc lập.

Thứ tư, Dự thảo đã bổ sung và tăng cường đối tượng kiểm toán theo luật định. Hoạt động kiểm toán có phạm vi ảnh hưởng khá rộng, không chỉ đối với cơ quan quản lý nhà nước sử dụng báo cáo kiểm toán mà còn công chúng đầu tư và những người có lợi ích trực tiếp hay gián tiếp với doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng sử dụng thông tin trên Báo cáo tài chính. Như vậy, quy định này sẽ góp phần làm minh bạch tình hình tài chính của các doanh nghiệp/tổ chức, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước và tổ chức, cá nhân có liên quan; đáp ứng đầy đủ yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế đối với việc xây dựng nền tài chính lành mạnh, công khai và minh bạch.

Như vậy, với tính ưu việt và tích cực của dự thảo Luật kiểm toán như đã nêu trên, Luật Kiểm toán độc lập được ban hành sẽ khắc phục được những hạn chế của Nghị định 105/2004/NĐ-CP, tạo ra một khung pháp lý đầy đủ và hiệu quả về kiểm toán độc lập, tạo điều kiện mở rộng thị trường kiểm toán, nâng cao chất lượng dịch vụ kiểm toán và phù hợp với thông lệ quốc tế để đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập. Bởi vậy, không chỉ các công ty kiểm toán độc lập mà cả các doanh nghiệp, các cá nhân hành nghề kiểm toán đang rất mong đợi một Bộ Luật kiểm toán sớm ban hành trong thời gian tới.

  • TS Nguyễn Thành Trung 

Tổng Giám đốc của Mazars Việt Nam,

Phó chủ tịch của ủy ban hội viên ACCA Việt Nam

 

 

 

Các văn bản liên quan