Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kết luận Hội nghị

Thứ Ba 10:40 26-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Kết thúc thảo luận về dự án Luật thuế bảo vệ môi trường đã có 16 lượt các vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có báo cáo thêm một số điểm để tiện cho các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội. Tôi xin nêu một số điểm.

Thứ nhất là Quốc hội chúng ta nhất trí cao là Luật thuế bảo vệ môi trường áp dụng trong khâu sử dụng, nói nôm na là đánh vào người sử dụng sản phẩm này, còn không áp dụng trong khâu sản xuất, khâu sản xuất áp dụng ở nhiều các sắc thuế khác. Tuy nhiên, trong sản xuất thì có người có sản xuất, có tiêu dùng, sản xuất ra thuốc lá, nhưng vẫn tiêu dùng thuốc lá, sản xuất ra xăng dầu nhưng vẫn tiêu dùng xăng dầu, sản xuất ra than nhưng vẫn tiêu dùng than. Nhưng chỉ áp dụng thuế này ở khâu sử dụng, khi hướng dẫn cụ thể thì sẽ có tách bóc nó rõ trong những trường hợp mà các tổ chức, hộ gia đình cá nhân vừa sản xuất, vừa sử dụng.

Về đối tượng chịu thuế thì tuyệt đại đa số các đại biểu cũng thấy rằng chúng ta muốn thì muốn làm được nhiều, nhưng khả năng của chúng ta làm được đến đâu với tinh thần phấn đấu cao nhất, tích cực nhất thì chúng ta làm đến đó và sau đó chúng ta sẽ bổ sung dần theo nghĩa là chúng ta vẫn nói là phải có lộ trình.

Thứ hai là trên cơ sở chúng ta cũng xem xét một cách toàn diện trước và sau. Chính vì thế cho nên tuyệt đại đa số các đồng chí thống nhất với dự kiến về phạm vi điều chỉnh của luật này. Một số những vấn đề có liên quan đến hàng hóa xuất khẩu tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu, bán hàng cho tàu bè nước ngoài tạm đỗ, tạm đi qua khu vực vùng biển của Việt Nam thì như chúng ta cũng đã thống nhất với nhau là những sản phẩm đó không được tiêu dùng tại Việt Nam mà sẽ được tiêu dùng ở các nước khác và đương nhiên các nước khác khi họ tiêu dùng thì họ phải áp dụng loại thuế này thì đảm bảo môi trường cho quốc gia của họ. Còn trong trường hợp cụ thể nào đó mà họ lợi dụng gây ra ô nhiễm môi trường thì đương nhiên mình áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Về kỹ thuật thể hiện, quy định đối tượng chịu thuế và không chịu thuế thì bấy lâu nay chúng ta cũng có 2 cách. Một cách nói là những đối tượng chịu thuế và những đối tượng không chịu thuế. Cách thứ hai là áp dụng theo phương pháp loại trừ, quy định những đối tượng chịu thuế, còn những đối tượng nào không quy định chịu thuế thì có nghĩa là không chịu thuế. Chúng ta chọn cách như thế nào cho phù hợp, chúng tôi cũng sẽ có nghiên cứu thêm phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Vấn đề thứ ba, một số những đối tượng chịu thuế cụ thể xoay quanh đến những sản phẩm liên quan đến ni lông, túi hay là thùng chứa làm bằng ni lông thì chúng tôi cũng sẽ có những nghiên cứu thêm, đảm bảo phù hợp với điều kiện của chúng ta có thể quản lý được.

Về than cũng sẽ chắt lọc ra, không tính đổ đồng bình quân, có những loại than cơ bản cũng không gây ra ô nhiêm môi trường quá lớn trong quá trình sử dụng.

Về thuốc lá, cũng báo cáo thêm với các đại biểu Quốc hội, trong thời gian vừa qua thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước một số những vùng chúng ta phá bỏ trồng cây thuốc phiện và một số những loại cây liên quan đến gây nghiện, cho nên cũng đưa cây thuốc lá vào, chủ yếu là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Cho nên cũng là điiều kiện để tạo công ăn việc làm cho đồng bào ở khu vực này.

Thứ hai, giữa thuế này và thuế tiêu thụ đặc biệt cũng nên có cân nhắc làm sao nó có sức chịu đựng được trong điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, chúng tôi sẽ có cân nhắc thêm về vấn đề này.

Vấn đề thứ tư, về xăng dầu, cũng có loại xăng dầu sản xuất từ những nguyên liệu vi sinh, có xăng dầu sản xuất từ những sản phẩm tài nguyên khoáng sản là tự nhiên thì nay mai cũng có cân nhắc thêm qui định vào trong luật này hoặc hướng dẫn trong nghị định và các văn bản dưới luật. Còn tại sao chuyển từ phí sang thuế, trong Báo cáo giải trình, tiếp thu cũng đã nêu rất rõ. Trước đây chúng ta đặt tên cho nó không đúng, bây giờ trả lại cho đúng với tên của nó là thuế.

Hai nữa là cũng cân nhắc mối quan hệ giữa loại thuế này với loại thuế nhập khẩu khi mà chúng ta hội nhập đầy đủ đối với quốc tế trong quá trình cam kết chúng ta gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, mất nguồn thu kia thì phải có nguồn thu thuế khác để đỡ cho nguồn thu thuế kia đảm bảo cho nguồn thu của ngân sách Nhà nước không bị đảo lộn.

Vấn đề thứ năm, về thu thuế bảo vệ tài nguyên môi trường và phí, khi chúng ta thu thuế chúng ta thu hòa đồng chung vào quỹ của ngân sách, không thể biết đồng tiền này thu từ thuế bảo vệ tài nguyên môi trường, đồng tiền này thu từ thuế thu nhập cá nhân, đồng tiền này thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp của ngành điện mà nó phải hình thành chung trong quỹ của ngân sách để sử dụng chung, cho nên nó không mang tính bù đắp trực tiếp, còn lấy một phần nào đó trong cân đối chung trong đó có phần thu từ thuế bảo vệ môi trường thì đương nhiên nó là gián tiếp, nhưng phần thu này không đáng bao nhiêu, còn phí đương nhiên là bù đắp rồi, cho nên có 5 nội dung và phân biệt khác nhau giữa thuế và phí xoay quanh vấn đề môi trường đã nêu rất rõ trong Báo cáo giải trình, tiếp thu đã báo cáo với Quốc hội.

Vấn đề miễn thuế, không chịu thuế thì đúng ra từ ngữ Việt Nam tưởng rằng giống nhau nhưng trong thực tế có sự khác nhau tương đối, miễn thì không bao giờ nghĩ đến nó nữa, nhưng không chịu thuế thì có thể hôm nay không chịu thuế nhưng mai tôi lại bắt anh phải chịu thuế. Cho nên nó có những đoạn du di trong thực tiễn chúng ta điều hành kinh tế phải có những quy định như vậy, cho nên nó có sự khác nhau với mức độ nhất định.

Vấn đề thứ sáu, xoay quanh những vấn đề có liên quan đến phương pháp tính thuế và tính theo số tuyệt đối. Thưa Quốc hội, thuế này là thuế đánh vào mức độ gây ra ô nhiễm môi trường khi sử dụng sản phẩm đó chứ không phải đánh vào giá trị thu được khi bán ra. Cho nên trên quốc tế đa số người ta áp dụng theo phương pháp tính thuế là thuế tuyệt đối và nó cũng thuận tiện trong quá trình tính thuế, người ta chọn rất ít sản phẩm để áp dụng Luật thuế bảo vệ môi trường, còn người ta áp dụng các loại sắc thuế khác để điều chỉnh trong quan hệ sản xuất cũng như trong quan hệ tiêu dùng. Cho nên cũng xin với các đại biểu Quốc hội cho áp dụng thuế tuyệt đối phù hợp với đặc thù của loại thuế này áp dụng căn cứ vào mức độ gây ô nhiễm môi trường của sản phẩm đó, chứ không phải theo giá trị của sản phẩm đó. Còn dù là tuyệt đối thì cũng có một khung.

Thứ hai, tại sao quy định khung bởi vì thực tế đất nước chúng ta còn đang trong quá trình chuyển đổi, đối với chính sách thuế phải đảm bảo nguồn thu cho ngân sách thì cũng phải rất uyển chuyển, linh hoạt. Quốc hội chỉ họp 1 năm 2 lần, dù sao 6 tháng thời gian tưởng không dài, nhưng trong kinh tế giải quyết những vấn đề phát sinh thì 6 tháng cũng lại rất dài, nhưng Thường vụ thì hàng tháng họp, cho nên Thường vụ được Quốc hội giao cho thì cũng có nghĩa là Quốc hội quyết định, đương nhiên Thường vụ cũng nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình để thực hiện đúng trách nhiệm mà Quốc hội giao cho thì nó cũng đáp ứng được yêu cầu, nó thuận tiện hơn trong quá trình đất nước ta còn đang chuyển đổi, đang hội nhập cũng chưa phải hội nhập đầy đủ hoàn toàn và nền kinh tế của chúng ta cũng chưa phải đã đi vào nề nếp, ổn định như các nước khác. Cho nên cũng đề nghị với Quốc hội cho phép đối với thuế suất cụ thể thì sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, trên cơ sở nghiên cứu của các Bộ, ngành tham mưu và Chính phủ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ làm đầy đủ trách nhiệm của mình trước Quốc hội, khi được Quốc hội giao cho trọng trách này.

Về quy định khoản quét, như trên tôi đã nói nếu rà soát cho kỹ thì còn nhiều sản phẩm nữa khi sử dụng sẽ gây ra ô nhiễm môi trường. Nhưng mong muốn thì nhiều, nhưng sức ta chỉ có thế. Cho nên cũng để cho trong quá trình phát triển, khả năng quản lý của chúng ta đến đâu, với tinh thần tích cực nhất, chứ không phải có đến đâu chúng ta chỉ dùng đến đấy, chúng ta phải tích cực hơn, vươn lên đi tắt đón đầu thì cũng nên có quy định này để đáp ứng yêu cầu kịp thời, đảm bảo cho vấn đề về môi trường được quản lý một cách chặt chẽ hơn, đó là một trong những 3 khâu bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững.

Về sản lượng tính thuế thì xin báo cáo với các đại biểu Quốc hội như sau: Bây giờ cũng giống như các sản phẩm bán cho những phương tiện không chỉ sử dụng ở trong nước mà còn sử dụng ở cả nước ngoài như máy bay quốc tế, tàu thủy quốc tế và thời điểm tính thuế cũng như sản lượng tính thuế thì chúng ta cũng tính tương đối thôi, vì đại cục thì chúng ta có thể bỏ qua được. Bây giờ mà xăng khi bán cho máy bay bay từ đây sang Pháp thì không nhẽ mình chỉ tính phần thuế mà xăng tiêu thụ bay trong không phận của lãnh thổ Việt Nam, còn phần bên kia để cho Pháp họ thu thì thấy cũng khó. Cho nên, vì đại cục thì chúng ta cũng có sự châm chước nhất định nào đó. Hay là khi bán cho tàu thuyền nước ngoài cũng thế. Bán cho họ nhưng họ chỉ chạy trong lãnh thổ của Việt Nam trong quyền tài phán của Việt Nam, trong quyền của Việt Nam về đặc quyền kinh tế thì chỉ có thể chỉ có 5km còn lại họ chạy ra vùng biển quốc tế, chạy về đến nước họ thì họ mới dùng. Chẳng nhẽ mình tính 5 cây số kia là mình thu còn 5 cây số kia trở ra thì để các nước khác thu và hoàn thuế thì cũng khó, cho nên cũng là tương đối thôi. Trong gia đình chúng ta cũng thế thôi, vợ cũng vừa là bạn vừa là đồng chí nhưng giữa bạn với đồng chí cũng là tương đối thôi, mọi thứ cũng tương đối. Cho nên, cũng mong các đồng chí đặt lợi ích toàn cục để chúng ta có một cách chọn hợp lý nhất.

Về đối tượng áp dụng, hiện tại bây giờ cũng có luật có quy định, có những luật thì không quy định, nhưng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng đã quy định điều này, xin phép các đại biểu Quốc hội có thể cân nhắc, nhắc lại để mang tính hệ thống cũng được, không nhắc lại cũng không có ảnh hưởng gì, bởi vì Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật mà Quốc hội thông qua cũng đã quy định về vấn đề này rồi

Về chế tài xử lý đồng chí Vũ Văn Ninh cũng đã nói rồi còn đối với những người trồng rau mà sử dụng thuốc trừ sâu và gây ô nhiễm môi trường, việc này cũng sẽ nghiên cứu thêm để sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta. Còn nông dân ta chắc chắn cũng không đủ điều kiện nhà nào cũng có tiền để đầu tư trồng rau trong nhà kính. Có lẽ nay mai chúng ta cũng phải theo hướng khác, nghiên cứu phân vi sinh không gây ô nhiễm môi trường, có lẽ cách đó tốt hơn là phải trồng rau trong nhà kính, báo cáo thêm với các đại biểu Quốc hội như vậy. Có những nơi có điều kiện người ta khuyến khích, còn phần lớn chúng ta phải đi theo hướng khác. Hay túi ni lông cũng như thế, chúng ta cũng phải tìm cách để thay thế bao bì, không dùng bằng túi ni lông.

Về quy định hướng dẫn thi hành, bấy lâu nay cũng báo cáo thực với Quốc hội như thế này. Có những nội dung vì nhiều lý do, trong đó có lý do về mặt thời gian và những lý do khác nữa thì chúng ta cũng chưa thể hình dung và dự báo hết được sự vận động ở trong thực tế, chúng tôi ngồi đây nhưng xã hội nó luôn luôn vận động. Cho nên có những điều mình qui định cụ thể được, có những điều chúng ta qui định mang tính nguyên tắc để làm điểm tỳ pháp lý để Chính phủ qui định.

Chính vì thế cho nên là điều về qui định hướng dẫn có qui định Chính phủ hướng dẫn điều này, điều kia nhưng mà cũng có mở thêm ra, hướng dẫn nội dung cần thiết theo yêu cầu quản lý nhưng cũng trên nguyên tắc những qui định của luật đấy chứ không phải là muốn hướng dẫn như thế nào cũng được để có điều kiện cho Chính phủ linh hoạt hơn trong điều kiện thực tế nó phát sinh mà chúng ta xem xét một số qui định của đạo luật nó cũng không đủ với điều kiện để chúng ta qui định cụ thể nó thật rõ ràng được, chúng ta cũng lại đặt lợi ích chung lên trên, còn Chính phủ nào cũng rất có trách nhiệm vì lợi ích chung là chính thì chúng ta cũng chia sẻ vấn đề này. Còn nay mai chúng ta càng cụ thể càng rõ được thì càng tốt.

Vấn đề cuối cùng xoay quanh vấn đề về mặt kỹ thuật chúng tôi sẽ có chỉ đạo rà soát lại để làm sao nó chuẩn xác hơn về mặt từ ngữ, về câu đặt trước, đặt sau đoạn này, đoạn kia v.v... để đảm bảo cho các qui định ở trong dự án luật này, văn phong phải là văn phong pháp lý chứ không phải là văn phong nói hoặc là bài diễn văn để nó thuận tiện cho người quản lý cũng như người chịu sự điều chỉnh qui định của luật này. Đấy là một số ý kiến xin báo cáo thêm với Quốc hội để thuận tiện cho các đồng chí trong Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra giúp cho Quốc hội hoàn chỉnh báo cáo, giải trình tiếp thu và hoàn chỉnh dự án luật để trình Quốc hội thông qua vào phiên họp trong kỳ họp này, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan