VCCI góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP quy định về hoạt động in
VCCI góp ý Dự thảo Thông tư quy định giá cước và chính sách miễn, giảm giá cước dịch vụ nhận gửi hồ sơ, chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích
Kính gửi: Vụ Bưu chính, Bộ Thông tin và Truyền thông
Trả lời Công văn số 2690/BTTTT-BC của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định giá cước và chính sách miễn, giảm giá cước dịch vụ nhận gửi hồ sơ, chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau
Về giá cước dịch vụ nhận gửi hồ sơ, chuyển trả kết quả
Khoản 2 Điều 3 Dự thảo quy định “Trường hợp các bên có thỏa thuận khác về việc nhận gửi hồ sơ, chuyển trả kết quả với số lượng lớn, đồng nhất hoặc thực hiện các công đoạn theo yêu cầu thì giá cước cung ứng dịch vụ được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ”.
Giá cước dịch vụ nhận gửi hồ sơ, chuyển trả kết quả được nhà nước định giá cụ thể tại Phụ lục của Dự thảo, đồng nghĩa với việc tất cả các dịch vụ nhận gửi hồ sơ, chuyển trả kết quả sẽ có mức giá được ấn định. Trong khi đó, quy định trên có thể hiểu, các bên có liên quan có thể không phải áp dụng mức giá quy định tại Dự thảo mà theo thỏa thuận trong trường hợp “việc nhận gửi hồ sơ, chuyển trả kết quả với số lượng lớn, đồng nhất hoặc thực hiện các công đoạn theo yêu cầu”.
Trên thực tế, việc ấn định một mức giá chung tại Dự thảo này đối với các dịch vụ liên quan được suy đoán là xuất phát từ các lý do:
- Việc nhận gửi hồ sơ, chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích có tác dụng thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp – những đối tượng thực hiện thủ tục. Do đó đây là dịch vụ cần khuyến khích và ấn định giá để bảo đảm mức giá thấp, thu hút việc tham gia;
- Dịch vụ này chỉ do duy nhất một doanh nghiệp cung cấp. Do đó, Nhà nước cần kiểm soát giá để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của những đối tượng thụ hưởng dịch vụ bưu chính công ích và phù hợp với mục tiêu khuyến khích các đối tượng sử dụng dịch vụ này.
Vì vậy, quy định cho phép các đối tượng liên quan tự thỏa thuận mức giá mà không có bất kì ràng buộc nào về giới hạn giá của hoạt động này như dự kiện tại khoản 2 Điều 3 có thể khiến cho mục tiêu quản lý Nhà nước đối với hoạt động bưu chính công ích khó đạt được.
Mặt khác, quy định trên cũng chưa rõ ràng ở tiêu chí “số lượng lớn” (như thế nào được cho là “số lượng lớn”?) trong khi đây là lại tiêu chí quan trọng nhất để cho phép không tuân thủ mức giá quy định
Từ các phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 3 theo hướng:
- Quy định rõ khái niệm “số lượng lớn”;
- Cho phép các bên thỏa thuận giá nhưng phải có mối liên hệ với quy định giá tại Phụ lục (theo hướng giá thỏa thuận phải thấp hơn mức giá ấn định tại Phụ lục).
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định giá cước và chính sách miễn, giảm giá cước dịch vụ nhận gửi hồ sơ, chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.