VCCI góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tiếp nhận, theo dõi, tổng hợp và trả lời kiến nghị của doanh nghiệp

Thứ Tư 15:09 30-08-2017

Kính gửi: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ

Trả lời Công văn số 2508/VPCP-TTĐT ngày 17/3/2017 của Văn phòng Chính phủ về việc góp ý đối với dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tiếp nhận, theo dõi, tổng hợp và trả lời kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:

VCCI rất hoan nghênh nỗ lực của Văn phòng Chính phủ (VPCP) trong các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian gần đây, đặc biệt là việc minh bạch trong tiếp nhận và giải quyết phản ánh, kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp thể hiện qua việc xây dựng Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Hệ thống) và soạn thảo Dự thảo này.

Để có thể phát huy đầy đủ hiệu quả của Quy chế trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, thì Dự thảo cần bảo đảm các tiêu chí về tính minh bạch, khả thi, có tính đến tất cả các đối tượng doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Theo đó, các góp ý dưới đây sẽ căn cứ vào các tiêu chí trên, cụ thể:

1)    Về hình thức phản ánh, kiến nghị (Điều 5 Dự thảo)

Dự thảo Nghị định đưa ra 03 hình thức doanh nghiệp có thể gửi phản ánh, kiến nghị. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, đề nghị Ban soạn thảo ghi cụ thể:

–       Địa chỉ thư điện tử: ví dụ: thongtinchinhphu@chinhphu.vn;

–       Địa chỉ trang web Hệ thống: http://doanhnghiep.chinhphu.vn hoặc các kênh giao tiếp khác trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ (đề nghị nêu rõ nếu có);

–       Địa chỉ của Văn phòng Chính phủ: Số 1 Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội và Cổng Thông tin điện tử Chính phủ: Số 16 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội.

2)    Về yêu cầu đối với phản ánh, kiến nghị (Điều 6 Dự thảo)

Dự thảo quy định yêu cầu bắt buộc phải đáp ứng để một kiến nghị, phản ánh được xem xét, đó là: “thể hiện rõ nội dung phản ánh, kiến nghị”. Quy định như vậy đối với nhiều đối tượng có thể là chưa đủ rõ ràng và do đó có thể các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, tổ chức rất dễ rơi vào trường hợp vi phạm các yêu cầu nói trên.

Căn cứ vào quá trình xử lý kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp từ trước tới nay, VCCI đề xuất thể hiện rõ nội dung phản ánh, kiến nghị, theo đó bao gồm:

–                Khó han, vướng mắc: thực trạng doanh nghiệp, thiệt hại phát sinh, tốn kém về chi phí, thời gian; khó han trong việc áp dụng quy định pháp luật;

–                Hướng xử lý, giải quyết của các cơ quan nhà nước trước đó (nếu có);

–                Nội dung đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết (nếu có);

–                Nội dung kiến nghị hoàn thiện (nếu có)

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 6 quy định doanh nghiệp phải ghi rõ: “tên, địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ thư điện tử của doanh nghiệp, tổ chức có phản ánh, kiến nghị” trong khi cho phép gửi văn bản qua đường bưu điện. Vì vậy, để bảo đảm các doanh nghiệp không sử dụng email, không có internet (đặc biệt doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa; doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; hộ kinh doanh; hợp tác xã…) đề nghị Ban soạn thảo đưa “địa chỉ thư điện tử” là lựa chọn không bắt buộc trong mục này.

3)    Về quy trình tiếp nhận phản ánh, kiến nghị (Điều 8 Dự thảo)

–       Dự thảo quy định bước đầu tiên trong quy trình sau khi tiếp nhận phản ánh, kiến nghị là: “hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức thực hiện phản ánh, kiến nghị theo quy định tại Điều 6 Quy chế này”. Thiết nghĩ, việc hướng dẫn doanh nghiệp nên thực hiện trước khi doanh nghiệp gửi kiến nghị. Như vậy, cán bộ xử lý vừa tiết kiệm được thời gian giải thích sau khi tiếp nhận mà doanh nghiệp cũng sẽ dễ dàng hơn khi trình bày phản ánh, kiến nghị của mình. Có thể bố trí một phần Hướng dẫn phản ánh, kiến nghị trên Hệ thống để doanh nghiệp đọc trước khi gửi kiến nghị.

–       Điểm d quy định: “Không tiếp nhận phản ánh, kiến nghị không đáp ứng các yêu cầu…” tuy nhiên đây lại là giai đoạn sau khi đã tiếp nhận. Do đó, cần bố trí lại trình tự ở quy trình này theo hướng:

(1)  Kiểm tra tính hợp lệ của phản ánh, kiến nghị

(2)  Tiếp nhận hoặc không tiếp nhận và giải thích lý do không tiếp nhận.

–       Ở trường hợp không tiếp nhận, VPCP sẽ thông báo cho doanh nghiệp, tổ chức việc không tiếp nhận và nêu rõ lý do thông qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp. Quy định này là phù hợp đối với các phản ánh, kiến nghị được thực hiện qua Hệ thống hoặc email nhưng lại chưa hợp lý đối với các phản ánh, kiến nghị được gửi trực tiếp bằng văn bản đến VPCP hoặc Cổng Thông tin. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu han phương án xử lý cho các trường hợp doanh nghiệp, tổ chức đến trực tiếp trụ sở. Có thể cho cán bộ tiếp dân truy cập và in văn bản không tiếp nhận đó cho doanh nghiệp, tổ chức.

–       Về thời hạn nghiên cứu, đánh giá, phân loại phản ánh, kiến nghị (khoản d): phản ánh, kiến nghị sau khi được gửi vào Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị nghĩa là được thể hiện dưới dạng điện tử. Do đó, việc chuyển tới các cơ quan khác chỉ mất thời gian ở việc biên tập, xác định cơ quan nào chịu trách nhiệm xử lý phản ánh, kiến nghị đó và đều có bộ phận chuyên trách thực hiện (theo quy định tại Điều 9 Dự thảo). Phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền trả lời của VPCP thậm chí được quy định là xử lý ngay trong ngày.

Với các lý do trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc rút ngắn việc chuyển phản ánh, kiến nghị xuống còn 02 ngày đối với phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền của 01 cơ quan và 03 ngày đối với phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền của từ 02 cơ quan trở lên.

–       Cách tính thời hạn còn chưa thống nhất: ví dụ đối với phản ánh, kiến nghị về nội dung quy định, thủ tục, yêu cầu thuộc thẩm quyền của một cơ quan hành chính nhà nước, VPCP chuyển phản ánh, kiến nghị tới cơ quan này trong thời hạn 04 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận. Tuy nhiên, đối với phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền trả lời của nhiều cơ quan hành chính nhà nước thì VPCP phải chuyển tới cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp để trả lời trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày tiếp nhận. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ “để trả lời” nói trên để bảo đảm tính thống nhất và hợp lý.

4)    Về quy trình tiếp nhận phản ánh, kiến nghị đã được xử lý (hơn một lần) tại cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền:

–       Thực tế hiện nay cho thấy, đa số các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, tổ chức thông thường sẽ được xử lý ở cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương trước tiên. Trong trường hợp phản ánh, kiến nghị đó chưa được giải quyết thỏa đáng thì mới được đưa đến VPCP/Cổng thông tin. Nếu quy định như Dự thảo hiện tại, những vướng mắc này sẽ lại được đưa về cơ quan có thẩm quyền đã từng xử lý và như vậy chắc chắn sẽ không giải quyết được vấn đề một cách triệt để.

–       Theo Điều 16, 17 Nghị định 20/2008/NĐ-CP ngày 14/2/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thì: Bộ trưởng, Thủ trưởng Cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm đề nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thực hiện những quy định hành chính (QĐHC) thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ, cơ quan ngang Bộ và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; xem xét, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ những QĐHC thuộc thẩm quyền quyết định của các cơ quan này”; “Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử lý dứt điểm, kịp thời và đúng thẩm quyền …Tổ chức nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý các phản ánh, kiến nghị về QĐHC đã được các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử lý nhưng cá nhân, tổ chức vẫn tiếp tục phản ánh, kiến nghị”.

Với các lý do và căn cứ nêu trên, để bảo đảm thực hiện một cách thực chất, cụ thể mục tiêu đề tại của các Nghị quyết của Chính phủ (về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, cải cách hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…), đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy trình giải quyết đối với các trường hợp này (Điều 8 Dự thảo) theo hướng: đối với các phản ánh, kiến nghị đã được xử lý tại cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền mà cá nhân, tổ chức vẫn tiếp tục phản ánh, kiến nghị, VPCP tiếp nhận và chuyển phản ánh, kiến nghị tới cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền ở cấp cao hơn để trả lời (ghi cụ thể từng trường hợp: từ cấp Chính phủ đến UBND các cấp).

5)    Về trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận phản ánh, kiến nghị (Điều 9 Dự thảo)

Dự thảo hiện tại đã quy định VPCP có trách nhiệm thành lập Tổ công tác và bộ phận thường trực tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, quyền hạn của Tổ và bộ phận này vẫn còn khá chung chung và hạn chế. Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc xử lý của các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền là hết sức quan trọng nhưng cũng chưa được quy định cụ thể trong Dự thảo Quy chế này.

Dựa trên kinh nghiệm làm việc của VCCI và tham khảo mô hình Bác sĩ doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thẩm quyền của Tổ công tác và bộ phận thường trực nêu trên, có thể theo hướng như sau:

–       Tổ công tác thành lập đoàn làm việc trực tiếp với doanh nghiệp hoặc liên hệ trực tiếp qua email, điện thoại và các hình thức khác đối với phản ánh, kiến nghị thuộc thẩm quyền xử lý của Thủ tướng Chính phủ, VPCP;

–       Báo cáo cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền ở cấp cao hơn về việc xử lý, tiến độ xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, tổ chức trong trường hợp nhận thấy việc xử lý của cơ quan tiếp nhận không đúng thời hạn, không đúng quy trình hoặc có biểu hiện không minh bạch, khách quan, trung thực.

6)    Về quy trình trả lời phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, tổ chức (Điều 12 Dự thảo)

Tương tự với việc công khai các trường hợp đã được trả lời, để han cường tính minh bạch, đề nghị Ban soạn thảo xem xét bổ sung các mục Kiến nghị chưa đủ cơ sở xem xét trả lời và Kiến nghị chậm trả lời trên Hệ thống đối với trường hợp cơ quan có thẩm quyền chậm trả lời và có cơ chế thông tin cho doanh nghiệp để công bố về việc chậm trả lời này lên Hệ thống.

7)    Quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức có phản ánh, kiến nghị (Điều 11 Dự thảo)

–       Quy chế này được áp dụng riêng cho Cổng TTĐT Chính phủ, và do đó được hiểu VPCP là đầu mối tiếp nhận tất cả các phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp. Vì vậy quy định tại Dự thảo: doanh nghiệp có quyền “yêu cầu cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền…đã tiếp nhận…thông báo về tình hình trả lời phản ánh, kiến nghị” có thể chưa thực sự rõ ràng. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi theo hướng cụ thể hơn là: Doanh nghiệp có quyền “yêu cầu cán bộ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị tại VPCP hoặc Cổng TTĐT Chính phủ (nếu gửi trực tiếp văn bản) thông báo về tình hính trả lời phản ánh, kiến nghị hoặc gọi điện đến số điện thoại Đường dây nóng (trên website: doanhnghiep.chinhphu.vn).”

–       Thời hạn công khai kết quả trả lời phản ánh, kiến nghị là 03 ngày làm việc kể từ khi ý kiến trả lời và thông tin liên quan được cập nhật vào Hệ thống là tương đối dài trong khi có thể ngay lập tức cập nhật tình hình lên Hệ thống mà không cần phải qua bước xử lý nào. Vì vậy, đối với trường hợp doanh nghiệp gửi phản ánh, kiến nghị qua Hệ thống, hoặc qua email, đề nghị rút ngắn thời hạn công khai còn lại là 01 ngày.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tiếp nhận, theo dõi, tổng hợp và trả lời kiến nghị, khó han, vướng mắc của doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Rất mong Quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan