VCCI góp ý Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tiếp nhận, theo dõi, tổng hợp và trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
VCCI góp ý về đề nghị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 51, Nghị định số 04 về hóa đơn
VCCI góp ý Dự thảo Quyết định quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật
Kính gửi: Bộ Tư pháp
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được công văn số 1555/BTP-PBGDPL ngày 10/5/2017 của Quý Bộ về việc góp ý dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (sau đây gọi là Dự thảo).
Sau khi nghiên cứu Dự thảo và dự thảo Tờ trình của Bộ Tư pháp về việc ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2013, VCCI có một số ý kiến như sau:
1. Về Dự thảo Tờ trình
Dự thảo Tờ trình nêu ra ba vấn đề chính còn tồn tại, hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng cũng như kết quả triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), dẫn đến cần sửa đổi Quyết định 27/2013/QĐ-TTg, đó là:
– Thứ nhất, quy định về thành phần Hội đồng phối hợp PBGDPL chưa đầy đủ, chưa thu hút, huy động được các cơ quan tư pháp tham gia công tác PBGDPL;
– Thứ hai, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Trung ương tại Điều 2, Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg còn trùng lắp với nhiệm vụ của Bộ Tư pháp;
– Thứ ba, trách nhiệm của ủy viên Hội đồng quy định tại khoản 1 Điều 5 của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg chưa rõ làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng.
Tuy nhiên, những phân tích trong dự thảo Tờ trình còn thiếu rõ ràng.
Đề nghị Quý Bộ phân tách và làm rõ vấn đề nào là do chưa tương thích với quy định pháp luật hoặc có sự trùng lắp trong chức năng nhiệm vụ, điều đó không có nghĩa là sự trùng lắp hoặc do quy định thiếu thành phần hội đồng làm giảm chất lượng và hiệu quả của công tác PBGDPL.
Về vấn đề thứ nhất, công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật luôn là hoạt động được chú trọng của cơ quan tư pháp (Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân) chứ không phải do không là thành viên hội đồng mà hoạt động PBGDPL bị các cơ quan này thiếu quan tâm. Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Ban Chỉ đạo công tác tuyên truyền ngành Kiểm sát nhân dân và mới đây có Đề án “Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, góp phần phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật giai đoạn 2017 – 2021”.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc thực hiện các hoạt động nói chung và hoạt động xét xử nói riêng là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Tòa án, được ghi nhận tại Luật tổ chức Tòa án nhân dân các năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 1995), 2002 và 2014 như sau: Bằng hoạt động của mình, Tòa án góp phần giáo dục công dân trung thành với Tổ quốc, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, tôn trọng những quy tắc của cuộc sống xã hội, ý thức đấu tranh phòng chống tội phạm, các vi phạm pháp luật khác.
Như vậy, dù có hay không là thành viên của Hội đồng thì các cơ quan tư pháp vẫn thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL cho người dân.
Do đó, nếu giữ ý này trong Tờ trình thì đề nghị Quý Bộ làm rõ sự thiếu hiệu quả là do thiếu sự phối hợp chặt chẽ hoặc nguyên nhân xác đáng khác chứ không phải do chưa huy động được cơ quan tư pháp tham gia công tác PBGDPL.
Về vấn đề thứ hai, có sự trùng lắp về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Trung ương với nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, Tờ trình cần làm rõ tại sao sự trùng lắp làm giảm hiệu quả hoạt động PBGDPL. Thành phần của Hội đồng có Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Tư pháp thì về cơ bản sự phối hợp hoạt động của Hội đồng và của Bộ phải rất chặt chẽ, nhịp nhàng.
Về vấn đề thứ ba, trách nhiệm của ủy viên Hội đồng quy định tại khoản 1 Điều 5 của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg chưa rõ làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng. Đề nghị làm rõ ảnh hưởng đó như thế nào.
Khi Tờ trình làm rõ được các vấn đề nêu trên thì các nội dung sửa đổi tương ứng trong Quyết định 27/2013/QĐ-TTg sẽ dễ hiểu và dễ được đồng thuận hơn. Do đó, đề nghị Quý Bộ xem xét để hoàn thiện thêm Tờ trình.
2. Về nội dung Dự thảo
Căn cứ vào ba nội dung vướng mắc trên thực tiễn, Quý Bộ đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 1 về thành phần Hội đồng, khoản 1 Điều 5 về trách nhiệm của Ủy viên Hội đồng và bãi bỏ điểm e khoản 1 Điều 2 về “Hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hằng năm” trong Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp PBGDPL.
Về cơ bản VCCI nhất trí với các nội dung sửa đổi, bổ sung này, tuy nhiên đề nghị Quý Bộ xem xét vẫn đưa nhiệm vụ này của Hội đồng nhưng ở hình thức tư vấn, phối hợp với Bộ Tư pháp, vì Hội đồng có trách nhiệm tư vấn giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ theo quy định.
Trên đây là một số ý kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với dự thảo Tờ trình và dự thảo Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật. Trân trọng gửi tới Quý Bộ xem xét hoàn thiện Dự thảo.
Trân trọng cảm ơn sự phối hợp của Quý Bộ.