VCCI góp ý Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Thú y

Thứ Tư 09:55 30-08-2017

 

Kính gửi: Cục Thú y

                   Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Trả lời Công văn số 2605/TY-TTr,PC của Cục Thú y ngày 27/12/2016 về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

  1. Một số hành vi vi phạm có tính chất chồng lấn và/hoặc trùng lặp

Về mặt nguyên tắc, các hành vi vi phạm cần phải được quy định rõ ràng, cụ thể để đảm bảo xác định chính xác hành vi và khung xử phạt tương ứng, tránh tình trạng khó khăn/tùy tiện trong áp dụng, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của chủ thể bị xử phạt. Rà soát Dự thảo còn có một số hành vi vi phạm có tính chất chồng lấn/trùng lặp, khiến cho một hành vi vi phạm có thể được diễn giải và áp dụng ở các khung xử phạt khác nhau, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét các quy định sau:

1.1.          Về các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch bệnh động vật

Dự thảo thiết kế Mục này theo các nhóm hành vi vi phạm trong hoạt động phòng dịch và chống dịch bệnh động vật. Tuy nhiên, giữa hoạt động phòng và chống dịch trong Dự thảo có một số hành vi chồng lấn, không rõ khi bị xử phạt thì chủ thể sẽ bị xử phạt theo khung hình phạt của nhóm hành vi vi phạm về phòng dịch hay chống dịch, ví dụ:

–         Hành vi “không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” sẽ bị xử phạt theo khung từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng của nhóm hành vi “vi phạm quy định chung về phòng bệnh động vật” (điểm b khoản 3 Điều 5)

–         Hành vi “không chấp hành, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, “không thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y” sẽ bị xử phạt theo khung từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng thuộc nhóm hành vi “vi phạm quy định chung về chống dịch bệnh động vật” (khoản 1 Điều 6)

Có thể thấy giữa hai nhóm hành vi trên có sự chồng lấn với nhau ở điểm: hành vi “không triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” tương tự như hành vi “không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”; “không thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành” cũng là một trong những hành vi không chấp hành/không thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối chiếu với Luật Thú y, các hành vi quy định tại khoản 3 Điều 5 và khoản 1 Điều 6 Dự thảo phù hợp với nhóm hành vi vi phạm trong phòng dịch bệnh động vật hơn là chống dịch bệnh, do đó, để đảm bảo tính minh bạch và phù hợp với Luật Thú y, đề nghị Ban soạn thảo bỏ nhóm hành vi quy định tại khoản 1 Điều 6 Dự thảo.

Tương tự,

–         Hành vi “vận chuyển hoặc vứt động vật mắc bệnh, chết và sản phẩm của chúng, xả nước thải, chất thải mang mầm bệnh ra môi trường” bị xử phạt từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng (điểm a khoản 4 Điều 5) chồng lấn với

–         Hành vi “vận chuyển động vật mắc bệnh, sản phẩm hoặc chất thải của động vật mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang được công bố khỏi vùng có dịch khi không được phép của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y có thẩm quyền” bị xử phạt từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (khoản 5 Điều 6), bởi vì

Các động vật chết quy định tại điểm a khoản 4 Điều 5 có thể bao trùm cả trường hợp là chết do bệnh truyền nhiễm đang được công bố và trong vùng có dịch quy định tại khoản 5 Điều 6

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo loại trừ hành vi quy định tại khoản 5 Điều 6 trong nhóm hành vi quy định tại điểm a khoản 4 Điều 5 (tức là bổ sung cụm từ “trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 6”) và chuyển hành vi quy định tại khoản 5 Điều 6 sang Điều 5 các hành vi vi phạm quy định về phòng dịch bệnh động vật.

1.2.          Hành vi đăng ký kiểm dịch không trung thực

Đối với “hành vi đăng ký kiểm dịch không trung thực”, Dự thảo xác định mức phạt dựa vào mục đích của hành vi này, cụ thể:

–         Đối với thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh thì hành vi đăng ký kiểm dịch không trung thực sẽ bị xử phạt là từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng (khoản 1 Điều 10)

–         Đối với thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật để xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam thì hành vi đăng ký kiểm dịch không trung thực sẽ bị xử phạt là từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (khoản 1 Điều 13)

Như vậy có thể thấy,  cùng là hành vi “đăng ký kiểm dịch không trung thực” nhưng trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ lại bị xử phạt ở khung hình phạt cao hơn rất nhiều đối với hoạt động vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh (mức xử phạt cao nhất của khung gấp 10 lần), trong khi về bản chất hoạt động kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật “là việc kiểm tra, áp dụng các biện pháp kỹ thuật để phát hiện, kiểm soát, ngăn chặn đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật”, đều được thực hiện như nhau dù cho động vật, hay sản phẩm động vật đó được sử dụng với mục đích gì.

Góp ý tương tự đối với các nhóm hành vi có cùng tính chất sau:

–         Hành vi “tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì phương tiện chứa đựng, vận chuyển, bốc dỡ động vật, sản phẩm động vật” đều được quy định trong các nhóm hành vi vi phạm về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu (điểm a khoản 1 Điều 14); nhập khẩu (điểm a khoản 6 Điều 15); tái xuất, tạm nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh, lãnh thổ Việt Nam (điểm a khoản 5 Điều 16) nhưng ở mỗi nhóm hành vi vi phạm này lại có các khung xử phạt khác nhau, thậm chí là chênh lệch khá lớn. Điều này dường như chưa hợp lý, bởi chưa tìm thấy lý do phù hợp để lý giải về sự khác biệt trong tính chất của hành vi vi phạm này trong các nhóm hành vi vi phạm trên

–         Hành vi “sử dụng phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y” đều được quy định trong nhóm hành vi vi phạm về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu (điểm c khoản 4 Điều 15); nhóm hành vi vi phạm về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam (điểm c khoản 4 Điều 16)

Đề nghị Ban soạn thảo giải trình hợp lý về sự khác biệt trong khung xử phạt đối với các hành vi cùng loại trong các quy định trên, nếu không có giải trình thuyết phục, đề nghị thiết kế các hành vi vi phạm này vào phần hành vi vi phạm chung về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật mà không phân tách vào từng nhóm hoạt động như Dự thảo.

1.3.            Các hành vi vi phạm về giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trong Tiểu mục 3 Mục 2 Chương II (từ Điều 17 – 19) được thiết kế theo hướng xác định các hành vi vi phạm về giấy chứng nhận kiểm dịch và các hành vi này được quy định lặp lại theo từng nhóm hành vi vi phạm theo các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp (vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh, nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh …) với các khung xử phạt khác nhau.

Đồng thời hành vi “tự ý viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa nội dung ghi trong giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật” (là một trong các hành vi vi phạm quy định về giấy chứng nhận kiểm dịch động vật trong các quy định từ Điều 17-19) cũng được xác định trong nhóm vi phạm quy định chung về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu với khung xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (điểm b khoản 2 Điều 14).

Như vậy, nếu một chủ thể có hành vi vi phạm về giấy chứng nhận kiểm dịch thì sẽ không biết sẽ được xếp vào nhóm hành vi vi phạm từ Điều 17-19 hay là nhóm hành vi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 và khung xử phạt được áp dụng là như thế nào?

Để đảm bảo tính minh bạch và tính thống nhất trong chính các quy định tại Dự thảo, đề nghị Ban soạn thảo:

–         Bỏ quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 (hành vi này sẽ được xác định trong nhóm hành vi vi phạm về giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật)

–         Đối với nhóm hành vi vi phạm về giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật: góp ý tương tự như trên, đề nghị giải trình về sự khác biệt trong khung xử phạt đối với cùng một hành vi ở các quy định trên, nếu không giải trình phù hợp, đề nghị xác định khung xử phạt tương ứng và các hành vi này được áp dụng chung cho tất cả các hoạt động vẩn chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh; nhập khẩu; xuất khẩu; tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, kho ngoại quan, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam

  1. Mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm chưa hợp lý

Một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực thú y có tính chất rất nguy hiểm, tác động đến sức khỏe, tính mạng của con người, cần phải xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe. Dự thảo cũng đã xác định các hành vi vi phạm này và xác định khung xử phạt tương ứng. Tuy nhiên, mức xử phạt đối với một số hành vi này vẫn chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi, ví dụ:

–         Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc thú y trong Danh mục thuốc thú y cấm sử dụng tại Việt Nam để phòng bệnh động vật (khoản 8 Điều 5);

–         Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi “sử dụng thuốc thú y không có trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép” (điểm a khoản 7 Điều 5);

–         Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với hành vi “giết mổ, mua bán động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh” (điểm a khoản 6 Điều 7);

–         Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với các hành vi “đưa nước hoặc các loại chất khác vào động vật trước khi giết mổ làm mất vệ sinh thú y”; “Ngâm, tẩm hóa chất, đưa nước hoặc các loại chất khác vào sản phẩm động vật làm mất vệ sinh thú y”

Những khung xử phạt đối với các nhóm hành vi trên là quá nhẹ, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét tăng mức xử phạt đối với nhóm hành vi trên.

  1. Một số quy định chưa đủ rõ ràng, cụ thể khiến cho việc xác định chính xác hành vi vi phạm gặp khó khăn

3.1.   Vi phạm quy định chung về phòng bệnh động vật (Điều 5)

Theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Dự thảo thì hành vi “che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi gần nhất hoặc nhân viên thú y xã khi phát hiện động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, chết do bệnh truyền nhiễm”; “Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật theo quy định hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Như thế nào được cho là “không kịp thời”? Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ, theo hướng có thể định lượng được (ví dụ: trong vòng bao nhiêu ngày) để tạo cách hiểu thống nhất trong quá trình thực hiện.

3.2.  Vi phạm về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh (Điều 11)

Khoản 3 Điều 11 Dự thảo quy định xử phạt đối với hành vi “buôn bán động vật, sản phẩm động vật sai mục đích ghi trên giấy chứng nhận kiểm dịch”.

Trong mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh theo quy định tại Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT[1] không có nội dung về “mục đích”, hơn nữa quy định tại Luật Thú y cũng không giới hạn về mục đích hoạt động buôn bán động vật, sản phẩm động vật mà chỉ kiểm soát về tính an toàn của các động vật, sản phẩm động vật khi lưu thông trên thị trường.

Do đó, quy định tại khoản 3 Điều 11 Dự thảo là chưa phù hợp, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.

3.3.   Một số quy định chưa xác định rõ hành vi vi phạm

Một số quy định tại Dự thảo quy định hoặc không chính xác hoặc không rõ về hành vi vi phạm, ví dụ:

–         “Sử dụng nguyên liệu thuốc thú y, nguyên liệu thuốc y tế, thuốc y tế” (điểm c khoản 7 Điều 5). Quy định này vừa chưa rõ hành vi vi phạm vừa không chính xác. Theo quy định của Luật Thú y thì hành vi sử dụng nguyên liệu thuốc thú y không bị cấm, do đó quy định này là chưa phù hợp;

–         “Giấy chứng nhận vệ sinh thú y hết hiệu lực” (điểm b khoản 3 Điều 21). Quy định này không xác định rõ được hành vi vi phạm. Các chủ thể hoạt động theo quy định phải có giấy chứng nhận vệ sinh thú y, nhưng không có hoặc sử dụng giấy chứng nhận vệ sinh thú y hết hiệu lực thì sẽ là hành vi vi phạm. Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng, bổ sung cụm từ “sử dụng” trước “Giấy chứng nhận vệ sinh thú y hết hiệu lực”

3.4.   Không rõ về chủ thể bị xử phạt

Điều 24 Dự thảo quy định về các hành vi vi phạm vệ sinh thú y đối với chợ kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy nhiên, đối với các hành vi vi phạm này thì chủ thể bị xử phạt sẽ là ai? Bởi thực tế có một số chợ nhỏ lẻ tự phát lập ra không rõ về chủ thể quản lý, chịu trách nhiệm hoặc do chính quyền địa phương quản lý. Đề nghị Ban soạn thảo xác định rõ về chủ thể bị xử phạt trong trường hợp này để đảm bảo tính khả thi và minh bạch của quy định.

3.5.   Điều 29 Dự thảo quy định vi phạm về điều kiện khảo nghiệm thuốc thú y trong đó có các hành vi vi phạm về quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, điều kiện của khảo nghiệm thú y. Tuy nhiên quy định này lại không quy định về biện pháp khắc phục trong khi đây là những hành vi cần phải có biện pháp này để đảm bảo khắc phục và tránh tái diễn lại vi phạm. Đề nghị Ban soạn bổ sung các biện pháp khắc phục tại Điều 29 Dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.