Xăng dầu: chuyển từ thu phí sang thu thuế

Thứ Ba 14:32 27-07-2010

Xăng dầu: chuyển từ thu phí sang thu thuế


Là dự án Luật có tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống nên ngày 23/7, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian thảo luận về Dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường.

Không nên thu thuế Bảo vệ môi trường với hàng hóa xuất khẩu

Theo dự thảo Luật, có 5 nhóm hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế, bao gồm: xăng, dầu; than; dung dịch HCFC; túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng.

Vấn đề nêu trên, trong Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách cũng có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đồng ý với dự thảo như đã trình Quốc hội, trước mắt chỉ quy định 5 nhóm đối tượng chịu thuế. Loại ý kiến thứ 2 yêu cầu bổ sung mặt hàng thuốc lá và thuốc diệt cỏ vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng quan điểm với loại ý kiến thứ hai.

Ông cho rằng hiện nay có một số hàng hóa độc hại được sử dụng phổ biến như hóa chất độc hại, các hóa chất tẩy rửa…có nguy hại tới môi trường thậm chí hơn nhiều các mặt hàng đã quy định. “Cần bổ xung thêm các mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế”, Phó chủ tịch nói.

Dẫn chứng chưa có nước nào trên thế giới lại đánh thuế BVMT với nhiều nhóm đối tượng như dự luật của ta, Bộ trưởng Bộ tài chính Vũ Văn Ninh lý giải: nếu có mở rộng phải “mở từ từ”

Dung hòa giữa hai luồng ý kiến, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đồng tình với phương án mà Ủy ban tài chính ngân sách đưa ra: quy định một điều khoản “quét” để áp dụng khi cần thiết bổ sung đối tượng chịu thuế (đối tượng chịu thuế khác do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định).


Riêng về đối tượng không thuộc diện chịu thuế, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, không nên thu thuế BVMT đối với hàng hóa xuất khẩu vì theo nguyên tắc áp dụng thì thuế BVMT chỉ áp dụng cho việc sử dụng hàng hóa gây ô nhiễm; hàng hóa xuất khẩu không sử dụng ở Việt Nam thì không thể áp thuế. Mặt khác, một số hàng hóa của Việt Nam khi nhập khẩu vào nước khác sẽ phải chịu thuế BVMT của nước đó.

Đồng thời, nếu thu thuế BVMT đối với hàng hoá xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm, giảm năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam so với hàng hóa các nước khác.
Nhiều thành viên Ủy ban thường vụ QH bày tỏ đồng tình cao với lập luận của Ủy ban Tài chính Ngân sách, cho rằng không thu thuế BVMT với hàng hóa xuất khẩu là hợp lý.

Xăng dầu: chuyển từ thu phí sang đánh thuế

Trước một số ý kiến còn băn khoăn khi theo dự Luật, chỉ có riêng mặt hàng xăng, dầu khi áp dụng thuế môi trường sẽ bỏ quy định về thu phí xăng, dầu, còn mặt hàng khác như than vẫn tiếp tục chịu phí môi trường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển lý giải: phí xăng, dầu hiện hành thực chất là khoản thu mang tính chất thuế vì được thu vào sản phẩm xăng, dầu, không phân biệt mục đích sử dụng, số thu phí nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.

Xét về bản chất, phí áp dụng đối với quá trình sản xuất ra hàng hóa gây ô nhiễm, song đến nay, về cơ bản, xăng, dầu tiêu thụ trong nước lại là hàng nhập khẩu (được sản xuất ra từ nước khác).

Bên cạnh đó, hiện nay các cơ sở sản xuất, chế biến xăng, dầu, cơ sở khai thác dầu thô phải nộp các khoản phí môi trường đối với nước thải, chất thải rắn và hoạt động khai thác khoáng sản. Khi áp dụng Luật thuế BVMT thì doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ nộp các khoản phí trên.

Do đó, việc chuyển từ thu phí xăng, dầu sang thu thuế BVMT đối với xăng, dầu là phù hợp với bản chất nguồn thu. Riêng đối với than là mặt hàng mà quá trình khai thác, chế biến thành phẩm gây ô nhiễm nghiêm trọng cho đất đai, nguồn nước và không khí thì cần thiết phải áp dụng phí môi trường cho quá trình khai thác để bù đắp một phần chi phí khắc phục hậu quả môi trường tại địa phương nơi khai thác.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đồng ý với việc chuyển thu phí sang thu thuế BVMT đối với xăng dầu vì xét cho cùng “thu cả phí và thuế với cùng một loại hàng hóa tất yếu đổ gánh nặng lên vai người tiêu dùng”

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và nhiều Ủy viên UBTVQH khác cho rằng dự thảo luật cũng như báo cáo giải trình của Ủy ban tài chính ngân sách chưa phân biệt rạch ròi giữa phí và thuế BVMT. Cái này cần phải rà lại để xem mặt hàng nào đáng thu phí thì thu phí, đáng chịu thuế thì phải chịu thuế.

Thu Hằng - Theo Pháp luật Việt Nam ngày 25/7/2010

Trong xăng, dầu đã có nhiều khoản thuế
Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, không nên thu tiền lập Quỹ bảo trì đường bộ thông qua xăng, dầu vì: trong giá xăng, dầu hiện nay đã có nhiều khoản thu như: thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế GTGT... Mặt khác, xăng, dầu không chỉ dùng trong giao thông đường bộ mà còn sử dụng cho giao thông đường thủy, đường sắt, hàng không, là đầu vào của nhiều ngành sản xuất khác. Việc hình thành nguồn thu qua giá xăng, dầu sẽ dẫn đến chủ phương tiện giao thông phải nộp phí trùng khi đi qua đường BOT (vẫn thu phí để hoàn vốn). Còn việc bỏ thu phí đường BOT thì không khả thi do không phù hợp với quy định về hình thức đầu tư BOT, không thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng giao

thông.

 

Các văn bản liên quan