Góp ý dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Cần sự đồng thuận giữa các luật
Sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động (LLĐ) và Luật Công đoàn (CĐ) lần này, cùng với hệ thống luật pháp của VN được thực thi sẽ góp phần tạo cơ sở pháp lý khẳng định vị trí duy nhất của tổ chức CĐVN là người đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của CNVC-LĐ.
Ngày 18.12, LĐLĐ TP.Hà Nội tổ chức hội nghị góp ý vào dự thảo Bộ LLĐ sửa đổi và Luật CĐ sửa đổi với sự tham dự của chủ tịch, phó chủ tịch LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, CĐ ngành, CĐ cấp trên cơ sở...
Điều hành hội nghị, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội Đặng Minh Thuần cho biết, có 4 vấn đề mà Tổng LĐLĐVN và Bộ LĐTBXH luôn bàn thảo nhằm đạt được sự đồng thuận về xây dựng dự thảo Bộ LLĐ sửa đổi, trong đó Chương XIII về CĐ và dự thảo Luật CĐ sửa đổi là: Đại diện của tập thể NLĐ; vai trò của CĐ cấp trên cơ sở; tiền lương tối thiểu và giải quyết tranh chấp LĐ, đình công.
Các ý kiến tại hội nghị đều nhất trí cao về tính cấp thiết của việc sửa đổi Bộ LLĐ và Luật CĐ với nhiều điểm mới có lợi cho NLĐ và nâng cao vị thế của tổ chức CĐVN. Tuy nhiên, ông Ngô Văn Tuyến - Trưởng ban Chính sách KTXH- LĐLĐ TP.Hà Nội - nhận xét: “19 năm thực hiện Luật CĐ và gần 15 năm thực hiện Bộ LLĐ, một số quy định của hai đạo luật này đã bộc lộ nhiều điểm không còn phù hợp với thực tế diễn biến của quan hệ LĐ”.
Một số luật liên quan mật thiết như: Luật DN, Luật Phá sản, Luật Thương mại, Luật Tố tụng dân sự năm 2004... cũng đang trong quá trình bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với giai đoạn mới. Điều đó đòi hỏi pháp luật LĐ và pháp luật CĐ của VN phải tương thích, phù hợp với các công ước của tổ chức LĐ quốc tế và thế giới.
Các bài viết góp ý Luật CĐ (sửa đổi) và Bộ LLĐ (sửa đổi) xin gửi về địa chỉ: Ban Công đoàn - Bạn đọc Báo Lao Động tại 167/15 Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội hoặc gửi qua www.laodong.com.vn. |
Về HĐLĐ theo Điều 28 Bộ LLĐ sửa đổi, ông Trần Thanh Bình - Phó ban BHLĐ - LĐLĐ TP.Hà Nội kiến nghị không nên áp dụng HĐ giao kết bằng lời nói trong các DN, vì khi xảy ra tranh chấp LĐ hoặc tai nạn LĐ làm chết NLĐ sẽ khó khăn trong việc xác định các quan hệ LĐ (thực tế có TNLĐ chết người mà chủ DN đã chối bỏ trách nhiệm vì không có HĐLĐ).
Điều 80, khoản 2 của Bộ LLĐ không nên quy định nội dung TƯLĐTT là 1 hoặc một số nội dung thương lượng (theo Điều 77) mà cần có những quy định tối thiểu về thời giờ làm việc, tiền lương, tiền thưởng, BHLĐ, các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.
Nhiều ý kiến nhận xét, dự thảo Chương XIII Bộ LLĐ về CĐ so với trước đã quy định cụ thể vấn đề bảo vệ quyền lợi của CBCĐ tại DN, quyền của CĐ cấp trên ở những DN chưa thành lập tổ chức CĐ và xây dựng theo hướng DN không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ, chuyển CBCĐ sang công việc khác... sẽ giúp CBCĐ an tâm làm việc.
Để những điểm mới trong dự thảo Bộ LLĐ và Luật CĐ có tính ưu tiên về quyền lợi NLĐ và đề cao các quyền của tổ chức CĐ được thực thi, rất cần có sự đồng thuận, thống nhất cao hơn nữa giữa 2 đạo luật cũng như các luật khác có liên quan.