Dự thảo sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động (lần 1 – tháng 6.2009): Lợi bất cập hại!

Thứ Ba 10:48 29-12-2009

Bản dự thảo sửa đổi bổ sung BLLĐ lần 1 này có khá nhiều điểm mới, cụ thể: BLLĐ hiện hành gồm 17 chương với 198 điều, nhưng dự thảo lên tới 256 điều, trong đó có hẳn một điều (điều 3) gồm 10 khoản dùng giải thích các từ ngữ, các khái niệm.

Ngoài ra, dự thảo còn có một chương mới quy định về đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề; một chương về thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT), quy định rõ về nguyên tắc, hình thức và quyền yêu cầu thương lượng tập thể, chủ thể thương lượng, nội dung thương lượng, quy trình thương lượng...

Về thời gian làm thêm giờ, nếu rơi vào các ngày nghỉ lễ có hưởng lương thì NLĐ được 400%. Về tiền lương thử việc, dự thảo quy định bằng 80% lương cơ bản thay vì 70% như trước đây. Đặc biệt, tại Điều 24 (khoản 4) của dự thảo còn cấm NSDLĐ khi giao kết HĐLĐ, không được đòi hỏi NLĐ đưa ra bất kỳ một sự đảm bảo về tài sản thế chấp nào cho việc giao kết và thực hiện HĐLĐ; giữ các giấy tờ tuỳ thân gốc, văn bằng chứng chỉ gốc của NLĐ, tránh tình trạng NLĐ bị hạn chế các quyền dân sự khác...

Tuy nhiên, dự thảo cũng đưa ra khá nhiều điều chưa hợp lý, cụ thể là quy định những nơi chưa thành lập CĐ thì tập thể NLĐ được bầu ban đại diện bảo vệ quyền lợi cho họ. Theo các đại biểu: "Nếu thế thì thành lập CĐ chứ việc gì phải bầu ban đại diện", bởi lẽ: CĐCS có tư cách pháp nhân, có quyền nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật. Còn ban đại diện chỉ có thể đại diện theo uỷ quyền, nên không đủ điều kiện bảo vệ NLĐ.

Một vấn đề nữa cũng được nhiều người góp ý, đó là dự thảo quy định cả việc ký kết thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ở khu công nghiệp (KCN), trong khi KCN gồm nhiều DN hoạt động các ngành nghề khác nhau, không có những "điểm chung" thì ký TƯLĐTT làm gì? Hơn nữa, hiện nay chúng ta vẫn chưa "tìm ra" chủ thể đích thực đại diện cho NSDLĐ ở từng ngành nghề, huống hồ các KCN đa ngành nghề thì ai là đối tác của CĐ để ký TƯLĐTT?
 
Bên cạnh đó, dự thảo còn cho phép NSDLĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ trong trường hợp vì lý do kinh tế mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc, điều này rất dễ bị các chủ DN nhập nhèm, lợi dụng. Đáng nói, quy định về lao động "phái cử" thực chất là cho thuê lao động, sẽ đẩy NLĐ vào tình trạng đã khốn khổ lại càng khốn khổ hơn, bởi "một cổ vài ba tròng". Chưa hết, dự thảo lần này còn cho phép NSDLĐ ký HĐLĐ "chuỗi", đẩy NLĐ vào thế hết sức bất lợi...

Theo ý kiến chung của các đại biểu, khi xây dựng dự thảo sửa đổi một đạo luật lớn như BLLĐ, Ban chỉ đạo cần họp với Ban soạn thảo để chỉ đạo từ trước, nhằm tránh tình trạng "lợi bất cập hại".

Nguồn: Báo Điện tử Lao động

Các văn bản liên quan