Góp ý của đại biểu Quốc hội Vũ Văn Ninh – Bộ trưởng Bộ Tài chính

Thứ Tư 15:53 25-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Qua ý kiến thảo luận của các vị đại biểu ở tổ và ở Hội trường, đã có một số ý kiến liên quan đến vấn đề đầu tư nhà ở cho 3 đối tượng, học sinh sinh viên, công nhân và người có thu nhập thấp. Chúng tôi xin được báo cáo thêm với Quốc hội một số nội dung về các thông tin mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm.

Trước hết, về chính sách đối với nhà ở, đây là một vấn đề rất lớn, chính sách lâu dài, làm sao đảm bảo cho các đối tượng có thu nhập thấp, học sinh, sinh viên và công nhân hiện nay thu nhập chưa thể bỏ ra mua nhà được ngay. Giống như ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Thời ở Thái Nguyên, trên tinh thần Chính phủ thảo luận và phân tích thì thấy rằng hoặc Nhà nước chúng ta có nguồn lực lớn, có ngân sách khá thì bỏ tiền ra xây dựng toàn bộ, sau đó cho thuê hoặc bán trả chậm thì đó cũng là một hình thức, một biện pháp. Hình thức thứ hai là cũng có đại biểu nói rằng có những khoản trợ cấp trực tiếp cho những người, những đối tượng có thu nhập thấp này để được hưởng quyền lợi đúng đối tượng.

Thưa Quốc hội, rất nhiều cơ chế, chính sách của chúng ta đang đi theo hướng đó. Ví dụ vừa qua trợ cấp một số mặt hàng cho người dân tộc thiểu số, đồng bào miền núi hiện nay Chính phủ chuyển sang hình thức trợ cấp trực tiếp bằng tiền cho người dân tự quyết định mua số lượng bao nhiêu, mua mặt hàng gì. Có nhiều mặt hàng khác, kể cả nhà ở tôi sẽ báo cáo thêm.

Hình thức thứ ba là cộng cả nguồn của nhà nước và của xã hội, cũng như khuyến khích các thành phần kinh tế để huy động nguồn lực tối đa cho nhu cầu đầu tư này. Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng xây dựng đề án trình Chính phủ, khoảng tháng 3 đầu tháng 4 Bộ Xây dựng đã có báo cáo về đề án cho Chính phủ, Chính phủ đã phê duyệt bằng Nghị quyết số 18 ngày 20 tháng 4 năm 2009 phê duyệt cơ chế chính sách về phát triển nhà ở cho học sinh, sinh viên, các cơ sở đào tạo và nhà ở cho công nhân lao động, các khu công nghiệp tập trung, nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Để trả lời câu hỏi của đại biểu có nói nên có đề án, đề án này Chính phủ đã phê duyệt. Với đề án này nhu cầu đầu tư xây dựng nhà ở cho các đối tượng này rất lớn, nguồn lực cũng rất lớn, trước mắt ngân sách chúng ta chưa thể đáp ứng được ngay. Chính vì thế đã tính toán các phương án cân đối để đưa ra làm thế nào trong một thời gian ngắn chúng ta có thể thực hiện được.

Ví dụ, học sinh theo thống kê của Bộ Xây dựng thì đến nay khoảng 20% học sinh, sinh viên được thuê có chỗ ở, cho nên mục tiêu của chúng ta trong một thời gian ngắn nào đấy để được khoảng 60% số học sinh, sinh viên có nhu cầu về chỗ ở được thuê chỗ ở, tôi nói ví dụ một chuyện như vậy. Về chính sách đã có thì đã thực hiện như thế nào, báo cáo với Quốc hội, về chính sách đất đai hiện nay Chính phủ cũng đã vận dụng những nghị quyết, quyết định của Quốc hội rồi các luật cũng đã giao cho các địa phương, đối với những dự án được khuyến khích đầu tư thì cũng đã miễn, giảm tiền thuế đất đến mức tối đa. Tôi ví dụ như dự án nhà ở nhưng gắn với việc xã hội hóa, y tế, giáo dục cũng đã được miễn.

Thứ hai, đối với chính sách tín dụng cũng đã vận dụng đưa đối tượng về xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên được vào đối tượng ưu đãi đầu tư.

Thứ ba, đối với việc mua trả chậm, hiện nay các ngân hàng cũng đang triển khai các cơ chế chính sách để cho những đối tượng có nhu cầu về mua nhà ở, mua sắm tài sản nói chung trong đó có nhà ở được trả chậm nhưng mức ưu đãi này cũng chưa thật cao lắm.

Thứ tư, đối với nhà ở cho người nghèo ở nông thôn, Chính phủ cũng đã ban hành một nghị định và có hướng dẫn. Đối với nông thôn thì có việc như sau: hiện nay theo khảo sát của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với các bộ thì có khoảng 500.000 hộ nông dân hiện nay chưa có nhà ở kiên cố, đấy là chưa kể đến các đối tượng ở các vùng lũ lụt, sắp tới đây Chính phủ sẽ nghiên cứu cơ chế chính sách. Như vậy dự kiến sẽ giải quyết trong khoảng 3 năm cho những đối tượng này có được nhà ở đạt tiêu chuẩn tối thiểu. Trong đó chính sách là Nhà nước cho trực tiếp hộ dân là cho không khoảng 6-7 triệu đồng/ 1 hộ. Thứ hai là cho vay không lãi cũng khoảng độ cỡ 6-7 triệu đồng/1 hộ. Còn lại khoảng độ 6 - 7 - 8 triệu đến 10 triệu thì huy động bản thân gia đình, huy động cộng đồng dân cư và các doanh nghiệp hỗ trợ vào đây để xây dựng nhà thì vừa rồi các đại biểu cũng thấy các cơ quan thông tin đại chúng triển khai chương trình này ở các địa phương rất tích cực và rất nhiều hộ dân đã bắt đầu có nhà ở. Đấy mới được một phần về hộ nông dân, hộ nghèo thôi, còn hộ mà thu nhập thấp thì hiện nay còn rất lớn.

Vấn đề thứ ba, đối với nhà ở cho sinh viên, báo cáo với Quốc hội, chính vì hiện nay cơ chế chúng ta khuyến khích nó chưa được tốt cho nên hầu như không có doanh nghiệp nào tự bỏ vốn ra đầu tư nhà cho thuê cho sinh viên. Ở Hà Nội trước đây có làm thí điểm làng Hasincô đã xây dựng nhà ở cho sinh viên nhưng mà ưu đãi thời gian ngắn quá, cho nên hết thời gian ưu đãi đấy thì doanh nghiệp lại nâng giá lên, cho nên sinh viên cũng không thuê được vì thời gian ưu đãi lúc bấy giờ chúng ta chưa có cơ chế chính sách nên Hà Nội vận dụng dùng ngân sách của địa phương để cho ưu đãi, trong đó có ưu đãi về vốn vay lãi suất thấp.

Nhà ở cho sinh viên có một ý nữa là vừa rồi Chính phủ đã trình với Quốc hội cho phát hành thêm 20.000 tỷ đồng về trái phiếu Chính phủ để thực hiện mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, trong đó có dành cho 3.500 tỷ để xây dựng nhà ở cho sinh viên, nhưng thưa với Quốc hội là nhu cầu rất lớn mà hiện nay mới dành được khoảng 3.500 tỷ thôi, chương trình này tiếp tục sang năm 2010 - 2011 còn phải làm tiếp nữa. Dự kiến cũng phải vài chục nghìn tỷ và phải làm trong một số năm, phần của Nhà nước cũng chỉ làm có mức độ. Với tính toán như vậy nếu Nhà nước có ngay nguồn lực bỏ ra thì không phải nói nữa, nhưng thấy Nhà nước bỏ ra với nguồn lực như hiện nay thì rất khó khăn, cho nên đối tượng rất rộng. Chính vì vậy vừa phần Nhà nước bỏ tiền ra xây dựng, nhưng vừa một phần nữa là bằng chính sách để huy động các nguồn lực của xã hội để đầu tư vào đây. Trên thực tế tôi nói lại là ở Hà Nội ngày trước cũng làm được việc này nếu như có ưu đãi, nếu Nhà nước có chính sách. Hiện nay không phải chỉ Việt Nam chúng ta, mà các nước cũng áp dụng chính sách ưu đãi trong đó có ưu đãi về đất đai, ưu đãi về tín dụng, ưu đãi về thuế và 3 lĩnh vực ưu đãi vô cùng quan trọng mà các nhà đầu tư đều nhìn vào đó để họ có đầu tư dài hạn, đầu tư để phục vụ cho những đối tượng. Đây chính là một chính sách để chúng ta khuyến khích thành phần kinh tế bỏ tiền thêm vào đầu tư giải quyết những vấn đề chung của xã hội.

Vấn đề thứ ba, chúng tôi xin báo cáo rất ngắn gọn về vấn đề quản lý. Đúng là trong quá trình triển khai thực hiện, vấn đề quản lý rất phức tạp, đại biểu nói rất chính xác. Nếu chúng ta quản lý không tốt thì có thể ưu đãi này không đến được với đúng đối tượng và lường trước được những việc như vậy, rút kinh nghiệm của cả một quá trình trong thời gian qua, Chính phủ đã thảo luận và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 quyết định. Quyết định số 67 ngày 24/4/2009 ban hành chính sách đối với người có thu nhập thấp về nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Quyết định số 65 ngày 24/4 ban hành cơ chế chính sách về nhà ở cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề thuê. Quyết định số 65, 66, 67, 3 chính sách này ban hành cùng một ngày cũng là chính sách nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê.

Tôi không đọc lại những quyết định nhưng trong này cũng đã có những quy định về tiêu chí và giao trách nhiệm cho từng cơ quan của Trung ương cũng như địa phương làm thế nào để quản lý, đảm bảo được ưu đãi của Nhà nước đến đúng đối tượng. Chúng tôi trích ra một phần quy định trong này ví dụ giá quy định như thế nào? quy mô xây dựng ra sao để làm sao trước mắt hướng vào đây để đảm bảo mục tiêu của chính sách đã đặt ra.

Ý cuối cùng, chúng tôi xin báo cáo Quốc hội về chính sách ưu đãi đối với đầu tư mở rộng. Luật trước năm 2009 chúng ta có ưu đãi mở rộng bất cứ dưới hình thức nào cũng đều được ưu đãi đầu tư mở rộng, kể cả đầu tư mua sắm thêm máy móc thiết bị trong một doanh nghiệp ở địa bàn đầu tư cũng được. Trong quản lý vô cùng phức tạp, như trong một dây chuyền sản xuất chỉ cần thay một cái máy mà người ta khai ra là vì tôi thay đổi đầu tư cho nên tăng trưởng được, có lợi ích nên đề nghị phải ưu đãi thuế, thì trong quản lý thực sự có sự lợi dụng và quản lý rất khó. Chính vì thế cho nên lúc bấy giờ Chính phủ mới đặt ra phải có điều kiện mới được, để tránh chuyện lợi dụng, thì đưa ra tiêu chí phải thành lập pháp nhân mới. Lúc đó quan niệm chúng ta thành lập pháp nhân mới rất thuận lợi, nhưng trên thực tế có những đề nghị người ta cho rằng thành lập pháp nhân mới dù thế nào đi chăng nữa cũng phải tăng chi phí, cũng vẫn phải làm các thủ tục cho nên người ta không thành lập pháp nhân mới.

Nhưng có những doanh nghiệp đầu tư hẳn một dây chuyền sản xuất mới, thực sự là có thật, trên thực tế chúng tôi đi khảo sát và thấy rằng có thật, và đầu tư vào địa bàn được khuyến khích ưu đãi đầu tư. Chỉ có khác nhau là một anh thành lập pháp nhân mới và một anh không thành lập pháp nhân mới, thì hiện nay luật chúng ta quy định anh không thành lập pháp nhân mới không được ưu đãi. Với ý nghĩa về bản chất mà nói đều là tạo ra sản phẩm, tạo ra đầu tư tại địa bàn ấy mình cần phải khuyến khích. Cho nên chúng tôi đưa ra một số điều kiện, với những điều kiện như vậy nên cho ưu đãi đầu tư, thực ra cũng là khuyến khích để phát triển sản xuất ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, hoặc địa bàn khó khăn, tôi xin báo cáo lại về ý nghĩa của chỗ đó.

Trong chính sách thì quá trình vận động cũng có cái chúng ta nhận thức chưa hết, chính trong quá trình vận động đó dần dần chính sách mới hoàn thiện. Đặc biệt đối với đất nước chúng ta đang chuyển đổi sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngay kể cả lĩnh vực ưu đãi đầu tư cũng vậy, tại những thời điểm khác nhau thì quan điểm khác nhau. Ví dụ như đối với Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đến nay cũng không phải bất cứ doanh nghiệp nào vào cũng ưu đãi, nhưng trước đây thời kỳ đầu của thời kỳ mở cửa thì có khi doanh nghiệp gì, sản phẩm gì cũng ưu đãi. Việc chỉnh lý lại các văn bản thì chúng tôi cho rằng để cho nó phù hợp với thực tiễn thì cũng mong Quốc hội xem xét và chấp nhận. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan