Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Đình Khanh – Hải Dương

Thứ Tư 13:59 26-05-2010

 Kính thưa Đoàn chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết tôi thể hiện sự nhất trí cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật thuế nhà, đất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do đồng chí Phùng Quốc Hiển trình bày. Vì có một số đại biểu phát biểu là không nên đưa thuế nhà ra khỏi dự thảo luật lần này, tôi cũng phải thể hiện chính kiến của mình và ý kiến của rất nhiều cử tri tham gia với chúng tôi khi đi họp Quốc hội lần này, đề nghị với Quốc hội chưa nên đưa thuế nhà vào Luật thuế nhà, đất. Bởi vì thực ra đánh thuế nhà là đánh thuế tài sản, chúng ta có thể có một luật thuế về tài sản riêng, bởi vì ngoài nhà ra còn có những cái khác nữa, như máy bay, du thuyền, như cổ phiếu, cổ phần v.v.... những thứ đó có giá trị tài sản lớn hơn rất nhiều lần.

Khi nào chúng ta có điều kiện thì chúng ta soạn luật riêng về thuế tài sản. Hơn nữa không phải chỉ đưa vào luật một sắc thuế này mà điều tiết được thị trường bất động sản hiện nay. Tôi cho có nhiều sắc thuế khác nữa cũng có thể tác động, như Thuế thu nhập cá nhân, Thuế chuyển quyền sử dụng và ngay trong luật này chúng ta có thể quy định những hạng mức thuế khác nhau, có thể nâng thêm nữa thì cũng có thể góp phần điều tiết giá đất mà giá đất mới là quan trọng. Nhiều khi người ta mua chỉ là mua đất chứ không phải mua nhà, nhà trên đó có thể phá đi để làm cái nhà khác, người ta không tính giá trị ngôi nhà, chủ yếu là giá đất ở vị trí đắc địa thì đắt.

Về những nội dung cụ thể, tại Điều 3 quy định đối tượng không chịu thuế, Khoản 5 đề nghị thay từ "đất xây dựng" bằng "xây dựng", bởi vì đất có công trình là đền, miếu, một khoảnh đất rất rộng hàng mẫu chẳng hạn chỉ có một cái đền, một cái miếu hay một cái nhà thờ mà mình miễn cả thì cũng không được. Ở đây theo tôi nên viết là: Đất xây dựng công trình là "đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ" để rõ đất ấy được miễn. Tương tự như ở Khoản 6 nói: Đất xây dựng trụ sở cơ quan.

Điều 4 người nộp thuế, Mục c, Khoản 3 tôi đề nghị bỏ cụm từ "trước khi tranh chấp được giải quyết" bởi vì ta không cần đưa cái này vào cũng rõ nghĩa rồi, nếu đưa vào có khi lại khó hiểu thêm. Trường hợp đất đã được cấp giấy chứng nhận nhưng đang có tranh chấp thì người đang sử dụng đất là người nộp thuế, không cần nêu "trước khi có tranh chấp được giải quyết".

Điều 6 giá tính thuế, Điểm a ghi: "Diện tích đất tính thuế là diện tích đất thực tế đang sử dụng", tôi thấy dùng chữ "thực tế đang sử dụng" chưa đủ bởi vì có những cái không sử dụng vẫn phải nộp, ở những điều sau ta có quy định, tôi đề nghị "thực tế đang sử dụng và có quyền sử dụng". Bởi vì anh có quyền sử dụng đất rồi anh không sử dụng, anh bỏ hoang thì vẫn phải đóng thuế, anh có sử dụng đâu mà gọi là đang sử dụng.

Trong Điểm a ghi: "Trường hợp có quyền sử dụng nhiều thửa đất thì diện tích tính thuế là tổng diện tích các thửa đất tính thuế". Tôi đề nghị đưa tất cả Khoản 3, Điều 8 lên cho rõ; Khoản 3, Điều 8 đặt ở đó không đúng lắm, bỏ câu này đi đưa lên điều này.

Điều 7 về thuế suất, tôi đề nghị nên thêm bậc 4, bậc 5, ví dụ bằng 5 và trên 5 lần hạn mức; với bậc 5 là trên 7 lần hạn mức thì thuế suất là 0,15 và 0,2% đây chính là để góp phần hạn chế đầu cơ đất, tức là nâng hẳn lên đối với những người sử dụng quá nhiều đất thì ta nâng thuế suất cao hẳn lên.

Điểm b, Khoản 2, Điều 7 tôi đề nghị bỏ vì đưa cái này vào cũng thừa. Trường hợp hạn mức đất ở theo quy định trước ngày luật này có hiệu lực mà bằng hạn mức đất ở mới thì áp dụng hạn mức giao đất ở mới để làm căn cứ tính thuế, nó chẳng có ý nghĩa gì cả bởi vì cũ mới bằng nhau, chẳng cần phải tính nó và đương nhiên ta lấy nó, lấy cái mới hay cái cũ nó đều thế. Như vậy điểm này quy định là thừa.

Về Chương III miễn giảm thuế, tôi thống nhất với đại biểu Nguyễn Đình Liêu ở Ninh Thuận. Chúng ta cần rà soát kỹ lại vì còn sót rất nhiều và có những cái chưa thực sự hợp lý. Tôi xin góp ý kiến như vậy. Xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan