Góp ý của chuyên viên kinh tế – Lê Văn Tứ

Thứ Tư 10:39 20-01-2010

 

Dự luật thuế nhà đất

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN XEM XÉT LẠI SAO CHO CHÍNH DANH

 

                                                                                    Lê Văn Tứ

                                                                                    Chuyên viên kinh tế

           

 Dự luật thuế nhà đất đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng để trình ra Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5-2010. Tuy nhiên qua các cuộc hội thảo, những vấn đề có tính triết lý của thuế này dường như ít được quan tâm, mà đó lại là những vấn đề cơ bản giúp định hướng cho các chính sách cụ thể. Bởi vậy Dự Luật còn có một số vấn đề cần được xem xét lại.

            1. Trước hết cần thấy rằng thuế nhà đất với nội dung đề cập trong Dự luật là một thuế rất mới ở nước ta. Thuế nhà đất ở là mới, thuế đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp cũng là mới, tuy thuế điền (thuế đất nông nghiệp) đã có ở nước ta từ hàng ngàn năm trước. Cho nên nếu nói tới “thông lệ”, thì thuế này không phải là thông lệ ở nước ta. Vì thế nó cần được đầu tư nghiên cứu cẩn trọng, không thể đơn giản hoá. Thực tế cho thấy chúng ta đã không làm được như vậy. Dự luật quá sơ sài, vẻn vẹn chỉ 4 trang A4, nặng về xác định chủ trương hơn là chế định một loại thuế cụ thể. Việc thảo luận góp ý cho Dự luật lại tập trung nhiều vào những vấn đề cụ thể, chi tiết, trong khi nhiều vấn đề về quan điểm đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ để có định hướng rõ.    

2. Hãy bắt đầu từ định nghĩa : thuế nhà đất là gì ? Nếu nói rằng đó là thuế thu vào nhà và đất thì cũng như không nói gì cả, còn nếu nói đó là thuế tài sản thì chính định nghĩa của nó lại phủ định ngay nó, bởi vì chúng ta không thể đánh thuế vào tài sản, dù là  của cá nhân hay của doanh nghiệp. Vì sao ? i) Tài sản là những gì người ta mua sắm được bằng thu nhập sau khi đã nộp thuế thu nhập cá nhân, vậy là một lần đã nộp thuế. Sau khi dùng số tiền trên mua các vật dụng cần cho cuộc sống hàng này, số còn lại mới tích cóp, có khi nhiều năm, để có đủ tiền mua hay xây dựng nhà ở (gồm cả đất). Tất nhiên đến khi mua hay xây nhà, lại phải nộp một lần thuế nữa trong giá nhà đất và vật liệu xây dựng phải mua. Bây giờ, nếu thuế nhà đất được ban hành, lại phải nộp thêm thuế nhà đất. Đây là lần nộp thuế thứ ba, lần này không phải nộp một lần, mà phải nộp đều đặn hàng năm. ii) Nhà và đất ở, xét về công dụng vật chất, cũng chỉ là một loại hàng tiêu dùng như mọi hàng tiêu dùng khác. Chúng ta đánh thuế vào hàng mà người dân đã mua để tiêu dùng cá nhân sao ? Thêm nữa, sử dụng nhà để ớ là hành vi tiêu dùng, không tạo ra thu nhập. Cho nên muốn nộp thuế lại phải khấu vào thu nhập sau thuế thu nhập cá nhân. Hơn nữa, mỗi người đều có nhiều loại tài sản. Tại sao lại chỉ đánh thuế vào tài sản là nhà đất ở mà không đánh vào các tài sản khác, cũng không đáng vào nhà kinh doanh ? iii) Hiến pháp bảo hộ quyền sở hữu tài sản của công dân, đánh thuế tài sản phải chăng là thể hiện chính sách hạn chế sở hữu tài sản ? iv) Đường lối kinh tế của nước ta trong giai đoạn hiện nay có thể tóm gọn trong cụm từ “dân giàu, nước mạnh”. Đánh thuế nhà đất ở phải chăng là sự thể hiện chính sách hạn chế “dân giàu” ? 

 Những điều nêu trên cho thấy ngay từ định nghĩa, thuế nhà đất đã không chính danh vì không phù hợp với lý lẽ thông thường. Thế nhưng ngoài định nghĩa là thuế tài sản, thuế nhà ở không thể có một định nghĩa nào khác. Điều này cho thấy tính khiên cưỡng của việc đánh thuế nhà ở. Ngay từ chủ trương, các nhà hoạch định chính sách thuế nhà ở cũng muốn rằng phần lớn dân không phải nộp thuế này. Vì sao vậy ? Cần xác định rằng chúng ta không thu thuế nhà ở không phải vì dân ta còn nghèo, mà vì thuế nhà ở không có cơ sở kinh tế, không phù hợp với Hiến pháp và đường lối phát triển kinh tế hiện nay ở nước ta.

            3. Tuy không thu thuế nhà ở, nhưng vẫn cần thu thuế đất, song cần hiểu thuế đất không phải là thuế tài sản, mà là thuế sử dụng đất như sử dụng một tài nguyên quốc gia.  Ở trên người viết đã kiến nghị không thu thuế nhà ở. Về đất ở, cần thấy rằng một khi nhà đã được xây dựng, thì nhà đất gắn với nhau làm một. Đất không còn là đất nữa, mà đã là nền nhà. Cho nên nếu đã không thu thuế nhà ở thì cũng không nên thu thuế đất ở, coi đó như là thực hiện chủ quyền đất đai của từng công dân trong chủ quyền đất đai chung của quốc gia. Nhà nước bảo đảm cho mỗi công dân có một mảnh đất “cắm dùi”. Tuy nhiên đất ở không thu thuế cũng cần có mức độ, thể hiện trong hạn  mức đất ở miễn thuế.

 Với nội dung là thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật này coi như là sự bổ sung cho Luật sử dụng đất nông nghiệp hiện hành và từ đó hoàn chỉnh hệ thống thuế sử dụng đất. Với quan điểm này, có thể sửa tên Luật thuế đang bàn là Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp với tinh thần là chỉ thu vào đất sản xuất kinh doanh. Nhằm mục đích này, Luật chỉ cần ghi rõ các loại đất được miễn thuế. Thuế sử dụng đất có cơ sở kinh tế của nó, đó là hoa lợi khai thác được từ đất. Đây là điểm rất khác thuế nhà ở, nếu được ban hành. Để có tiền nộp thuế nhà ở, người ta phải trích từ thu nhập sau thuế. Còn nguồn tiền nộp thuế sử dụng đất là hoa lợi từ đất. Với quan niệm này sẽ thấy được cơ sở xác định chính sách cụ thể về mức thuế là lý thuyết kinh tế học về địa tô. Vấn đề đang bàn là thuế đất phi nông nghiệp trong điều kiện công nghiệp hóa, đô thị hoá với nhịp độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất cao như đã thấy ở những khu vực khác nhau. Hoa lợi từ đất phi nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nhân tố này và do đó nó có thể biến đổi nhanh trong từng khu vực, thậm chí trong những khu vực tương đối hẹp. So với đất nông nghiệp, việc xác định hoa lợi từ đất phi nông nghiệp khó hơn nhiều. Và đây chính là vấn đề khó nhất trong việc hoạch định chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Muốn làm tốt việc này cần có những tài liệu điều tra, nghiên cứu khoa học nghiêm túc và vì thế phải có lực lượng nghiên cứu và phải có thời gian. Song hình như vấn đề điều tra, nghiên cứu về hoa lợi từ đất ở những khu vực đô thị điển hình, trên cơ sở đó tiến hành phân hạng, xếp loại đất, xác định hệ số giữa các hạng đất hình như còn chưa được đặt ra. Nếu tính tới yêu cầu này và cũng là bảo đảm thành công của loại thuế mới này, Dự luật cần dành thêm thời gian nghiên cứu bổ sung, không thể thông qua và triển khai như đã dự kiến.

            4. Đến nay mục tiêu của thuế nhà đất vẫn chưa được minh định. Dự luật không thấy ghi, các tác giả Dự luật cũng không thấy giải trình. Trước hết là mục tiêu tài chính chưa rõ, tức là chưa trả lời câu hỏi thuế này góp phần thế nào vào giảm bội chi ngân sách hiện nay, một vấn đề Quốc hội rất băn khoăn khi thông qua chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2010. Chưa rõ mục tiêu tài chính, chưa thể bàn về thuế cao hay thấp. Về mục tiêu kinh tế - xã hội, điều hầu như được nhấn mạnh là chống đầu cơ bất động sản. Nếu coi đó là mục tiêu, chính sách cụ thể của thuế này sẽ lạc hướng. Chúng ta có nhiều loại thuế, trong đó có nhiều thuế trực tiếp thu vào hoạt động kinh doanh, nhưng không có thuế nào xác định mục tiêu là chống đầu cơ. Người chủ trương sử dụng thuế nhà đất để chống đầu cơ bất động sản luôn hướng thuế nặng vào người có nhiều nhà đất, vô hình trung gộp người có nhiều nhà đất vào hàng ngũ kẻ đầu cơ, trong khi theo Luật hình sự, đầu cơ là một tội với đặc trưng là lợi dụng khó khăn kinh tế, thu gom và găm giữ hàng hoá, gây ra tình trạng khan hiếm giả tạo để trục lợi. Cho nên sẽ rất thiển cận nếu xếp những người kinh doanh địa ốc, với vai trò thương nhân, thấy ai cần bán bất động sản là họ mua, thấy ai cần mua là họ bán, vào hàng ngũ đầu cơ, trừ phi họ không có hành vi mang đặc trưng tội đầu cơ. Mục tiêu kinh tế - xã hội của thuế nhà đất cần được nhấn mạnh và quán triệt trong các chính sách cụ thể phải là : i) Khuyến khích người dân cần kiệm làm giàu để xây cất nhà ở ngày càng khang trang hơn, hiện thực hóa đường lối “dân giàu, nước mạnh”. Thuế nhà đất không nên chĩa mũi nhọn vào người có nhiều nhà đất.  ii) Khuyến khích sử dụng đất có hiệu quả cao. Hễ có quyền sử dụng đất là phải nộp thuế, bất kể có sử dụng hay để hoang hóa, không cần dùng biện pháp hành chính kiểm tra, đôn đốc sử dụng. iii) Tái phân phối hợp lý hoa lợi từ đất, góp phần thực hiện công bằng xã hội. Có hoa lợi lớn nộp nhiều, hoa lợi nhỏ nộp ít. Những mục tiêu này dường như không mấy khi được nhắc tới, cũng chưa thấy dùng để giải trình các chính sách cụ thể.

            5. Một điều cần nhấn mạnh nữa là Dự luật hầu như dành hết quyền quyết định chính sách cụ thể cho Chính phủ. Trong bất cứ loại thuế nào, để tính được thuế, Luật đều phải xác định rõ hai căn cứ tính thuế là giá tính thuế và thuế suất, trong đó giá tính thuế là đại lượng hình thành khách quan, còn thuế suất là sự áp đặt chủ quan của Nhà nước, cao thấp tùy theo yêu cầu của ngân sách. Tuy nhiên trong Dự luật thuế nhà đất, cả hai căn cứ này đều mang tính áp đặt chủ quan của Nhà nước. Áp đặt thuế suất đã đành, nhưng áp đặt cả giá tính thuế. Thí dụ : giá tinh thuế nhà chủ yếu phụ thuộc vào tỷ lệ phần trăm (do Chính phủ quy định) trên đơn giá 1m2 nhà ở xây dựng mới do UBND tỉnh, thành quy định. Giá tính thuế đất cũng là giá đất do UBND tỉnh, thành quy định. Cần áp dụng cách tính thuế trong đó một căn cứ là khách quan (diện tích sử dụng), căn cứ kia là áp đặt chủ quan (thuế suất). Muốn vậy phải áp dụng thuế suất cố định tính trên 1m2 nhà đất sử dụng. Vì thuế suất mang tính áp đặt chủ quan nên phải do Quốc hội quyết định và được ghi trong luật. Đây là điều kiện bảo đảm quyền của Quốc hội trong hoạch định chính sách thuế. Nhân đây có lẽ cũng cần nhắc lại vết xe “giá đất do chính quyền địa phương quy định” trong Luật đất đai. Hàng chục năm nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết ổn thỏa. Luật thuế nhà đất có nên đi theo vết xe này ?                                                                 

 

Các văn bản liên quan