Góp ý của ông Vũ Xuân Hưng – Giám đốc công ty TNHH Dịch vụ tư vấn và kinh doanh nhà HƯNG VIỆT

Thứ Tư 10:35 20-01-2010

 

BẢN GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT THUẾ NHÀ ĐẤT LẦN 10

19/01/2010

 

Theo dõi qua các bản dự thảo, các diễn dàn, hội thảo liên quan tôi nhân thấy: Có nhiều ý kiến, phương án đa chiều, nhưng chọn phương án nào về thuế đối với nhà cũng rất phức tạp, khó khăn.  Đối với thuế đất đa số ủng hộ là phải thu thuế quyền sử dụng đất.

Tôi xin bắt đầu bài tham luận bằng một số vấn đề cụ thể:

Một người có thu nhập cao đã đóng thuế thu nhập cao, dùng tiền sau thuế tích lũy mua nhà lại phải đóng thuế nhà? Có chồng chéo không?

Nhà là tài sản như bao tài sản khác như xe hơi tàu thuyền….thuộc chế định quyền sở hữu liên quan Hiến pháp (Đ 58) vậy sao nhà thì thu thuế mà các tài sản khác lại không?

Thu Thuế nhà có phải cứ có nhà sẽ bị thu hay chỉ thu với một số trường hợp nhất định?....

 

I/ Điểm thay đổi đáng ghi nhận của dự thảo lần 10 so với trước đây.

-       Khoản 3 Điều 2 Đối tượng chịu thuế đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các lần dự thảo trước đã bỏ câu ”Đối tượng chịu thuế quy định tại điều này không bao gồm các trường hợp theo quy định tại Điều 3 Luật này”

-       Điều 4 chi tiết hơn các trường hợp của người nộp thuế

-       Tách riêng giá tính thuế với nhà riêng (Đ.6) và đất riêng một điều luật(Đ 7) chứ không gộp chung vào một điều như trước (Đ 6)

-       Về Miễn thuế bỏ các câu “các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ” thay bằng UBTVQH như vậy phù hợp với thẩm quyền do Hiến Pháp quy định trong việc quyết định các vấn đề quan trọng.

-       Về căn cứ tính thuế đưa ra nhiều phương án hơn (trị giá nhà, diện tích sàn xây dựng và số lượng nhà) về trị giá nhà làm căn cứ tính thuế cũng nâng cao hơn trước Dự thảo lần 4 tháng 8/2009 từ 600 triệu và khi ra thảo luận tại QH vừa qua còn 500 triệu nay là 01 tỷ đồng như vậy về đối tượng nhà chịu tác động của thuế đã giảm hẳn dẫn đến phần lớn nhân dân hiện nay không thuộc đối tượng điều chỉnh của luật.

-       Lùi thời hạn có hiệu lực của luật là hợp lý tạo điều kiện chuẩn bị tốt trong áp dụng và thi hành luật.

 

II/ Quan điểm cụ thể về lựa chọn các phương án do Ban soạn thảo đưa ra

1.Về đối tượng chịu thuế:  (Đ.2)

 Tôi đồng ý vẫn đưa Nhà vào đối tượng chịu thuế vì các lý do sau (Phương án 1):

- Trước hết xét về mặt quan điểm việc áp dụng thu thuế về nhà là có lợi hay có hại (xét cả hai chủ thể là Nhà nước và nhân dân). Nhà nước thì đã rõ tôi xin khô bàn đến mà xét đến lợi ích chung của nhân dân trước. Mới nghe là thu thuế nhà ai cũng co thể thấy rằng là bất lợi cho nhân dân, nhưng thực chất nhân dân ở dây theo tôi cũng có thể tạm phân biệt làm hai vế là người dân có thu nhập thấp và người dân có thu nhập cao nhất là trong giai đọan hiện nay sự phân hóa giàu nghèo ngày càng mãnh liệt. Nước ta đa số là thuộc diện có thu nhập thấp như vậy chỉ cần quy định làm sao khi thu thuế nhà không đánh vào đối tượng này mà chỉ đánh vào đối tượng có thu nhập cao, sở hữu nhiều nhà một mặt nhằm hạn chế đầu cơ, điều chỉnh thu nhập, bổ sung ngân sách nhà nước để tăng phúc lợi xã hội phục vụ trở lại đa số nhân dân, như vậy khi thu thuế nhà với ý nghĩa như trên là có lợi cho đa số nhân dân và trong trường hợp không thu thuế nhà thì chỉ có lợi cho thiểu số.

- Về tên gọi Thuế nhà, đất không phải là lần đầu chúng ta quy định thực tế đang có pháp lệnh thuế Nhà, Đất 10/8/1992 và Pháp lệnh sửa đổi 03/6/1994 như vậy tên gọi đã là thuế nhà, đất rồi chỉ có điều là tạm thời chưa quy định, chưa thu thuế về nhà thôi. Thuật ngữ Thuế nhà đã tồn tại hơn 18 năm nay và các chuyên gia, nhân dân và nhà nước không có ý kiến cụ thể gì..Ngay cả khi ban hành Luật quản lý Thuế 29/11/2006 (Luật xây dựng khá hoàn chỉnh với 120 điều luật) cũng có đề cập đến thu thuế nhà, cụ thể Điều 72 Tại Điểm b, Khỏan 2 quy định:“Cơ quan quản lý nhà nước về nhà, đất có trách nhiệm cung cấp thông tin về hiện trạng sử dụng đất, sở hữu nhà của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân;”.Đó là quy định của tiêu đề Điều 72 về Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin về người nộp thuế.

- Về lý lẽ tôi đồng ý với Ban soạn thảo nhất là ở chỗ cần quy định căn cứ tính thuế sao cho đối tượng áp dụng hẹp và như vậy đa số người dân chưa chịu tác động của thuế. Để khác phục việc khi nghe thuế Nhà là phản đối ngay chúng ta cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền phổ biến để nhân dân hiểu là không phải cứ có nhà là bị đánh thuế…

Về phần này tôi xin phản biện lại Phương án 2 mà Ban soạn thảo đưa ra ở chỗ khi nói rằng đại đa số nhân dân có mức sống thấp thì không nên đưa nhà vào diện chịu thuế. Đã là thu nhập thấp thì  đâu có thuộc đối tượng điều chỉnh của luật nữa vì chúng ta đã quy định về các căn cứ tính thuế nhất định rồi.

-       Việc đưa ra các lọai thuế và thu thuế là một trong những đặc trưng cơ bản bất kỳ nhà nước nào (mang tính giai cấp). Trên bình diện thế giới thu Thuế về tài sản (Property Tax) đánh thuế căn cứ vào giá trị tài sản là phổ biến và được áp dụng tại nhiều nước điển hình như: Úc, Ấn độ, (đánh thuế căn cứ giá trị tài sản) Hà lan (có thuế nhà là một thú địa phương đánh vào chủ sở hữu) , tại Anh có thuế Nhà, tại Mỹ có thuế tài sản (Nhà cửa, xe cô tàu thuyền….)(1)

Xét trong bình diện tổng thể về tính hợp lý của sắc thuế này là đánh trên quyền sở hữu( về đất, đặc thù riêng nước ta là quyền sử dụng đất). Về quyền sở hữu tài sản trong đó có Nhà theo Điều 58 Hiến Pháp Nước CHXHCNVN 1992 sửa đổi 2001: Công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác; đối với đất được Nhà nước giao sử dụng thì theo quy định tại Điều 17 và Điều 18.Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế của công dân.”  Như vậy chúng ta thấy là không có quy định là sẽ đánh thuế hay không.

(1)http://en.wikipedia.org/wiki/Property_tax

Tôi xin phân tích về câu “công dân có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp” trong mối liên hệ về thuế; thực tế chúng ta đang có sắc thuế Thu nhập Doanh nghiệp, Thuế Thu nhập cá nhân….” đã và đang thi hành và được nhân dân chấp thuận, điều đó có thể áp dụng tương tự cho Nhà (tuy nhiên nên cân nhắc kỹ về đối tượng điều chỉnh….) như vậy quy định thu thuế nhà hay không tính hợp lý hay không hợp lý là tương tự.

Vấn đề ở chỗ nếu thu thuế Nhà như vậy vậy các tài sản khác cũng có giá trị lớn như tàu thuyền, xe cộ sao không thu? Theo tôi Nhà đã thu chúng ta cũng thu các tài sản có giá trị lớn khác. (Ví dụ ta có luật thuế động sản và thuế bất động sản).

Vậy khi đưa nhà vào đối  tượng chịu thuế  chúng ta nên cân nhắc là nhà nào? để ở mới thu hay chỉ thu nhà để kinh doanh? Nhà không để ở cũng không kinh doanh thì sao? (VD: trụ sở cơ quan nhà nước, nhà khách của công ty…), Nhà vừa ở vừa kinh doanh thì sao?…., rồi thu thuế nhà căn cứ vào đâu giá trị nhà hay hạn mức m2 sử dụng hay số lượng nhà đang sở hữu?....Theo tôi xuất phát từ tên gọi là Luật thuế nhà, quyền sử dụng đất thì về nguyên tắc chung hiểu là tất cả loại nhà, tất cả quyền sử dụng các loại đất nói chung (kể cả đất nông nghiệp) thuộc đối tượng điều chỉnh của luật, có điều ngòai nguyên tắc chung đó cần có các ngoại lệ như quy định đối tượng không thuộc diện chịu thuế, miễn, giảm….Về việc có thuế chồng thuế hay không? Chúng ta cần xem lại mục đích (đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của từng sắc thuế.Ví dụ một công ty nhập khẩu một chiếc xe hơi phải đóng thuế nhập khẩu cho hành vi nhập khẩu hàng hóa? Sau đó anh ta phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt vì hàng của anh ta được luật cho là hàng hóa xa xỉ, đặc biệt, rồi luật thuế GTGT…. Chúng ta đang áp dụng và có ai đặt vấn đề thuế chồng lên thuế đâu, mà về lý luận lẫn thực tiễn chúng không trùng lên nhau …) có thể áp dụng lý lẽ tương tự như thế với thuế nhà. Ví dụ thu thuế nhà thuộc diện chịu thuế với mục đích để ở và không để ở cũng không hề chồng chéo thuế khi có người cho rằng khi tôi co thu nhập cao tôi đã đóng thuế thu nhập cao, tôi mua hoặc xây nhà đã đóng thuế GTGT cho nguyên vật liệu…nhà lại đóng thuế nhà, hay khi cho thuê nhà tôi đã đóng thuế thu nhập doanh nghiệp… việc đóng thuế là có ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.

- Thêm nữa khi Ban soạn thảo đưa ra các phương án về căn cứ tính thuế nhà và tại các diễn dàn và hội thảo hoặc khi đưa ra Quốc hội bàn thảo trong kỳ họp vừa qua chúng ta thấy cac vị đại biểu rất hào hứng xôi nổi trong việc bàn là thu thuế nhà căn cứ vào đâu, trị giá hay số lượng nhà hay định mức sử dụng….điều này chứng tỏ các vị đó đã có ý là nên quy định đưa nhà vào đối tượng chịu thuế. Tôi nghĩ rằng nếu tôi ngay từ đầu đã không đồng ý đưa nhà vào là đối tượng chịu thuế thế thì tôi cũng không cần bàn thêm là căn cứ để tính thuế nhà làm gì nữa ( Ví dụ tại Tòa Luật sư ngay từ đầu đã nói thân chủ vô tội thì trong bản bào chữa không cần xem xét các tình tiết giảm nhẹ làm gì vì như thế là mâu thuẫn).

2. Về Đối tượng không thuộc diện chịu thuế (Đ2)

Do chọn phương án giữ nguyên câu chữ như pháp lệnh cũ và chúng ta sẽ bỏ quy định tạm thời không quy định và thu thuế nhà mà quy định thu thuế nhà.

 Về đối tượng không thuộc diện chịu thuế nên quy định:

Thêm vào :

Nhà ở duy nhất

Đồng ý theo Điều 3 dự thảo nhưng thay chữ Nhà ở thành Nhà cho bao quát hết (Vì nhà làm trụ sở cơ quan Nhà nước không phải là nhà ở và được miễn thuế). Cần cân nhắc các trường hợp nhà đất của các đại sứ quan, tổng lãnh sự, Nhà, đất chung cư sử dụng chung như nhà cộng đồng……..hoặc quy định các trường hợp khác do UBTVQH quy định,

 

3. Về người nộp thuế(Đ4)

Về câu chữ xin xem phần dưới. Khía cạnh lý luận là ta thu thuế với chủ sở hữu hay với người đang trực tiếp sử dụng (người chiếm dụng, người đi thuê….). Theo tôi do là sắc thuế về tài sản nên sẽ thu vào đối tượng là chủ sở hữu nếu xác định được, trong trường hợp không hoặc chưa xác định sẽ thu với người trực tiếp sử dụng nhưng cần quy định việc thu thuế không làm phát sinh quyền sở hữu. Như vậy Khoản 3 điều 4 cần quy định lại, cụ thể:

Điểm a: Thuê đất của Nhà nước- Nhà nước đại diện toàn dân là chủ sở hữu tôi đi thuê và đã trả tiền thuê không thể thu thêm tiền thuế đất nữa trong trường hợp này là thuế chồng thuế.

Điểm b: Đồng ý là thu thuế trên cơ sở chủ sở hữu đóng nhưng cần xét đến trường hợp nhà cho thuê chưa có chủ quyền và cho thuê ngắn hạn dưới 6 tháng không đăng ký hợp đồng. vậy ai đóng nếu hợp đồng thuê có quy định thì theo hợp đồng vậy không quy định thì ai đóng người đi thuê hay người cho thuê. Theo tôi nên sửa là người sở hữu nhà ở hoặc người cho thuê phải đóng là phù hợp va bao quát hết.

Điểm b: Thừa nên bỏ vì trong trường hợp chuyển quyền sở hữu đang làm thủ tục …khi nào chuyển quyền sở hữu Luật dân sự đã quy định cụ thể rồi cứ khi nào anh còn là chủ sở hữu tài sản anh sẽ chịu trách nhiệm liên quan tài sản của anh trong đó có thuế. (Xem Đ. 168 BLDS 1995 về thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với tài sản)

 

4. Về diện tích tính thuế/giá tính thuế đối với nhà (Đ.6)

Để tính được thuế thường có hai căn cứ là thuế suất và căn cứ tính thuế, nếu quy số thuế phải đóng là tiền thì căn cứ tính thuế phải quy thành tiền được (giá trị cụ thể).

Với nhà theo tôi cần phân biệt trị giá căn nhà theo nghĩa thong thường và trị guia1 xây đựng căn nhà. Ở đây tôi nói đến trị giá xây dụng căn nhà .

Cả ba phương án Ban soạn thảo đưa ra là căn cứ diện tích, căn cứ số lượng nhà, vào trị giá nhà. Qua theo dõi tôi thấy có quá nhiều quan điểm và ý kiến khác nhau về vấn đề này và xin khẳng định lại là đã có tranh luận về việc này là có đồng ý là cần đánh thuế nhà. Theo tôi về điểm này quá phức tạp, chỉ xin được nêu ra như là một gợi ý chẳng hạn đó là sự kết hợp cả ba phương án, cụ thể như sau:

Nhà để ở duy nhất không kinh doanh thì không thu thuế không xét đến diện tích và trị giá.

Có từ hai nhà trở lên nếu diện tích tổng hai nhà vượt trên một mức diện tích nhất định (xét nhu cầu tối thiểu VD 200m2/hộ…) hoặc trên một giá trị nhất định (VD 1.5 tỷ đồng) sẽ thuộc đối tượng chịu thuế.  Phần quá hạn mức trên sẽ phải đóng thuế.

 

5. Giá tính thuế đối với đất (Đ.7)

Khác với nhà (Tính theo giá xây dựng theo đơn giá xây dựng cơ bản được quy định chung cho các cấp nhà.

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/612007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Nghị định số 03/2008/NĐ-CP ngày 07/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Thông tư số 05/2007/TT-BXD ngày 25/7/2007 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ công bố định mức dự toán xây dựng công trình - Phần Xây dựng kèm theo văn bản số 1776/BXD-VP ngày 16 tháng 8 năm 2007 của Bộ Xây dựng;

Căn cứ công bố định mức dự toán xây dựng công trình - Phần Lắp đặt kèm theo văn bản số 1777/BXD-VP ngày 16 tháng 8 năm 2007 của Bộ Xây dựng;

Cấp hạng nhà: thực hiện theo Quy chuẩn Xây dựng tập II (ban hành kèm theo Quyết định số 439/BXD-CSXD ngày 25/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng) và Thông tư số 05/BXD-ĐT ngày 09/02/1993 của Bộ Xây dựng hướng dẫn phương pháp xác định diện tích sử dụng và phân cấp nhà ở.) về đất tôi đồng ý giao UBND cấp tỉnh xác định giá đất chịu thuế điều này phù hợp thực tiễn tại từng địa phương cụ thể và hiện tại chúng ta đang có bảng giá các loại đất do UBND các tỉnh quy định và đang áp dụng trong thực tiễn.

 

6. Về mức thuế tuyệt đối/Thuế suất đối với nhà ở (Đ.8)

 

Cần nghiên cứu kết hợp ba phương án

Chỉ có một căn duy nhất không kinh doanh, có nhiều căn nhưng tổng diện tích dưới hạn mức, tổng trị giá dưới 1.5 tỷ  là 0 đ/m2

Trường hợp còn lại áp dụng mức thuế tuyệt đối tính theo năm như các phương án 1 và 3 Ban soạn thảo đưa ra. Nhưng cần cân nhắc và có có căn cứ cơ sở nào quy định các con số cụ thể đó VD 2000đ/m2/năm cho nhà từ tầng 2 trở lên là căn cứ vào đâu? Cơ sở nào?

Chu kỳ tính thuế 5 năm tạo được tính ổn định nhất định nhưng sẽ không cập nhật được theo biến động giá cả thị trường theo tôi nên rút ngắn  chu kỳ lại. Điều này có tính hai mặt vừa có lợi cho nhà nước và cũng có lợi cho dân trong việc luôn được tính giá gần giá  thực tê nhất khi bị giải tỏa đền bù….

 

7. Về Phương pháp tính thuế đối với trường hợp sở hữu nhiều nhà, sử dụng nhiều thửa đất (Đ 6, Đ 7)

 

Tôi đồng ý phương án ban soạn thảo phân tích là cộng dồn trong phạm vi từng tỉnh thành phố chứ không cộng dồn trên toàn quốc. Tuy nhiên trong trường hợp một người lại sở hữu ở mỗi tỉnh một căn thì tính thế nào? Và nếu tính được thì tỉnh nào sẽ thu thuế?...Theo tôi chúng ta nên gấp rút tạo ra một ngân hàng dữ liệu về nhà trên toàn quốc và trong điều kiện bùng nổ công nghệ thông tin điều này không quá khó (có thể thông qua các đợt kê khai nhà đất, cập nhật thông tin biến động….) làm tốt điều này cũng chính là yêu cầu mà Luật quản lý thuế đã đặt ra tại Điều 72 tôi đã viện dẫn, tiếp đó là quy định rõ địa phương có thẩm quyền thu thuế trong trường hợp một người có ở mỗi tỉnh một căn nhà…vấn đề này tôi nhận thấy còn vướng nên nghiên cứu thêm để có cách giải quyết.

 

 

III./Về Kỹ thuật lập pháp và nội dung của Dự thảo Luật

- Về tên gọi của luật là luật thuế nhà, đất theo tôi cần cân nhắc lại. Hiện tại chúng ta có Luật thuế sử dụng dất nông nghiệp 10/7/1993, Luật quản lý thuế 29/11/2006 tại điều 72 như đã nêu trên lại đề cập khái niệm “sử dụng đất, sở hữu nhà” như vậy về nhà thì căn cứ vào sở hữu và đất là quyền sự dụng. Để thống nhất theo tôi nên căn nhắc tên luật là Luật thuế nhà, quyền sự dụng đất hay là Luật Thuế nhà, đất., vì thực tế ở nước ta đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thống nhất quản lý (Nhà nước là đại diện quyền sở hữu)

-     Điều 1 về phạm vi điều chỉnh ….liên quan  nhà, quyền sử dụng đất  là ổn rồi phù hợp quy định với Điều 72 Luật quản lý thuế. Hiểu nhà là tất cả các loại nhà và quyền sử dụng đất cho tất cả các loại đất như vậy nên nhập luôn đất nông nghiệp đang thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật thuế sử dụng dất nông nghiệp 10/7/1993 vào đối tượng điều chỉnh của luật này. (lưu ý: Có quy định miễn giảm với loại đất này tại NQ 15/2003/NQ-QH11 ngày 17/6/2003 của QH nước CHXHXCNVN khóa IX, kỳ họp thứ 3 và NĐ 129/2003/ND-CP ngày 03/11/2003 của Chính Phủ quy định chi tiết NQ 15 trên).

-     Tại điều 2 dự thảo lần 10 đưa ra 2 phương án (PA 1 đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế và PA2 là ngược lại), tuy vậy các điều luật sau đó lại không xây dựng cả hai PA cho logic và đồng bộ thể hiện tính khách quan trong lựa chọn, khi Đ.2 đưa ra 02 phương án nhưng ngay điều 3, 4, 11 vẫn quy định theo một phương án là đưa nhà ở vào, có thể dễ dàng nhận thấy Ban soạn thảo hướng về PA1.

-     Koản 1 Điều 4  thêm  vào cụm từ “tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 2 luật này là người nộp thuế”. 

-     Điểm a, Khoản 3, Điều 4 dự thảo “….người nộp thuế nhà, đất không nhất qúan với việc dùng từ là Nhà ở, đất (Điều 3, K.2 Đ 4, Đ 5…..) nên sửa lại  tất cả thay từ “nhà ở” thành “nhà” và “đất” thành “thuế sử dụng đất”.

-     Khoản 2 Điều 4 : nên thêm câu” Việc nộp thuế không phải là công nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất hợp pháp của người nộp thuế” (quy định điều này là rất cần thiết tránh nghộ nhận về quyền sở hữu, sử dụng và đã có trong các bản dự thảo trước đây - Dự Thảo 4)

-     Tại điểm b, Khoản 1 Điều 6 nếu chọn Phương án 2 ở câu: Về giá tính thuế áp dụng “kể cả trường hợp sử dụng nhà ở để cho thuê hoặc kinh doanh” phù hợp với K.1 Đ3 luật nhưng vấn đề đặt ra là tại điều 2 (PA1) chỉ nhà ở mới là đối tượng chịu thuế.

-     Khoản 5 Điều 11 về miễn thuế: chỉ quy định cho đất mà thiếi đối tượng là nhà (phù hợp phương án 2) điều này nên quy định thêm Phương án 2 thêm về nhà cho phù hợp và logic.

-     Điều 15 dự thảo nên thay câu “Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các điều, khoản được giao trong Luật; hướng dẫn những nội dung cần thiết khác của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước” bằng câu “Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật này  là quá đủ rồi vì về thẩm quyền của Chính phủ tới đâu đã có quy định rồi (Hiếp Pháp, Luật..)

Trên đây là một số ý kiến của tôi đối với Dự thảo Luật thuế nhà, thuế sử dụng đất . Rất mong cơ quan soạn thảo lưu ý xem xét, cân nhắc để hoàn thiện Dự thảo.

Xin trân trọng kính chào.

……………………………………………………………………………………HẾT.

 

Các văn bản liên quan