Góp ý của ông Nguyễn Hồng Quân – Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Thứ Ba 10:04 22-12-2009

Kính thưa đồng chí Chủ tịch,

Kính thưa các đồng chí Phó Chủ tịch,

Kính thưa các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ,

Tôi có suy nghĩ là các ý kiến của các anh trong Thường vụ nêu lên cũng rất có lý nhưng mình bàn 2 phương án trong Ủy ban Tài chính, ngân sách thẩm định thì cũng 2 phương án. Nhưng tôi nghĩ là có thể có một phương án thứ 3 nữa và thực tế trong cái trình của Chính phủ hôm trước anh Ninh trình cũng có nói. Phương án 1 là cái thứ nhất và cái thứ hai như anh Hiển nói thì nó cũng sẽ lạị có bất cập như anh Vượng vừa nêu lên. Tất cả cùng có một cái nhà là không thuế nhưng có một cái nhà rất to như 37 Hùng Vương như anh Vượng vừa nêu thì cũng không phải thuế. Nhưng cái thứ hai có khi 2-3 cái không bằng một cái thì nó cũng là cái bất cập. Còn tính giá trị thì biến số thời gian nó thay đổi giá trị của cái nhà thì đúng là nó rất là vô cùng. Trong giá trị của cái nhà nó bao hàm nhiều yếu tố thì nó cũng có bất cập. Thực ra trong phương án của Chính phủ thì chúng tôi cũng còn một phương án nữa là nó tiệm cận đi đến cái sự chính xác cũng như là đảm bảo sự công bằng hơn, tức là kết hợp cả hai phương án này. Có cả giá trị và có cả hiện vật, số lượng tức là hạn mức theo m2. Bây giờ đất mình cũng tính hạn mức được thì sao nhà không tính hạn mức được. Như anh Ninh vừa nói tất cả các nhà cấp 4 mà mình không tính thuế thì coi như là cũng bỏ được lượng lớn cho người thu nhập thấp trở xuống. Còn lại một cái nhà bình thường cấp 2 trở lên nếu như mình cho hạn mức là 120 thế là còn hẹp thì 150 là không phải thuế, 200 là không phải thuế. Thế còn bây giờ ông làm cái nhà nhiều tiền hoặc là hai, ba cái nhà mà tôi tính theo m2 nếu mà anh có hai cái mà tôi lấy hạn mức là 150 hoặc 200 thì cũng có thể chưa phải thuế thậm chí đến cái thứ hai nhưng còn tính kết hợp cả giá trị nữa. Còn nếu anh có một cái nhà 300m2 thì từ hạn mức 201m2 trở lên chúng tôi tính thuế, như vậy sẽ tiệm cận với sự chính xác hơn và đảm bảo sự công bằng hơn. Việc tính toán này tôi nghĩ các cơ quan chuyên môn cũng có thể tính toán được. Tôi rất mong Thường vụ nghiên cứu và cho ý kiến, việc thu thuế nhà chúng tôi cho rằng đã đến thời điểm nên triển khai làm. Mình vừa đạt được mục tiêu thu ngân sách một phần như Uỷ ban Tài chính, ngân sách nhưng đồng thời cũng đạt được mục tiêu quản lý sự đầu cơ, tích trữ nhà ở.

Mình còn một phương án thứ 3 nữa như tôi đề xuất và hôm trước cũng có trình bày, tôi không hiểu vì lý do gì đấy mà chưa có thảo luận nhiều về việc này. Có thể các đại biểu Quốc hội cho rằng phức tạp quá mà Ban soạn thảo chưa chuẩn bị kỹ, chưa giải trình kỹ chăng cho nên cũng không thấy thảo luận nhiều. Tôi nghĩ có thể gia công thêm, làm rõ thêm theo hướng này thì sẽ tiệm cận với sự chính xác và công bằng hơn.

Về nhà chung cư tôi cũng đồng tình quan điểm như anh Vượng nêu, người thuê thì không phải nộp thuế, nếu chủ sở hữu nhà chung cư mà cho thuê thì nộp thuế theo kinh doanh như anh Hiển nêu rồi không phải là nộp thuế nhà ở, như vậy sẽ có loại nhà chung cư không có loại thuế gì cả. Ngay cả chung cư mini như ở Hà Nội bây giờ xuất hiện rất nhiều, ông chủ đó sở hữu thật nhưng lại không ở cái nhà đó, họ cho thuê, người thuê thì không phải nộp thuế, nếu là người mua thì nộp thuế theo căn hộ chung cư. Căn hộ chung cư cũng nên cụ thể hóa chỗ này ra, ví dụ 50-60m2, 100, 200m2 cũng rất khác nhau, thuế căn hộ chung cư tôi cho rất đơn giản.

Đối với nhà cao tầng một sở hữu không phải cho thuê mà dùng để ở thì chắc không ai làm đến 20 tầng. Cách tính để đánh thuế người sở hữu nhà cao tầng tôi cho rằng cũng trên nguyên lý như mình nói ở bên trên, tức là gồm kết hợp cả giá trị và diện tích thì hoàn toàn mình có thể đánh chính xác được đối với ông có nhà nhiều tầng mà ông sở hữu, ông ở. Tôi cho rằng nếu Thường vụ đồng ý thì Ban soạn thảo, Chính phủ làm rõ thêm việc này thì tôi cho rằng sẽ tốt hơn. Tôi có một đề xuất nhỏ như vậy, xin hết.

Các văn bản liên quan