Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Kiên – Sóc Trăng

Thứ Hai 09:44 23-11-2009

Kính thưa Đoàn chủ tịch.

Thưa Quốc hội.

Về dự thảo Luật thuế nhà và đất thì tôi xin có một số ý kiến như sau. Trước hết tôi xin bày tỏ sự đồng tình đối với Báo cáo thẩm tra số 1017 của Uỷ ban tài chính Ngân sách về dự thảo Luật này.

Thứ hai, để góp phần tiếng nói chung theo dòng của đại biểu Trần Du Lịch thì tôi xin có một số ý kiến cụ thể nữa tiếp theo ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch.

Về quan điểm của tôi, đối với quan điểm về mặt xây dựng ủng hộ luật này bởi vì nếu chúng ta tính về phần thu ngân sách trên mức thuế 0,03% với một giá trị nhà từ 500 triệu đồng trở lên thì chúng ta thấy nếu hàng năm giá trị thu của một nhà có giá trên 500 triệu đồng không đáng bao nhiêu. Cái đó không còn đủ được gọi là phí để chi phí quản lý việc đó.

Thứ ba, tôi muốn đặt việc thảo luận luật thuế nhà, đất này trong bối cảnh của kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XII, chúng ta từ đầu chúng ta đang làm gì? Báo cáo các đồng chí vừa qua chúng ta thông qua Nghị quyết về kinh tế - xã hội, cả Nghị quyết về ngân sách thì trong Nghị quyết về ngân sách chúng ta đều biểu quyết với sự thống nhất cao là có phần ngân sách để xây dựng nhà ở xã hội, có phần chia ngân sách của địa phương và ngân sách Trung ương trong đó có một phần ngân sách cho Bộ Tài nguyên và Môi trường làm công tác đo đạc bản đồ và làm công tác địa chính. Như vậy là nhiều vấn đề các đại biểu Quốc hội vừa thảo luận tại Hội trường này nêu lên là vấn đề quản lý sổ đỏ, vấn đề quản lý đất đai chúng ta đang gặp khó khăn, chúng ta vừa biểu quyết xong là chúng ta đang thực hiện. Đặt vấn đề đó ra thì đúng rồi, nhưng ở trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện thì cũng phải cân nhắc.

Một vấn đề nữa ở đây xin phép được trao đổi với Quốc hội, chúng ta vừa nêu những hình ảnh rất bức xúc là thuế chồng thuế, người dân chắt bóp cả cuộc đời mới mua được một ngôi nhà, báo cáo các đại biểu là hình như đó là quan điểm của đại biểu Quốc hội ở Hà Nội hay ở các thành phố lớn chứ không phải ở vùng sâu, vùng xa và các vùng nông thôn của các tỉnh trên cả nước. Chúng ta nhớ lại xem đối với một ngôi nhà ở diện cho người nghèo từ 7 đến 8 triệu đồng. Một nhà thực hiện chính sách tình nghĩa cho các diện chính sách 20, 30 triệu, tuỳ vùng, đăng báo chúng ta đều thấy có những đơn vị góp 30, 40 triệu xây một cái nhà 3 gian ở nông thôn, đó cũng là mái ấm. Cho nên vấn đề ở đây tôi thấy có khi chúng ta cần phải thảo luận với nhau trong khái niệm vấn đề là quyền sở hữu nhà ở, hay quyền có nhà ở, hai khái niệm đó khác nhau, không nên nhầm lẫn quyền sở hữu nhà ở và quyền có nhà ở là hai khái niệm khác nhau. Nếu chúng ta nhìn sang các nước khác, có phải tất cả các nước công nghiệp G7 là mỗi một người dân đều sở hữu một nhà đâu, không phải. Ở trong điều kiện đất đai của chúng ta là 332.000 km2, trong đó đất núi và đất không thể ở được chiếm khoảng 53% - 57%. Chúng ta phải quan niệm về vấn đề đất đai và vấn đề khái niệm gốc đấy như thế nào. Theo tôi quan niệm là chúng ta nên tính quyền có nhà ở chứ không nên tính quyền sơ hữu nhà ở. Chúng ta đang biểu quyết vấn đề xây nhà xã hội thì Nhà nước có trách nhiệm tạo lập điều kiện nhà ở cho những người có thu nhập thấp để người ta có chỗ ở ổn định.

Tôi xin nói thêm một ví dụ là từ những năm 1994 - 1995 đến nay khi chúng ta áp dụng Nghị định 22 về giải phóng mặt bằng, mới đây nhất là Nghị định 69 có hiệu lực từ ngày 01/10 chúng ta quy định một điều là giá đền bù đất ở và nhà ở là phù hợp sát với giá thị trường. Chúng ta thấy chính điều chúng ta quy định như thế chúng ta không định nghĩa ra được, thì nó đẩy cho các doanh nghiệp như chỗ chị Nguyệt Hường và anh Tín nói thì nó làm cho các doanh nghiệp khi tham gia quá trình giải phóng mặt bằng giá lên rất nhanh, và ngay ở Hà Nội đây chúng ta có những con đường như nhiều người nói giá giải phóng mặt bằng cao gấp 7 đến 10 lần giá xây lắp như tuyến đường Kim Liên (Ô Chợ Dừa), tuyến đường ngay nút giao thông Cầu Giấy, giá giải phóng mặt bằng cao gấp 7 đến 10 lần khu vực giá xây lắp. Chúng ta phải nói điều là nếu chúng ta không nhanh chóng ổn định mặt bằng quản lý pháp luật thì chúng ta sẽ thấy ngay trong những ngày chúng ta đang họp Quốc hội đấy thôi, giá nhà, đất ở khu vực tuyến Láng Hòa Lạc nếu chỉ cần có giấy được phép chấp nhận là góp vốn để mua xây nhà thì những người đấy đã có lợi nhuận từ 2 tỷ đến 2,3 tỷ . Chúng ta không điều chỉnh việc đó thì cực kỳ gay, đó là vấn đề Quốc hội phải làm Luật về thuế nhà và đất để chúng ta điều chỉnh được việc đó, như vậy mới ổn định đời sống, điều tiết được thị trường và tăng cường vai trò kiểm soát của Nhà nước đối với cuộc sống. Như trong dự thảo này tôi thấy tăng thu ngân sách thì không đáng có nếu các đại biểu ngồi tính lại xem như mức đó thì tôi nghĩ như thế. Qua đây tôi xin có một số ý kiến góp thêm dòng tiếng nói của đồng chí Trần Du Lịch. Xin cảm ơn Quốc hội

Các văn bản liên quan