Góp ý của đại biểu Quốc hội Trương Xuân Quý – Tuyên Quang

Thứ Hai 09:25 23-11-2009

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật thuế nhà, đất tôi xin phép được tham gia một số vấn đề sau.

Thứ nhất, về sự cần thiết ban hành luật. Tôi cũng nhất trí với việc nâng pháp lệnh lên thành luật như các đại biểu đã phát biểu trước tôi.

Thứ hai, về đối tượng chịu thuế. Theo tôi chưa nên đánh giá nhà ở vào giai đoạn này, tôi cũng tán đồng với ý kiến các đại biểu trước tôi đã phát biểu. Tôi cũng nêu thêm một số lý do. Ví dụ khi xây dựng nhà ở các đại biểu đã nói người dân đã phải chịu rất nhiều loại thuế và nhà ở cũng là một loại tài sản, trong khi đó các tài sản khác không bị đánh thuế, nếu chúng ta đánh thuế vào nhà ở thì cũng không nên.

Còn việc đánh thuế đất, theo tôi hiểu đó là đánh thuế vào việc khai thác, sử dụng tài nguyên. Và nếu đánh thuế nhà thì chi phí để xác định giá trị nhà rất khó khăn, nếu áp dụng khung giá cố định cho các loại nhà thì càng bất hợp lý vì giá trị này rất khác nhau đối với nhà mới, nhà cũ của cùng một cấp nhà. Và một vấn đề nữa là đối với nhà chung cư thì giá nhà đã bao gồm cả giá trị đất, cho nên rất khó tách giá trị nhà riêng ra khỏi giá của nhà chung cư. Theo quan điểm của tôi nếu đánh thuế nhà theo dự thảo này tôi nghĩ giá trị thu được từ việc đánh thuế này cũng không nhiều, trong khi đó chúng ta mất rất nhiều công sức và chi phí để đánh được thuế này.

Đối với đất, tôi cũng đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ và bổ sung đầy đủ các loại đất phải chịu thuế, các loại đất không thuộc diện chịu thuế và các loại đất chưa đánh thuế, mà đã được Đoàn thư ký tổng hợp tại tổ tôi xin không nhắc lại ở đây. Tại thảo luận tổ tôi đã nêu ý kiến về việc những nhà từ đường, nhà thờ họ đồng thời cũng là nhà ở, cái này thực tế tồn tại rất nhiều. Vậy đất sử dụng đó có phải đánh thuế không, theo như trong dự thảo chưa rõ. Theo tôi nếu phải đánh thuế thì cũng phải có quy định để tách bạch rõ chuyện này.

Về nội dung thứ ba là căn cứ tính thuế. Đối với giá tính thuế ở trên tôi đã nêu quan điểm của mình là chưa nên đánh thuế nhà ở trong giai đoạn này. Nếu đánh thuế thì giá tính thuế chưa hợp lý, chúng ta đã ấn định một mức chung là nhà trên 500 triệu đồng thì đánh thuế lớn hơn 500 triệu đồng mà chưa tính đến việc nhà đó có bao nhiêu người ở. Nhà có nhiều người ở rõ ràng phải khác với nhà có ít người ở. Nhà xây ở những vùng xa xôi, điều kiện vận chuyển vật liệu xây dựng khó khăn thì việc xây được một ngôi nhà như ở thành phố giá trị của nó chắc chắn sẽ gấp nhiều lần giá trị ngôi nhà ở thành phố.

Giá tính thuế đối với đất được xác định bằng diện tích đất chịu thuế nhân một mét vuông đất theo tôi là hợp lý. Song tôi đề nghị Mục a Khoản 2 Điều 6 nên sửa lại là: "Diện tích đất chịu thuế là diện tích đất ghi trong giấy chứng nhận. Trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận hoặc diện tích thực tế chênh lệch với giấy chứng nhận thì diện tích đất chịu thuế là diện tích đất thực tế đang sử dụng". Quy định như vậy đối với các trường hợp lấn chiếm mặc dù phạm vi luật này không điều chỉnh và xử lý cũng như không công nhận diện tích đất lấn chiếm nếu được thu thuế vẫn đảm bảo được công bằng trong việc thu thuế sử dụng tài nguyên đất vì thực tế diện tích đất lấn chiếm đã được sử dụng.

Tại Mục b, Khoản 2, Điều 6 tôi đề nghị sửa gạch đầu dòng thứ nhất như sau: "Trường hợp đã có giấy chứng nhận thì giá 1 m2 đất chịu thuế là giá đất theo mục đích sử dụng trên giấy chứng nhận. Trường hợp sử dụng không đúng mục đích mà giá 1m2 đất theo mục đích thực tế đang sử dụng cao hơn giá 1m2 đất theo mục đích ghi trên giấy chứng nhận thì giá 1m2 đất theo mục đích thực tế sử dụng.".

Tại Khoản3 về giá tính thuế đối với đất được ổn định theo chu kỳ 5 năm, kể từ năm đầu tiên luật này có hiệu lực thi hành, theo tôi như thế chưa hợp lý vì thực tế giá đất thường xuyên biến động, hàng năm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đều ban hành khung giá đất nên không gây khó khăn cho cơ quan thuế khi áp giá thu thuế từng năm. Ví dụ một mảnh đất ở nông thôn không gần đường giao thông liên thôn thì giá rất rẻ, nhưng sau đó Nhà nước mở đường quốc lộ đi qua thì giá đất này tăng vọt lên gấp hàng trăm lần. Như vậy chẳng lẽ cơ quan thuế vẫn áp dụng giá cũ theo chu kỳ 5 năm, tôi nghĩ đó cũng là bất cập.

Đối với thuế suất, tôi đề nghị với diện tích vượt hạn mức phải có thuế suất thật cao hơn nữa thì mới hạn chế được tình trạng đầu cơ, làm méo mó thị trường nhà, đất và để hoang hóa nhiều diện tích đất rất lãng phí. Vấn đề này tôi rất tán đồng với quan điểm của đại biểu Trần Du Lịch - Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi không tán đồng ý kiến của đại biểu trước tôi dẫn chứng là nhiều thành phố trên thế giới đã áp dụng mức thuế suất cao đối với vượt hạn mức sử dụng nhưng chưa ngăn chặn được việc đầu cơ. Tôi đặt câu hỏi ngược trở lại nếu thành phố đó không quy định thuế suất cao như vậy thì sao, hay thị trường đầu cơ nhà, đất nó có cơ hội phát triển mạnh hơn nữa. Tôi cũng đề nghị hạ mức đất ở đối với các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội như nhau thì cần có hạn mức thống nhất để tránh tình trạng Hội đồng nhân dân tỉnh quy định hạn mức này khác nhau.

Về nội dung thứ tư, về đăng ký khai, tính và nộp thuế, tôi đề nghị phải thật cụ thể và có tính khả thi cao nhất để thuận tiện khi áp dụng luật và cần có chế tài nghiêm khắc quy định ngay trong luật này đối với những vi phạm về đăng ký, khai, tính bản đồ thuế để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Về nội dung thứ năm, về miễn giảm thuế đối với nhà ở, đất ở tại các xã phường thị trấn thuộc địa bàn với điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Theo tôi không nên phân biệt dân tộc Kinh với các dân tộc thiểu số. Vì rõ ràng trong điều kiện nền kinh tế xã hội khó khăn như vậy thì chúng ta dễ dàng nhìn thấy nhiều khi dân tộc thiểu số lại có điều kiện cao hơn đối với dân tộc Kinh.

Nội dung cuối cùng tôi xin được nói thêm về dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành luật thì tôi đánh giá cao việc Ban soạn thảo đã có dự thảo nghị định hướng dẫn, song Điều 2 của nghị định về đối tượng chịu thuế, tôi đề nghị đưa ngay vào trong luật, vì luật cần quy định rất rõ về phạm vi điều chỉnh và đối tượng chịu thuế ngay trong luật chứ không nên quy định trong nghị định. Ngoài ra còn một số nội dung khác thì tôi đề nghị, tức là trong soạn thảo nghị định thì các đồng chí để như Điều 4 là người nộp thuế, Điều 7 miễn thuế, Điều 8 giảm thuế, hầu như chép lại luật và không làm rõ thêm vấn đề gì. Theo tôi không nên để trong nghị định. Trên đây là một số ý kiến tôi phát biểu. Xin hết.

Các văn bản liên quan