Góp ý của đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch – TP Hồ Chí Minh

Thứ Hai 09:23 23-11-2009

Kính thưa Quốc hội.

Kính thưa Đoàn chủ tịch.

Trước hết, tôi xin phép thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu về luật này không phải là khác nhau trong phiên họp tổ chiều ngày 12/11 Đoàn đại biểu thành phố Hồ Chí Minh thống nhất những ý kiến phát biểu trước Quốc hội về Luật này. Đây là một vấn đề trong nhiều năm tôi có trăn trở do đó xin phát biểu dài hơn 7 phút, xin Quốc hội bỏ qua cho. Để trả lời các vấn đề mà đồng chí Phó Chủ tịch nêu, tôi không nêu trực tiếp nhưng tôi có 3 vấn đề mang tính triết lý của luật này nếu không thảo luận thì không bàn chi tiết được.

Vấn đề thứ nhất, về Luật thuế nhà, đất này, bản chất nó là Luật gì? Phải chăng bản chất nó là thuế bất động sản như trong tờ trình nói. Nếu là thuế bất động sản theo khái niệm định nghĩa Bộ luật dân sự thì với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của ta hiện nay, với thu nhập quốc dân đầu người năm 2008 là 890 USD thì liệu chúng ta đã tới thời điểm đóng thuế bất động sản bằng các tài sản tích lũy của dân dưới hình thức bất động sản hay chưa? đó là bài toán cần trả lời.

Vấn đề thứ hai, từ năm 1993 đến nay tức là khi năm 1992 có Pháplệnh thuế nhà, đất, đặc biệt lần đầu tiên bắt đầu có sự biến động giá đất trên thị trường lần thứ nhất. Dựa vào kẽ hở và sự bất cập trong quản lý một bộ phận dân cư đã tích lũy nhà, đất với số lượng rất lớn. Như vậy vấn đề đặt ra là đã tới lúc chúng ta đánh thuế vào bộ phận tích lũy tài sản này hay không hay tiếp tục cứ để đó.

Vấn đề thứ ba, tình trạng đầu cơ đất, bỏ đất hoang, đẩy giá đất vượt quá xa giá cả so với giá trị sử dụng. Khối lượng tài sản này như một bong bóng tài sản ai cũng thấy rõ. Tôi ngồi tính sơ bộ từ đầu năm 1990 tức khi bắt đầu có Pháp lệnh thuế nhà, đất cho đến nay, nếu thu nhập quốc dân đầu người tăng hơn 3 lần thì giá đất đô thị tăng từ 30 đến 50 lần. Chúng ta đang chứa đựng một tài sản ảo so với nền kinh tế thực. Như vậy, luật này có chức năng tham gia điều tiết vấn đề này không, ở mức độ nào. Đó là 3 vấn đề chúng ta cần phải làm rõ để xác định mục tiêu, tôi đánh giá luật này rất quan trọng.

Để tham gia 3 vấn đề đó, chúng tôi bày tỏ quan điểm như sau:

Về vấn đề đã đến lúc đánh thuế vào bất động sản là tài sản của toàn dân hay chưa? Tôi cho là chưa, bởi vì với thu nhập đầu người như hiện nay chúng ta nên bảo đảm mỗi người dân có một căn nhà để sống hưởng hạnh phúc, sống yên ổn, chưa đặt vấn đề, cũng như cách đây 18 năm chúng ta chưa đặt vấn đề đánh thuế thu nhập cá nhân toàn dân, mà chỉ hớt ngọn là người thu nhập cao. Và thời điểm đó chúng ta cũng chỉ đạt một vài trăm ngàn người, cho đến bây giờ chúng ta mở rộng ra. Như vậy chúng tôi cho rằng chưa nên và nếu tính như luật này thì chúng ta động đến toàn dân nhưng không thu được đáng kể làm chúng ta mang tiếng về chính trị mà không thu được gì, có khi chi phí còn lớn hơn nếu như ta làm như cách này. Do đó quan điểm của tôi mỗi hộ dân có một chỗ ở trước mắt và tôi nghĩ 10 năm tới chưa đặt vấn đề thu thuế tài sản. Đó là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai, Nhà nước không khuyến khích người dân tích tụ tài sản dưới hình thức bất động sản, bởi vì tạo bất công. Do đó chúng ta đặt đối tượng từ cái nhà, đất thứ hai tôi đánh thuế và ở đây thuế suất cũng tương đối, cũng chưa cần cao lắm, nhưng Nhà nước cho một tín hiệu rằng Nhà nước không khuyến khích mọi người tích tụ đất và nhà, bởi vì đây là vấn đề liên quan đến kinh tế và xã hội do thuế suất tương đối. Ví dụ, trên mấy phần ngang gì đó chúng ta tính toán cụ thể, nhưng đối tượng này hớt ra, cũng giống như trước đây đóng thuế thu nhập cao, tức là có đóng thuế. Như vậy chúng ta tác động một bộ phận thôi, còn đại bộ phận không liên quan gì luật này cả, yên dân đã. Đấy là vấn đề quan điểm thứ hai.

Vấn đề thứ ba, đối với đối tượng đầu cơ đất, đây là vấn đề tôi tán đồng ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách bảo rằng trong kinh tế thị trường thì luôn luôn có đầu cơ. Xin thưa rằng đầu cơ là bạn đồng hành của kinh tế thị trường, nhưng khi đầu cơ thái quá là hành vi phi kinh tế và không còn thị trường. Tôi nói nôm na yếu tố đầu cơ quan trọng giống như chúng ta nấu nồi canh ta cần có mỳ chính, nhưng một nồi canh mà bỏ 1kg mỳ chính thì không còn là canh nữa. Hiện nay đất đai đầu cơ giống như một nồi canh đổ 1kg mỳ chính, làm méo mó tất cả và xin thưa rằng đây là vấn đề rất lớn, nếu như chúng ta không dùng luật này tôi nghĩ đây cũng là một phần thôi còn vấn đề biện pháp quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhiều vấn đề khác nữa, nhưng dùng công cụ tài chính để kéo giá đất đô thị xuống thì chúng ta không thể nào thực hiện chính sách nhà ở xã hội, không thể nào xây dựng hạ tầng đô thị, không thể nào phát triển công nghiệp. Tôi mong rằng luật này tham gia vấn đề này, do đó đối với đầu cơ đất không phải phần ngàn mà là phần trăm để hạn chế đầu cơ, tôi nói là hạn chế vì bên cạnh đó còn một loạt các biện pháp khác nữa, không phải chỉ riêng vấn đề thuế nhưng thuế bao giờ cũng là công cụ gián tiếp và rất quan trọng do đó lấy làm mục tiêu thứ ba.

Trên quan điểm như vậy chúng tôi kiến nghị Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Ban soạn thảo một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, nếu chúng ta đặt trên vấn đề như vậy thì chúng ta xác định lại mục tiêu của luật này cho rõ để chúng ta có thể khẩn trương làm để phục vụ.

Mục tiêu thứ nhất, chúng ta ưu tiên hàng đầu là dùng công cụ tài chính giống như Nghị quyết Trung ương của Đảng đó là dùng công cụ này làm hoàn thiện, lành mạnh thị trường bất động sản theo Nghị quyết của Đảng, kéo giá đất đô thị xuống, giá cả xoay quanh giá trị sử dụng, giảm bong bóng bất động sản phục vụ cho xây dựng hạ tầng, phục vụ cho chương trình nhà ở xã hội, cho an sinh hàng đầu đó là mục tiêu hàng đầu.

Mục tiêu thứ hai, điều tiết và không khuyến khích tích tụ đất đai và nhà cửa nhiều dưới dạng, đây là hành vi ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh tế và xã hội, đồng thời nguồn này sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Mục tiêu thứ ba là luật này nó sẽ tập dượt dần chúng ta chuyển từ thuế gián thu sang trực thu, tạo nguồn thu địa phương một cách ổn định. Và tôi xin thưa rằng nếu các điểm chúng tôi trình bày là đối tượng thứ nhất toàn dân một nhà tôi cũng đánh thuế, có nhiều nhà tôi đánh thuế cao hơn, đầu cơ đất đai đánh thuế rất nặng thì tôi tin rằng những nguồn thu này sẽ gấp 3-4 lần Pháp lệnh thuế nhà, đất hiện nay, hơn nhiều luật này, mà không đụng đến đại bộ phận dân, chỉ đụng người nhiều nhà, nhiều đất, đầu cơ đất tôi nghĩ như vậy thì chúng ta hoàn toàn đạt mục tiêu. Và tôi tin rằng hành thu sẽ gọn, năng suất tịch thu tăng, địa phương tăng thu, dân an tâm, ủng hộ mà giới đầu cơ tích tụ đất sẽ chùn bước và tạo điều kiện để ta ổn định chính trị xã hội, ổn định vĩ mô. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan