Góp ý của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mỹ Hương – TP Đà Nẵng

Thứ Hai 09:21 23-11-2009

Kính thưa Quốc hội!

Theo gợi ý của Đoàn Chủ tịch và Đoàn Thư ký kỳ họp, chúng tôi góp ý vào các vấn đề cụ thể. Tuy nhiên, trong phần phát biểu của tôi cho rằng cần xác định đúng mục tiêu của việc xây dựng dự án luật cũng như tính khả thi của dự án luật trước khi chúng ta đi vào phân tích và có ý kiến đối với từng vấn đề cụ thể.

Trước hết, tôi xin có ý kiến về mục tiêu của việc xây dựng dự thảo luật lần này. Tôi xin thể hiện sự đồng tình với Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng cần thiết phải xem xét lại mục tiêu của việc xây dựng dự thảo luật và cũng đồng ý với các mục tiêu mà Uỷ ban Tài chính, ngân sách đã đề nghị. Theo tôi thứ nhất là không nên đặt mục tiêu là đưa ra tiến hành thực hiện dự thảo luật này nhằm để tăng cường khả năng quản lý của Nhà nước về đất đai. Bởi vì cách đặt vấn đề như vậy ngược với lôgic quản lý, về nguyên tắc chúng ta phải quản lý được, khi nào chúng ta quản lý được thì chúng ta mới ban hành chính sách, chứ không phải ban hành chính sách để chúng ta thực hiện tăng cường khả năng quản lý.

Thứ hai, qua toàn bộ hồ sơ dự án tôi có cảm nhận rằng mục tiêu chính mà Ban soạn thảo theo đuổi đó là để hạn chế đầu cơ. Đây là một loại thuế có tính chất thuế tài sản và đặc trưng của loại thuế này lại không tác động đến hành vi tiêu dùng cũng như sự phân bổ nguồn lực của người dân. Hay nói cách khác là nếu dùng thuế thì cũng không ảnh hưởng, không tác động đến hành vi và ngăn chặn được tình trạng đầu cơ. Thông thường thì hoạt động đầu cơ diễn ra vì lợi nhuận rất cao, rất hấp dẫn và mức thuế cũng không theo kịp được với tốc độ tăng giá, đặc biệt điều này đúng ở những khu vực nóng mà chúng ta gọi là những khu đất vàng, những nơi có cơ sở hạ tầng hoàn thiện.

Qua quan sát tôi thấy những ví dụ chúng ta nhìn thấy ở những nước xung quanh trong khu vực, ví dụ ở Băng Cốc - Thái Lan hay Jacacta của Indonexia là 2 nước đang phát triển thì tại hai thủ đô này mặc dù dùng mức thuế rất cao nhưng họ vẫn không ngăn chặn được tình trạng đầu cơ. Hay tại những nước phát triển như Tokyo của Nhật Bản họ cũng áp dụng mức thuế rất cao đối với tài sản, với bất động sản nhưng cũng không ngăn chặn được đầu cơ. Qua đó tôi muốn nói nếu đặt vấn đề hạn chế đầu cơ thì dự thảo luật này chắc chắn không đem lại mục tiêu.

Vấn đề thứ ba là mục tiêu dự án này cũng không đặt ra vấn đề về khai thác nguồn thu. Điều này cũng là hợp lý bởi vì chúng ta thấy nếu thực hiện dự thảo luật này thì chi phí của công tác thu thuế này rất lớn, nó nằm ở hai khoản chi phí đó là thu thập dữ liệu và chi phí định giá tài sản. Do vậy khả năng khai thác nguồn thu của chúng ta không đạt được. Tuy nhiên, chính điều này tạo ra sự mâu thuẫn của bản thân quá trình xây dựng luật, bởi vì nguyên tắc thuế đánh vào thuế bất động sản đó là chúng ta phải tạo được sự công bằng. Mục tiêu của nó là phải tạo được sự công bằng và nó tạo ra nguồn thu dài hạn cho chính quyền địa phương để chính quyền địa phương lấy nguồn thu đó cung cấp các dịch vụ công và các tiện ích công cộng, đó mới là bản chất của sắc thuế này thì chúng ta lại không theo đuổi mục tiêu đó mà lại theo đuổi mục tiêu xã hội. Cho dù mục tiêu nào đi nữa thì hai mục tiêu chính của dự thảo luật này chúng ta đều không đạt được. Nên tôi cho rằng cần phải nghiên cứu, xem xét rất thận trọng về quá trình soạn thảo luật.

Về tính khả thi của dự thảo luật. Dự án luật này quy định rất nhiều cách tính và cách tính này rất khó khăn và khó thực hiện. Như vừa tính diện tích nhà theo Giấy chứng nhận, vừa tính diện tích theo thực tế đang sử dụng và áp dụng cả phương thức cộng dồn ở nhiều địa phương khác nhau, nếu chúng ta nhìn vào vấn đề này thì thấy rõ ngay là nó rất là khó khả thi không thể thực hiện được trong thực tế. Điều này tôi cũng có tham khảo với các cơ quan thuế, họ cũng nói rằng rất khó thực hiện trong thực tế. Nếu muốn đo được, muốn tính được chính xác, xác định được giá trị chịu thuế thì chúng ta phải tiến hành, tính toán đo đạc, kiểm tra diện tích nhà, nhà ở thực tế của toàn bộ các căn nhà trên cả nước. Cho đến nay thì cơ quan quản lý thuế cũng chưa có được cơ sở dữ liệu này, vì tôi cũng không rõ là chúng ta sẽ thực hiện vấn đề là tính giá trị chịu thuế như thế nào.

Hơn nữa Luật Đất đai năm 2003 cũng có quy định là Ủy ban nhân dân thành phố sẽ cấp giấy chứng nhận. Như vậy phương pháp cộng dồn sẽ không thực hiện được, không khả thi được. Do đó tôi cũng không đồng ý với đề nghị của Ủy ban Tài chính ngân sách ở điểm này. Tức là Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng đề nghị là chúng ta tính theo từng địa phương. Nhưng nếu tính theo từng địa phương thì nó lại dẫn đến một kẽ hở khác, tức là những người mà đầu cơ thì họ sẽ mua đất ở nhiều nơi khác nhau, nhiều địa phương khác nhaun thì cuối cùng là chúng ta không khai thác được, không ngăn chặn được tình trạng đầu cơ và việc áp dụng thuế lũy tiến của chúng ta không có hiệu quả.

Ở các nước thì người ta xem điều kiện tối thiểu để áp dụng sắc thuế này đó là phải có một cái bản đồ chính xác và một hệ thống thống kê về nhà và đất ở. Khi có hai cơ sở đó rồi ta mới có khả năng thực hiện và áp dụng thuế này được. Tôi cho rằng ở nước ta thì cũng phải mất đến ít nhất là 5 năm nếu chúng ta quyết tâm thì phải mất 5 năm nữa mới hy vọng là chúng ta có được một cái hệ thống nhà hoàn chỉnh và lúc đó chúng ta có thể áp dụng được chính sách thuế này.

Điều 8 của dự thảo Luật quy định nghĩa vụ của người nộp thuế là phải khai, đăng ký tính thuế và nộp thuế. Tôi cho rằng quy định như vậy nó không khả thi, không phù hợp trong thực tế. Bởi vì thủ tục tính toán phức tạp nó sẽ cản trở việc người dân tự nguyện nộp thuế. Điều này chúng ta cũng đã thấy rõ trong vấn đề khi chúng ta áp dụng thuế thu nhập cá nhân, riêng mã số thuế cá nhân, cấp mã số thuế không chúng ta đã mất hơn một năm trời để khuyến khích động viên người dân đăng ký mã số thuế cá nhân, thì với dự thảo luật này rất nhiều vấn đề khó khăn, bây giờ người dân tự cộng thuế, tự tính thuế, tự khai thuế nếu họ có nhiều mảnh đất khác nhau thì không thể thực hiện được. Tại Indonesia họ muốn cải cách thuế này người ta mất 10 năm người ta xem xét, người ta tính toán và điểm mấu chốt của quá trình cải cách thuế này là phải xây dựng được hệ thống nộp thuế và thủ tục thuế phải rất đơn giản thì mới có thể thực hiện được. Còn nếu chúng ta không tự động hóa, không hệ thống hóa bằng máy vi tính tin học thì không bao giờ thực hiện được.

Cuối cùng để đảm bảo tính khả thi tôi cho rằng phải tính đến 3 yếu tố quan trọng, đó là:

Thứ nhất là hệ thống chính sách của chúng ta phải hoàn chỉnh.

Thứ hai vấn đề thực địa phải chính xác.

Thứ ba là hệ thống quản lý thuế phải rất hiệu quả. Có ba vấn đề đó thì chúng ta mới có thể đảm bảo hệ thống này khả thi được và tôi cũng xin phép được nhắc lại câu nói của Ovitraside Chương X có nói rằng "mặt đất còn nguy hiểm hơn đại dương", do đó tôi đề nghị rằng với dự thảo luật này chúng ta phải nghiên cứu hết sức thận trọng, tính toán kỹ lưỡng nếu không hệ lụy về mặt chính trị nó còn lớn hơn giá trị kinh tế mà dự thảo luật này mang lại. Xin hết.

Các văn bản liên quan