GV Nguyễn Thị Thủy – Trưởng bộ môn Luật tài chính -ngân hàng – ĐH Luật Tp. HCM góp ý

Thứ Ba 17:39 11-08-2009

GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT THUẾ NHÀ ĐẤT VÀ THUẾ TÀI NGUYÊN

I- Thuế nhà đất.

1- Sự cần thiết phải ban hành luật thuế nhà đất.

Pháp lệnh thuế nhà đất được ban hành ngày 31/7/1992 và đã được sửa đổi, bổ sung ngày 19/5/1994. Sau gần 15 năm thực hiện, thuế nhà đất đã phát huy được nhiều vai trò như góp phần quản lý hoạt động sử dụng đất ở, đất xây dựng công trình, khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng đất có hiệu quả, thực hiện chế độ ưu đãi đối với việc sử dụng đất của những đối tượng thuộc diện chính sách, động viên nguồn tài chính vào ngân sách nhà nước, đặc biệt là tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương để đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ của ngân sách địa phương. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng, ngoài những vai trò trên đây, pháp luật thuế nhà đất hiện hành cũng đã bộc lộ những bất cập cần thiết phải khắc phục sau:

Thứ nhất, tại thời điểm ban hành pháp lệnh thuế nhà đất năm 1992, lúc đó Đảng và nhà nước chưa có chủ trương thu thuế nhà, vì vậy, mặc dù tên gọi là thuế nhà đất nhưng thực tế, pháp luật chỉ thu thuế đối với hành vi sử dụng đất mà thôi. Quy định này vào thời điểm đó là hợp lý trong bối cảnh mục đích của nhà nước nhằm động viên một phần tài chính từ các chủ thể có hành vi sử dụng đất của nhà nước mà chưa có quy định thu thuế đối với hành vi sử dụng tài sản. Hơn nữa, vào thời điểm đó chúng ta chưa có chủ trương hạn chế nạn đầu cơ nhà đất (do thị trường bất động sản lúc đó còn rất sơ khai), thu nhập của người dân vào thời điểm đó còn thấp, do vậy việc không thu thuế đối với hành vi sử dụng nhà là hoàn toàn phù hợp. Hiện nay, thị trường bất động sản phát triển sôi động, thu nhập của người dân tăng cao, việc mua nhà và đất không chỉ nhằm mục đích để ở mà còn phục vụ cho nhu cầu đầu tư thậm chí là đầu cơ hưởng lợi. Trước sự biến chuyển này, nhà nước cần thiết phải quản lý hoạt động sử dụng đất và nhà để hạn chế tình trạng sử dụng đất kém hiệu quả, tránh tình trạng sử dụng một cách lãng phí quỹ đất. Để thực hiện điều này, cần thiết phải đưa hành vi sử dụng nhà vào đối tượng chịusự điều tiết của thuế nhà đất.

Thứ hai, theo quy định của pháp luật thuế nhà đất hiện hành, nhà nước tiến hành thu thuế đồng đều đối với các hành vi sử dụng đất mà không có sự phân biệt giữa người sử dụng nhiều và người sử dụng ít, điều này bất hợp lý trong việc đảm bảo công bằng xã hội. Chính vì không có sự điều tiết rõ ràng nên đã xảy ra hiện tượng, rất nhiểu người mua nhà và đất không phải để ở hay phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh mà nhằm mục dích kinh doanh kiếm lời thông qua hoạt động mua đi, bán lại. Mặc dù, trên thực tế chúng ta không thể cấm được hành vi này vì đất và nhà là hàng hóa thì được phép tham gia vào lưu thông nhưng vì chúng là hàng hóa đặc biệt nên cần thiết phải có cơ chế kiểm soát bằng chính sách thuế. Cụ thể, chúng ta không thể đánh đồng thu thuế giữa người sử dụng ít và người sử dụng nhiều, do vậy việc ban hành luật thuế nhà đất với cơ chế điều tiết hành vi sử dụng nhà và đất là việc làm cần thiết nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ đất và đảm bảo công bằng xã hội.

Thứ ba, căn cứ tính thuế nhà đất dựa vào định suất thuế sử dụng đất nông nghiệp là không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. L‎ý do, để tính được thuế này phải dựa vào một sắc thuế khác là điều không nên. Hơn nữa, mục tiêu điều tiết của thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế nhà đất là khác nhau nên cần thiết phải có căn cứ tính thuế nhà đất riêng, không phụ thuộc vào quy định tính thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Thứ tư, Luật quản lý thuế đã được ban hành với những quy định quản lý thuế áp dụng chung cho các sắc thuế. Vì vậy, các quy định về đăng ký, kê khai, nộp thuế, xử lý vi phạm trong pháp lệnh thuế nhà đất và các văn bản hướng dẫn thi hành cần được bãi bỏ để phù hợp với Luật quản lý thuế.

Với những lý do được trình bày trên đây, việc bàn hành luật thuế nhà đất để thay thế cho pháp lệnh thế nhà đất hiện hành là cần thiết.

2- Những nội dung góp ‎ý.

Thứ nhất, về đối tượng chịu thuế: đồng ý với dự thảo đưa nhà vào đối tượng chịu thuế nhà đất. Đây là việc làm cần thiết vừa tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước (cụ thể là ngân sách địa phương) để thực hiện nhiệm vụ chi đồng thời đây cũng được coi là loại thuế tài sản thu vào hành vi sử dụng những tài sản có giá trị nhằm đảm bảo công bằng xã hội. Đối với đất: đồng ý với việc đưa đất sử dụng nhằm mục đích phi nông nghiệp vào diện chịu thuế thay cho đất xây dựng công trình theo pháp lệnh hiện hành để phù hợp với quy định của luật đất đai. Tuy nhiên, tại điều 2 dự luật cần thiết bỏ cụm từ "Đối tượng chịu thuế quy định tại Điều này không bao gồm các trường hợp theo quy định tại Điều 3 Luật này". Sở dĩ, nên bỏ cụm từ trên vì nó không cần thiết, khi quy định đối tượng không chịu thuế, đương nhiên người đọc hiểu rằng, đây là những trường hợp pháp luật loại trừ không thu thuế.

Thứ hai, về người nộp thuế, đây là quy định cần thiết phải cân nhắc vì đối với các sắc thuế vừa mới ban hành như thuế GTGT, thuế TTĐB, TNDN đã đưa ra khái niệm người nộp thuế khác với khái niệm này được quy định tại Luật quản lý thuế. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1, Điều 2 Luật quản lý thuế thì người nộp thuế gồm: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế; Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nộp các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước (sau đây gọi chung là thuế) do cơ quan quản lý thuế quản lý thu theo quy định của pháp luật; Tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế; tổ chức, cá nhân làm thủ tục về thuế thay người nộp thuế.

Như vậy, khái niệm người nộp thuế được quy định trong Luật quản lý thuế rộng hơn nhiều so với khái niệm người nộp thuế trong dự thảo luật. Khái niệm người nộp thuế trong dự thảo luật chỉ bao gồm tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế mà không bao gồm tổ chức, cá nhân làm thủ tục về thuế thay người nộp thuế. Sỡ dĩ, chúng tôi quan tâm đến điều này bởi vì, nếu có sự không nhất quán trong khái niệm trên tại các văn bản pháp luật thuế sẽ dẫn đến những trở ngại nhất định khi áp dụng chúng trong thực tế. Cụ thể, theo quy định của pháp luật thì chính đối tượng nộp thuế (theo khái niệm trước đây và quy định trong luật thuế thu nhập cá nhân[1]) tức là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất (theo quy định trong dự thảo) sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng k‎ý, kê khai, nộp thuế nhà đất. Như vậy, tổ chức, cá nhân làm thủ tục về thuế thay đối tượng nộp thuế sẽ không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký, kê khai, nộp thuế (mặc dù họ đã ký hợp đồng dịch vụ làm thay đối tượng nộp thuế). Lý do, trách nhiệm này thuộc về đối tượng nộp thuế chứ không phải của tổ chức, cá nhân làm thủ tục về thuế thay đối tượng nộp thuế. Do vậy, nếu dự luật quy định những chủ thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký, kê khai, nộp thuế mà là người nộp thuế thì không thật sự chính xác (vì người nộp thuế gồm cả tổ chức, cá nhân làm thủ tục về thuế thay đối tượng nộp thuế), mà những chủ thể này không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi này. Để xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất ở trong thuế nhà đất thì phải quy định họ là đối tượng nộp thuế chứ không ghi chung chung là người nộp thuế. Theo tôi, dùng cụm từ "đối tượng nộp thuế" không có gì là nặng nề mà còn đảm bảo được trách nhiệm của họ đối với nhà nước trong thuế nhà đất.[2]

Thứ ba, về căn cứ tính thuế: Đồng ý với dự thảo quy định căn cứ tính thuế bao gồm hai yếu tố cấu thành đó là giá tính thuế và thuế suất.

Về giá tính thuế, theo tôi không nên quy định có sự phân biệt giữa nhà đã sử dụng và nhà mới, bởi vì quy định như thế này sẽ rất phức tạp, gây tiêu cực đồng thời sẽ đẩy chi phí hành thu lên rất cao do phải áp dụng những cơ chế nhằm tránh tình trạng trốn thuế và tiêu cực xảy ra. Gía tính thuế nhà nên áp dụng giá tính thuế của 1m2 nhà ở (kể cả trường hợp sử dụng nhà ở để cho thuê hoặc kinh doanh) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Về thuế suất, không nên quy định nhà ở đến 600 triệu đồng thì không thu thuế mà nên quy định một diện tích cố định, ví dụ là bao nhiêu m2 cho mỗi cá nhân trong hộ gia đình. Bởi vì, nếu quy định một số tiền cụ thể cho giá trị nhà sẽ tạo sự biến động về mức thu. Cụ thể, theo dự thảo luật, giá khởi điểm tính thuế đối với nhà ở được xây dựng dựa trên cơ sở lấy định mức 37,5m2/1người và bình quân một hộ gia đình có 4 người. Theo đó, với diện tích khởi điểm chịu thuế là 150m2 và giá 1m2 nhà xây dựng mới khoảng 4 triệu đồng/m2 (Giá 1m2 nhà xây dựng mới được xác định trên cơ sở suất vốn đầu tư xây dựng công trình trung bình do Bộ Xây dựng ban hành) thì giá khởi điểm tính thuế 600 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu giá nhà xây dựng mới có sự chỉnh sửa thì mức khởi điểm tính thuế sẽ lại phải thay đổi. Theo tôi, chúng ta chỉ cần quy định định mức sử dụng nhà m2 trên đầu người (có sự phân biệt giữa vùng nông thôn và thành thị) và cũng không nên áp dụng cứng nhắc mỗi hộ gia đình chỉ có 4 người mà căn cứ vào sổ hộ khẩu của chủ hộ (chủ hộ phải là người đứng tên trong giấy chứng nhận sở hữu nhà). Quy định này nhằm đảm bảo phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam là có thể có nhiều thế hệ sống trong cùng một nhà. Về cách tính thuế, nên áp dụng cách thức lấy diện tích nhà trừ đi phần trong hạn mức (không chịu thuế) phần còn lại áp dụng mức thuế suất 0,02%. Theo tôi, mức thuế suất 0,2% là mức động viên vừa phải vì từ trước nhà nước chưa hề thu thuế nhà, nếu đưa vào diện thu thuế mà thu cao quá sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người dân (tác động ngược là giảm kích cầu trong bối cảnh kinh tế đang khó khăn).

Thứ tư, về việc thu thuế đối với đất được nhà nước cho thuê: theo ý kiến cá nhân, nên thu thuế đối với nhà và đất đối với đất được nhà nước cho thuê. Bản chất của thuế nhà đất là thu đối với hành vi sử dụng nhà và hành vi sử dụng đất. Đất đi thuê mặc dù người thuê phải trả tiền thuê đất nhưng tiền thuê đất khác với thuế đất. Tổ chức, cá nhân phải trả tiền thuê đất vì họ sử dụng đất mà nhà nước cho thuê (không phải do được giao hoặc thông qua hoạt động mua bán) vì vậy họ phải trả tiền thuê đất theo quy định của luật đất đai. Còn trong quá trình sử dụng họ phải nộp thuế đất (và thuế nhà nếu làm nhà trên đất thuê) vì có hành vi sử dụng đất và nhà theo quy định của luật thuế nhà đất.

II- Thuế tài nguyên.

Thứ nhất, về đối tượng chịu thuế: theo quan điểm cá nhân, những gì nhà nước có thể quản lý được, có thể xác định được để làm căn cứ tính thuế thì nên thu. Đối với những tài nguyên mà không có cơ sở để tính thuế thì chưa nên thu, vì vậy, đồng ý với quan điểm của ban soạn thảo chưa nên đưa các loại tài nguyên như không khí, vùng biển, vùng trời, kho số, tần số, các nguồn năng lượng (gió, ánh sáng mặt trời), lịch sử, văn hoá phi vật thể,... vào đối tượng chịu thuế tài nguyên.

Thứ hai, về thuế suất: không nên quy định thuế suất phần trăm cố định cho từng nhóm tài nguyên cũng như thuế tuyệt đối đối với tài nguyên vì thuế tài nguyên có đối tượng chịu thuế rất đặc thù. Cụ thể, mục đích của nhà nước khi thu thuế tài nguyên là thu vào hành vi khai thác tài nguyên thiên nhiên của quốc gia, tức là những yếu tố có sẳn trong thiên nhiên. Đây là tài sản thuộc sở hữu nhà nước, vì vậy nhà nước cần thiết phải linh động trong việc điều tiết hành vi khai thác. Ví dụ khi khuyến khích khai thác thì giảm thuế, ngược lại thì phải tăng thuế để hạn chế khai thác. Vì vậy, theo ý kiến cá nhân, cần thiết phải quy định một khung thuế suất cho các nhóm tài nguyên, khung thuế này phải tương đối rộng để nhà nước có thể linh hoạt động tiết hoạt động khai thác tài nguyên trên lãnh thổ quốc gia. Chính vì vậy, tôi đồng ý với quan điểm trong dự thảo là quy định khung thuế suất cho từng tài nguyên tuy nhiên dự thảo cũng nên lưu ý đến việc nới rộng khung thuế suất.

Tp. Hồ chí Minh ngày 6/8/2009

GV. Nguyễn Thị Thủy - Trưởng bộ môn Luật tài chính -ngân hàng - Đại học Luật Tp. HCM.


[1] Luật thuế thu nhập cá nhân quy định "đối tượng nộp thuế" chứ không phải "người nộp thuế".

[2] Trước đây, khi ban hành Luật quản l‎ý thuế, có nhiều chuyên gia cho rằng, phải thay cụm từ "đối tượng nộp thuế" thành "người nộp thuế" để tránh nặng nề. Tuy nhiên chính sự thay đổi này đã tạo sự khập khiểng trong việc hiểu khái niệm người nộp thuế để xác định trách nhiệm về thuế với nhà nước.

Các văn bản liên quan