Luật hóa quyền tiếp cận thông tin của người dân

Thứ Bảy 23:42 29-08-2009
Những thông tin phải được công khai gồm: quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; quản lý sử dụng các khoản đóng góp của dân, các loại quỹ...

Ngày 2/7, Bộ Tư pháp đã trưng cầu ý kiến về dự án Luật tiếp cận thông tin.Theo Ban soạn thảo, trong các văn bản hiện hành, trách nhiệm cung cấp thông tin chưa được quy định cụ thể, như loại nào phải công bố công khai, thông tin nào được cung cấp khi có yêu cầu, và loại nào không được...

Việc tiếp cận thông tin do các cơ quan nhà nước nắm giữ chưa công khai minh bạch, biểu hiện rõ nhất là trong lĩnh vực đất đai, đền bù giải tỏa, dự án ưu đãi, các khoản tín dụng, cứu trợ thiên tai... Điều này là nguy cơ dẫn đến tình trạng tham nhũng, tùy tiện của cán bộ công chức.

Dự thảo luật cho phép mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có quyền tiếp cận thông tin. Việc này được thực hiện qua xem, nghe, đọc, ghi chép, trích dẫn, sao chụp... Những thông tin phải được công khai gồm có: thống kê kinh tế xã hội của quốc gia, địa phương; quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; quản lý sử dụng các khoản đóng góp của dân, các loại quỹ,

Tuy nhiên, tiếp cận thông tin cũng có "vùng cấm" đó là những hồ sơ, tài liệu có chứa thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh. Có hai phương thức là tiếp cận thông tin được công bố công khai và tiếp cận thông tin theo yêu cầu.

Tiến sĩ Tường Duy Kiên (Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) đánh giá cao dự án luật này khi cho rằng đây là một trong những công cụ quan trọng phòng chống tham nhũng.

Theo ông, đã đến lúc cần thay đổi tư duy của một số cán bộ nhà nước về nắm giữ thông tin. Đó là thông tin chung phục vụ cộng đồng mà họ chỉ là người thay mặt dân để nắm giữ. Thực tiễn cho thấy, việc "giữ" thông tin của một số người có điều kiện, vị trí công tác đã gây nên sự bất bình đẳng, thiếu công bằng trong xã hội, là điều kiện nảy sinh trình trạng đặc quyền đặc lợi.

Được mời đến tham gia góp ý cho dự thảo, một cán bộ hưu trí của phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội tâm sự: "Chúng tôi không đói cơm, đói gạo mà thực sự đang rất đói thông tin. Luật này thực sự là phao cứu sinh".

Theo ông, nếu người dân không tiếp cận được với thông tin thì biết cái gì "để bàn, để kiểm tra". Nếu mọi việc được minh bạch, rõ ràng sẽ mang lại lòng tin trong nhân dân. Ông đề nghị sửa tên của dự luật từ "tiếp cận thông tin" thành "cung cấp và tiếp cận thông tin".

Ông Hoàng Ngọc Giao (Học viện chính trị - hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) cũng đồng ý khi cho rằng đây thực sự là "phao cứu sinh" với người dân trong tình trạng khó khăn khi tiếp cận thông tin từ các cơ quan công quyền như hiện nay. Đó cũng sẽ là công cụ để nhà nước quản lý hiệu quả hơn, ngăn ngừa lạm quyền và tham nhũng, thúc đẩy việc quản trị quốc gia tốt hơn.

Ông Giao ví von hoạt động nhà nước giống như cơ thể, cũng cần có sự trao đổi. Nếu chỉ tiếp nhận mà không cung cấp thông tin ra bên ngoài, để lắng nghe phản biện có thể dẫn tới tình trạng quan liêu, bao cấp, đưa ra những quyết sách sai lầm.

Ông đề nghị cân nhắc một số nội dung để phù hợp với Luật bí mật nhà nước và bổ sung một số quy định để bảo vệ người dân khi cán bộ nhà nước không thực hiện việc cung cấp thông tin. "Phải xử lý cán bộ thế nào, lượng hóa hình phạt tù, mức phạt tiền ra sao, phải quy định cụ thể", ông nhấn mạnh.

Theo Bộ Tư pháp, do việc cần thiết phải sớm ban hành Luật tiếp cận thông tin, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 thay cho chương trình dự bị và ban hành trong năm 2011 như dự kiến ban đầu.


Theo Báo điện tử VnExpress, 2/7/2009

Các văn bản liên quan