Dự luật tiếp cận thông tin:Cho dân biết để dân kiểm tra

Thứ Bảy 23:41 29-08-2009
Bộ Tư pháp vừa trưng cầu ý kiến các bộ, ngành liên quan về dự án Luật Tiếp cận thông tin. Mặc dù vẫn phải nhận những lời chê nhưng nhìn trên bình diện chung, các bộ, ngành đều cho rằng, dự luật sẽ trở thành cột mốc quan trọng trong việc thực hiện dân chủ, thể hiện tinh thần "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", do đó cần trình Chính phủ, Quốc hội ngay trong năm 2009 và thông qua vào năm 2010.

Công khai thông tin

Dự thảo luật mới nhất (công bố ngày 3-7) cho phép mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có quyền tiếp cận thông tin. Việc này được thực hiện qua xem, đọc, nghe, ghi chép, trích dẫn, sao, chụp. Những thông tin phải được công khai gồm có: thống kê kinh tế, xã hội của quốc gia, địa phương; quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; quản lý sử dụng các khoản đóng góp của dân, các loại quỹ. Tuy nhiên, tiếp cận thông tin cũng có vùng cấm, đó là những hồ sơ, tài liệu có chứa thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư, bí mật kinh doanh. Có 2 phương thức là tiếp cận thông tin được công bố công khai và tiếp cận thông tin theo yêu cầu. Tiến sỹ Tường Duy Kiên (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) đánh giá cao dự án luật này khi cho rằng đây là một trong những công cụ quan trọng phòng chống tham nhũng. Theo ông, đã đến lúc cần thay đổi tư duy của một số cán bộ nhà nước về nắm giữ thông tin, nhất là những thông tin chung phục vụ cộng đồng mà họ chỉ là người thay mặt dân để nắm giữ. Thực tiễn cho thấy, việc giữ thông tin của một số người có điều kiện, vị trí công tác đã gây nên sự bất bình đẳng, thiếu công bằng trong xã hội, là điều kiện nảy sinh tình trạng đặc quyền, đặc lợi.

Được mời đến tham gia góp ý cho dự thảo, ông Nguyễn Bốn Bảy, một cán bộ hưu trí của quận Tây Hồ, Hà Nội tâm sự: "Tôi không đói ăn, đói mặc, nhưng đói thông tin vô cùng. Điển hình là dự án cầu Nhật Tân. Từ năm 2006, Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan phải lấy ý kiến người dân về dự án này. Thế nhưng tới nay chưa một lần tôi được thực hiện quyền này, trong khi dự án đó liên tục thay đổi thiết kế. Chúng ta hay nhắc đến câu "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" nhưng nếu người dân chúng tôi không biết được thông tin thì chúng tôi bàn cái gì, kiểm tra cái gì?" Vì lẽ này, ông Bảy đã ví Luật Tiếp cận thông tin giống như chiếc "phao cứu sinh" của người dân và đề nghị sửa tên của dự luật từ "tiếp cận thông tin" thành "cung cấp và tiếp cận thông tin" cho dễ hiểu.

Ông Hoàng Ngọc Giao (Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh) cũng đồng ý khi cho rằng đây thực sự là "phao cứu sinh" với người dân trong tình trạng khó khăn khi tiếp cận thông tin từ các cơ quan công quyền như hiện nay. Ông Giao ví von, hoạt động nhà nước giống như cơ thể con người, cũng cần có sự trao đổi. Nếu chỉ tiếp nhận mà không cung cấp thông tin ra bên ngoài, để lắng nghe phản biện có thể dẫn tới tình trạng quan liêu, đưa ra những quyết sách sai lầm. Ông đề nghị cân nhắc một số nội dung để phù hợp với pháp luật về bí mật nhà nước.

Vẫn còn những "vùng cấm"

Các quy định về công khai thông tin cho đến nay được quy định rải rác trong Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Kiểm toán nhưng lại vắng bóng các thủ tục thực hiện các quyền và hình thức cung cấp thông tin, thời hạn thực hiện. Hạn chế này khiến cho việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin càng khó thực thi. Trong khi đó, theo ông Trương Anh Tuấn, đại diện HĐND tỉnh Nam Định, ngay dự thảo Luật Tiếp cận thông tin cũng còn những quy định "nói cho oai" chứ chưa có chế tài bảo đảm tính khả thi. Ông Tuấn dẫn chứng khoản 3, Điều 28 dự luật quy định "việc từ chối cung cấp thông tin do người đứng đầu cơ quan hoặc người ủy quyền quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định từ chối cung cấp", thế nhưng chịu trách nhiệm như thế nào thì không rõ được quy định ở đâu?

Về vấn đề này, một số ý kiến cũng cho rằng cần bổ sung điều khoản để bảo đảm tính khả thi của luật, để khi người dân bị từ chối cung cấp thông tin họ có thể tự bảo vệ mình bằng chính những thiết chế của Luật Tiếp cận thông tin. Luật cũng cần quy định sẽ xử lý cán bộ, công chức như thế nào khi từ chối cung cấp thông tin không đúng quy định. Tiến sỹ Tường Duy Kiên còn kiến nghị cần nghiên cứu sửa đổi Luật Báo chí theo hướng báo chí được phản ánh, đăng tải các thông tin khác nhau, không bị truy cứu về nguồn gốc thông tin.

Cũng theo Tiến sỹ Kiên, để bảo đảm thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin của công dân, cần sửa Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước, vì theo đó "danh mục mật" cũng có thể không được cơ quan nhà nước công bố nên người dân không thể biết vấn đề, nội dung nào là mật hay không mật.

Thiết nghĩ, đây cũng là một trong những giải pháp lâu dài để phòng chống nạn tham nhũng ở một số cán bộ cửa quyền, biến chất./.

(Theo Hà Nội Mới điện tử)

Các văn bản liên quan