Góp ý của ĐBQH Nguyễn Trọng Trường – Bắc Ninh đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 16:01 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tôi xin có một số ý kiến đóng góp cụ thể như sau:

Thứ nhất, về cơ chế thu hồi đất tại Mục 1, Chương V, tôi nhất trí với quy định của dự thảo luật là: Nhà nước chủ động thu hồi đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố tổ chức việc bồi thường hỗ trợ tái định cư để tạo quỹ đất sạch, sau đó nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Theo tôi đất đã nằm trong quy hoạch thì không cho phép nhà đầu tư chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án vì sẽ làm cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất phức tạp thêm do chênh lệch về giá bồi thường, từ đó dẫn đến việc so bì, khiếu kiện trong nhân dân.

Trường hợp chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định của pháp luật có liên quan, nếu lập dự án và chuyển mục đích sử dụng đất thì phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Qua đó nhằm tăng tính khả thi cho việc thu hồi đất theo quy định để tạo quỹ đất sạch thì khả năng nguồn ngân sách nhà nước chi trả cho việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất là rất hạn chế. Hơn nữa việc giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất phụ thuộc vào nhu cầu của các dự án đầu tư và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng thời kỳ. Nếu thu hồi đất theo quy hoạch mà giao cho thuê để sử dụng sẽ dẫn đến lãng phí đất, nhất là các công trình hạ tầng có thời gian thực hiện kéo dài nhiều năm. Đối với đất quy hoạch để xây dựng cơ sở hạ tầng như giao thông, thủy lợi v.v... thì căn cứ vào tiến độ dự án yêu cầu sử dụng đến đâu thu hồi đến đó để tránh lãng phí đất. Ngoài ra để đảm bảo kinh phí cho tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch, tôi đề nghị quy định rõ về cơ chế tài chính cho hoạt động của tổ chức này. Đề nghị có cơ chế để nhà đầu tư ứng vốn cho tổ chức phát triển quỹ đất làm công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất để giảm gánh nặng cho nhà nước.

Theo tôi cần xem xét thêm về khái niệm thu hồi đất và đề nghị sử dụng khái niệm trưng mua quyền sử dụng đất vì quyền sử dụng đất là quyền tài sản và được coi là tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự. Điều 23 Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định việc thu hồi đất trong trường hợp cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia và chi trả, bồi thường theo cơ chế thị trường. Do đó, nếu thu hồi đất vì mục tiêu phát triển kinh tế là trái với quy định của Hiến pháp. Vì vậy, trong các trường hợp này nên sử dụng cụm từ "trưng mua quyền sử dụng đất" để phù hợp với tinh thần của Hiến pháp.

Về quyền, nghĩa vụ của cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất được quy định tại các Điều 154, Điều 162, 163 của dự thảo. Dự thảo luật quy định về hộ gia đình và khái niệm hộ gia đình được quy định tại Điều 156 Bộ luật dân sự. Tuy nhiên, khi vận dụng quy định này còn nhiều bất cập. Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng cần bỏ quy định này vì lý do sau:

Trên thực tế khi giải quyết tranh chấp về tài sản liên quan đến hộ gia đình thì việc xác định thành viên trong hộ gia đình gồm những thành viên nào có tài sản chung, thành viên nào cùng đóng góp công sức vào hoạt động kinh tế chung của hộ gia đình, tài sản chung của hộ gia đình trong khối tài sản chung của gia đình. Thời điểm phát sinh quyền tài sản của từng thành viên hộ gia đình trong khối tài sản chung của hộ gia đình là rất khó khăn. Đặc biệt trong trường hợp được nhà nước giao quyền sử dụng đất cho hộ gia đình sau một thời gian cùng tham gia hoạt động sản xuất do nhu cầu thay đổi về thành viên trong hộ gia đình như trường hợp con cái lấy chồng, lấy vợ ra ở riêng đòi chia tách, do đó phát sinh tranh chấp. Đây là thực tế hiện nay đang gặp nhiều vướng mắc khi giải quyết ở tòa án.

Trong Bộ luật tố tụng dân sự không đề cập đến khái niệm hộ gia đình khi có tranh chấp, chủ hộ gia đình không có quyền đứng đơn khởi kiện mà được sự ủy quyền của các thành viên trong hộ gia đình. Với tư cách là một nhóm người có tài sản chung cùng hoạt động kinh tế chung hình thức sở hữu của hộ gia đình đối với tài sản chung của cả hộ là sở hữu nhiều chủ, tức là một nhóm người cùng thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với khối tài sản chung của cả hộ. Do đó, nên điều chỉnh mối quan hệ này thông qua chế định sở hữu chung khi các thành viên gia đình có tài sản chung thì việc chiếm hữu sử dụng định đoạt tài sản chung sẽ theo nguyên tắc chiếm hữu sử dụng định đoạt tài sản chung theo quy định của Bộ luật dân sự, khi phát sinh tranh chấp thì một trong các chủ sở hữu chung có quyền khởi kiện tại Tòa án yêu cầu phân chia tài sản trong khối tài sản chung đó. Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc khi sử dụng khái niệm này. Trên đây là ý kiến của tôi, xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan