Góp ý của ĐBQH Bùi Mạnh Hùng – Bình Phước đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 15:06 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Việc sửa đổi Luật đất đai là một yêu cầu bức thiết xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, tôi cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về quan điểm và mục tiêu sửa đổi Luật đất đai. Tôi thấy cần nhấn mạnh mục tiêu cải cách thủ tục hành chính về đất đai nhằm vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ về đất đai, vừa đảm bảo dân chủ công khai minh bạch nhằm hạn chế tham nhũng lãng phí trong quản lý và sử dụng đất đai, vừa khắc phục được tình trạng khiếu kiện về đất đai ngày càng gia tăng như hiện nay. Qua nghiên cứu về dự thảo luật sửa đổi tôi thấy có nhiều điểm mới cụ thể hơn, rõ ràng hơn song chưa tạo được bước đột phá. Tôi nhất trí với quan điểm quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu nhưng tôi đề nghị phải nêu rõ khái niệm sở hữu toàn dân, cơ chế để thực hiện quyền sở hữu đó như thế nào, nhà nước thực hiện nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu cụ thể ra sao, quyền nào thực hiện thông qua Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp và quyền nào thực hiện thông qua Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp. Trong dự thảo luật ta thấy ghi rất rõ quan điểm sở hữu toàn dân về đất đai chưa được thể hiện rõ. Trái lại các quy định của Luật đất đai lại thể hiện tinh thần sở hữu Nhà nước về đất đai, thậm chí có thể hiểu sở hữu của Chính phủ về đất đai.

Quan điểm sở hữu toàn dân phải có tác dụng xuyên suốt trong các quy định của luật là linh hồn của luật, tạo ra sự nhất quán hợp logic của các điều luật. Từ đó tạo được sự thống nhất trong việc làm và đem lại hiệu quả cao, trong dự thảo luật quy định quyền hạn, trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với đất đai. Nhưng chưa phân biệt rõ quyền hạn đó do chủ sở hữu giao hay do chức năng vốn có của Nhà nước. Vai trò của nhân dân và cơ quan dân cử thì còn chung chung, mờ nhạt và thiếu một cơ chế cụ thể để thực hiện việc giám sát một cách hữu hiệu.

Thiếu cơ chế giám sát cụ thể của nhân dân sẽ dẫn tới lạm quyền, theo tôi đây chính là nguyên nhân của tham nhũng, nguyên nhân của khiếu kiện về đất đai đã không ngừng gia tăng trong thời gian vừa qua, nhiệm vụ của sửa đổi luật lần này là phải góp phần tích cực để hạn chế khắc phục được tình hình trên để đảm bảo quyền của chủ sở hữu trên thực tế. Tôi đề nghị toàn bộ luật cần được thể hiện rõ cụ thể cơ chế giám sát của nhân dân trong từng công việc thông qua cơ quan đại diện của nhân dân là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước với vai trò là đại diện của chủ sở hữu, chứ không phải là chủ sở hữu. Tôi đề nghị trong Chương II cần thiết kế lại và đổi tên thành Chương chủ sở hữu về đất đai và nhiệm vụ của đại diện chủ sở hữu nhằm khẳng định đúng vị trí pháp lý của Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai theo sự ủy nhiệm của toàn dân, trên tinh thần đó sẽ xuyên suốt các quy định của luật.

Trong Chương II, tôi đề nghị cần có một quy định về quyền hạn, nhiệm vụ của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu về đất đai. Đồng thời có một mục để quy định về chức năng quản lý của Nhà nước đối với đất đai.

Về chương thu hồi đất là Chương V, nghiên cứu thì cho thấy dự thảo đã quy định cụ thể hơn so với luật cũ về các trường hợp thu hồi đất để phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng, các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế-xã hội, các trường hợp thu hồi đất do vi phạm Luật đất đai, các trường hợp thu hồi đất do chấm dứt sử dụng đất và tự nguyện. Đây là một điểm tích cực trong dự thảo luật sửa đổi, các quy định này sẽ là căn cứ để xác định tính đúng đắn của các quyết định thu hồi đất sẽ góp phần giảm bớt sự lạm quyền. Tuy nhiên, việc giao thẩm quyền thu hồi đất cho Ủy ban nhân dân các cấp vẫn thiếu một cơ chế giám sát chưa thể hiện được vai trò của chủ sở hữu, của nhân dân về đất đai. Theo tôi, cần quy định cơ chế giám sát ngay từ việc ra chủ trương thu hồi đất có đúng quy hoạch không? Có thực sự cần thiết không, có hiệu quả không và có khách quan không.

Về phương án thu hồi đất tái định cư phải bắt buộc tổ chức công khai trước nhân dân, giải quyết xong các vướng mắc trước khi tiến hành thu hồi đất, quy định rõ cơ chế giám sát trong từng khâu của việc thu hồi đất sẽ góp phần ngăn chặn việc lợi dụng thu hồi đất không vì mục đích chung đúng với quan điểm đất đai là sở hữu của toàn dân. Tôi đã phát biểu xong. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan