Góp ý của ĐBQH Đỗ Hữu Lâm – Long An đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 15:05 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) cùng với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Tôi xin tham gia góp ý 4 vấn đề như sau. Một, về cơ quan quản lý đất đai tại Khoản 2, Điều 26 quy định cơ quan dịch vụ công về đất đai bao gồm văn phòng đăng ký về sử dụng đất, tổ chức phát triển quỹ đất.

Theo pháp luật đất đai hiện hành hệ thống văn phòng đăng ký sử dụng đất được thành lập ở hai cấp trên hồ sơ địa chính và lập nhiều bộ lưu giữ nhiều nơi, hồ sơ thủ tục hành chính về đất đai bị quản lý phân tán dễ thất lạc gây khó khăn cho việc xây dựng và cung cấp thông tin đất đai. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh không phải là cấp trên của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện nên trong quá trình thực hiện đăng ký cấp chứng nhận lập và chỉnh lý hồ sơ địa chính kém hiệu lực, hiệu quả, quy trình cập nhật chỉnh lý hồ sơ địa chính phức tạp và trùng lặp hoặc bỏ sót dẫn đến hồ sơ địa chính không được lập, cập nhật chỉnh lý đầy đủ, đồng bộ và dẫn đến tình trạng không thống nhất giữa các cấp như hiện nay.

Do đó, tôi đề nghị dự thảo luật nên quy định rõ cơ quan dịch vụ công về đất đai là văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện theo một cấp. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện thuộc văn phòng đăng ký quyền sử dụng tỉnh và văn phòng đăng ký quyền sử dụng tỉnh có thể đăng ký thiết lập tại các khu vực. Đối với tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh và cấp huyện hiện nay chưa có phân định cụ thể chức năng, nhiệm vụ nên xảy ra tình trạng chồng chéo đùn đẩy trách nhiệm, cụ thể là tổ chức phát triển quỹ đất cấp huyện thực hiện công tác thu hồi đất và quản lý đất đai trên địa bàn huyện thì tổ chức  phát triển quỹ đất cấp tỉnh không có địa bàn hoạt động. Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh thực hiện công tác thu hồi đất và quản lý đất trên địa bàn huyện nào đó thì sẽ chồng lấn chức năng, nhiệm vụ của tổ chức phát triển quỹ đất ở huyện đó.

Mặt khác tổ chức phát triển quỹ đất hiện nay chỉ dừng lại là đơn vị sự nghiệp, chưa hoạt động theo loại hình doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích. Do đó tôi đề nghị trong dự thảo luật nên xác định loại hình tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh là đơn vị sự nghiệp có thu thành công ty trách nhiệm mô hình một thành viên thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Hàng năm sử dụng quỹ phát triển đất để lập kế hoạch, tạo quỹ đất sạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch hoặc thu hồi đất từ các dự án không triển khai, chậm triển khai để sử dụng đất không đúng mục đích. Các tổ chức phát triển quỹ đất cấp huyện chỉ là đơn vị sự nghiệp có thu, thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của doanh nghiệp, công trình phúc lợi xã hội của địa phương, có như thế mới khắc phục được hạn chế trong thời gian qua.

Hai, về thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tại Khoản 2, Điều 45 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định, Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Tuy nhiên việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Do đó, để kế hoạch sử dụng đất được điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tôi đề nghị dự thảo luật nên quy định thẩm quyền phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và kế hoạch 5 năm là do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, còn thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hàng năm sử dụng đất cấp tỉnh, Thủ tướng nên phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trên cơ sở căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch 5 năm được Thủ tướng phê duyệt và tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Quy định như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất phù hợp với quy hoạch quy định của pháp luật.

Ba, về bồi thường hỗ trợ nhà nước khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 73 quy định: về bồi thường hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất nông  nghiệp, đề nghị bổ sung thêm cho đối tượng là đất được nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Tại Điểm b, Khoản 1, Điều 73, đề nghị luật nên quy định đối với phần đất, phần diện tích vượt hạn điền không nên quy định bồi thường về chi phí đầu tư về phần đất còn lại, rất khó xác định và rất phức tạp trong việc xác định nhất là đối với tính đặc thù và điều kiện lịch sử của việc sử dụng đất đai đặc biệt ở các tỉnh phía Nam. Do đó đề nghị luật quy định đối với đối tượng này nhà nước chỉ hỗ trợ giá trị quyền sử dụng đất theo tỷ lệ từ 70 đến 80% so với giá trị đất trong hạn mức.

Tại Khoản 3, Điều 73, đề nghị thay thế cụm từ "hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp" bằng "từ chủ sử dụng đất hợp pháp". Bởi vì cụm từ trực tiếp sử dụng sản xuất nông nghiệp chưa có định nghĩa rõ ràng trong luật. Thực tế trong thời gian qua, trong quản lý rất vướng vấn đề này gây ra không ít khó khăn cho người dân cũng như nhiều vụ tiêu cực xảy ra trong việc xác định đối tượng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp có trực tiếp hay không.

Điểm b, Khoản 3, Điều 73 quy định "hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp, khi nhà nước thu hồi đất ngoài việc được bồi thường về đất theo quy định còn được nhà nước hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tạo việc làm từ nguồn thu từ đất. Diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương". Tôi thống nhất với quy định này nhưng để đảm bảo công bằng tôi đề nghị bỏ cụm từ "tại địa phương" trong quy định này. Bởi vì trong thực tế có những trường hợp người có đất bị thu hồi thường trú ở địa phương khác, theo quy định này thì không được hưởng chính sách chế độ hỗ trợ, đào tạo chuyển đổi nghề là chưa phù hợp.

Bốn, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, tại Điểm b, Khoản 2, Điều 183 quy định: thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1, Khoản 2, và 5 Điều 88 của luật này do Chủ tịch nhân dân các cấp xem xét, giải quyết. Nếu các bên có tranh chấp không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì khiếu nại đến người có thẩm quyền cấp trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường hoặc khởi kiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Theo số liệu thống kê của ngành thanh tra hiện nay có khoảng trên 70% các trường hợp khiếu nại là khiếu nại tranh chấp về đất đai. Nhiều trường hợp khiếu nại tranh chấp kéo dài, vượt cấp, khiếu kiện đông người làm tăng chi phí nhân lực bộ máy nhà nước để tổ chức thẩm tra giải quyết. Mặt khác Nhà nước thực hiện quyền sở hữu về đất đai của mình để xem xét công nhận quyền sử dụng đất. Một trong các bên tranh chấp căn cứ vào quá trình trực tiếp sử dụng đất liên tục ổn định và chấp hành các quy định về pháp luật đất đai. Đây là thể hiện quyền của Nhà nước, người đại diện sở hữu để giải quyết công nhận quyền sử dụng đất cho người đang trực tiếp sử dụng làm cơ sở để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, sau khi Ủy ban nhân dân các cấp có quyết định giải quyết tranh chấp đất đai nếu một trong các bên tranh chấp không đồng ý với quyết định đó thì có quyền khởi kiện tại tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Như vậy, nếu sau khi có sự xem xét định đoạt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, cơ quan tố tụng vẫn có quyền xem xét lại quyết định của Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền về quản lý đất đai. Do vậy, tôi đề nghị tại Điều 183 quy định tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết mọi tranh chấp đất đai. Xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan