Góp ý của ĐBQH Mã Điền Cư – Quảng Ngãi đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 14:59 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Tham gia thảo luận dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) tôi xin phát biểu tập trung chủ yếu về chính sách pháp luật đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Qua nghiên cứu Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các báo cáo nghiên cứu thực trạng quản lý và sử dụng đất đai vùng dân tộc thiểu số, tôi nhận thấy rằng sau 10 năm thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo không có đất ở, không có đất sản xuất, nhiều hộ đói nghèo, du canh du cư, di dân tự do hôm nay đã có nhà ở, đất sản xuất, cuộc sống ổn định hơn, đồng bào yên tâm sản xuất cùng nhau nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Những kết quả đạt được nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi cần khẳng định rằng nguyên nhân có ý nghĩa quan trọng và quyết định đó là Đảng và Nhà nước đã có chủ trương chỉ đạo giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, cũng sau 10 năm thực hiện chính sách đất đai đến nay vẫn còn trên 300.000 hộ dân tộc thiểu số nghèo không có đất ở, đất sản xuất. Vấn đề này cũng đồng nghĩa với việc một bộ phận không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số đang có cuộc sống nghèo khó thiếu thốn. Nhìn chung mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp nhiều so với nhóm dân tộc có trình độ phát triển.

Về vấn đề đất sản xuất một nguồn lực quan trọng nhất đối với đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng. Các hộ dân tộc thiểu số có đất vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn lực này.

Nguyên nhân hạn chế, tồn tại do cả khách quan và chủ quan. Nhân đây, tôi xin nêu một số nguyên nhân chính, đó là:

Các nhóm dân tộc thiểu số nhận thức hạn chế về các quyền đối với đất đai do họ quản lý và sử dụng.

Định mức hỗ trợ của một số quyết định chưa phù hợp với thực tiễn. Điều đáng quan tâm đó là công tác quản lý Nhà nước, chỉ đạo thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, bất cập và bộc lộ nhiều yếu kém.

Vấn đề đặc biệt quan tâm, đó là Luật Đất đai hiện hành chưa quy định về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và do tác động của cơ chế thị trường, nhiều hộ phải sang, nhượng, cầm cố, thế chấp đất sản xuất không có khả năng chuộc lại trở thành hộ không có đất sản xuất.

Trên cơ sở phân tích thực trạng và nguyên nhân trên, trên hết, tôi cơ bản đồng tình với dự thảo luật quy định về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số và tôi xin nhấn mạnh một số kiến nghị đề xuất sau:

Một là Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước về bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của dân tộc thiểu số trong lĩnh vực đất đai, có nghĩa là pháp luật cần quy định Nhà nước có chính sách bảo đảm về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp không có đất và thiếu đất sản xuất.

Tôi đề nghị quy định cụ thể trong luật miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và cộng đồng dân tộc thiểu số vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng biên giới và hải đảo.

Hai là nghiêm cấm thực hiện các giao dịch quyền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước hỗ trợ cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khi chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép.

Ba là nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cần tính đến quỹ đất cho đồng bào dân tộc  thiểu số, đặc biệt là nhóm nghèo và nhóm yếu thế ổn định sản xuất và đời sống.

Bốn là đề nghị xem xét đầy đủ các đặc điểm về sinh kế cư trú và quản lý đất đai của đồng bào dân tộc thiểu số trong bồi thường và tái định cư khi thu hồi đất cho mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng.

Năm, tôi đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cơ chế ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư đối với cá nhân và cộng đồng dân tộc thiểu số theo hướng đền bù đúng giá trị tài sản, đào tạo nghề, giải quyết việc làm bảo đảm thu nhập sau tái định cư.

Cuối cùng, đề nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể về quản lý sử dụng đất của cộng đồng gắn với vùng cư trú của đồng bào dân tộc thiểu số tại Khoản 3, Điều 5 của Luật đất đai (sửa đổi). Trên đây là một số ý kiến tôi xin tham gia sửa đổi Luật đất đai. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan