Góp ý của ĐBQH Nguyễn Thị Phúc – Bình Thuận đối với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thứ Sáu 14:55 21-12-2012


Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi tán thành sự cần thiết phải ban hành Luật đất đai (sửa đổi) nhằm khắc phục các hạn chế bất cập của luật hiện hành. Qua nghiên cứu dự thảo luật tôi xin thể hiện chính kiến và đề xuất một số vấn đề cụ thể như sau.

Một, về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, để khắc phục những hạn chế bất cập trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Luật đất đai hiện hành, tạo tính liên kết đồng bộ trong quy hoạch giữa các tỉnh, các vùng, góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch và mang tính khả thi cao. Tôi tán thành việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm 3 cấp: cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện, theo đó quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giữa các vùng kinh tế - xã hội được tính toán trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được chi tiết đến từng đơn vị hành chính cấp xã. Về kế hoạch sử dụng đất tôi tán thành quy định như dự thảo luật đã thể hiện, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh là 5 năm và có cụ thể từng năm, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là hàng năm.

Hai, về cơ chế thu hồi đất, tôi tán thành quy định nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt, tổ chức bồi thường hỗ trợ tái định cư tạo quỹ đất sạch, sau đó nhà nước giao đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Việc quy định như vậy sẽ giúp tăng nguồn thu từ đất, đảm bảo tính ổn định của pháp luật, giảm khiếu kiện về đất đai. Tuy nhiên Hiến pháp 1992 có nêu: nhà nước thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia. Do đó, tôi đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn những trường hợp thu hồi đất vì mục đích lợi ích công cộng và phát triển kinh tế, xã hội. Vì trong thực tế đã xuất hiện tình trạng lợi dụng việc thu hồi đất vì mục đích kinh tế vi phạm pháp luật về quản lý đất đai gây bức xúc trong nhân dân.

Ngoài ra qua tiếp xúc cử tri phản ánh nhiều trường hợp hộ gia đình khi bị thu hồi diện tích đất còn lại quá nhỏ, quá mỏng không thể làm gì được, đi thì tiếc mà ở lại thì không xong, xuất hiện nhiều nhà siêu mỏng không đảm bảo an toàn và cảnh quan đô thị. Do đó trong những trường hợp như vậy tôi đề nghị, luật cần quy định cụ thể việc thu hồi cả phần diện tích đất liền kề, công trình kết cấu hạ tầng, vùng phụ cận để tạo nguồn lực từ đất đai, đầu tư cho các công trình và bồi thường cho người có đất bị thu hồi, đồng thời ưu tiên cho người bị thu hồi đất được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất thu hồi mở rộng tại cùng khu vực.

Trường hợp người có đất được hưởng lợi từ việc triển khai các chương trình, dự án cụ thể là hưởng lợi do mở các tuyến đường, các hộ được ra mặt tiền do nhà nước đầu tư hạ tầng nên giá trị đất của các hộ tăng lên rất nhiều, thậm chí hàng trăm lần. Đề nghị trong những trường hợp này luật cần quy định một tỷ lệ nhất định người được hưởng lợi có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ với nhà nước hoặc như trong trường hợp triển khai các công trình, dự án theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, đã thực hiện đúng các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng thực tế có vài hộ không đồng tình, khiếu kiện kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Tôi đề nghị dự thảo luật cần quy định cơ chế cụ thể trong xử lý những trường hợp như vậy để chính quyền các cấp có cơ sở thực hiện thống nhất.

Một vấn đề thực tế đang xảy ra ở nhiều địa phương chưa có cơ chế tháo gỡ là thực hiện chủ trương của Đảng, nhà nước đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số về giao đất, tạo điều kiện cho các hộ sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên do những lý do khác nhau, nhiều hộ đã bán đất do nhà nước cấp, thậm chí được cấp và bán đến 2 - 3 lần. Để giải quyết vấn đề này đề nghị luật nên có cơ chế cụ thể tạo điều kiện cho các địa phương xử lý tốt vấn đề này.

Ba, về hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp tại Điều 114 của dự thảo luật có sửa đổi và quy định Điểm a, Khoản 1 không quá 3 ha cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Điểm b, Khoản 1 không quá 2 ha cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo tôi quy định như vậy là có sự phân biệt, đối xử và chênh lệch lợi ích đối với người nông dân giữa các tỉnh, thành, vùng, miền, nhất là các hộ sống liền kề giữa các vùng từng chung sống gần nhau, nhưng hộ ít, hộ nhiều. Nếu luật quy định như thế cũng sẽ rất dễ xảy ra tình trạng di dân tự do giữa các vùng.

Qua tiếp xúc đa số cử tri đồng thuận cho rằng hạn mức giao đất nông nghiệp quy định 3ha theo luật hiện hành là thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, cử tri Bình Thuận tha thiết kiến nghị Nhà nước cần nghiên cứu tăng thêm hạn mức giao đất nông nghiệp và theo như dự thảo luật đang trình thì nguyện vọng của cử tri chẳng những không được đáp ứng mà còn có nguy cơ chịu sự đối xử không bình đẳng và giảm xuống còn 2 ha để có sự công bằng giữa tất cả các vùng về hạn mức giao đất, tạo điều kiện cho các hộ đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất, mở rộng sản xuất đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa đối với nông nghiệp. Tôi đề nghị hạn mức giao đất nông nghiệp tại Điều 114 là 3 ha như luật hiện hành không phân biệt vùng, miền.

Bốn, về giá đất do Nhà nước quy định tại Điều 99 theo Luật đất đai hiện hành, giá đất được Nhà nước ban hành theo khung giá đất và bảng giá đất, nhưng sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường. Tuy nhiên, khi triển khai quy định này đã gặp nhiều điểm bất cập, tồn tại song song 2 hệ thống giá đất là giá đất nhà nước ban hành và giá đất thị trường. Trong đó giá đất nhà nước ban hành thường chỉ bằng 30 -70% so với giá đất thị trường, điều này dẫn tới nhiều bất cập, đặc biệt là khi nhà nước thu hồi đất. Vì vậy, để thực hiện ổn định về giá đất, hạng chế khiếu kiện của người dân tôi chọn phương án Chính phủ quy định khung giá đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng bảng giá đất để áp dụng cho tất cả các mục đích, không công bố bảng giá đất hàng năm nhưng điều chỉnh khi giá đất trên thị trường có sự biến động lớn. Tôi xin hết ý kiến, xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan